Vào nội dung chính
Tạp chí khoa học

Môi sinh Địa Trung Hải lâm nguy và các nỗ lực giải cứu của giới khoa học

Đăng ngày:

Địa Trung Hải là một ‘‘tiểu thế giới’’, một không gian địa lý được giới hạn một cách rõ ràng, có thể xác định được về mặt khí hậu và về mặt chế độ thủy văn. Chính tại Địa Trung Hải, các tác động của biến đổi khí hậu cũng như các hoạt động của con người có thể được ghi nhận một cách hết sức rõ rệt và nhanh chóng. Làm thế nào để chống lại những mối đe dọa phá hoại môi sinh Địa Trung Hải ? Từ vài năm trở lại đây, các nhà khoa học Pháp đi tiên phong trong việc xây dựng một dự án nghiên cứu quốc tế mang tính liên ngành về toàn thể khu vực Địa Trung Hải.

Reuters
Quảng cáo

Địa Trung Hải, như tên gọi của nó, là một vùng biển nằm trong lục địa. Nói một cách chính xác, không kể eo biển Gibraltar mở ra Đại Tây Dương, chia tách bờ Châu Âu phía bắc với bờ Châu Phi phía nam rộng khoảng 14 cây số, gần như toàn bộ biển Địa Trung Hải nằm gọn giữa ba lục địa Âu châu, Phi châu và Á châu. 22 nước và vùng lãnh thổ, với khoảng 600 thành phố, nằm trên bờ Địa Trung Hải.

Rộng khoảng 2,5 triệu km², Địa Trung Hải là vùng biển kín lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là cái nôi của rất nhiều nền văn hóa, trong đó phải kể tới các nền văn minh Lưỡng Hà, Ai Cập, Hy Lạp và La Mã cổ đại, các nền văn minh đã từng tỏa sáng ra nhiều khu vực trên hành tinh của chúng ta. Hiện nay, Địa Trung Hải là hướng du lịch số một trên thế giới, thu hút khoảng 1/3 khách du lịch toàn cầu hàng năm và cũng là nơi qua lại của khoảng 1/3 số lượng tàu thuyền trên thế giới.

Địa Trung Hải, vùng biển kín dễ chịu tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người

Trong cuộc tọa đàm về chủ đề "Tương lai nào cho Địa Trung Hải?" do RFI Pháp ngữ thực hiện, nhà khoa học Ghani Chehbouni,  đồng giám đốc điều hành chương trình nghiên cứu Mistrals khu vực nam Địa Trung Hải, có trụ sở tại Cairo, cho biết nhận xét của ông về tính dễ tổn thương của biển Địa Trung Hải trên phương diện chế độ thủy văn, xét trên chiều dài lịch sử địa chất của trái đất :

« Địa Trung Hải rất dễ tổn thương về mặt khí hậu. Không kể nước vào qua eo biển Gibralta, biển Địa Trung Hải về mặt lưu lượng nước là âm. Có nghĩa là lượng nước đổ về từ các con sông nhỏ hơn lượng nước bốc thành hơi. Rất ít sông đổ nước vào biển này. Phía Nam có sông Nil, phía Bắc có ba con sông lớn, Danube, Rhones, Pô. Cách đây 5 triệu năm, do các chuyển động địa chất, eo biển Gibraltar bị đóng lại, Địa Trung Hải đã gần như khô cạn. Mực nước rút xuống thấp hơn 1.500 mét so với hiện nay. »

Jean-François Stephan, giáo sư Khoa học địa cầu, giám đốc Viện nghiên cứu quốc gia về các khoa học vũ trụ (INSU – CNRS) cho thấy, tại khu vực này, các tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người là hết sức nhanh chóng :

