Vào nội dung chính
PHÁP - GIÁO DỤC

Giáo dục về bình đẳng « giới tính » : Một điểm nóng mới trong xã hội Pháp

Nhận thức về giới tính – câu chuyện liên quan trước hết đến giáo dục - đột ngột trở thành chủ đề nóng thu hút sự quan tâm của nhiều báo Pháp hôm nay. Điều gì khiến giáo dục về nhận thức « giới tính » và bình đẳng giới trong trường học Pháp dẫn đến căng thẳng này ?

Logo chương trình giáo dục bình đẳng giới. Ảnh : chính phủ Pháp
Logo chương trình giáo dục bình đẳng giới. Ảnh : chính phủ Pháp
Quảng cáo

Tờ báo phổ thông Le Parisien tóm lại vấn đề một cách sư phạm : « giới tính (nam hoặc nữ/le sexe) là bẩm sinh. Còn nhận thức về giới tính (le genre) là do giáo dục, môi trường, các chuẩn mực xã hội… và do các quan niệm mang tính khuôn mẫu về giới tính sinh học ».

Báo thiên tả Libération chạy trên trang nhất « ‘‘Lý thuyết’'' về giới tính : Cuộc chiến tranh trong trường học », tờ báo cho biết câu chuyện bắt đầu từ một tin đồn xuất phát từ giới cực hữu, khuyến khích học sinh bỏ học để phản đối. Tờ thiên hữu Le Figaro chạy tựa « Chính phủ mắc bẫy của lý thuyết về giới tính », nhấn mạnh việc Bộ trưởng Giáo dục đã « bác bỏ hoàn toàn lý thuyết về giới tính, các hiệp hội gia đình và cha mẹ học sinh yêu cầu giải trình » về chủ đề này.

Bài xã luận « Các mạng lưới tin đồn điên rồ chống lại trường học » của Le Monde thuật lại đầu đuôi sự việc. Một phong trào mang tên « những ngày rút trẻ em khỏi trường học » (JRE), do Farida Belghoul - một nhà hoạt động chính trị theo phái cực hữu – khởi xướng, lên án việc giảng dạy lý thuyết về nhận thức giới tính trong nhà trường, phủ nhận những khác biệt về giới tính giữa trẻ em nam và trẻ em nữ, xâm phạm đến phẩm cách của trẻ em. Các chỉ trích nhắm vào việc giảng dạy « nhận thức giới tính » khiến nhiều cha mẹ lo ngại, vì theo các giải thích của phong trào này, chương trình giáo dục mới liên quan đến chủ đề này trong nhà trường có mục tiêu « giáo dục về tình dục ngay từ cấp học mẫu giáo, khuyến khích thủ dâm và ca ngợi đồng tính luyến ái… ».

Bài viết « Lý thuyết về giới tính ở trường học : Cuộc tranh luận trở nên sâu rộng » trên Le Figaro cho biết hệ quả là hoạt động tại khoảng 100 trường công lập trong số 48.000 trường học bị cản trở, do việc cha mẹ không cho con đến trường, trong đó đa số trường hợp bỏ học là con em các gia đình theo đạo Hồi.

Vẫn theo Le Monde, làn sóng chỉ trích giáo dục trong lĩnh vực giới tính trong trường học Pháp kể trên trực tiếp nhắm vào chương trình « ABCD về sự bình đẳng » mà Bộ Giáo dục Pháp và Bộ Quyền Phụ nữ vừa bắt đầu áp dụng thí điểm tại mười khu vực kể từ năm học 2013-2014, với mục tiêu chống lại các định kiến về sự phân biệt con trai-con gái tại trường học, nhằm sửa chữa các bất bình đẳng giới ngay từ bậc học nhỏ nhất.

Bài « Trường học : một tin đồn duy nhất loại này » của Libération thông tin về việc, tại các buổi học-thực hành tại 600 lớp học, thuộc 275 trường học, từ bậc mẫu giáo lớn đến CM2 (tương đương lớp 5), học sinh bắt đầu học cách suy nghĩ về những định kiến liên quan đến giới tính. Cũng theo tờ báo, Bộ giáo dục Giáo dục bảo đảm với các cha mẹ rằng chương trình mới « chỉ nhằm giáo dục sự bình đẳng nam-nữ, giúp trẻ em tôn trọng nhau, chứ không lồng ghép thêm điều gì khác ».

Chương trình chống bất bình đẳng giới : những lo ngại và nhu cầu làm sáng tỏ

Liên quan đến chương trình giáo dục mới để chống lại sự bất bình đẳng về giới, tờ Le Parisien lo ngại : « Dù sao thì cũng phải đặt ra câu hỏi : với việc quá mức mong mỏi xóa bỏ các bất bình đẳng, liệu người ta có đi đến chỗ xóa bỏ hoàn toàn sự khác biệt giữa các giới tính ? ». Le Figaro đưa ra kinh nghiệm đặc biệt của Thụy Điển với các thực nghiệm xóa bỏ sự phân biệt nam nữ qua việc xóa bỏ các đại từ nhân xưng chỉ thị nam giới hay nữ giới « anh ấy » (han) hay « chị ấy » (hon) tại một số trường học, và việc đưa ra một đại từ nhân xưng phi giới tính (hen), đã được đưa vào từ điển bách khoa quốc gia năm 2012.

