Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Bóng đá Pháp hoang mang vì chủ trương đánh thuế thu nhập cao

Đăng ngày:

 « Tất cả các doanh nghiệp trả lương cho nhân viên cao hơn một triệu euro một năm » đều phải đứng ra trả thuế thu nhập ở mức 75%. Thông báo trên của chính phủ Pháp hôm 2/4 vừa rồi đã khiến cho các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp Pháp cảm thấy bị đe dọa, bởi với quy chế là một doanh nghiệp, họ cũng không nằm ngoài đối tượng đánh thuế của chính phủ.

Với thuế đánh 75% thu nhập cao, bóng đá chuyên nghiệp Pháp bị "thủng lưới" đầu tiên.
Với thuế đánh 75% thu nhập cao, bóng đá chuyên nghiệp Pháp bị "thủng lưới" đầu tiên. REUTERS/Michael Dalder
Quảng cáo

Để hiểu rõ hơn về chủ trương đánh thuế thu nhập từ 1 triệu euro một năm ở mức 75% phải ngược lại thời gian một chút. Xuất phát điểm của chủ truwong này là lời hứa của ông François Hollande trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống. Mục đích là  buộc những người giàu có ở Pháp phải đỡ gánh nặng tham hụt ngân sách của Nhà nước.

Ban đầu chính phủ dự tính thuế này được thu trực tiếp từ những người có mức thu nhập từ 1 triệu /năm. Nhưng Hội đồng Bảo hiến của Pháp đã bác bỏ chủ trương. Lần này chính phủ Pháp trở lại ý tưởng của mình bằng một sửa đổi nhỏ, đề nghị các doanh nghiệp trả mức lương đó phải chịu thức thuế cho nhân viên. Biện pháp này sẽ được áp dụng trong vòng 2 năm với mục đính quy trách nhiệm cho các công ty, mặt khác hạn chế họ vung tiền trả lương.

Trong khi các doanh nghiệp lớn chưa có phản ứng gì thì chính các câu lạc bộ bóng đá Pháp lại nhận thấy thứ thuế 75% liên quan đến sự tồn tại của họ hơn cả. Theo con số thống kê chưa đầy đủ ở Pháp có chừng hơn 100 cầu thủ có thu nhập trên 1 triệu euro một năm. Nhưng có điều là các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp Pháp so với mặt bằng châu Âu nhiều năm trở lại đây luôn gặp khó khăn về tài chính, nay phải chịu thêm gánh nặng thuế má cho cầu thủ nữa thì sẽ không biết sẽ làm ăn ra sao.

Theo các nhà chuyên môn, chủ trương thuế này sẽ ngăn các câu lạc bộ không dám tuyển mộ các cầu thủ giỏi từ nước ngoài, đồng thời các cầu thủ trong nước có tài cũng tìm đường thi đấu ở nơi khác. Hệ quả là bóng đá sẽ mất đi tính cạnh tranh, chuyên môn các giải đấu sẽ bị giảm sút.

Theo Liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp Pháp (LFP), biện pháp thuế mới sẽ lấy thêm của các câu lạc bộ đang chơi trong giải Ligue 1 mỗi năm khoảng 82 triệu euro. Ông Jean-Michel Aulas, chủ tịch câu lạc bộ Olympique Lyon, một trong số câu lạc bộ thuộc tốp đầu của bóng đá Pháp, cho biết Lyon mỗi năm sẽ bị mất thêm 15 triệu euro cho loại thuế thu nhập cao nói trên.

Với Paris Saint Germain, chắc hóa đơn thuế sẽ còn phải lớn hơn thế rất nhiều. Bởi vì câu lạc bộ thành Paris của ông chủ Qatar này có khoảng hơn chục cầu thủ được trả lương ở mức trên 2 triệu euro mỗi năm mà trong đó chỉ riêng ngôi sao Zlatan Ibrahamovic đã có thu nhập 15 triệu một năm. 

Thông báo về thuế thu nhập mới này đưa ra vào đúng thời điểm bóng đá Pháp cũng đang lao đao trong vòng xoáy khủng hoảng tài chính. Hầu hết các câu lạc bộ đều bị thâm hụt chi thu trong nhiều năm. Theo báo cáo hoạt động của Liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp Pháp mùa bóng 2011-2012, các đội bóng ở giải Ligue 1 và 2 bị thâm hụt 108 triệu euro.

Đứng đầu là Olypique Lyon với mức thhâm hụt 28 triệu. Chỉ có Paris là khá giả nhưng thu nhập chủ yếu của đội bóng thành Paris trong tay ông chủ Qatar này lại nhờ vào hợp đồng tài trợ với Ngân hàng quốc gia Qatar. Cũng nhờ đó mà PSG mới có thể mua sắm mạnh tay như mùa bóng vừa qua. Mùa bóng tới đây Liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp Pháp dự tính chỉ riêng các đội Ligue 1 sẽ bị thâm thủng 60,52 triệu euro.

Thuế mới của chính phủ, nếu được áp dụng, sẽ còn tác động trực tiếp đến chất lượng chuyên môn của bóng đá Pháp ở khía cạnh cá câu lạc bộ sẽ không còn khả năng tài chính để đưa ra mức lương lớn chào mời các cầu thủ có tài năng đỉnh cao. Đồng thời cũng sẽ là lẽ tự nhiên khi các cầu thủ của các câu lạc bộ Pháp bỏ đội bóng của mình đi theo những lời mời chào hấp dẫn hơn.