« Những vấn đề mà chúng ta đặt ra như chất lượng nước, khả năng xử lý nước, rác thải,… nguồn sinh học đối với Địa Trung Hải thì cũng giống như ở khắp các nơi khác trên hành tinh này. Tôi sử dụng thuật ngữ « tiểu thế giới’’ (microcosmos) để nói về Địa Trung Hải, một thế giới nhỏ hẹp, có giới hạn rõ ràng. Trong cái tiểu thế giới đó, chúng ta có đầy đủ tất cả mọi vấn đề này, và sự tổng hợp và tương tác của các tác động khiến cho thời gian của một chu trình (les temps de retour) tại đây bị thu hẹp lại một cách rất nhanh chóng và như vậy làm tăng lên tác động và các hậu quả của các tương tác kể trên. (…) Như chúng ta đã thấy, các tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến hoạt động của các tầng nước của các đại dương. Ở Địa Trung Hải, tác động này diễn ra nhanh hơn gấp bội, ví dụ như nước bẩn từ một bên bờ này chạy xuống biển, thì với các dòng nước đi ngang và đi lên, nước bẩn thải ra từ bờ này sẽ tác động ngay lập tức đến bờ biển phía bên kia. »

Cũng theo ông Ghani Chehbouni, việc xử lý các chất thải công nghiệp không phải đều được tất cả các quốc gia bên bờ Địa Trung Hải chú ý đến. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến vùng biển kín này sẽ ngày càng trở nên ô nhiễm trong tương lai gần :

« Khi nước bẩn chảy xuống Địa Trung Hải, nó không đi ra được tới Đại tây dương, vì eo biển Gibralta rất hẹp. Vì Địa Trung Hải là một khu vực khép kín, nên chúng ta phải dự báo trước các viễn cảnh tất yếu sẽ xảy ra về phương diện ô nhiễm môi trường, bởi môi trường biển này không có khả năng hấp thụ được tất cả những rác thải kim loại nặng. Chúng ta có thể lấy một ví dụ cụ thể, các nhà máy xử lý nước hiện tại chính là một vấn đề. Ở một số nước có các nhà máy xử lý nước, còn một số nước thì lại không có ».

Thảm thực vật và các loài động vật tại Địa Trung Hải, một vùng biển nằm giữa khu vực ôn đới và cận nhiệt đới, là một trong các khu vực phong phú nhất trên hành tinh. Theo tạp chí khoa học trên mạng có uy tín Plos One, đời sống sinh vật dưới biển Địa Trung Hải bị tác động mạnh bởi sự suy thoái của môi trường sống, việc khai thác quá đáng các nguồn tài nguyên và sự xâm nhập của các loài « sinh vật xâm thực » (espèces invasives) do quá trình « nhiệt đới hóa » vùng biển này dưới tác động của biến đổi khí hậu. Số các loài mới hiện nay được tính là 600 loài, chiếm 4% so với tổng số 17.000 loài đã được thống kê. Trong số các loài sinh vật lấn chiếm có thể kể tên loài sứa Mỹ Leidyi, nở rộ vào năm 2009, loài hàu và sò đốm Nhật Bản với sự phát triển của các trại nuôi hải sản ven biển.

Các loài sinh vật lấn chiếm thì ngày càng phát triển, trong khi các loài hải sản truyền thống tại khu vực này lại bị đánh bắt ngày càng nhiều đến mức có nguy cơ tuyệt chủng. Trong số các loài bị đe dọa tuyệt chủng, phải kể đến khoảng 10 loại cá thuộc giống có xương sống. Nhiều loài cá nổi tiếng, vẫn thường được dùng làm thực phẩm tại Châu Âu, như cá ngừ đỏ, cá sói (bar), cá hét (colin) hay cá song đen (mérou brun) cũng ngày càng trở nên hiếm.

« Chuỗi cung cấp thực phẩm » bị ô nhiễm ở mọi chỗ

Dưới một tiếp cận tổng thể hơn, đặc biệt liên quan đến việc thay đổi tính chất của nước biển, từ sự thay đổi về nhiệt độ cho đến các chất thải gây ô nhiễm do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người, có thể thấy toàn bộ hệ sinh vật biển bị tác động. Nữ giảng viên Aït Ameur Nadira, giảng viên trường Cao học Quốc gia về biển và quản lý lãnh thổ Algêri, thành viên của dự án nghiên cứu xuyên Địa Trung Hải Mistrals (Ecole nationale supérieure des sciences de la mer et de l'aménagement du territoire) phân tích :

