Vào nội dung chính
LỊCH SỬ

Khởi sự « năm Jaurès » tại Pháp : Nhân 100 năm lãnh tụ SFIO bị sát hại

Cách đây 100 năm, ngày 31/07/1914, Jean Jaurès – lãnh tụ phong trào cánh tả và một biểu tượng lớn của nền Cộng hòa Pháp – bị một kẻ dân tộc chủ nghĩa cực đoan sát hại, tại một quán cafe ở Paris. Ngày hôm sau, Đức tuyên chiến với Nga và chính quyền Pháp quyết định tổng động viên. Cuộc trưng bày về Jean Jaurès tại Viện Lưu trữ quốc gia Pháp khai mạc đầu tuần này (mở cửa đến 02/06/2014) là sự kiện mở màn cho năm kỷ niệm một thế kỷ nghị sĩ đảng Xã hội và người sáng lập báo Nhân đạo (l’Humanité) bị sát hại. Liệu con người qua đời trước Thế chiến thứ nhất còn mang lại điều gì cho những con người đầu thế kỷ XXI ?

Triển lãm về Jaurès tại Viện Lưu trữ Quốc gia. Trong ảnh, Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault. Trên tấm paneau là lời Jaurès : "Một ngày nào đó, có thể chúng ta sẽ bị hạ gục bởi một ai đó, người mà chúng ta muốn giải phóng. Nhưng điều đó không quan trọng!"
Triển lãm về Jaurès tại Viện Lưu trữ Quốc gia. Trong ảnh, Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault. Trên tấm paneau là lời Jaurès : "Một ngày nào đó, có thể chúng ta sẽ bị hạ gục bởi một ai đó, người mà chúng ta muốn giải phóng. Nhưng điều đó không quan trọng!" Ảnh AFP
Quảng cáo

Báo Le Monde nhân dịp này ra số đặc biệt mang tiêu đề « Jean Jaurès. Một nhà tiên tri xã hội chủ nghĩa ».

Nhà tiên tri xã hội chủ nghĩa

"Một thế kỷ trôi qua. Jaurès đã qua đời được một thế kỷ. Nếu thoạt nhìn, thế kỷ vừa qua có thể đưa con người này về hẳn với « thế giới của hôm qua », như lời của Stefan Zweig. Bị sát hại ngày 31/07/1914, Jaurès đã ra đi cùng với thế kỷ XIX. Ba ngày sau Đức tuyên bố chiến tranh với Pháp. Châu Âu bị lôi vào. Cả thế giới cuốn theo. Một thế kỷ mới mở ra.

Là người trước 1914, Jaurès có thể không còn gì để nói với những con người của năm 2014. Và dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông hay nhất thì cũng chỉ có thể là một thủ tục bắt buộc, một dịp kỷ niệm chỉ như là một quán tính. Nhưng hoàn toàn không phải vậy. Bởi Jaurès là một người đương thời với chúng ta. Thậm chí ta có thể nói ông còn đương thời hơn bao giờ hết. Vào giờ khắc mà cánh tả đặt câu hỏi về bản sắc của mình, vào lúc mà nền Cộng hòa đặt nhiều nghi vấn về chính mình, vào lúc mà lý tưởng tự nguyện thoái lui nhường chỗ cho quan điểm thực dụng, và vào lúc mà chủ nghĩa dân tộc khắp nơi đe dọa nền hòa bình thế giới, quay trở lại với ông là điều hiển nhiên.

Nếu như ông đã là con người của thế giới hôm qua, thì thế giới của chúng ta hôm nay sẽ sai lầm khi bỏ qua những trăn trở suy tư của ông. Làm thế nào để gắn kết giữa nguyên tắc bình đẳng và khát vọng hướng đến tự do ? Làm thế nào để suy nghĩ về tình huynh đệ giữa dân chúng các dân tộc, trong khi vẫn tôn trọng các quốc gia ? Làm thế nào bảo vệ sự cần thiết cải cách nhưng không từ bỏ hy vọng vào cách mạng ? Tất cả những câu hỏi đang tiếp tục được đặt ra ngày hôm nay, Jaurès đã từng cố gắng trả lời" (trích chuyên san của Le Monde).

Những kỷ vật nhắc đến một con người…

Magali Lascousse, người quản thủ Viện lưu trữ Quốc gia Pháp, đồng phụ trách cuộc triển lãm đặc biệt về Jean Jaurès, nhấn mạnh rằng, « với việc trưng bày không chỉ các tài liệu sách vở mà kể cả các đồ vật ông dùng, chúng tôi muốn hướng sự chú ý đến con người ông ».

