Vào nội dung chính
PHÁP

Hollande - Gayet : Ranh giới công – tư bị lu mờ hay âm mưu chính trị ?

Mối quan hệ "bí mật" Hollande - Gayet và buổi họp báo quan trọng thứ ba của tổng thống Pháp là mối bận tâm chính trên các tờ báo lớn của Pháp hôm nay 14/01/2014. Vào cuối giờ chiều nay, giờ địa phương, tại điện Elysée, ông François Hollande có buổi họp báo trước 600 phóng viên, để làm sáng tỏ đường lối chính sách kinh tế- chính trị-xã hội trong năm 2014, sau một năm đầy biến động.

Diễn viên Julie Gayet và Tổng thống François Hollande (Ảnh ghép - DR)
Diễn viên Julie Gayet và Tổng thống François Hollande (Ảnh ghép - DR)
Quảng cáo

Hầu hết các tít lớn trên trang nhất các báo đều quan tâm đến « Thỏa ước trách nhiệm » mà ông Hollande đã đưa ra trong lời chúc đầu năm 2014 nhằm vực dậy nền kinh tế đất nước. « Trông đợi vào sự ‘biến chuyển’ của Hollande » là hàng tít lớn trên nhất nhật báo cánh hữu Le Figaro. « Thỏa ước trách nhiệm : những gì giới chủ mong muốn » là quan sát của nhật báo Công giáo La Croix. Tờ báo dẫn lời giải thích của bốn chủ nhân doanh nghiệp về những gì họ mong mỏi từ tổng thống.

Đối với nhật báo kinh tế Les Echos, « Hollande phải giải đáp 10 câu hỏi » liên quan đến các vấn đề như giảm nhẹ các khoản đóng góp xã hội cho doanh nghiệp, giảm chi tiêu công, điều chỉnh lại chính sách thuế khóa, giảm thất nghiệp… Tờ báo cho rằng các câu trả lời của ông Hollande có thể sẽ có những hậu quả nặng nề cho người dân Pháp.

Duy chỉ có nhật báo cộng sản L’Humanité tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của thỏa ước trên khi chạy tít « François Hollande : Hướng tự do đó sẽ không đạt được ». Những đề xuất về kinh tế của tổng thống Pháp đang tạo ra sự bất mãn, kể cả ngay trong lòng chính đảng Xã hội cầm quyền. Tờ báo trích dẫn nhận định của nhiều cảm tình viên để minh chứng cho nhận định của mình.

Ranh giới công- tư : đâu là cương vị của Đệ nhất phu nhân Pháp ?

Bên cạnh việc phản ảnh lại những mong mỏi của giới chủ và người dân Pháp trong buổi họp báo quan trọng hôm nay, đa số các báo Pháp đều có chung nhận định là vụ tiết lộ mối quan hệ tình ái bí mật giữa tổng thống Pháp với cô diễn viên Julie Gayet có thể làm nhiễu cuộc buổi họp báo lần này. Vấn đề này chắc chắn cũng sẽ được giới phóng viên đề cập đến. Nhiều báo Pháp không ngần ngại đặt vấn đề về cương vị của bà Valerie Trierweiler, bạn đời chính thức hiện nay của Tổng thống như hàng tít nhận định trên tờ thiên tả Libération : « Đệ nhất phu nhân : Một vấn đề về cương vị ». Việc bà Trierweiler ngay từ đầu từ chối đảm nhiệm vai trò đại diện truyền thống đã khiến cho vị thế đệ nhất phu nhân của bà như đang đứng trên « đôi chân bằng thạch cao » như hàng tựa nhận định của bài viết trên trang hai. Đâu là « Ranh giới » giữa công và tư, như tựa đề bài xã luận của Libération. Bài viết cho rằng vụ việc lần này cũng có phần trách nhiệm của Hollande và Trierweiler. Từ lâu nay, cả hai người đã làm cho biên giới công –tư trở nên không rõ ràng. Nếu như việc khép lại hồi « tình ái » bí mật thuộc về trách nhiệm của ông Hollande, thì giới chính khách sẽ không bỏ qua về vấn đề cương vị của bạn đời tổng thống. Từ đó, bài viết cho rằng, giải pháp bảo vệ đầu tiên đời sống riêng của các đời tổng thống tiếp theo nằm ở việc phải tách biệt nghiêm ngặt vai trò và chức năng của từng người.

