Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Cuộc đua giành ghế Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế

Đăng ngày:

Thủ tục thay thế ông Dominique Strauss-Kann tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) rất giản dị, nhưng một số dấu hiệu báo trước trận chiến sẽ khá gay go. Tên tuổi của bộ trưởng Kinh tế Tài chính Pháp, bà Christine Lagarde, được nhiều nước châu Âu ủng hộ. Nhưng nhóm 5 nước đang lên, gọi tắt là BRICS, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc chỉ trích châu Âu tìm cách « thống trị » Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Tú Anh trình bày với phần phân tích của giáo sư kinh tế Nguyễn Phúc Liên, đại học Genève, Thụy Sĩ. 

Trụ sở chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Washington, D.C (Hoa Kỳ)
Trụ sở chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Washington, D.C (Hoa Kỳ) Ảnh Wikipedia
Quảng cáo

Từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc đến nay việc « bình thiên hạ » khá giản dị. Các nước Tây phương chia nhau lãnh đạo hai định chế tài chính quan trọng nhất thế giới : Hoa Kỳ điều hành Ngân Hàng Thế Giới, còn Châu Âu thì nắm IMF. Nói cách khác, các nước giàu giữ tiền và đặt điều kiện trợ giúp các quốc gia kém phát triển hơn. Vấn đề là các nước giàu ngày nay đã không còn tiền như ngày trước, còn một số anh nhà nghèo hôm qua, như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ nay đã có kho bạc trong nhà. Các tay nhà giàu mới này bắt đầu muốn chia phần.

Trong IMF, do sự thúc đẩy của cựu Tổng Giám đốc Dominique Strauss-Kann, tiếng nói của các quốc gia đang trỗi dậy đã được tăng cường trong ban điều hành gồm 24 thành viên. Đây là một cải cách hợp lý, vì Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ đã trở thành những tác nhân không thể thiếu trong sinh hoạt kinh tế toàn cầu. Châu Âu cũng đồng ý với thế quân bình này, cho đến khi vùng đồng tiền chung euro xảy ra khủng hoảng tại Hy Lạp, Ailen, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…. Dựa vào lý do này, giới lãnh đạo Châu Âu tiếp tục muốn Quỹ Tiền tệ Quốc tế phải do một chuyên gia châu Âu lãnh đạo.

Nhân vật có thể nói là sáng giá nhất hiện nay là bà Christine Lagarde, bộ trưởng Kinh tế Tài chính Pháp. Hôm qua 25/05/2011, bà Christine Lagarde chính thức thông báo ra tranh cử. Theo thủ tục, thì vào ngày 10/06/2011, tức là không đầy hai tuần nữa, IMF khóa sổ nhận đơn. Danh sách này sẽ được tuyển lọc, để chỉ còn ba người vào chung kết. Đến cuối tháng 6, ba nhân vật này sẽ điều trần trước 24 thành viên ban điều hành Quỹ IMF và người được nhiều phiếu nhất sẽ lên thay ông Dominique Strauss-Kann, hiện đang bị quản thúc do vụ án tình dục.

Theo giới phân tích thì ứng cử viên Christine Lagarde có nhiều cơ may nhất. Paris, Luân Đôn, Berlin hoan nghênh … người phụ nữ có nhiều uy tín này như một vị cứu tinh vào lúc tài chính vùng euro bị khủng hoảng. Báo chí thế giới xem nữ bộ trưởng Kinh tế Tài chính Pháp như một « minh tinh ». Tạp chí Forbes của Mỹ xếp bà vào vị trí thứ 17 của những người phụ nữ có nhiều quyền lực nhất thế giới. Trong IMF, Liên Hiệp Châu Âu có đến một phần ba số phiếu, Úc đã lên tiếng ủng hộ châu Âu, nếu Hoa Kỳ, giữ 17% số phiếu, nghiêng theo thì khó có một ứng cử viên nào khác có thể chiến thắng. Các nước trong nhóm Brics tuy chỉ trích châu Âu, nhưng không đưa ra được một ứng cử viên chung, ít ra là cho đến hôm nay.