Trong cuộc trưng bày nói trên, người xem có thể nhìn tận mắt bộ trang phục cuối cùng mà Jaurès mang vào ngày ông bị bắn. Chiếc bàn với mặt bằng đá hoa cương (được xếp vào di sản lịch sử) nơi ông ăn tối, là vật chứng nhắc lại biến cố bi thảm này.

Wikipedia

Jean Jaurès đến quán cafe Croissant, để dùng bữa tối cùng bạn hữu, trong khi ông đang gấp rút chuẩn bị ra một bài báo quyết định nhằm lên án thái độ sẵn sàng gây chiến của các lãnh đạo Châu Âu thời đó, khẳng định đến cùng chủ trương bảo vệ nền hòa bình. 21 giờ 40 phút, ông bị một viên đạn bắn vào đầu.

Người sát hại Jean Jaurès là Raoul Villain, một con người theo xu hướng dân tộc cực đoan có nhân cách bất ổn. Con người này mơ đến một sự trả thù của Pháp đối với Đức. Đối với Raoul Villain, Jean Jaurès – người có tư tưởng hòa bình - là một kẻ phản bội và cần phải bị trừng phạt.

Đảng Xã hội, mà Jaurès đã huy động tham gia vào một chiến dịch hòa bình, nhưng quyết liệt, để chống lại chiến tranh, không còn thủ lĩnh nữa. Sau khi Đức tuyên chiến với Nga, chính quyền Pháp ra lệnh tổng động viên. Đảng Xã hội liên minh với chính phủ « thống nhất quốc gia », được mệnh danh là « « Liên hiệp thần thánh ». Chiến tranh bùng nổ. Không còn bất cứ cơ hội nào để đàm phán cho một thỏa hiệp hòa bình.

Đôi nét về cuộc đời con người, đã trở thành một biểu tượng của nước Pháp, cả cánh tả, cũng như cánh hữu. Sinh năm 1859 trong một gia đình tư sản nghèo, bố là một tiểu chủ nghề nông, Jean Jaurès học xuất sắc. Ông thi đỗ vào trường Sư phạm và trở thành thạc sĩ triết học. Người thầy giáo triết học đã trúng cử vào Nghị viện Pháp năm 1885, với tư cách là nghị sĩ trẻ nhất nước. Hiểu rõ tầm quan trọng của nghề báo, ông đã viết bài từ rất sớm cho các tờ báo địa phương, đặc biệt là « La Dépêche » của Toulouse. Năm 1904, ông quyết định lập ra một tờ báo riêng, nhờ sự hỗ trợ của một số bạn hữu, thoạt tiên ông định đặt tên là « Ánh sáng », rồi « Thế kỷ XX », trước khi chọn tên báo "Nhân đạo".

Trong cuộc trưng bày tại Viện Lưu trữ Quốc gia, công chúng có thể thấy chiếc bàn làm việc của Jaurès tại báo Nhân đạo hay đĩa mực viết có hình con chim…

Cây viết – nhà hùng biện – người hành động vì Tiến bộ và Hòa bình

Jean Jaurès không chỉ viết, ông còn là một nhà hùng biện đầy sức cuốn hút. Con người được nhiều người hậu thế đánh giá là một hình tượng tiêu biểu của « chủ nghĩa xã hội nhân bản » đã đi khắp nơi để thấy tận mắt đời sống của công nhân, nông dân, mà ông đã đi cùng với họ trong các cuộc đấu tranh xã hội khốc liệt chống lại một giới chủ tàn bạo.

Năm 1908, Jaurès trở thành « thủ lĩnh thực sự » của chủ nghĩa xã hội Pháp. Tại đại hội Tours của SFIO (1905-1969), Phân bộ Pháp của Quốc tế Công nhân/tức « Quốc tế II » (SFIO là tiền thân của đảng Xã hội Pháp), đề xuất tổng hợp của ông đã được đa số đại biểu phê chuẩn. Cũng năm 1908, Jaurès ra tuyên bố chống lại án tử hình.

