Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Lễ Đăng Quang Mùa Xuân tròn 100 tuổi

Đăng ngày:

Trong khuôn khổ năm Việt-Pháp, vở múa Le Sacre du Printemps (Lễ Đăng Quang Mùa Xuân) sẽ được đem sang Việt Nam biểu diễn vào cuối tháng Sáu năm 2013. Do nhạc sĩ người Nga Igor Stravinsky sáng tác, đây là một trong những tác phẩm kinh điển của thế kỷ XX. Năm nay, vở múa cũng tròn 100 tuổi, vì tác phẩm đã được diễn lần đầu tiên tại nhà hát Champs Élysées, Paris vào ngày 29/05/1913, tức cách đây một thế kỷ.

Le Sacre du Printemps - Lễ đăng quang mùa xuân, phiên bản của ông Jean Claude Gallotta  tại nhà hát Champs Élysées (@Ulli Weis)
Le Sacre du Printemps - Lễ đăng quang mùa xuân, phiên bản của ông Jean Claude Gallotta tại nhà hát Champs Élysées (@Ulli Weis)
Quảng cáo

Trong chương trình chính thức, vở múa Le Sacre du Printemps được ghi trong tiếng Việt là Nghi Lễ Mùa Xuân, gần giống với tiếng Nga Весна священная và cách dịch tiếng Anh là The Rite of Spring. Đây là một trong những tên gọi thông dụng nhất. Nhưng vào năm 1913, báo chí Anh Mỹ thời bấy giờ đã dịch tựa đề tác phẩm này là The Coronation of Spring, gần sát với ý nghĩa của ngày đăng quang trong nguyên tác Le Sacre du Printemps.

Vở múa này tính đến nay đã có hàng chục phiên bản. Người đầu tiên dựng tác phẩm này trên sân khấu là nhà biên đạo múa Nijinski vào năm 1913. Sau ông, hàng loạt tên tuổi khác của làng múa quốc tế đã thử nghiệm với tác phẩm. Trong các phiên bản đáng ghi nhớ nhất có vở múa của Maurice Béjart (1959), Pina Bausch (1975), Paul Taylor (1980), Martha Graham (1984), Jorge Lefebre (1988), Marie Chouinard (1993), Régis Obadia (2003), Heddy Maalem (2004), Xavier Le Roy (2007), và gần đây hơn có vở múa của Jean-Claude Gallotta (2011).

Năm nay 63 tuổi, ông Jean Claude Gallotta từng tốt nghiệp trường Mỹ thuật thành phố Grenoble. Sau khi ra trường, ông chọn nghề múa ban đầu là diễn viên rồi sau đó chuyển qua ngành biên đạo vì ông đam mê các điệu múa ba lê và thiết hài (tap dance). Thời thanh niên, ông sang New York tầm sư học đạo, thầy của ông là nhà biên đạo múa Merce Cunnigham, được xem như là cánh chim đầu đàn của nghệ thuật múa đương đại.

Ông Jean Claude Gallotta hiện là giám đốc Trung tâm Quốc gia Nghệ thuật Biên đạo múa ở thành phố Grenoble. Đoàn múa của trung tâm này sẽ đến Việt Nam biểu diễn : ngày 27 tháng 6 tại Hà Nội rồi sau đó là 29 tháng 6 tại Sài Gòn. Phiên bản Lễ Đăng Quang Mùa Xuân của nhà biên đạo múa Jean Claude Gallotta được diễn lần đầu tiên tại Paris vào tháng Tư năm 2012, và sau đó đã đi vòng quanh nước Pháp, rồi được đưa sang nước ngoài.

Được phóng tác từ vở múa Le Sacre du Printemps, phiên bản của Jean Claude Gallotta độc đáo ở chỗ ông tìm được một ngôn ngữ múa riêng biệt, khác hẳn với các phiên bản của những người đi trước. Các diễn viên múa thường có những động tác gần sát với mặt đất, họ tựa như những gốc cây cần có mùa xuân để làm bật dậy nhựa tươi sức sống.