Ông Didier Deschamps huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia bóng đá Pháp nhận định: "Thuế này sẽ làm cho bóng đá Pháp vốn đã gặp khó lại càng thêm khó khăn. So với các nước láng giềng châu Âu thì vấn đề sẽ còn phức tạp hơn. Bóng đá Pháp sẽ phải chứng kiến nhiều cầu thủ Pháp bỏ ra nước ngoài thi đấu."

Với huấn luyện viên câu lạc bộ Olympique de Marseille, Elie Baup thì áp dụng chủ trương thuế này thì không chỉ các câu lạc bộ mà cả nền bóng đá Pháp sẽ bị tan nát vì thiếu tiền thiếu cầu thủ :

"Thuế này làm cho tình hình thêm nghiêm trọng, có cơ làm ảnh hưởng xấu tới trình độ chuyên môn của các câu lạc bộ chúng tôi. Ở Pháp ngoàii Monaco và Paris Saint Germain ra thì tôi không biết các câu lạc bộ khác làm thế nào để có thể duy trì được ổn định về chuyên môn. Đánh thuế như vậy không khác gì trừng phạt các câu lạc bộ. Bóng đá là môn thể thao đại chúng là nơi có thể gọi là để người ta xả bớt cảm xúc, để thanh niên nuôi dưỡng ước muốn.

Không nên làm hỏng chất lượng của những cuộc trình diễn ở môn thể thao mang tính xã hội như vậy. Trình độ chuyên môn của môn bóng đá cũng như của các nhân cầu thủ sẽ bị hỏng. Bởi vì nếu thứ thuế này được áp dụng thì các cầu thủ có chuyên môn cao sẽ bỏ đi sang chơi cho các giải vô địch quốc gia của các nước khác"

Cũng cần đưa ra một vài con số bên ngoài làng bóng đá Pháp: Danh thủ Samuel Eto’o đang chơi cho câu lạc bộ Nga Ani Makhatchkala với mức thu nhập mỗi năm 20 triệu euro. Ngoài ra anh còn được thưởng 15 nghìn euro cho một bàn thắng và 7500 euro cho mỗi đường chuyền quyết định. Còn bên cạnh nước Pháp, Câu lạc bộ Réal Madrid trả cho Cristiano Ronaldo 13 triệu euro mỗi năm. Danh thủ Lionel Messi hàng năm vẫn kiếm được 12,5 triệu euro từ Barça.
Những con số như vậy chắc sẽ làm chóng mặt các câu lạc bộ Pháp vốn đang tụt hậu về mọi mặt so với các láng giềng châu Âu.

Cúp C1 Paris Saint Germain bắt đầu một cuộc lột xác?

Tiếp tục với môn bóng đá chúng ta chuyển sang giải cúp châu Âu. Trong hai ngày thứ Ba và Tư đầu tuần 8 đội bóng hàng đầu của châu Âu đã bước vào lượt đấu đầu tiên của vòng tứ kết Cúp C1 châu Âu với khí thế quyết thắng cao nhất để giành lợi thế ngay trận đầu. Chỉ có hai câu lạc bộ đã khai cuộc không một sai sót nhỏ để có thể tạm yên tâm ở trậ lượt về đó là Bayer Munich của Đức thắng Juventus Turin 2-0, và Real Madrid đà bẹp câu lạc bộ của Thổ Nhĩ Kỳ, Galatasaray với tỷ số 3-0.

Hai cặp đấu còn lại, Malaga thủ hòa được với Dormund 0-0 có thể nuôi hy vọng lại từ đầu. Được sự chú ý và cũng gây bất ngờ đối với nhiều người hâm mộ đó kết qủa hòa 2-2 là giữa câu lạc bộ Paris Saint Germain và người khổng lồ Baça trên sân Parc des Princes. Có vẻ như khoản tiền hơn 200 triệu euro mà ông chủ Qatar đổ ra cho đội bóng thành Paris này đã bắt đầu cho thấy hiệu quả.

Con đường trở lại đấu trường châu Âu sau hơn một thập kỷ vắng bóng của Paris Saint Germain đang thành hình cho dù chặng tới ở sân Nou Camp không hề dễ cho họ. Những gì các cầu thủ Paris Saint Germain thể

04:00

Anh Nguyên - Hà Nội

hiện ở trận lượt đi, tứ kết với Baça cũng đã thể hiện một sự lột xác của câu lạc bộ Pháp và đã để lại những bất ngờ khá thú vị cho người hâm mộ. Anh Nguyên, một người hâm mộ bóng đá ở Hà Nội bình luận về trận Paris Saint Germain- Barça :

Trước loạt trận lượt về quyết định, các câu lạc bộ tham dự tứ kết cúp C1 đều chứng tỏ phong độ của mình ở giải vô địch quốc gia. Paris tiếp tục dẫn đầu Ligue 1 với chiến thắng 2-0 trước Rennes. Barça thì đè bẹp Majorca 5-0 trong một trận không có mặt Messi. Bayer Munich cũng đã đọat chức vô địch Bundesliga trước 6 vòng đấu sau chiến thắng tối qua (6/4) trước Frankfurt 1-0. Juventus cũng có thêm chút tự tin trước khi tiếp Bayer bằng chiến thắng 2-1 trước Pescara củng cố ngôi vị dẫn đầu giải vô địch Ý.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.