Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

« Hãy phẫn nộ » : Lời kêu gọi của một cựu chiến binh đối với giới trẻ Pháp

Đăng ngày:

«Hãy phẫn nộ». Đó là đầu đề cuốn sách, đồng thời cũng là bức thông điệp mà Stephane Hessel, năm nay 94 tuổi, cựu kháng chiến quân thời chống phát xít, muốn gửi đến lớp trẻ Pháp ngày nay. Ra mắt bạn đọc vào cuối năm ngoái, cuốn «Hãy phẫn nộ» nhỏ bé, khổ A4 gập đôi, chỉ vỏn vẹn 3 chục trang của nhà xuất bản Indigene. Sách đã được tái bản hơn một chục lần, bán hơn 1,4 triệu bản và được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Quảng cáo

Cuốn sách như một lời tâm sự của một cựu chiến binh già, vào sinh ra tử trong thời kỳ kháng chiến, giờ đây lo lắng, hoài nghi trước những điều chướng tai gai mắt của xã hội hiện nay, qua đó, ông kêu gọi giới trẻ hãy tỏ thái độ, vì đây là bước khởi đầu cần thiết cho sự dấn thân.

Với cách trình bầy theo kiểu so sánh, mở đầu cuốn sách, Stéphane Hessel nhắc lại những nguyên tắc, những giá trị cơ bản ghi trong Cương lĩnh xây dựng đất nước, một khi nước Pháp đánh đuổi được phát xít Đức và được tự do. Cương lĩnh này được Hội đồng Quốc gia Kháng chiến thông qua vào tháng ba năm 1944, chủ trương thiết lập một nền dân chủ thực sự về kinh tế và xã hội, mọi người dân đều được hưởng an sinh xã hội, người già sống trong nhân phẩm, mọi trẻ em được hưởng giáo dục, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, phân chia công bằng về của cải do lao động tạo ra. Cương lĩnh khẳng định bảo vệ quyền tự do báo chí, bảo vệ danh dự và sự độc lập của báo chí đối với Nhà nước, đối với các thế lực tiền bạc, ảnh hưởng ngoại bang, bởi vì một nền dân chủ thực sự cần phải có một nền báo chí thực sự độc lập v.v.

Nhìn vào thực tại nước Pháp, Stéphane Hessel thấy đầy rẫy bất công, một xã hội với tình cảnh những người nhập cư không giấy tờ tùy thân, những vụ trục xuất, những nghi ngờ đối với dân nhập cư, một xã hội không bảo đảm cuộc sống cho người về hưu, xem xét lại những thành quả xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh xã hội, một xã hội mà các phương tiện truyền thông nằm trong tay những kẻ giàu có. Do vậy, ông phải lên tiếng.

Trả lời phỏng vấn RFI, ông Stephane Hessel cho biết sự ra đời của cuốn sách :

« Tôi và người phụ trách xuất bản bà Silvie Crossman, đã gặp nhau tại vùng Glières. Nhân đây cũng xin nhắc lại là tôi rất biết ơn bà Crossman vì bà là người đã đề xuất khổ sách, giá sách, giới thiệu và đặc biệt chính bà là người đã đặt đầu đề « Hãy phẫn nộ » cho cuốn sách này.

Tại Glières, chúng tôi đã nói chuyện về cuộc kháng chiến chống phát xít Đức và đặc biệt là nói đến Hội đồng Quốc gia Kháng chiến. Lúc đó, chúng tôi đã đọc lại Cương lĩnh của Hội đồng được thông qua năm 1944 mà một số chiến hữu và tôi đã từng nhắc lại trong một lời kêu gọi vào năm 2004. Chúng tôi đã nói đến những giá trị ghi trong bản Cương lĩnh được thông qua năm 1944. Văn bản này vẫn giữ nguyên giá trị của nó cho đến tận ngày nay. Đó là lời kêu gọi xây dựng và bảo vệ những giá trị dân chủ, tự do báo chí, bác bỏ sự phụ thuộc, trở thành nô lệ của những lợi ích kinh tế thuần túy, đó là thuật ngữ thời bấy giờ, còn hiện nay, người ta gọi là chủ nghĩa tư bản tân tự do, không có điều tiết.

Đó là những ý tưởng được nêu lên trong một Cương lĩnh ngắn ngủi của Hội đồng Quốc gia Kháng chiến. Điều làm tôi vui mừng là những ý tưởng, giá trị đó vẫn có thể được áp dụng trong thời buổi hiện nay, cho dù bối cảnh có khác nhau ».