Ẩn dụ này được nhân lên gấp đôi khi mà hai hình tượng của mùa xuân và của tác giả Stravinsky được nhập lại thành một : trên sân khấu, các diễn viên múa theo rung động như dây đàn diễn đạt cảm xúc. Mỗi người tựa như là một nhạc khí, phối hợp lại với nhau thành một bản giao hưởng dồn dập lôi cuốn. Ông Gallotta còn mở ra một cuộc đối thoại giữa thời xưa và thời nay, qua việc dựng phần mở đầu để dần dần đưa người xem vào thế giới âm nhạc của Stravinsky mà không hề có gián đoạn.

Điều mà nhà biên đạo múa muốn gửi gấm đến người xem có lẽ là tính chất hiện đại nếu không nói là tiên phong trong tác phẩm Lễ Đăng Quang Mùa Xuân. Tiên phong đến nỗi cách đây một thế kỷ, khi được diễn lần đầu tiên tại Paris, vở múa đã vướng phải búa rìu của dư luận, gây ra nhiều tai tiếng, tranh cãi, và chỉ với thời gian mới được công nhận là một tác phẩm để đời. Về phần nhà biên đạo múa Jean Claude Gallotta, ông cho biết những kỷ niệm của riêng mình với vở múa Le Sacre du Printemps.

Tôi đã khám phá lại tác phẩm của Stravinsky qua tài nghệ chơi đàn của nghệ sĩ Frank Zappa. Tôi dùng chữ khám phá lại bởi vì lần đầu tiên tôi được nghe tác phẩm Le Sacre du Printemps (Lễ Đăng Quang Mùa Xuân) của Igor Stravinsky là vào thời niên thiếu. Lúc đó, tôi học trường nội trú ở thành phố Grenoble, và trong lớp dạy nhạc, thầy của tôi thường cho các học sinh nghe tác phẩm này.

Mỗi lần tôi được nghe Stravinsky, tôi lại ở trong trạng thái mê mẫn mơ mộng, bởi vì dòng nhạc của ông gợi lên trong tâm trí của tôi thế giới của phim ảnh. Đối với tôi, âm nhạc Stravinsky có một nét gì đó rất tượng hình và có tác dụng như một nền nhạc phim. Dường như không phải chỉ có một mình tôi mới cảm nhận được điều đó, bởi vì nhiều nhạc sĩ đã gợi hứng từ Stravinsky để sáng tác nhạc phim. Tôi nghĩ tới lối soạn nhạc của Leonard Berstein cho bộ phim West Side Story hay lối soạn nhạc của Bernard Herrmann cho bộ phim Vertigo của đạo diễn Alfred Hitchcock. (LTS : Bộ phim này trong tiếng Pháp mang tựa đề Sueurs Froides Mồ hôi lạnh, được chuyển thể từ tiểu thuyết của hai nhà văn Pháp Pierre Boileau và Thomas Narcejac).

Đến khi tôi lớn lên, thì tôi mới khám phá tác phẩm của Stravinsky qua cách chơi đàn của Frank Zappa. Sinh thời, nghệ sĩ người Mỹ Frank Zappa rất ngưỡng mộ hai nhà soạn nhạc Igor Stravinsky (Nga) và Edgar Varèse (Pháp), đến nỗi ông phối lại các sáng tác của các bậc thầy để rồi diễn lại trên sân khấu. Cách tiếp cận của Frank Zappa giúp cho tôi hiểu được một điều : dòng nhạc Stravinsky tuy gọi là ‘‘cổ điển’’ nhưng thật ra lại tràn đầy chất hiện đại.

