Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Triển lãm Lão giáo tại Paris trong mắt khách tham quan

Đăng ngày:

"Con đường của Đạo. Một hành trình khác của sự sống". Đây là nhan đề của cuộc triển lãm lớn đầu tiên về đạo Lão, được mở ra từ cuối tháng ba và kết thúc vào ngày 5 tháng 7 tới, tại các gian trưng bày của Grand Palais (Paris). Bên cạnh các hiện vật đến từ bảo tàng nghệ thuật châu Á Guimet, rất nhiều các hiện vật khác đến từ Đức, Hoa Kỳ, Anh quốc và Đài Loan.

Lối vào triển lãm Đạo giáo tại Grand Palais - Paris
Lối vào triển lãm Đạo giáo tại Grand Palais - Paris Ảnh Trọng Thành
Quảng cáo

Theo ông Thomas Grenon, người điều hành Liên hiệp các bảo tàng quốc gia Pháp và ông Jacques Giès, giám đốc bảo tàng Guimet, hai cơ sở đồng tổ chức cuộc triển lãm này, đạo Lão có thể được coi là một truyền thống tôn giáo đặc biệt của Trung Quốc, một triết học và tập hợp các thực hành liên quan đến dưỡng sinh, dựa trên các kỹ thuật ẩm thực, thể dục và hít thở, để tìm kiếm các kết hợp hài hòa và bền vững giữa con người và vũ trụ. Đó là một nghệ thuật tôn vinh sự sống và nghệ thuật tìm kiếm hạnh phúc của con người trên thế gian này và cả cõi bên kia.

 
Tuy nhiên, lịch sử của Lão giáo rất phức tạp. Từ trước công nguyên, truyền thống này đã được thực hành như một tôn giáo, với một hệ thống thần linh, chức sắc tôn giáo, được tổ chức theo địa bàn dân cư, với các đền thờ và các tổ chức tín đồ. Nền văn hóa đạo Lão đã thấm vào chiều sâu tư duy và các phương thức sáng tạo nghệ thuật của xã hội Trung Hoa này. Ảnh hưởng của Lão giáo hiện nay vẫn còn rất sống động trong thế giới văn hóa Hán. 

Sự ra đời và phát triển của đạo Khổng, rồi đạo Phật tại Trung Quốc cũng làm lu mờ phần nào ảnh hưởng của tôn giáo này. Trong một thời gian dài của thế kỷ XX, truyền thống này đã bị các chiến dịch chống mê tín dị đoan tại Trung Quốc tấn công, cùng với những gì dính dáng đến chế độ cũ. Vài chục năm gần đây, chúng ta được biết, truyền thống này đang dần dần trở lại. Cuộc triển lãm lần này tại Paris là cơ hội để công chúng Pháp và châu Âu tiếp xúc với một cách trực tiếp và đầy đủ hơn với các biểu hiện khác nhau của đạo Lão.

Tại cuộc triển lãm, một thanh niên trẻ đã cho chúng tôi biết ngắn gọn cảm tưởng của anh:

« Tôi thấy rất hay ... Tôi thấy trong triển lãm này vô cùng nhiều thứ và không dễ gì mà hiểu được trong lần xem đầu tiên. Tôi cho rằng triển lãm này được trình bày tốt, bởi lẽ có nhiều hiện vật được nhóm theo nhiều chủ đề, nhiều đề tài lớn. Nhưng mà, thực tế là có quá nhiều biểu tượng cần nắm bắt, do đó, không dễ dàng gì mà lĩnh hội được. Không, không, hoàn toàn không phải là dở. Triển lãm này làm tôi quá sức ngạc nhiên, tôi rất tò mò muốn tìm hiểu thêm về đạo Lão. »

Còn anh Stéphane, đến từ Normandie, cho biết :

« Đối với tôi, triển lãm này rất ấn tượng về nhiều mặt, ví dụ về phương diện mối quan hệ giữa Trời và Đất. Có rất nhiều thứ mở ra cho tôi một con đường rất mới mẻ đối với tôi. Đạo là một triết học phức tạp, nhưng mang tính tâm linh, rất bổ ích cho sự cân bằng cho mỗi con người. Đây là điều rất ấn tượng đối với tôi. Tiếp theo đó, ví dụ như khía cạnh ẩm thực, mối liên hệ với các khía cạnh cơ thể, cũng như sự cân bằng tinh thần, điều làm cho con người được trở nên cân bằng. Điều này làm cho tôi rất xúc động. »

Theo giới thiệu của người phụ trách gian triển lãm, chúng tôi được làm quen với một vị khách đã nhiều lần đến thăm cuộc trưng bày này. Ông rất nhiệt tình chia sẻ những cảm nhận và suy nghĩ của ông :