Tiết lộ « Hollande/Gayet » : một âm mưu chính trị ?

Về phần mình, nhật báo Le Monde trong bài đề tựa « Vụ việc đang làm suy yếu François Hollande », đã đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh các tiết lộ đời sống riêng tư của tổng thống.

Ngoài việc làm sáng tỏ một loạt các nghi vấn như ai là chủ nhân thật sự căn hộ, có hay không mối quan hệ giữa người thuê và băng đảng mafia Corse, liệu có kẽ hở trong công tác bảo vệ an ninh cho tổng thống hay không…, Le Monde đặc biệt tập trung điều tra làm thế nào tờ báo lá cải « Closer » lại có thể biết được sự việc và lộ trình của tổng thống.

Le Monde tỏ ra nghi ngờ chính những thân cận của cựu tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy hiện vẫn giữ những vị trí quan trọng trong ngành cảnh sát, tại điện Elysée, nhất là tại bộ phận GSPR- bộ phận chuyên trách an ninh cho tổng thống đã cung cấp các thông tin về đời tư ông Hollande cho « Closer ». Tờ báo nhắc lại rằng từ đời tổng thống Jacques Chirac cho đến ông Nicolas Sarkozy, ai cũng có một mạng lưới nhân sự thân tín riêng ngay trong ngành an ninh. Dù không còn là chủ nhân của điện Elysée nữa, nhưng ông Sarkozy vẫn duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ từ mạng lưới này.

Vấn đề là khi nhận nhiệm kỳ tổng thống, ông François Hollande đã không muốn thiết lập một mạng lưới thân tín riêng cho mình như các đời tổng thống trước. Tờ báo cho hay vụ một con trai của Valérie Trierweiler đã bị cảnh sát gọi lên chất vấn vì có mua ít cần sa cũng do chính tờ báo lá cải « Closer » tiết lộ. Báo cáo của cảnh sát nhanh chóng bị rò rỉ, và cặp đôi Hollande-Trierweiler cũng đã thấy ngay qua vụ việc lần đó hoạt động ngầm của mạng lưới ủng hộ Sarkozy.

Ba bài học từ « mùa xuân Ả Rập »

Cũng ngày này cách đây ba năm 14/01/2011, tổng thống Ben Ali bị lật đổ phải vội vã bay sang Djedda, thuộc Ả Rập Xê Út để tỵ nạn. Từ Tunisia, cuộc cách mạng năm đó đã lan sang các quốc gia khác đi từ Algeri, cho đến Ai Cập, đi qua Libya và Syria. Thế nhưng, theo quan sát của Le Monde, ba năm sau, cuộc cách mạng « mùa xuân Ả Rập » giờ đã chuyển thành một cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng hệ phái giữa một Ả Rập Xê Út theo phái Sunni và Iran theo hệ phái Si-ai.

Quả thật sau ba năm, cuộc cách mạng đó vẫn chưa có hồi kết thúc. Tunisia vẫn tiếp tục cuộc chiến đơn lẻ nhằm duy trì hy vọng dân chủ. Ai Cập lại tiếp tục rơi vào tay các nhà độc tài. Libya vẫn trong vòng hỗn độn. Còn Syria thì lao vào xâu xé lẫn nhau trong cuộc nội chiến huyh đệ tương tàn. Từ bức tranh « mùa xuân Ả Rập » phức tạp này, bài xã luận trên Le Monde rút ra ba bài học cần suy ngẫm.

Thứ nhất, không nên vội vã đưa ra phán xét. Bởi vì thế giới Ả Rập hiện nay đang trong giai đoạn biến đổi sâu sắc. Tất cả mọi thứ rồi sẽ không còn như trước nữa. Khát vọng về nhân phẩm sẽ không bao giờ bị biến mất, nó có thể tạm thời bị bóp nghẹt, nhưng sẽ không thể lụi tàn. Nếu như giới quân sự tại Ai Cập nghĩ rằng có thể làm sống lại chế độ cũ thì họ sẽ phải trả giá cho hành động đó. Tương tự như những gì đang xảy ra tại Syria. Vì những gì giới cầm quyền đang làm là chống lại chính một bộ phận dân tộc mình.