Quan điểm sử dụng các con đường hòa bình và hợp pháp của Jaurès để tranh đấu ngược hẳn với chủ trương của Jules Guesde, một lãnh tụ cánh tả Pháp nổi tiếng khác (về sự khác biệt này, có thể xem thêm « Le discours des deux méthodes, Jean Jaurès & Jules Guesde », Nxb Éditions Le Passager clandestin). Chủ trương "tổng bãi công quốc tế" để ngăn cản chiến tranh của Jaurès được đại hội đảng Xã hội Pháp thông qua giữa tháng 7/1914 (đúng theo tinh thần của Tuyên ngôn Bâle 1912 của Quốc tế II mà ông là một trong những người chấp bút), chỉ hai tuần trước khi ông bị ám sát.

Thế chiến thứ nhất chấm dứt, 10 năm sau khi ông mất, 31/07/1924, hạ viện Pháp bỏ phiếu thông qua quyết định đưa thi hài Jean Jaurès vào Panthéon, nơi yên nghỉ của các vĩ nhân của nền Cộng hòa.

Số báo đặc biệt của Le Monde dành cho Jean Jaurès nhấn mạnh. Jaurès là một tên tuổi đáng được đọc. Tuy nhiên, uy tín của ông không bắt buộc một sự ngưỡng mộ. Những trước tác của ông đáng được tranh luận, được nghi vấn, cũng như được phê phán. Nhìn nhận Jaurès như một người hành động, cũng như một đối tượng của hồi niệm, hay người tung ra các ý tưởng, ngọn nguồn của các tranh luận chính là mục tiêu của chuyên san « Một cuộc đời, một sự nghiệp » mà báo Le Monde dành cho « nhà tiên tri của chủ nghĩa xã hội » (trích Le Monde).

Trong chuyên san này, cùng với phần giới thiệu của các chuyên gia về tư tưởng gia - nhà hoạt động chính trị Jean Jaurès, còn nhiều hình ảnh, trích đoạn phát ngôn giúp cho công chúng rộng rãi hiểu về ông. Chuyên san của Le Monde cũng dành rất nhiều trang để dẫn lại các quan điểm hết sức khác nhau của những người nổi tiếng đương thời về Jaurès (cùng lời chú giải ngắn gọn), trong đó có Lênin, lãnh tụ đảng cộng sản Nga và quốc tế III...

"Ai đã giết Jaurès?"...

Năm 2014 là tròn 100 năm ngày bùng bổ chiến tranh thế giới thứ nhất, cũng là 100 năm Jaurès qua đời, tại Pháp, năm nay còn được gọi là « năm Jaurès ». Nhiều hoạt động diễn ra vào dịp này, đặc biệt từ nay cho đến tháng 7, tức dịp kỷ niệm tròn 100 năm ngày ông qua đời (quý vị có thể tham khảo thêm thông tin trên trang web của Fondation Jean Jeaurès).

Đặc biệt đáng chú ý có bộ phim tài liệu dựng lại biến cố 31/07/1914, « Qui a tué Jaurès ?» (Ai đã giết Jaurès ?), sẽ được công chiếu trên kênh truyền hình France 5 (thời điểm chưa xác định). Diễn viên chính thủ vai Jaurès là Philippe Torreton. Ông cũng là người từng đóng vai Jaurès trong một bộ phim truyền hình lịch sử cách đây 10 năm, « Jaurès, naissance d’un géant » (Jaurès, sự ra đời của một người khổng lồ).

« Ai đã giết Jaurès ? » cũng nhắc công chúng nhớ đến vở kịch nổi tiếng « Ils ont tué Jaurès ! », Claude Moreau đạo diễn, công diễn năm 1994 và đặc biệt vở kịch mới ra mắt hồi năm ngoái : « Jaurès, une voix pour la paix » (Jaurès, một tiếng nói vì hòa bình), cũng do C. Moreau đạo diễn. Vở kịch hoành tráng « Jaurès, một tiếng nói vì hòa bình » được dàn dựng tại chính Carmeaux (tỉnh Tarn, vùng trung Pyrénées), quê hương của phong trào bãi công nổi tiếng của những người thợ mỏ than (1892-1895), nơi Jaurès hai lần đắc cử dân biểu và nơi ông quyết định trở thành người xã hội chủ nghĩa.

Cũng liên quan đến phim về Jaurès, vào tháng 5 tới, còn có một bộ phim tài liệu khác trên Arte, « Jaurès, vue d’ici » (Jaurès, nhìn từ đây). Dựa vào các tài liệu lưu trữ, bộ phim phục dựng lại con người Jaurès bằng xương, bằng thịt, xuyên qua các đụng độ bạo liệt thời ông sống cho đến đêm trước cuộc Đại chiến...

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.