Một trong những phiên bản ghi âm đầu tiên của Le Sacre du Printemps là của nhạc trưởng Pierre Monteux vào năm 1913. Sau ông có nhạc sĩ Pierre Boulez và cả hai nhạc sĩ này đã ghi âm lại nhiều lần với các dàn nhạc giao hưởng khác nhau. Phần ghi âm trên băng đĩa có đến hàng trăm phiên bản, và ngay cả nhạc sĩ Igor Stravinsky cũng đã hai lần thu lại tác phẩm của mình. Nhà biên đạo múa Jean Claude Gallotta cho biết vì sao ông đã chọn phiên bản thứ nhì của tác giả người Nga thu thanh vào năm 1960 :

Tôi đã chọn phiên bản Lễ Đăng Quang Mùa Xuân do chính tác giả Stravinsky ghi âm lại vào năm 1960 với dàn nhạc giao hưởng Columbia, bởi vì đây là phiên bản ngắn nhất, ngắn từ ba đến bốn phút so với phần ghi âm của các nghệ sĩ khác. Các nhà biên đạo múa ít khi nào chọn phiên bản này để dựng các vở múa ba lê của họ, nhưng bản thân tôi thì lại rất thích phiên bản do Stravinsky ghi âm vào năm 1960.

Tác phẩm này cô đọng, gãy gọn hơn, tiết tấu nhịp điệu vì thế mà dũng mãnh dồn dập, tràn ngập sinh khí và nhựa sống, hợp với các động tác và ngôn ngữ múa mà tôi muốn biểu hiện. Do tác phẩm này khá ngắn, chưa đầy 40 phút, cho nên vở múa Lễ Đăng Quang Mùa Xuân thường được dựng trên sân khấu cùng với một tác phẩm khác. Tôi thì lại muốn vinh danh tác giả Stravinsky với phần mở đầu gồm hai màn.

Màn thứ nhất gọi là Tumultes (Hỗn Loạn) là một hoạt cảnh hầu như diễn ra trong im lặng, âm thanh duy nhất là tiếng động của gió thổi, và 13 diễn viên múa trên sân khấu múa những động tác cơ bản nhất, như thể họ đang diễn tập, và những động tác này sẽ được triển khai, phát huy trọn vẹn sau đó trong vở múa chính, trên nền nhạc của Stravinsky.

Màn thứ nhì có tên là Pour Igor (Cho Igor) là một màn múa solo, qua đó người diễn nhảy múa một mình, trong khi nhiều hình ảnh được chiếu lên phong nền sân khấu. Trong đoạn này, tôi thử mở ra một cuộc đối thoại với tác giả, nói lên những cảm xúc mà tác phẩm Lễ Đăng Quang Mùa Xuân đã gieo vào hồn tôi, từ cái thuở tôi còn là một thiếu niên học ở trường nội trú.

Khi dựng tác phẩm Lễ Đăng Quang Mùa Xuân trên sân khấu, mỗi nhà biên đạo múa thường có một cách đọc khác nhau. Trong trường hợp của Jean Claude Gallotta, tác phẩm này gắn liền với những kỷ niệm thời niên thiếu, những rung động đầu đời của chàng trai mới lớn.

Có lẽ cũng vì vậy mà trên sân khấu, nhà biên đạo múa đã dựng lại hoạt cảnh của một lớp học, với những chiếc ghế nho nhỏ mà người ta thường thấy ở nhà trường. Nhưng điều gì trong tác phẩm của Stravinsky đã gây ấn tượng cho nhà biên đạo múa mạnh đến như vậy :

Đầu tiên hết có lẽ là nhịp điệu. Một nhịp điệu mạnh mẽ, nhanh nhẹn, dồn dập, thôi thúc. Theo tôi đó là yếu tố quan trọng nhất, làm nền tảng cho các điệu múa. Nhịp điệu của tác phẩm làm nảy sinh trong tâm trí của tôi những động tác, và ý tưởng này cứ quay quẩn trong đầu, thúc đẩy tôi sáng chế ra một điệu múa.