Các sinh vật phù du (plancton)
Các sinh vật phù du (plancton) RFI

« Dự án của chúng tôi đặt ra mục tiêu nghiên cứu các tác động của con người đến vịnh Alger và vùng bờ biển Algêri. Nghiên cứu Địa Trung Hải rất hay vì khu vực biển này là nơi cho thấy rất mau chóng các tác động của con người, nhanh hơn nhiều so với các đại dương. Bởi vì, nước của Địa Trung Hải thay đổi trong khoảng thời gian từ 60 đến 100 năm (temps de résidence) một lần so với thời gian một thiên niên kỷ đối với toàn bộ đại dương.

Như vậy, chúng ta có thể quan sát được các tác động của con người đến vùng biển này, cụ thể là tác động đến nhiệt độ của nước ở độ sâu trung bình và dưới đáy, đến độ mặn của biển, tác động đến các dòng thủy lưu. Chúng ta có thể quan sát được các loài sinh vật đang biến mất, nhường chỗ cho các loài mới. Các loài sinh vật xâm thực ngày càng chiếm nhiều chỗ hơn.

Điều quan trọng cần phải biết là, việc nhiệt độ tăng lên cản trở các luồng nước ở dưới đáy, vốn giầu chất dinh dưỡng, nổi lên phần trên của biển. Các chất dinh dưỡng này chính là thức ăn của các loài sinh vật phù du (plancton), mắt xích đầu tiên của « chuỗi cung cấp thực phẩm » (chaine alimentaire). Đến lượt mình các loài tảo lại nuôi sống các tầng trên trong chuỗi cung cấp thực phẩm. Như vậy, chúng ta thấy, một sự thay đổi ở cấp độ vật lý có thể tác động đến toàn bộ hệ thống sinh thái. Tác động đến các loài cá, chính là tác động đến nguồn thủy sản của chúng ta. Cụ thể là tác động đến thời điểm và địa điểm đánh bắt cá. Ví dụ, các biến đổi có thể dẫn đến việc, thay vì cá mòi (sardin) chúng ta sẽ có loại cá cơm (anchois) tại vị trí quen biết, hoặc ngược lại. Điều này xảy ra do việc thức ăn của các loài cá bị thay đổi. Và khi chúng ta nói đến sự ô nhiễm. Chúng ta nghĩ ngay đến các dòng nước bẩn, các kim loại nặng, các loại xăng dầu, … và nên nhớ rằng các chất gây ô nhiễm này tích tụ lại trong chuỗi cung cấp thực phẩm. Và ảnh hưởng của các kim loại nặng là không có gì tốt đẹp đến cơ thể con người. Như vậy, các tác động đến chuỗi cung ứng thực phẩm sẽ có tác động trực tiếp đến đồ ăn của chúng ta hàng ngày. Nguy cơ đối với an toàn y tế là rất rõ ràng.

Như vậy, vấn đề con người tác động đến khu vực Địa Trung Hải không chỉ làm thay đổi tính đa dạng sinh học và hệ sinh thái của khu vực này, mà các hoạt động của con người còn có tác động trực tiếp đến vệ sinh thực phẩm, đến các mặt kinh tế và xã hội. »

Các mảnh nylon tìm thấy trong dạ dày của một con cá voi (rorqual)
Các mảnh nylon tìm thấy trong dạ dày của một con cá voi (rorqual) RFI

Một trong các tác động hủy hoại môi trường nghiêm trọng hiện nay đến từ các chất nhựa. Kết quả của một chương trình nghiên cứu phối hợp giữa nhiều trường đại học và trung tâm nghiên cứu Châu Âu, về ô nhiễm do chất dẻo gây ra tại Địa Trung Hải, mang tên MED, đã được công bố vào mùa hè năm ngoái. Theo đó, căn cứ vào kết quả nghiên cứu tại một số địa điểm, có thể ước tính hiện có khoảng 250 tỷ mảnh nhựa siêu nhỏ trên khắp vùng biển Địa Trung Hải, tương đương với khoảng 500 tấn rác thải. Các mảnh nhựa này thường trở thành thức ăn cho các loài sinh vật phù du, bản thân chúng lại được cá ăn, rốt cục các chất thải công nghiệp có mặt trên bàn ăn của chúng ta.