Bài học thứ hai là đừng bao giờ hy vọng hão huyền vào khả năng gây áp lực lên các sự kiện từ phương Tây. Bởi vì khả năng đó rất ư là hạn chế. Tờ báo nhắc rằng chính giới quân đội bỏ rơi ông Moubarak chứ không phải là ông Obama. Hay như tại Syria, rất có thể là phương Tây, nhất là Hoa Kỳ đã xử lý kém tình trạng khủng hoảng. Nhưng đó chẳng phải là do địa bàn quá phức tạp, bị chia rẽ sâu sắc đã hạn chế khả năng hành động của họ hay sao ?

Cuối cùng, bài học thứ ba cho thấy rõ là người dân Ả Rập đang làm chủ định mệnh của mình. Định mệnh đó lại bị giam hãm trong một cuộc chiến tôn giáo như đã từng diễn ra tại châu Âu trong giai đoạn thế kỷ XVI-XVII. Giờ đây, cuộc chiến ngay trong lòng đạo Hồi cho thấy rõ tham vọng của hai cường quốc trong khu vực là Ả Rập Xê Út và Iran.

Trên bình diện kinh tế, Les Echos nhận thấy rằng « Ba năm sau ‘Mùa xuân Ả rập’ : các nền kinh tế Bắc Phi vẫn luôn vật vã ». Các nhà đầu tư nước ngoài lần lượt rút lui do tình trạng bất ổn chính trị và xã hội kéo dà, khiến cho tăng trưởng kinh tế không đủ sức đáp ứng áp lực dân số và căng thẳng xã hội.

Bắc Triều Tiên : Yongbyon, lò phản ứng hạt nhân gây lo sợ

Thời sự châu Á khá hiếm hoi trên các mặt báo Pháp sáng nay. Về tình hình Đông Bắc Á, nhật báo Le Figaro có bài nhận định đáng chú ý về hồ sơ hạt nhân tại Bắc Triều Tiên. Theo tờ báo, mối đe dọa đáng bận tâm nhất tại quốc gia khép kín nhất đến từ tình trạng cũ ký hư nát đến thảm hại của trung tâm hạt nhân Yongbyon chứ không phải từ kho vũ khí hạt nhân nghèo nàn của chế độ. Điều bất thường là lời báo động lần này lại do chính các chuyên gia Nga đưa ra.

« Yongbyon, trung tâm hạt nhân của nỗi sợ » là hàng tựa nhận định của Le Figaro. Theo xác nhận của một nguồn tin ngoại giao Nga đưa ra hồi tháng Chín năm vừa qua (2013), « Lò phản ứng hạt nhân hiện đang trong một tình trạng rất đáng sợ ». Việc tái khởi động trung tâm này « rất có thể kéo theo những hậu quả khủng khiếp cho toàn bán đảo Triều Tiên, thậm chí là thảm họa cho nhân loại », tệ hơn cả thảm họa Fukushima hay Tchernobyl, theo đánh giá của nhiều chuyên gia.

Theo giải thích của một vị giáo sư tại Viện hạt nhân, thuộc trường đại học quốc gia danh tiếng Seoul, vấn đề mấu chốt ở chỗ, Bình Nhưỡng sử dụng grafit đã qua sử dụng, vốn dễ gây cháy để làm làm chậm các neutron chứ không phải bằng nước như phần đông các lò hạt nhân vẫn còn đang hoạt động hiện nay.

Trong khi đó, theo nguyên tắc cứ mỗi mười năm phải thay grafit. Giáo sư Peter Hayes, chuyên gia tại Royal Melbourne Institute of Technology cho hay những quốc gia nào vẫn còn sử dụng công nghệ cũ kỹ này, “sớm hay muộn gì cũng phải đối mặt với một trận hỏa hoạn. Yongbyon hội đủ mọi thành phần cho một thảm họa hoàn toàn ». Chỉ cần một tia lửa nhỏ thôi cũng đủ làm bốc hỏa cả trung tâm hạt nhân và các kỹ sư sẽ không làm chủ được tình hình.

Tuy nhiên, Le Figaro cũng nhận thấy là vấn đề an toàn tại Yongbyon vẫn là một lỗ hổng lớn trong các cuộc đàm phán ngoại giao. Các cường quốc trong khu vực hầu như cố ý phớt lờ, do e ngại sẽ gây thêm rắc rối cho quá trình đàm phán. Tệ hơn nữa, Bình Nhưỡng có thể dùng lá bài thảm họa nhân loại và môi trường để phá vỡ trạng thái cô lập ngoại giao và mặc cả với các quốc gia láng giềng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.