Đối với Stephane Hessel, thì sự thờ ơ là thái độ tồi tệ nhất. Ông nhấn mạnh đến sự cần thiết phải biết phẫn nộ. Nếu « nguyên nhân căn bản ban đầu của Kháng chiến là sự phẫn nộ » thì ngày nay, trên thế giới này, có nhiều điều không thể chấp nhận được và đó chính là nguyên nhân thúc đẩy giới trẻ phải tỏ thái độ. Để làm được việc này thì cần phải nhìn kỹ và tìm kiếm. Ông nói với giới trẻ « Hãy tìm kiếm một chút, các bạn sẽ thấy. Thái độ tồi tệ nhất là sự thờ ơ và nói rằng tôi không thể làm gì được, tôi tự xoay xở. Khi hành xử như vậy, các bạn đã mất đi một trong những yếu tố cơ bản của con người, một trong những yếu tố thiết yếu : đó là khả năng nổi giận và hậu quả tiếp theo của nó là sự dấn thân ».

Stephane Hessel chỉ ra hai thách thức chính đối với nhân loại và đó cũng là hai trong số nhiều điều tạo nên sự phẫn nộ :

Trước tiên là sự chênh lệch quá lớn giữa những người rất nghèo và những kẻ rất giàu. Hố ngăn cách này ngày càng rộng ra. Đây là một « phát minh », của thế kỷ XX và XXI. Không thể để khoảng cách này tiếp tục gia tăng và chỉ riêng hiện thực này cũng đủ để dấn thân tranh đấu.

Thách thức thứ hai là nhân quyền và hiện trạng trái đất của chúng ta. Nguyên là nhà ngoại giao, Stéphane Hessel đã tham gia soạn thảo bản Tuyên ngôn phổ quát về Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Ông kể lại một chi tiết thú vị. Chính René Cassin, nguyên ủy viên phụ trách tư pháp và giáo dục trong chính phủ Pháp tự do ở Luân Đôn, năm 1941, giải Nobel Hòa bình năm 1968, là người đã chủ trương nhấn mạnh đến tính « phổ quát » của nhân quyền, chứ không chỉ mang tính « quốc tế » như đề nghị của các phái đoàn Anh – Mỹ. Ngay từ thời đó, trong những năm 40 của thế kỷ trước, các nhà soạn thảo Tuyên ngôn phổ quát về nhân quyền đã nhận thức được rằng cần phải đưa các dân tộc thoát ra khỏi những chế độ toàn trị. Các nước thành viên Liên Hiệp Quốc phải cam kết tôn trọng những quyền phổ quát này. Đây là cách để bác lại lập luận về chủ quyền đầy đủ mà một Nhà nước có thể nêu ra khi thực hiện những hành vi tội ác chống nhân loại ngay bên trong lãnh thổ quốc gia.

Stéphane Hessel nhấn mạnh đến sự cấn thiết phải đấu tranh chống thờ ơ :

« Tôi có cảm giác là chúng ta có nguy cơ bị mất phương hướng trong một xã hội thế giới toàn cầu hóa, chủ yếu dựa vào lợi nhuận, tìm kiếm các thỏa mãn vật chất và làm mất đi một phần những giá trị cơ bản. Đương nhiên, người ta tiếp tục nói là cần phải tôn trọng nhân quyền, nhưng người ta không làm một cách thực sự, trên thế giới, hay ở Mỹ trong thời kỳ tổng thống George Bush. Thậm chí, theo tôi thì ngay tại Pháp, người ta cũng không làm việc này một cách đầy đủ.

Vì những lý do này, tôi nghĩ, điều quan trọng là phải nhắc lại rằng có những giá trị từ thời kháng chiến, nhưng vẫn có thể áp dụng cho ngày nay cho dù bối cảnh đã thay đổi hoàn toàn. Do vậy, điều hữu ích là kêu gọi giới trẻ Pháp, giới trẻ châu Âu và toàn thế giới hãy biết nổi giận chống lại những điều mà họ cho là không thể chấp nhận được ».

Chỉ trong vòng có vài tuần sau khi được xuất bản, « Hãy phẫn nộ » đã thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông và trở thành một hiện tượng xã hội tại Pháp. Dường như một bộ phận công luận Pháp tìm được trong tác phẩm nhỏ bé này một sự đồng cảm trong suy nghĩ. Trong một xã hội mệt mỏi về những lên xuống thất thường của các hoạt động tài chính, của triết lý lợi nhuận tối đa, bất chấp những hậu quả xã hội, Stéphane Hessel đã diễn giải được những lo lắng, nghi ngờ mà xã hội cảm nhận thấy. Theo tác giả, cuốn sách đã giải thích một cách khá rõ ràng những thách thức lớn mà chúng ta đang phải đối mặt, như khủng bố, sự hủy hoại môi trường, tình cảnh đói nghèo cùng kiệt song song tồn tại với những giàu sang bê bối. Ông nói :

« Điều đó chứng tỏ là trong xã hội hiện nay, thậm chí tôi muốn nói đến xã hội toàn thế giới hiện nay, có một sự lo lắng nào đó, một cảm giác là có một cuộc đại khủng hoảng kinh tế - và không chỉ có một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, cho dù điều này đã rất trầm trọng – mà còn có một cuộc khủng hoảng chính trị. Chúng ta không biết các nhà lãnh đạo chính trị dẫn dắt chúng ta đi tới đâu. Và không còn có một sự tin tưởng giản dị mà chúng ta đã từng có. Trước đây, ngay cả khi ở trong phe đối lập, người ta vẫn tự nhủ : Không sao, tôi không hài lòng với chính phủ này nhưng sẽ có một chính phủ khác và mọi việc sẽ tiến triển.