Được biết, tại Hội nghị quốc tế lần thứ 5 về các đại dương trên thế giới, do UNESCO tổ chức, với 80 nước tham gia vào tháng 5/2010, các mảnh nhựa siêu nhỏ cũng được chỉ đích danh là thủ phạm gây ô nhiễm đại dương. Theo PNUE, hàng năm tại Bắc Mỹ và Châu Âu, tiêu thụ nhựa bình quân đầu người là 100 kg/năm, con số này dự đoán sẽ còn tăng lên đến 140kg/năm vào năm 2015.

Làm thế nào để cứu Địa Trung Hải khỏi sự xâm hại ồ ạt của các chất phế thải được sử dụng rất phổ biến này ? Nhiều nhà khoa học khẳng định, nếu Địa Trung Hải thực hiện được việc làm sạch môi sinh, điều này sẽ mang lại kinh nghiệm rất tốt cho các vùng đại dương khác.

Nghiên cứu trong 10 năm để dự báo cho 1 thế kỷ

Đối mặt với các hiểm họa đe dọa môi trường sống tại Địa Trung Hải, giới khoa học Châu Âu đã tổ chức nhiều nghiên cứu công phu. Moos (Mediterranean ocean observing system on environment) là một trong các chương trình nghiên cứu quan trọng tại Châu Âu về môi trường sinh thái Địa Trung Hải. Từ khoảng từ 2 đến 10 năm nay, với chiếc tàu mang tên Téthys, các nhà khoa học đã tiến hành quan sát liên tục đời sống của sinh giới và của các dòng hải lưu dưới đáy Địa Trung Hải.

Đặc biệt là đã bắt đầu mở ra một dự án nghiên cứu khổng lồ đầy tham vọng, mang tên MISTRALS (Mediterranean Integrated Studies at Regional And Local Scales), theo sáng kiến của các nhà khoa học Pháp, với mục tiêu đi tìm một « hiểu biết toàn thể  » về khu vực Địa Trung Hải. Dự án bắt đầu được chuẩn bị từ năm 2007, có kế hoạch tiến hành các nghiên cứu liên ngành, phối hợp giữa các quốc gia xung quanh khu vực Địa Trung Hải, trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2020, nhằm đưa ra các nhận định về những nguy cơ đối với hệ sinh thái, các nguồn tài nguyên và các điều kiện sống của con người trong thế kỷ tới. Có thể nói đây là một dự án nghiên cứu đa ngành và tổng hợp đầu tiên về toàn bộ khu vực Địa Trung Hải.

Ngày 30/3 và 1/4 vừa qua, tại Cộng hòa Malta – đảo quốc nằm ở trung tâm Địa Trung Hải, 180 nhà khoa học, từ nhiều quốc gia ven bờ Địa Trung Hải và một số nước Châu Âu khác, tham gia vào Workshop quốc tế, đã thông qua tuyên bố dự định tổ chức một consortium nghiên cứu, đào tạo và hình thành các sáng kiến để bảo vệ môi sinh Địa Trung Hải.

Mối quan hệ giữa nghiên cứu khoa học và chính trị : Làm thế nào để các nghiên cứu khoa học có thể trở thành các giải pháp ? Các đại diện của dự án nghiên cứu nhấn mạnh đến vai trò của giới chính trị. Theo các nhà khoa học của dự án Mistrals, giới khoa học chỉ làm công việc cung cấp các dữ liệu, còn quyết định thuộc về các lãnh đạo chính trị. Ông Étienne Ruellan, đồng giám đốc điều hành chương trình nghiên cứu Mistrals khu vực phía bắc Địa Trung Hải giải thích rõ :

« Chúng tôi cần phải tiến hành quan sát để tiếp theo đó đưa ra các dự báo trên phương diện chính trị. Công việc của chúng tôi tóm lại là, quan sát, đo lường, tiến hành các thực nghiệm. Trên cơ sở đó, chúng tôi có thể xây dựng các dự báo, cụ thể là các nguồn tài nguyên và khả năng khai thác trung hạn và dài hạn. Có nghĩa là chúng tôi sẽ cung cấp cho các nhà chính trị các yếu tố để quyết định. Các nhà chính trị có trách nhiệm xác định mức độ khai thác và giảm bớt việc khai thác để không làm kiệt quệ một số nguồn tài nguyên như hải sản, đưa ra các chính sách để ngăn chặn các xu thế hủy hoại môi trường sống của con người tại Địa Trung Hải ».