Sau khi bà Christine Lagarde chính thức thông báo ra tranh chức Tổng Giám Đốc Quỹ IMF, bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee tuyên bố là : các nước đang phát triển sẽ tìm một ứng cử viên chung. Phía Trung Quốc thì hoàn toàn không nhắc đến tên bộ trưởng tài chính Pháp. Ngược lại, Bắc Kinh yêu cầu việc chọn lựa phải theo « một tiến trình dân chủ và minh bạch ».

Theo giới phân tích, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính hiện nay tại châu Âu, IMF phải do một nhân vật châu Âu lãnh đạo. Vì ngoài khả năng điều hành nhân vật này còn phải thông suốt vấn đề chính trị của châu Âu mới có thể đàm phán để tìm ra liều thuốc đắng, nhưng phải tôn trọng sự cân bằng giữa đường lối chung và các biện pháp cụ thể.

Sau đây là phần phân tích của giáo sư kinh tế Nguyễn Phúc Liên, đại học Genève, Thụy sĩ.

1) Ngược dòng lịch sử, IMF được thành lập trong bối cảnh nào và để làm gì?

Phải đi ngược dòng lịch sử thành lập IMF để hiểu truyền thống những sinh hoạt của nó. Năm 1944, các đồng tiền Âu Châu bị mất hết Vàng bảo chứng trong Chế độ Bản vị Vàng (Régime Etalon-Or). Vì vậy Hoa kỳ triệu tập Hội Nghị Tiền tệ Bretton Woods 1944. Hội nghị quyết định hai điều cơ bản :

Thứ nhất, chọn một đồng tiền còn có vàng làm bảo chứng. Hồi ấy chỉ có đồng Franc Thụy Sĩ và đồng đôla Mỹ còn được bảo đảm bằng vàng. Nhưng vì Thụy Sĩ là nước nhỏ bé không có khả năng chịu đựng số tiền khổng lồ lưu hành khắp thế giới, nên Hội nghị chọn đồng đôla. Đôla làm trung gian giữa vàng và các đồng tiền khác, mà người ta gọi là Chế độ Bản vị đôla-Vàng. Việc chọn lựa đôla này đã bị Staline kết án, gọi là chủ nghĩa đế quốc của đôla (« Impérialisme du Dollar »).

Thứ hai, lập Quỹ Tương trợ Tiền tệ (Caisse d’Entraide Monétaire) mà người ta gọi là FMI. Đây là Quỹ hỗ trợ tiền tệ giữa các thành viên gồm chính yếu là Hoa Kỳ và Âu Châu. Mục đích căn bản của Quỹ là hỗ trợ về tiền tệ cho quốc gia thành viên bị khủng hoảng về tiền tệ. Vì Âu Châu kiệt quệ do Thế chiến II, nên khi thành lập Quỹ tương trợ này, Hoa kỳ đóng vào tới 80%.

Từ 45 nước Hội viên ban đầu, số Hội viên ngày nay tăng lên 185 nước. Số quỹ đóng vào hiện nay là 338 tỉ đôla (tài liệu 30.09.2007). Ngoài ra IMF có số dự trữ Vàng tính theo thời giá cuối tháng 9/2007 là 77 tỉ đôla. Điều khoản I của Quy chế xác định những mục đích hoạt động sau đây :

+ Hợp tác Tiền tệ quốc tế
+ Khuếch trương phát triển Thương mại quốc tế
+ Giữ thăng bằng về Hối suất Tiền tệ
+ Tương trợ hệ thống Thanh toán đa phương quốc tế
+ Tương trợ những nước Hội viên khi gặp những khó khăn Thanh toán quốc tế
+ Cho vay vốn để bảo đảm phát triển Kinh tế bền vững và đề phòng Khủng hoảng
+ Tự mình hoặc hợp tác với Ngân Hàng Thế Giới trong việc làm giảm nghèo đói

Sau này số thành viên tăng lên gồm những nước khác, nhưng những nước này chỉ xin vay mà không đóng góp đáng kể vào Quỹ. Nhiều nước vay, không đóng góp vào Quỹ mà còn ăn quỵt nữa.