Tác phẩm Lễ Đăng Quang Mùa Xuân có một sức cuốn hút rất mạnh, đến nỗi, nó buộc tôi phải thay đổi, thích ứng cách làm việc. Thường thì tôi sáng tác đầu tiên hết các động tác múa, rồi sau đó mới nghĩ tới khâu soạn nhạc để làm giàu cho ngôn ngữ biểu hiện. Cách làm việc này tương tự như lối soạn nhạc phim, các tác giả chuyên sáng tác nhạc phim thường xem trước những hình ảnh chiếu trên màn ảnh lớn, rồi từ đó họ mới soạn nhạc, làm sao cho thật vừa khớp với ngôn ngữ hình ảnh.

Để dựng vở múa Lễ Đăng Quang Mùa Xuân, tôi phải làm điều ngược lại, tức là dùng động tác múa để thể hiện những ý tứ sẵn có trong nền nhạc. Lần này, tôi chọn một cách diễn đạt trừu tượng, thay vì tuân thủ lối kể chuyện đơn thuần. Trong nguyên tác, vở múa "Lễ Đăng Quang Mùa Xuân" kết thúc bằng cuộc hiến sinh một thiếu nữ, người ta làm lễ tế thần, lấy mạng sống của một cô gái trinh nguyên để làm sống lại mùa xuân.

Tất cả đều xoay quanh nhân vật chính này. Tác phẩm của tôi có một cách đọc khác hẳn, không phải chỉ có một nhân vật chính mà cả 13 diễn viên múa, nam cũng như nữ, luân phiên nhau để vào vai chính. Tôi muốn đưa ra một góc nhìn phóng khoáng, tự do hơn.

Nhà biên đạo múa Jean Claude Gallotta vào nghề từ năm 1976. Từ đó tới nay, tức là trong hơn 30 năm sự nghiệp, ông đã dựng trên dưới 60 vở múa ba lê khác nhau. Trong đời, ông đã ba lần đoạt giải sáng tác và biên đạo trong các kỳ thi quốc tế vào năm 1976, 1980 và 1985.

Trong đó, có giải thưởng quan trọng của giới chuyên ngành SACD bao gồm các tác giả của nghệ thuật sân khấu, bao gồm cả kịch nghệ, điện ảnh và múa đương đại. Đối với ông Gallotta, việc dựng vở múa Lễ Đăng Quang Mùa Xuân có nhiều ý nghĩa tình cảm nhiều hơn là việc ghi thêm một thành tích trên bảng vàng :

Lễ Đăng Quang Mùa Xuân của Stravinsky đối với các nhà biên đạo múa cũng y như là khúc thánh nhạc Requiem của Mozart đối với các nhạc sĩ. Ý tôi muốn nói là bất cứ nhạc sĩ nào cũng muốn ghi âm bản Requiem. Các nhà biên đạo múa cũng vậy, họ muốn thử sức dàn dựng ít nhất một lần trong đời vở múa Lễ Đăng Quang Mùa Xuân.

Điều đó không có nghĩa là đây là một chặng đường bắt buộc một nhà biên đạo múa phải đi qua, trong sự nghiệp của mình. Bởi vì có khá nhiều nhà biên đạo múa trứ danh, tài ba, thành công trên đường đời sự nghiệp mà không cần phải dựng vở múa này. Trong trường hợp của tôi, thì cũng như những người đi trước, Lễ Đăng Quang Mùa Xuân là một tác phẩm quan trọng luôn luôn nằm ở trong tâm trí, đến một lúc nào đó thì ý tưởng của tác phẩm sẽ định hình trong trí tưởng tượng, rồi tuôn trào ra như một nguồn cảm hứng. Tác phẩm có được hoàn tất hay không có lẽ phần lớn là do hoàn cảnh đời sống.

Trong trường hợp của Le Sacre du Printemps, thì ý tưởng này đã manh nha trong đầu tôi từ rất lâu, nhưng mãi đến năm 2009, khi tôi hợp tác với nhạc sĩ Alain Bashung, trước khi anh mất, để dựng một vở múa về tác giả Serge Gainsbourg (vở múa mang tựa đề L’homme à la tête de chou), thì lúc đó tôi mới tìm ra được một cách tiếp cận hoàn toàn mới với tác phẩm Lễ Đăng Quang Mùa Xuân của Stravinsky.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.