Các biến đổi chính trị lớn lao mới đây và đang tiếp tục diễn ra tại bờ nam và bờ đông Địa Trung Hải mang lại các hy vọng có những thay đổi trong các chính sách môi trường tại các nước Bắc Phi và Trung Cận Đông. Nghiên cứu khoa học không thể phát triển thực sự trong các xã hội thiếu vắng dân chủ. Ông Ghani Chehbouni, đồng giám đốc điều phối chương trình nghiên cứu Mistrals khu vực nam Địa Trung Hải, nhận xét :

« Tôi không cho rằng, với tư cách là nhà khoa học chúng tôi sẽ cố tình áp đặt quan điểm của mình cho các nhà chính trị. Các nhà khoa học cung cấp các yếu tố nhận thức cần thiết. Bởi vì các nhà chính trị được dân chúng bầu lên, còn chúng tôi không phải như vậy. Tôi cho rằng trên lĩnh vực điều hành chính trị (tại các quốc gia phía nam Địa Trung Hải), thời điểm hiện tại thuận lợi hơn trước rất nhiều. Vì hiện tại, đã có nhiều sự minh bạch hơn trong quá trình ra quyết định, mà điều này không tồn tại trước kia. Với các chế độ độc tài, chúng ta đã biết tại Ai Cập và Tunisia, tất cả mọi thứ đều bị che đậy và các nhà khoa học trong nhiều trường hợp bị coi như là các thành phần nguy hiểm ».

Địa Trung Hải đang lâm nguy.

Địa Trung Hải
Địa Trung Hải Theo trang "photos gratuites de mer"

Chính trong tình trạng nguy hiểm này, tại nhiều nước ven bờ biển, từ Châu Âu đến Bắc Phi và vùng Trung - Cận Đông, đã và đang có nhiều sáng kiến và nỗ lực để nhận diện, đo lường, dự báo và xác định các biện pháp ngăn chặn. Đặc biệt phải kể đến việc các nhà khoa học cũng như những nhà hoạt động xã hội ngày càng nhấn mạnh nhiều hơn đến sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia sống trong vùng biển ngày càng trở nên chật hẹp hơn với đà tăng trưởng dân số và phát triển kinh tế thương mại. Các tai nạn hay thảm họa, một khi đã bùng ra, dù chỉ ở một khu vực, thì cũng đều nhanh chóng lan tỏa khắp nơi.

Tính chất phụ thuộc lẫn nhau như vậy tại Địa Trung Hải buộc tất cả các bên đều phải hướng đến sự hợp tác trong hòa bình, một nền hòa bình bền vững trên nền tảng dân chủ. Chỉ có một thái độ như vậy mới có thể giúp cho « cái nôi của nhiều nền văn minh nhân loại » tiếp tục là môi trường sống tốt lành cho con người trong thế kỷ tới.

Nhà hải dương học Céline Arnal là người sáng lập Hiệp hội Cybelle Planète, tổ chức bảo vệ sự đa dạng sinh học của Địa Trung Hải, đặc biệt là các động vật biển có vú như cá voi, cá heo. Bà cho biết : « Địa Trung Hải là một câu chuyện tình yêu.Vùng biển này là cái nôi của rất nhiều nền văn hóa, trong đó có nền văn hóa của tôi. Địa Trung Hải là vùng biển với bao nhiêu câu chuyện, một vùng biển kín. Càng hiểu về Địa Trung Hải thì lại càng yêu nó và muốn bảo vệ nó ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.