Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - BẮC TRIỀU TIÊN

Quan hệ liên Triều hòa dịu, nhưng khủng hoảng hạt nhân vẫn còn đó

Cả thế giới hôm nay có thể thở phào nhẹ nhõm khi thấy tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã dịu xuống sau nhiều tháng căng thẳng do khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên đã lên cao đến mức ai cũng lo ngại một cuộc chiến tranh nguyên tử giữa Bình Nhưỡng với Hoa Kỳ.

Trưởng đoàn đàm phán BTT, Ri Son Gwon (P) bắt tay đại diện Hàn Quốc Cho MyoungGyon. Ảnh ngày 09/01/2018.
Trưởng đoàn đàm phán BTT, Ri Son Gwon (P) bắt tay đại diện Hàn Quốc Cho MyoungGyon. Ảnh ngày 09/01/2018. Yonhap via REUTERS
Quảng cáo

Cuộc đối thoại đầu tiên từ 2 năm qua giữa hai miền đã đạt được một kết quả cụ thể, tuy còn khiêm tốn, đó là Bắc Triều Tiên sẽ gởi một phái đoàn đến dự Thế Vận Hội mùa đông Pyeongchang Hàn Quốc. Cuộc đối thoại này diễn ra sau khi trong bài diễn văn đầu năm 2018, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã bất ngờ tỏ thái độ hòa hoãn với láng giềng miền Nam.

Vì sao Bình Nhưỡng đã đổi thái độ như vậy ? Theo nhận định của tạp chí Time có thể đó là do tác động của việc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã gia tăng trừng phạt Bắc Triều Tiên. Ngay cả Trung Quốc, đồng minh thân thiết nhất của Bình Nhưỡng, cũng đã thi hành các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn. Và đúng là đã có những dấu hiệu cho thấy chế độ Bình Nhưỡng bắt đầu bị ảnh hưởng bởi những biện pháp trừng phạt đó.

Tuy nhiên, theo lời ông John Delury, chuyên gia về Đông Á tại Đại học Yonsei ở Seoul, Bắc Triều Tiên vẫn quen chống trả các áp lực nước ngoài. Cho nên, chuyên gia này cho rằng không nên vội kết luận là các biện pháp trừng phạt của quốc tế đã có hiệu quả.

Một yếu tố khác có thể giải thích sự thay đổi thái độ của ông Kim Jong Un đó là nay lãnh đạo Bắc Triều Tiên cảm thấy đủ mạnh, sau khi đã hoàn tất chương trình hạt nhân và tên lửa, để có thể chủ động đề nghị nối lại đối thoại với Hàn Quốc và từ đó đạt được những nhân nhượng.

Có lẽ cũng chính vì nguy cơ bị Bắc Triều Tiên tấn công bằng vũ khí nguyên tử và tên lửa đạn đạo, mà Hoa Kỳ nay cũng đổi giọng. Vào tháng trước, ngoại trưởng Rex Tillerson đã tuyên bố là Washington sẵn sàng thương lượng bất cứ lúc nào với Bình Nhưỡng mà không cần điều kiện tiên quyết. Ngay cả tổng thống Donald Trump, sau khi tuyên bố vào tháng 10 năm ngoái rằng nói chuyện với Bắc Triều Tiên chỉ "phí thời gian", ngày 04/01/2018 cũng đã tỏ ý sẵn sàng đối thoại với  Kim Jong Un. Hoa Kỳ cũng đã đồng ý tạm ngưng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội Pyeongchang.

Nói chung là tất cả các bên đều đã tỏ thái độ cởi mở hơn. Nhưng chưa biết tình hình sẽ đi đến đâu. Trung Quốc hy vọng rằng việc nối lại đối thoại giữa hai miền Triều Tiên sẽ mở đường cho việc đạt đến một thỏa thuận "hai bên đều ngưng", tức là Hoa Kỳ và Hàn Quốc ngưng các cuộc tập trận chung và đổi lại Bình Nhưỡng tạm ngưng thử nghiệm hạt nhân.

Nhưng ngày 04/01 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis đã cho biết rằng các cuộc tập trận chung sẽ được mở lại sau Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật Paralympics (09-13/03/2018). Điều này chắc chắn sẽ cản trở mọi nỗ lực xích lại gần nhau giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Tóm lại, tuy hai miền Triều Tiên đã nối lại đối thoại, nhưng khủng hoảng hạt nhân vẫn còn đó, nhất là vì Kim Jong Un không từ bỏ tham vọng cường quốc nguyên tử. Trước mắt, khủng hoảng tạm thời sẽ không trầm trọng hơn, vì trong thời gian các vận động viên và các quan chức cao cấp của Bắc Triều Tiên có mặt ở Thế Vận Hội Pyeongchang, Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ không có một hành động khiêu khích nào khác.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.