Vào nội dung chính
BRAZIL

Hợp đồng chiến đấu cơ : Brazil chọn Thụy Điển thay vì Pháp

Hôm qua 18/12/2013, Brazil loan báo đã chọn lựa trang bị cho Không quân nước này loại phi cơ tiêm kích Gripen NG của Thụy Điển, thay vì Rafale của Pháp hay F/A-18 của Mỹ. Trước thất bại mới này của Rafale, tập đoàn Dassault (Pháp) chỉ còn hy vọng vào một hợp đồng khổng lồ với Ấn Độ.

Phi cơ chiến đấu Gripen do tập đoàn Thụy Điển Saab chế tạo - AFP / Patrick Tragardh
Phi cơ chiến đấu Gripen do tập đoàn Thụy Điển Saab chế tạo - AFP / Patrick Tragardh
Quảng cáo

Thông báo của Brazil đã kết thúc mười năm thương lượng với Pháp, cho dù Tổng thống François Hollande vừa thăm Brasilia tuần trước, và Rafale được xem là chiểm thế thượng phong về kỹ thuật. Yếu tố giá cả đã đóng vai trò quyết định trong sự chọn lựa của Brazil, trong thời buổi thắt lưng buộc bụng.

Brazil sẽ đặt mua của tập đoàn Saab (Thụy Điển) 36 máy bay tiêm kích trị giá 5 tỉ đô la, để thay thế phi đội Mirage 2000. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Brazil Celso Amorim, thì chính phủ nước này đã cân nhắc ba tiêu chuẩn : chuyển giao kỹ thuật, giá cả và chi phí bảo trì.

Một trong những đòi hỏi chủ yếu của phía Brazil là phải chuyển giao toàn bộ kỹ thuật, với mục tiêu sau này có thể tự sản xuất chiến đấu cơ trong nước, và triển khai ngành công nghiệp quốc phòng. Về mặt này, chiếc Rafale của Pháp hoàn toàn có ưu thế. Tuy nhiên điểm yếu của Rafale là giá cả : đây là kiểu máy bay đắt tiền nhất, mắc gấp đôi so với đối thủ Thụy Điển.

Người đứng đầu tập đoàn Dassault bày tỏ sự thất vọng, vì « lý do tài chính đã được đặt lên trên hết, không tính đến quan hệ giá thành và hiệu quả, cũng như trình độ kỹ thuật tân tiến. Chúng tôi rất tiếc về việc chọn lựa Gripen vốn có nhiều thiết bị từ nước thứ ba. Chỉ có một động cơ, Gripen không thể so sánh với Rafale về hiệu quả ».

Tuy vậy trong thời kỳ mà nhiều quân đội bị siết chặt ngân sách, giá cả là hạn chế lớn nhất của Rafale, dù được đánh giá cao về kỹ thuật hiện đại. Bản thân quân đội Pháp cũng giảm số lượng đặt hàng, khiến việc xuất khẩu trở nên hết sức quan trọng cho Dassault. Những năm gần đây, Rafale liên tiếp thất bại tại các nước vốn là khách hàng truyền thống của Mỹ như Hàn Quốc, Hà Lan, Singapore, Ả Rập Xê Út…

Mọi hy vọng bây giờ chỉ còn đặt vào Ấn Độ, với đơn đặt hàng khổng lồ 126 chiến đấu cơ Rafale trị giá trên 12 tỉ đô la, và có thể lên đến 189 chiếc. Nhưng cái chết của nhà thương thảo chính Ấn Độ đã làm tăng thêm sự lo lắng cho số phận « hợp đồng thế kỷ » này của kiểu phi cơ tiêm kích tiên tiến nhưng thiếu may mắn của Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.