Dần dần, trong thời không có Khủng hoảng về tiền tệ, thì IMF đặt thêm mục đích thứ hai là giúp đỡ những Chương trình Phát triển Kinh tế cho những nước nghèo. Nhưng đây không phải là mục đích chính yếu từ khi thành lập FMI. Trong thời chưa có đồng Euro duy nhất, nghĩa là mỗi quốc gia Âu Châu có đồng tiền riêng. Giữa các đồng tiền có những chênh lệch tỷ giá mà người ta gọi là « Serpent Monétaire », IMF cũng can thiệp vào để giúp những đồng tiền yếu, khi xuống đến biên độ mà nước đó không thể cứu vãn được.

Việc thành lập IMF và mục đích chính hoạt động của nó là giữa Hoa Kỳ và Âu Châu. Hoa Kỳ đóng góp rất nhiều vào IMF, nhưng không muốn đứng đầu để bị công kích là sử dụng Quỹ như phương tiện thống trị (« Impérialisme du Dollar »). Hoa Kỳ dành cho Âu Châu điều hành, bởi lẽ chính Âu Châu mới có những đồng tiền mạnh mang tầm ảnh hưởng đến những cựu thuộc địa và thương mại quốc tế. Cái truyền thống này đã có từ khi thành lập IMF với mục đích tiền tệ của nó.

2) Người ta cho là IMF là định chế tài chính của kẻ giàu, còn Ngân hàng Thế giới là giúp nước nghèo, hiểu như thế có đúng không ?

Mục đích thành lập IMF là tạo một Quỹ tương trợ về Tiền bạc khi có khủng hoảng hay một nước có đồng tiền yếu đi do kinh tế đi xuống. Trong lúc ấy IMF cho vay quỹ tương trợ để nâng đỡ. Trong suốt những năm trường IMF làm việc với những nước giầu khi gặp khủng hoảng. Quỹ IMF thoát thai từ một hội nghị về tiền tệ, đặt mục đích chính là cứu giúp tiền tệ, chứ không đặt mục đích chính là cứu giúp những nước nghèo về xã hội hay về phát triển kinh tế.

Ngân hàng Thế giới đặt mục đích giúp những nước nghèo về xã hội hay phát triển kinh tế. Mỗi tổ chức làm việc theo mục đích đã định. Không thể phê bình lẫn lộn giữa hai tổ chức.

3) Thực tế các tổ chức này giúp đỡ tài chính với những điều kiện ra sao mà bị giới công đoàn và kinh tế gia cánh tả chống đối rất mạnh ?

IMF không giúp đỡ tài chánh hiểu như quà tặng rồi quên đi. IMF cho vay Tài chánh từ Quỹ tương trợ hay làm trung gian vay dùm từ những quốc gia có khả năng tiền bạc. Dầu từ Quỹ hay từ những quốc gia khác, khi nói đến cho vay, thì người vay phải hoàn trả. Để bảo đảm hoàn trả, người xin vay phải chịu những điều kiện phải thi hành để có khả năng hoàn trả. Một trong những điều kiện người vay phải thắt lưng buộc bụng, không được hoang phí. Hiện nay, tại một số nước Âu Châu như Bồ Đào Nha, Hy Lạp…, những công đoàn hay những kinh tế gia phía tả công kích điều kiện thắt lưng buộc bụng, thuế cao, kéo dài tuổi làm việc… Họ công kích, bởi vì họ có thể hiểu lầm rằng, đây là tiền giúp đỡ xã hội cho không, chứ không phải là tiền vay mượn.