« Triển lãm này rất thú vị, vì nó giúp cho tôi phát hiện thêm một khía cạnh nữa của nền văn hóa Trung Hoa, chưa hề được trưng bày tại bảo tàng Guimet. Tôi rất yêu bảo tàng Guimet, tôi là khách thăm thường xuyên của bảo tàng này. Ở đó, có nhiều thứ về Khổng giáo, về Phật giáo, nhưng không có gì về Lão giáo. Triển lãm này là dịp đầu tiên. Điều thứ hai là nhờ triển lãm này, chúng ta được xem nhiều hiện vật, mà chúng ta không thể nào nhìn thấy được ở nơi khác. Đặc biệt là những cuộn tranh đẹp tuyệt vời, về các vị thần khác nhau trong điện thần của đạo Lão. Đây là điều thứ hai. Điều thứ ba, tôi muốn nói là, để hiểu được đạo Lão hoàn toàn không dễ dàng gì, đối với một người Pháp, tức là với một người châu Âu. Tôi đã đến xem triển lãm này sáu đến bảy lần rồi, nhưng tôi vẫn không hiểu được thực sự. Ngoài "âm" và "dương", phần còn lại, ... thật không dễ dàng gì. Tất cả các thần thánh này, các cấp độ khác nhau của Trời, các đặc tính cơ bản được gắn với các tinh tú, v.v. Thật sự là rất rắc rối. Tôi cho rằng, những người đến xem, sau khi ra khỏi triển lãm này, đều bàng hoàng. Và tôi cũng cho rằng, nếu có hỏi họ hỏi, nhận thức thu được chắc chắn sẽ không rõ ràng. Theo tôi, ngay cả đối với người Trung Quốc cũng vậy. Đấy là theo ý kiến của tôi. Bởi vì, đạo Lão, tôi thấy là một cái gì đó thật sự rất rắc rối. »

Hỏi : Có nhiều điều ông không hiểu, nhưng có gì ông thực sự hiểu ?

« Tôi hiểu rằng, đây là một tôn giáo ra đời từ rất xưa. Không chắc là Lão tử đã là một người thật. Đây là một tôn giáo giống như Thần đạo ở Nhật Bản. Tôn giáo này thoát ra khỏi truyền thống, vào lúc Trung Hoa mới nổi lên ở quanh khu vực sông Hoàng Hà, với những ngọn núi trong vùng được coi là những điểm tựa chính. Đây là một tôn giáo rất cổ, dần dần từng tí một các kinh sách được bổ sung thêm vào, và dần dần tôn giáo này trở nên có chiều sâu hơn, với cả một hệ thống vũ trụ quan, với tập hợp những liên tưởng giữa các thần linh và các khu vực của thế giới thiên đình, các vì tinh tú. Nhưng tôi không thể nào ngay lập tức tóm lại những điều tôi đã xem, bởi vì thật sự rất là khó ».

Chị Anne, làm nghề hướng dẫn du lịch tại Paris. Chị dẫn con trai đến đây để tìm hiểu về văn hóa Trung Hoa. Con trai của chị cho biết :

« Tôi học được các nguyên tắc cơ bản làm nên tôn giáo này. Các vị thần, các nghi lễ. Tôi thích nhất là các vật thờ cúng, rất tinh xảo, rất đẹp. Điều cơ bản là sự thay đổi là liên tục, hay nói một cách khác, thế giới liên tục vận động. Chúng ta thấy mỗi thứ đều phân thành hai, mỗi vật, cũng như mỗi người đều có hai phần, âm và dương, năng lượng tích cực và năng lượng tiêu cực, nam và nữ. Sự hòa trộn những thứ đối lập tạo ra các sắc thái khác nhau, và điều này làm nên nền tảng của sự biến đổi của sự vật và của con người. Đây là một cách nhìn khác với cách nhìn vốn có của tôi, tôi hiểu nhưng ... tôi không lấy nó làm của mình. »

Hỏi : Bạn có thể nói rõ vì sao bạn không muốn chấp nhận quan điểm này là của mình không ?  
« Đây là một triết học rất thú vị. Thực ra tôi cũng thấy nó có điểm đúng. Nhưng tôi thấy những cái tên mà người ta dùng để gọi hai thái cực này có thể thay đổi tùy theo mỗi nền văn hóa. Chúng ta có thể nhìn như là nước và lửa, như cái thiện và cái ác, như hai cực đối lập, nhưng không bắt buộc nhất thiết phải là âm và dương. Tôi nghĩ rằng, đây có thể là một cách nhìn đặc thù về những điều mà chúng ta có thể coi như là phổ quát. Riêng tôi, tôi thích nhìn nhận sự vật từ một quan điểm khách quan hơn, và thích hợp cho tất cả mọi người hơn. »

Một phụ nữ đứng tuổi, sau khi xem triển lãm, tỏ ra rất hài lòng. Chị chia sẻ các cảm nghĩ chính của chị : 