Về chủ đề này, Le Figaro có bài phỏng vấn nhà triết học Bérénice Levet với tựa đề « Lý thuyết về giới biến trường học thành một cỗ máy ». Nhà triết học nghi ngờ rằng chính phủ có thể sử dụng « cuộc chiến tiêu diệt các định kiến » vào việc triệt hạ các tiếng nói khác biệt. Điều đặc biệt khiến nhà triết học lo ngại là cuộc chiến này cùng lúc có thể « hủy bỏ toàn bộ di sản văn hóa » của nước Pháp, bởi « trong bối cảnh này, bất cứ tác phẩm văn học, nghệ thuật hay điện ảnh nào cũng có nguy cơ bị kết tội kỳ thị giới tính (sexisme) ».

Để hiểu thêm về cuộc chiến chống bất bình đẳng nam-nữ và điều được gọi là « lý thuyết về nhận thức giới tính » trong dư luận, Libération có bài phỏng vấn nhà chính trị học Frédérique Matonti. Theo vị giáo sư đại học Paris-1, thì « không tồn tại một lý thuyết về nhận thức giới tính » nói chung. Điều mà nhà chính trị học muốn nhấn mạnh là việc tạo ra « khái niệm ''genre''/nhận thức về giới tính » đã mang lại một thành quả quan trọng. Đây là khái niệm cho phép nhận biết được những phân biệt giữa nam và nữ được xây dựng như thế nào về mặt xã hội, dựa trên các khác biệt về giới mang tính sinh học sẵn có. Chương trình giáo dục « ABCD về bình đẳng » vừa được áp dụng là « một cách thức để khuyến khích cha mẹ và trẻ em đừng để cho mình bị sai khiến bởi những quan niệm sẵn có mang tính áp đặt về giới tính ». Theo nhà chính trị học, « việc nhận thức về giới tính như là một quan hệ xã hội cần được giảng dậy để chống lại tình trạng bất bình đẳng nam nữ ».

Le Monde có bài phỏng vấn nhà xã hội học François Dubet, một chuyên gia về bất bình đẳng trong trường học, với tựa đề « Tẩy chay trường học : ‘‘Khi thiếu thông tin, thì tin đồn ập đến'' », cũng đưa ra lời khuyến cáo các cơ quan hữu trách cần giải thích rõ hơn về những chương trình được giảng dậy. François Dubet nhắc lại truyền thống giáo dục rất có uy tín của nước Pháp thời Đệ tam cộng hòa cuối thế kỷ 19, với tên gọi tắt « Nhà trường của Jules Ferry », khuyến khích một phương thức giáo dục gần gũi, trong đó nhà giáo hội nhập với đời sống của các cư dân địa phương nơi họ giảng dậy, và nhà giáo có thể thuyết phục được các cha mẹ học sinh.

Trung Quốc : Những giới hạn của cuộc chiến chống tham nhũng

Nhìn về Châu Á, tờ La Croix chú ý đến cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc qua bài « Chương trình chống tham nhũng của Trung Quốc có những giới hạn ». Bài báo đối chiếu những thành tích của cuộc chiến chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng cách đây một năm, đụng chạm đến 200.000 giới chức của đảng (năm 2013) với những tiết lộ mới đây về hàng tỷ đô la mà nhiều lãnh đạo và thân nhân của họ cất giấu tại các thiên đường trốn thuế. Trong số 22.000 khách hàng gốc Trung Quốc và Hồng Kông, có các con của Đặng Tiểu Bình, các cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, hay cựu Thủ tướng Lý Bằng, Ôn Gia Bảo, và đặc biệt là chị cả của đương kim Chủ tịch Tập Cận Bình.

Một nhà báo thuộc một nhật báo chính thức của đảng Cộng sản cho biết « Tất cả các nhà báo Trung Quốc đều biết về các thủ thuật tài chính của gia đình các lãnh đạo của đảng, nhưng chúng tôi không có quyền nói và nhất là không có quyền viết, nếu mạo hiểm thì rất chắc chắn là sẽ bị đi tù ». Cũng theo người này, dân chúng Trung Quốc có thể tìm đọc về chủ đề này bằng cách lách tường lửa, nhưng đa số không tưởng tượng được những khối tài sản khổng lồ có liên quan.

Chủ nhật trước, nhà hoạt động nhân quyền, luật sư Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), người khởi xướng phong trào Công dân mới, chống tham nhũng yêu cầu các lãnh đạo công khai tài sản, đã bị kết án 4 năm tù. Hơn mười nhà tranh đấu khác sắp bị đưa ra tòa. Theo Amesty International, chính quyền Trung Quốc hiện đang thi hành một chính sách « giả dối », vừa kêu gọi chống tham nhũng, vừa bắt bớ và kết án các nhà tranh đấu chống tham nhũng.