Lấy tỉ dụ cuộc Khủng hoảng Tài chánh Á Châu năm 1997 để thấy những điều kiện mà IMF đòi hỏi khi cho vay tiền. Khủng hoảng Tài chánh Á Châu tàn phá rất nhanh chóng nền kinh tế của 4 nước Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương và Nam Hàn. Những nước như Tân Gia Ba, Đài Loan và Nhật Bản không bị ảnh hưởng, hay nói đúng hơn họ có khối dự trữ tài chánh vững chắc để chống đỡ cơn khủng hoảng. Nói như vậy cũng có nghĩa rằng những nước Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương và Nam Hàn không đủ phương tiện tài chánh dự trữ để có thể chống được cơn lốc Khủng hoảng.

Nơi cầu cứu phương tiện tài chánh để chống đỡ và phục hồi nền Kinh tế, đó là Quỹ Tiền tệ Quốc tế. IMF đồng ý cho vay tài chánh, nhưng với điều kiện là những nước này phải chấp nhận những cải cách những điểm yếu làm lý do chính sụp đổ nền kinh tế. Hai lý do sụp đổ, đó là hệ thống quản trị xí nghiệp và hệ thống ngân hàng điều hành tài chánh. Theo bà Francoise NICOLAS, Mã Lai đã không vay tài chánh của Quỹ Tiền tệ Quốc tế vì không muốn những can thiệp của IMF động chạm trực tiếp đến quyền lực chính trị vào kinh tế của nước họ đầy tham nhũng cấu kết giữa giowsi chính trị và những gia đình nắm giữ kinh tế. Bà Francoise NICOLAS viết: "Tại Mã Lai,..., những liên hệ chặt chẽ giữa quyền lực chính trị và kinh tế luôn luôn hiện diện ,... Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế,..., mức độ tham nhũng tại Mã Lai năm 2005 vẫn còn giống như năm 1995". Đó là những lý do khiến Mã Lai không muốn nhận tài chánh của IMF với những điều kiện can thiệp trực tiếp vào kinh tế của mình.

Đối với những nước chấp nhận sự can thiệp của IMF, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đòi buộc điều kiện chính yếu như : những cải tổ về Quản trị Xí nghiệp và những cải tổ hệ thống Ngân Hàng.

4) Vai trò của IMF và người đứng đầu của tổ chức này ?

Truy về nguồn gốc thành lập, thì mục đích của IMF là cho những nước gặp khủng hoảng tiền tệ vay số vốn từ các thành viên đóng góp vay để giải quyết khủng hoảng. Đây là quỹ cho vay và nước đó phải hoàn trả chứ không phải là quỹ tặng không. Vì vậy vai trò của IMF phải quan tâm đến những vấn đề sau đây : Thẩm định tình trạng khủng hoảng để định lượng số tiền cho vay là bao nhiêu để có thể giải quyết, thẩm định khả năng hoàn trả lại số tiền cho vay và đặt những điều kiện kinh tế, tiết kiệm cho nước muốn vay để bảo đảm việc hoàn trả lại tiền.

Trong Lịch sử can thiệp lớn của IMF, có bốn trường hợp can thiệp lớn :

a) Trường hợp những tỷ giá chênh lệch giữa các đồng tiền Âu Châu.
b) Trường hợp Khủng hoảng Tài chánh Á châu năm 1997
c) Trường hợp Khủng hoảng Tài chánh/kinh tế Thế giới 2007-2009
d) Trường hợp nợ nần của một số quốc gia thuộc Liên Âu làm xao động đồng Euro.

Vai trò của Tổng Giám đốc của IMF không phải chỉ là một chuyên viên tài chánh, tiền tệ (technocrate financier et monétaire) mà còn phải là một nhà chính trị có khả năng đàm phán với các Quốc gia để tìm vốn đóng góp.

5) Tại sao vẫn giữ truyền thống Tổng Giám đốc phải là từ Âu Châu, mà chưa phải là từ những nước đang phát triển như Trung quốc, Ấn độ, Nga, Nam Phi, Brésil ?

Nhìn lịch sử thành lập IMF và mục đích hoạt động, thì Tổng Giám đốc phải là Mỹ hay Âu Châu. Nhưng Mỹ tránh tiếng là dùng IMF để thống trị, nên dành cho Âu Châu, vì dầu sao về tiền tệ thì Mỹ và Âu Châu vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc thanh trả quốc tế.

