Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Ngày Hội Âm Nhạc 2010 ở Pháp có gì lạ?

Đăng ngày:

Ngày 21 tháng 6 là ngày đầu tiên của mùa hè. Vào ngày này, nước Pháp có truyền thống, kể từ gần 3 thập niên qua, tổ chức Ngày Hội Âm Nhạc. Hàng ngàn sinh hoạt lớn nhỏ diễn ra khắp nơi tại các sân khấu ở ngoài trời hay bên trong các nhà hát. Điểm nổi bật năm nay là giới trẻ thông qua các mạng xã hội hẹn gặp nhau để cùng hoà mình vào điệu ca tiếng đàn. 

Trình diễn ca nhạc tại Paris nhân Ngày Hội Âm Nhạc 2009 (DR)
Trình diễn ca nhạc tại Paris nhân Ngày Hội Âm Nhạc 2009 (DR)
Quảng cáo

Thông thường, vào Ngày Hội Âm Nhạc (Fête de la Musique), đa số người Pháp rủ nhau đi ăn uống, rồi ghé qua một tụ điểm có trình diễn để cùng đi xem ca hát. Đối với những ai biết chơi nhạc, thì đây là dịp để nhóm tụ để biểu diễn trực tiếp ở ngoài trời mà không sợ làm phiền hàng xóm. Nghiệp dư hay chuyên nghiệp, tất cả các sinh hoạt đều miễn phí, cho nên cứ mỗi độ hè về, không khí Ngày Hội Âm Nhạc lại ngập tràn ở mọi nẻo đường, góc phố.

Một trong những sáng kiến nổi bật năm nay là buổi trình diễn vào cùng một thời điểm của giới yêu nhạc tại 20 thành phố khác nhau trên thế giới. Cách đây vài năm, một ý tưởng táo bạo như vậy rất khó mà thực hiện, nhưng vào thời đại thông tin toàn cầu, Internet chính là công cụ để cho các cộng đồng trên mạng phối hợp tổ chức cùng một sinh hoạt, cho dù họ không biết mặt nhau, và khoảng cách địa lý xấp xỉ nửa vòng trái đất. Người đầu tiên đã có sáng kiến này là Alexis Champey, 22 tuổi, sinh viên nhạc viện thành phố Valence.

Kể từ 3 tháng nay, anh đã nhắn tin trên các mạng xã hội là vào đúng 7 giờ tối ngày 21 tháng 6 tới, anh cùng với nhóm nhạc Lawrence Collins Band sẽ trình diễn ca khúc Imagine của John Lennon tại quãng trường Montalivet ở trung tâm thành phố Valence. Tất cả những ai đọc được tin nhắn của anh đều có thể tham gia vào buổi biểu diễn này, nếu là ca sĩ nghiệp dư, thì họ chỉ cần học trước lời bài hát, nếu là nhạc sĩ thì vào blog của anh để tải xuống bản dàn bè.

Chỉ riêng tại thành phố Valence, đã có tới hơn 1400 người nhận lời tham dự. do số người tham gia cao hơn dự kiến ban đầu, cho nên phần trình diễn sẽ được tổ chức cùng lúc ở 3 tụ điểm trong thành phố. Hay hơn nữa, là sau thành phố Valence, có đến gần 20 thành phố khác đã hưởng ứng sáng kiến này. Ngoài Paris, Lyon, Bordeaux, Marseilles còn có Bruxelles và Genève tại Châu Âu, Hammamet và Casblanca ở Bắc Phi. Xa hơn cả có thành phố Melbourne ở Úc. Điều đó có nghĩa là vào đúng 7 giờ tối, giờ ở Pháp, 2 giờ sáng, giờ ở Úc, các nghệ sĩ nghiệp dư đều cùng cất tiếng, hát chung một bài ca.

Đây không phải là lần đầu tiên mà Alexis tổ chức một buổi trình diễn như vậy. Vào Ngày Hội Âm Nhạc năm trước, sáng kiến của anh đã tập hợp được hơn 10 ngàn người ở 12 thành phố khác nhau, cùng hát nhạc phẩm Sunny. Lần này, anh dự trù sẽ có gần 20 ngàn người tham gia. Sở dĩ anh và các bạn học đã chọn biểu diễn ca khúc Imagine của John Lennon, là vì năm nay là đúng 30 năm ngày giỗ của thành viên quá cố của nhóm Tứ Quái The Beatles.