Tình hình hiện nay không còn như thế nữa và điều làm tôi ngạc nhiên là có nhiều người lo lắng. Họ suy nghĩ rằng có những việc không tiến triển và người ta cũng không biết làm thế nào để mọi việc tốt đẹp hơn. Đó là những điều mà nhiều người khi đọc cuốn sách này tự nói : đúng thế, đúng là cần phải nổi giận và cần phải tìm kiếm một con đường mới ».

Trong cuốn sách, Stéphane Hessel khẳng định, mối phẫn nộ chính của ông liên quan đến Palestine, dải Gaza và Cisjordanie. Quan điểm của ông trong hồ sơ xung đột Palestine-Israel và những hành động của quân đội Israel đã làm dấy lên nhiều sự chỉ trích, thậm chí ông còn bị cáo buộc bài Do Thái.

Stephane Hessel sinh năm 1917 tại Berlin. Bố ông là một nhà văn Do Thái. Gia đình Hessel sang sinh sống tại Pháp năm 1924, nhập quốc tịch Pháp năm 1937. Năm 1939, Stéphane Hessel vào học Đại học Sư phạm phố Ulm Paris, nơi đào tạo giới trí thức tinh hoa của nước Pháp. Đại chiến thế giới lần thứ hai đã buộc ông phải bỏ dở con đường học hành và năm 1941, ông sang Luân Đôn, gia nhập tổ chức nước Pháp tự do của tướng De Gaulle. Tại đây, ông làm việc trong Văn phòng phản gián, tình báo và hành động – BCRA.

Tháng ba năm 1944 ông được bí mật điều về Pháp hoạt động nhưng chỉ ba tháng sau, ông đã bị bắt do có kẻ khai báo. Vào giờ phút chót trước khi bị tử hình treo cổ, ông đã đánh tráo được căn cước, lấy tên một người tù Pháp chết vì bệnh sốt phát ban do chấy rận. Sau đó, ông vượt ngục thành công.

Kể từ năm 1946, ông trở thành nhà ngoại giao và làm việc trong ngành này cho đến khi nghỉ hưu.

Khi viết cuốn « Hãy phẫn nộ », Stéphane Hessel xác định rõ ông không phải là một nhà hiền triết, đưa ra những giải pháp cho các vấn đề xã hội.

« Tôi có cảm giác chỉ là người khuyến khích sự suy nghĩ. Điều này rất quý đối với tôi. Tôi hài lòng về khuôn khổ cuốn sách thể hiện bài viết ngắn ngủi này. Và đầu đề đặt cho cuốn sách đã dấy lên nhiều sự tò mò. Điều này rất tốt. Còn sự khôn ngoan, hiền triết mà chúng ta cần có và cuốn sách này đòi hỏi thì không phải tôi là người có khả năng cung cấp. Giờ đây, các nhà khoa học, những nhà hiền triết, tôi nghĩ trước tiên đến Edgar Morin, cũng như Claude Alphandery, những con người dấn thân để cung cấp cho chúng ta những câu trả lời cho sự phẫn nộ này. Bây giờ đến lượt họ lên tiếng ».

Stéphane Hessel không kêu gọi làm cách mạng mà chỉ kêu gọi cải cách tư duy, thay đổi lối suy nghĩ để thoát ra khỏi những giàng buộc xiềng xích của ham muốn tiền bạc, lợi nhuận, quyền lực, thống trị người khác. Mong muốn của ông là giới trẻ hãy tiếp tục duy trì, chuyển tải di sản của cuộc kháng chiến và những ý tưởng của nó.

Khi nói đến sự cần thiết phải biết phẫn nộ, Stéphane Hessel chủ trương phương pháp phi bạo động, hòa giải giữa các nền văn hóa khác nhau và một sự nổi dậy hòa bình.

Thực ra, có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hành động chính trị như nhận thức, mong muốn được phục vụ, khao khát công lý, sự thật, v.v. thế nhưng đối với Stéphane Hessel, phẫn nộ là điểm mấu chốt để hướng tới sự dấn thân.

Ở tuổi 93-94, Stéphane Hessel chưa ngừng nghỉ. Sau cuốn « Hãy phẫn nộ », ông vừa cho ra mắt cuốn sách tiếp theo mang tựa «Hãy dấn thân ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.