Nhóm BRICS (Brésil, Russie, Inde, Chine, Afrique du Sud), mỗi nước đang phát triển này cũng có những người được đề cử như sau :

Ông Guido MANTEGA (Brésil), ông Grigori Martchenko MARTCHENKO (Nga), ông Montek Singh AHLUWALIA (Ấn Độ), ông Trevor MANUEL (Nam Phi), riêng Trung Quốc chưa đề nghị ai.

IMF được thành lập chính yếu từ những nước Hoa kỳ và Âu Châu, và mục đích chính là tương trợ tiền tệ chứ không phải xã hội hay kinh tế nói chung. Hiện nay hai đồng Tiền chính trong những thanh trả quốc tế và dự trữ Ngân Hàng là đôla và euro. Vì vậy mà IMF, khi Mỹ muốn tránh tiếng đế quốc đô la, thì dành chức vụ Tổng Giám đốc này cho Âu Châu theo truyền thống.

Riêng những nước đang phát triển thuộc BRICS, thì những lý do sau đây khiến việc nắm giữ IMF chưa thuận tiện :

a) Những giải quyết tiền tệ quy tụ vào Hoa kỳ và Liên Âu, nên không thuận tiện để cho những nước như Brésil, Nga, Ấn độ, Trung Quốc hay Nam Phi đứng đầu IMF để giải quyết Tiền tệ cho Hoa kỳ hoặc Liên Âu.

b) Đồng tiền của những nước thuộc BRICS chưa mang tính cách phổ quát đối với thanh trả quốc tế hay dự trữ ngân hàng. Vì vậy để những nước này lãnh đạo IMF giải quyết tiền của nước khác, chứ không phải tiền của mình, thì không tiện lợi.

c) Riêng Trung quốc, đồng yuan còn là một đồng tiền mà Nhà nước sử dụng quyền lực độc tài để quyết định. Đây là điều đi ngược với hệ thống tiền tệ quốc tế. Thêm vào đó, Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng muốn hạ bệ đồng đôla để nâng đồng yuan lên. Đây là điều mà Hoa Kỳ cũng như Liên Âu chưa thể chấp nhận cho Trung Quốc lãnh đạo IMF chuyên về tiền tệ.

d) Lý do chung nữa là những người thuộc BRICS chưa đủ những kinh nghiệm thực tiễn truyền thống về Tiền tệ/Tài chánh so với Hoa Kỳ và Liên Âu đã có truyền thống quản trị lâu đời.

6) Cuộc chạy đua thay thế DSK : có khả năng ai sẽ lên thay? Phải chăng người có nhiều khả năng nhất là bà Christine Lagarde? Ưu điểm của nhân vật này là và những chướng ngại ?

Theo bản tin của AFP từ Washington ngày 21.05.2011 mà chúng tôi trích dẫn trên đây, thì Liên Âu có thể đồng thuận đề cử bà Christin LAGARDE, đương kim Bộ trưởng Kinh tế,Tài chánh của Pháp. Theo đài Euronews, Bà Christin LAGARDE đã được những nước lớn của Liên Âu ủng hộ như : Đức, Pháp, Anh và Ý.

Bà Christine LAGARDE có khả năng được lựa chọn thay thế Ông STTRAUSS-KAHN vì Bà đã làm việc tại Hoa kỳ, đã là Bộ trưởng Kinh tế/Tài chánh, nghĩa là có khả năng liên hệ Chính trị cần cho những đàm phán.

Tuy nhiên mấy điểm có thể mang đến không thuận lợi nhỏ. Thứ nhất là, bà có thể thân tổng thống SARKOZY trong ý tưởng hạ bệ đồng đôla theo như ý muốn của Trung quốc mà tổng thống SARKOZY đã từng mơn trớn trong một thời gian khi có khủng hoảng Tài chánh/Kinh tế Thế giới. Điểm thứ hai là người ta nhắc lại việc bà LAGARDE có liên hệ bênh đỡ ông Bernard TAPIE.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.