« Tôi thấy đây là một triển lãm rất đẹp. Trước hết là các đồ vật được trưng bày khá là phong phú và thể hiện được chính xác thế nào là đạo Lão. Theo cảm nhận của tôi, những hoạt động được thể hiện ở đây nói lên một cách sống, về bản chất cuộc sống, thì đúng hơn là một tôn giáo, cho dù sau đó chúng có diễn ra tại các địa điểm tôn giáo. Cái mà tôi yêu thích chủ yếu ở đây là : tất cả những vị thần, những niềm tin, những cách sống khác nhau, được thể hiện qua đạo Lão và Lão tử. Tôi cho rằng biết về những điều này rất quan trọng, vì đây là một truyền thống còn rất ít được biết đến. Chúng ta có thể biết đến đạo Khổng và có thể các truyền thống khác. Nhưng thực sự rất hiếm thấy có triển lãm nào về đạo Lão. Thật thú vị khi được xem triển lãm này tại Grand Palais. »

Hỏi : Theo chị, « đạo » có nghĩa là gì ?

« Đạo, theo tôi, có nghĩa là làm thế nào để sống một cách trong lành, với một cách ăn uống, vận động lành mạnh, với cách hít thở, việc tôn trọng cơ thể. Tôi thấy là trong cuộc sống khó khăn ngày hôm nay, đây là các nguyên tắc rất tốt, có thể được dùng trong bất cứ tôn giáo hay bất cứ truyền thống nào. Bắt đầu xuất hiện từ năm thế kỷ trước công nguyên, nhưng tinh thần của đạo Lão hoàn toàn không lỗi thời so với cuộc sống của chúng ta hiện nay.

Bản thân tôi không áp dụng trực tiếp những điều trong đạo Lão, nhưng tôi nhận thấy, qua triển lãm này, sự chú ý dành cho cơ thể và tinh thần, hơi thở, sự hô hấp - là những điều cơ bản làm nên hạnh phúc của ta. Những điều này khiến ta nghĩ đến chính bản thân sự tồn tại của mình, đến con đường giải thoát của mình, khiến ta nghĩ đến cơ thể của ta hơn. Điều này lại càng quan trọng hơn khi ta sống ở Paris. » 

Một người xem khác là chị Lalonde. Sự chú trọng đặc biệt đến cơ thể và tinh thần trong truyền thống này khiến chị rất thích thú. Chị cho biết đã bước vào thực hành tập luyện khí công từ một năm nay.

« Tôi nói ngay nhé, tôi thấy triển lãm này rất thành công. Điều dễ chịu là có rất ít người vào giờ xem buổi tối khiến mình có thể thưởng thức các tác phẩm ở đây một cách thư thái. Điều tôi thấy sảng khoái là được nghe âm nhạc châu Á trong khi xem. Tôi rất yêu âm nhạc, tôi cảm nhận được âm điệu châu Á trong triển lãm này. Tôi lấy một cái máy hướng dẫn nghe, nên tôi có thể hiểu thêm được nhiều hơn nữa. Tôi rất thích các cuộn tranh, những bức tranh lớn ở đây trông thật tuyệt vời.

Tôi không quá chú ý đến riêng một khía cạnh nào của triển lãm. Nhưng điều làm tôi hài lòng là sự ngưng lại của thời gian, ... cả cái phần ma thuật nữa, khi nghĩ đến các vị thần tiên bất tử. Trước kia, tôi không nghĩ rằng trái đào là tượng trưng cho sự bất tử, con dơi tượng trưng cho niềm hạnh phúc. Tôi cũng rất thích cả các hiện vật bằng gốm, bằng sứ. Nhưng tôi có cảm giác là tôi chỉ nhận ra được một chút cái « đạo » trong những cái đó. Đây thực ra chỉ là món khai vị. Tôi không biết nhiều về « đạo ». Nhưng việc được đi vào trong vũ trụ châu Á khiến tôi rất mê. Ở đây, tôi thấy rất bình yên. Những nhân vật được vẽ rất chi tiết. Có rất nhiều nhân vật đi liền với các biểu trưng. Thật sự là thú vị. » 

Hỏi : Đối với chị, « đạo » có nghĩa là gì ?

« Ồ, đây là một câu hỏi rất lớn. Tôi không nghĩ là tôi có thể trả lời được. »

Hỏi : Cái « đạo », chị hiểu sau khi xem triển lãm này thôi ?

« Tôi nghĩ rằng trong đó, có phần của cơ thể, vì ta thấy các bức tranh thể dục, có phần của tinh thần. « Đạo » liên quan đến tinh thần và cơ thể. « Đạo » cũng liên quan đến những tìm kiếm trong cuộc sống hàng ngày, một thứ triết học của đời sống, ta có thể nói như vậy. Năm ngoái, tôi đã bắt đầu học khí công. Tôi rất thích khí công. Tôi được học cách thở, tập trung năng lượng. Trong triển lãm này có nói đến châm cứu, đến các huyệt trên cơ thể. Có thể nói, « đạo » là một cách nhìn bình lặng hơn, và cũng rất chính xác nữa. Rất chính xác và nghiêm ngặt, về những gì liên quan đến cơ thể và tinh thần. Tôi rất hài lòng đã được xem triển lãm này. »  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.