Một cách tương tự, giới sinh viên thành phố Pau hẹn gặp nhau tại buổi karaoke khổng lồ tổ chức ở ngoài trời. Cho dù mùa thi cử chưa dứt điểm, nhưng đối với thành phần này, Ngày Hội Âm Nhạc cũng như Ngày Hội Điện Ảnh chính là dịp để cho họ tìm được những giây phút thư giản, giữa hai đợt thi nhức óc. Đối với giới yêu chuộng sàn nhảy, thì các sinh hoạt hấp dẫn hơn cả sẽ diễn ra tại Rennes, Nimes và Fecamp vì các thành phố này đầu tư để xây sân khấu ở ngoài trời, để cho các tay DJ hoà nhạc điện tử, biến trung tâm thành phố thành những sàn nhảy lộ thiên. Các thành phố ở miền nam nước Pháp, ven bờ Địa Trung Hải thì nghiêng hẳn về các dòng nhạc La tinh, khi chọn tổ chức các đêm nhạc với chủ đề Brazil và quần đảo Caribê.

Về phần mình, Paris, xứng đáng với danh hiệu thủ đô nước Pháp sẽ tổ chức 800 sinh hoạt lớn nhỏ đủ thể loại, dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Chủ đề xuyên suốt năm nay là Musique au féminin, đề cao các tác giả, các nhà soạn nhạc và nghệ sĩ phái nữ. Giới yêu nhạc thính phòng  sẽ đi xem các diva của làng nhạc cổ điển Nathalie Dessay và Cecilia Bartoli hát các trích đoạn opera và nghe tài chơi đàn hạc cầm của Marielle Nordmann. Hạc cầm và bộ đàn dây vốn là sở trường của phái nữ trong các dàn nhạc giao hưởng ở Pháp, trong khi bộ gỏ và kèn đồng lại là sở trường của phái nam.

Trong lãnh vực nhạc nhẹ, các nghệ sĩ như Sh’ym, Olivia Ruiz hay Chimène Badi đều tham gia vào các buổi biểu diễn truyền hình, vì mỗi người đều có album cho ra mắt trong tháng này. Amel Bent, Vitaa hay Leslie thì đại diện cho dòng nhạc RnB hiện đang lưu diễn vòng quanh của Pháp đều có mặt trong các buổi trình diễn địa phương. Sân khấu hoành tráng nhất sẽ được dựng tại trường đua ngựa Longchamps, ngoại ô Paris, nhưng tại nhiều quãng trường lớn khác trong thành phố, đều có sân khấu lớn nhân ngày này.

Ngày Hội Âm Nhạc năm nay có một đặc điểm khác nữa là rơi trùng vào mùa Cúp bóng đá thế giới. Thành ra có khá nhiều tụ điểm tổ chức một công hai việc, dựng màn ảnh lớn để xem các trận bóng quan trọng, nhưng đồng thời để xem ca nhạc nhân ngày hè đầu tiên. Giới yêu chuộng sân cỏ rủ nhau đến công viên bách thảo Vincennes, vì đêm biểu diễn này quy tụ hầu hết các nghệ sĩ Châu Phi nổi tiếng của dòng nhạc world music. Hấp dẫn hơn cả là phần trình chiếu các video clip của các bài hát cổ cũ cho các đội bóng Châu Phi tham gia mùa World Cup năm nay, từ Camerun đến Ghana, từ Nigeria đến Côtes d’Ivoire, và nhất là Nam Phi nước chủ nhà.

Thử hỏi với hàng loạt sinh hoạt như vậy, Ngày Hội Âm Nhạc làm sao mà không thể lôi cuốn người Pháp ra ngoài phố để chung vui, ngoại trừ những người khó tính nhất, chỉ thích ngồi yên ở nhà chứ không thích đám đông huyên náo. Với thời gian, Ngày Hội Âm Nhạc đã trở thành một sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống văn hóa của dân Pháp. Nhưng không chỉ ở Pháp mà thôi, vì nhiều nước khác cũng tổ chức một ngày hội tương tự. Ở Thụy Sĩ hay ở Bỉ, Ngày Hội Âm Nhạc kéo dài đến 4 ngày, trong khi có đến 340 thành phố tại gần 90 quốc gia trên thế giới đều hưởng ứng Ngày Hội Âm Nhạc năm nay. Yếu tố duy nhất có thể khiến cho ngày này kém vui nhộn vẫn là thời tiết.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.