Khủng hoảng Ukraina : Cần khuyến khích đối thoại

Về thời sự Châu Âu, tình hình nóng bỏng của cuộc khủng hoảng tại Ukraina đang có chiều hướng đi đến một giải pháp chính trị ít thu hút sự chú ý của báo giới Pháp hôm nay hơn. Le Monde có bài phỏng vấn ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski, với tựa đề « Ukraina : Chúng ta cần khuyến khích đối lập và chính phủ nói chuyện với nhau ». Chủ đề Ukraina –nước láng giềng với Ba Lan - là một chủ đề chính trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Ba Lan và Tổng thống Pháp trong cuộc hội đàm hôm qua tại Paris. Khả năng chính quyền Ukraina sử dụng sức mạnh để chấm dứt khủng hoảng vẫn treo lơ lửng, nhưng chừng nào chính quyền và đối lập còn đối thoại, thì theo Ngoại trưởng Ba Lan Phương Tây không nên áp dụng các trừng phạt đối với Ukraina, trong một bối cảnh như vậy đe dọa trừng phạt có hiệu quả hơn là trừng phạt.

Hợp tác đặc biệt về quốc phòng Pháp – Anh

Cũng liên quan đến Châu Âu, hợp tác Pháp – Anh về quốc phòng là một chủ đề chính. « Chia rẽ về Châu Âu, Paris và Luân Đôn tiến lên trong quốc phòng » là tựa đề bài phân tích trên Les Echos. Ngày hôm nay, Tổng thống Pháp sẽ hội kiến với Thủ tướng Anh tại vùng Oxford. Theo một cố vấn của tổng thống Pháp, đây là lần đầu tiên Pháp và Anh thỏa thuận được một hợp tác thực sự quan trọng về phát triển vũ khí.

Các nội dung được bàn đến trong hội nghị thượng đỉnh về quốc phòng Pháp – Anh liên quan đến một loạt lĩnh vực như dự án máy bay chiến đấu không người lái, thế hệ tiếp theo Rafal và eurofighter, chương trình ANL hỏa tiễn chống hạm loại nhẹ, một tên lửa phòng không thế hệ mới Aster 30, và xe thiết giáp VBCI,… Pháp và Anh cũng dự kiến sẽ phát triển một lực lượng chiến đấu chung có thể đi vào hoạt động từ năm 2016. Đây cũng là quan tâm của Đan Mạch. Hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự cũng là chủ đề quan trọng của hội nghị này.

Sự hồi phục vững chắc của kinh tế Hoa Kỳ

Về thời sự quốc tế, sự hồi phục của nền kinh tế Hoa Kỳ cũng là một chủ đề chính. Báo Les Echos có bài : « Kinh tế Mỹ tăng trưởng nhờ tiêu thụ và xuất khẩu ». Les Echos ghi nhận mức tăng trưởng 3,7% vào nửa hai của năm 2013 là mức tăng tốt nhất của Hoa Kỳ trong vòng 10 năm nay. Cũng về chủ đề này phụ trương kinh tế Le Figaro ghi nhận « Hoa Kỳ : xu thế tăng trưởng vững chắc được khẳng định », với số liệu được đưa ra là 3,2% vào quý bốn 2013.

Cũng về kinh tế Mỹ, Le Figaro cho biết Hạ viện Hoa Kỳ có thái độ cản trở hai thương thuyết thương mại chủ yếu của tổng thống Obama. Thương thuyết thứ nhất là Hiệp ước đối tác xuyên thái bình dương (TPP) với 12 đối tác Châu Á trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, dự kiến phải đạt được vào cuối năm ngoái. Thương thuyết thứ hai là Hiệp định thương mại và đầu tư xuyên đại tây dương với Châu Âu (TTUP) được khởi động từ hè năm ngoái.

Biến đổi khí hậu : Cơ chế nào khiến thiên tai trở nên nghiêm trọng hơn ? 

Liên quan đến môi trường, trong bối cảnh tác động của việc trái đất nóng lên đến thiên tai vẫn còn gây nhiều nghi hoặc trong dư luận, báo Libération giới thiệu hai nghiên cứu mới, lần đầu tiên cho thấy việc biến đổi khí hậu khiến các thiên tai trở nên thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn như thế nào. « Cơ chế của các thảm họa » là tựa đề của bài viết.

Nghiên cứu đầu tiên phân tích mối liên hệ giữa các đợt nóng lặp đi lặp lại trong các mùa hè từ 30 năm trở lại đây với việc diện tích băng tại Bắc và Nam Cực liên tục thu hẹp. Nghiên cứu thứ hai chỉ ra tần suất xuất hiện có xu hướng tăng gấp đôi của các hiện tượng El Nino (chuyển động dữ dội của gió và nước biển) cực đại tại vùng Thái Bình Dương nhiệt đới, từ 20 năm một lần vào thế kỷ trước đến 10 năm một lần trong thế kỷ này. Hiện tượng El Nino cực đại gây cản trở nghiêm trọng đối với các hệ sinh thái, tác động mạnh đến các xã hội con người.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.