Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Thị trưởng Massy tự hào vì chính sách hội nhập người nước ngoài của thành phố

Đăng ngày:

Được xem là một trong những thành phố năng động nhất, có sức thu hút cao nhất tại vùng phụ cận Paris, Massy với 50.000 dân là nơi 80 sắc dân dễ dàng chung sống.

Ảnh minh họa cho cuộc bầu cử cấp địa phương tại Pháp năm 2020. Nguồn : Bộ Nội Vụ.
Ảnh minh họa cho cuộc bầu cử cấp địa phương tại Pháp năm 2020. Nguồn : Bộ Nội Vụ. Nguồn : https://www.interieur.gouv.fr/
Quảng cáo

Từng sống và làm việc tại Việt Nam, thị trưởng thành phố, Nicolas Samsoen giải thích rằng tạo đối thoại giữa các tôn giáo, đẩy mạnh các sinh hoạt trong các lĩnh vực thể thao và văn hóa là chìa khóa giúp chính sách hội nhập dễ thành công.

Bốn mươi bảy triệu cử tri Pháp được kêu gọi bầu lại lãnh đạo cấp thành phố. Cuộc bỏ phiếu gồm 2 vòng được tổ chức vào các ngày 15 và 22/3/2020. Trên toàn quốc có 34.979 "communes", bao gồm từ những thành thành phố lớn như Paris, Marseille, Lille... đến các thị trấn nhỏ chừng vài chục ngàn dân hay thâậm chí là những thôn xã có chưa tới 1.000 dân cư.

Theo thống kê của bộ Nội Vụ Pháp, trong cuộc bầu cử lần này, có tổng cộng 20.765 danh sách ra tranh cử, với hơn 900.000 ứng cử viên và trong số này sẽ có khoảng 500.000 được bầu vào các hội đồng thành phố, xã hay thôn.

Tạp chí của RFI hôm nay đưa thính giả đến Massy, ngoại ô phía nam Paris. Với 50.000 dân cư, bao gồm 80 quốc tịch khác nhau, Massy là một thành phố có cuộc sống êm ả với những sinh hoạt về văn hóa, thể thao phong phú. Đó là điều khiến thị trưởng Nicolas Samsoen rất tự hào về thành phố được mệnh danh là lá phổi kinh tế của tỉnh Essonne, nằm trong khu vực Ile de France bao gồm Paris và các vùng phụ cận.

Massy có nhiều lợi thế : Thứ nhất là về hạ tầng cơ sở. Hai nhà ga xe lửa nối liền thành phố này với trung tâm thủ đô Paris, một nhà ga dành cho các tuyến tàu cao tốc đi về các thành phố lớn như Lyon, Rennes hay Nantes. Người dân ở Massy cũng rất hài lòng về hệ thống chuyên chở công cộng với khá nhiều tuyến xe buýt phục vụ các thành phố ở ngoại ô Paris. Trong tương lai không xa Massy sẽ trực tiếp nối vào Paris với hệ thống tàu điện Tramway và metro.

Nhờ hệ thống giao thông đa dạng này Massy đã thu hút được nhiều hãng lớn của Pháp và không dưới 2.600 doanh nghiệp tư nhân, đem lại công việc cho 31.000 người.

Lợi thế nhứ nhì của thành phố là 160 hecta – tương đương với 17 % diện tích của thành phố, được dành cho không gian cây xanh. Massy có nhiều ao, hồ, công viên cây xanh, và những khu vực dành riêng cho người đi bộ...

Về văn hóa, Massy đã có nhà hát Opéra và sắp tới đây một chi nhánh của trung tâm văn hóa Pompidou Paris sẽ được khánh thành tại Massy.

Trả lời RFI tiếng Việt, thị trưởng Massy, Nicolas Samsoen trước hết nhắc lại về vai trò của người đứng đầu thành phố, về những khó khăn ông gặp phải trong công việc quản lý Massy thường ngày :

Nicolas Samsoen : Vai trò của một ông thị trưởng là bảo đảm trong cuộc sống hàng ngày mọi việc diễn ra suôn sẻ cho dân thành phố hay thị xã mình quản lý. Công tác của chúng tôi là lo từ việc bảo đảm đường phố phải sạch sẽ, rồi cùng với nhà nước, bảo đảm an ninh tại những nơi công cộng. Thành phố có trách nhiệm bảo trì tất cả những con đường, những trục lộ. Chúng tôi cũng phải lo luôn cả các trường học, phải có những sân vận động, trung tâm văn hóa, thư viện, những địa điểm để các hiệp hội tập hợp và sinh hoạt…

Mỗi thành phố đều độc lập với nhau và có ngân sách riêng, có chính sách chi tiêu riêng. Ngoài ra, thị trưởng là người có tiếng nói trên những dự án lớn nhằm phát triển thành phố hay xã họ điều hành. Sau cùng ở chức vụ này, ông hay bà thị trưởng là chiếc cầu nối giữa nhà nước với người dân. Họ đại diện cho dân cư trong thị xã đó khi cần có tiếng nói trên những hồ sơ liên quan trực tiếp đến dân cư trong vùng, đồng thời họ phải bảo vệ quyền lợi cho những người này.

Khó khăn mà thường ở cương vị thị trưởng chúng tôi phải vượt qua, đó là mỗi quyết định của mình đều phải có hiệu quả. Đó là khó khăn chung của tất cả những ai làm công tác phục vụ cộng đồng. Bên cạnh đó đương nhiên là chúng tôi phải cẩn thận trong việc chi tiêu, bởi vì ở đây là tiền của dân đóng thuế.

Điểm thứ ba đòi hỏi ở người đại diện cho thành phố là họ vừa phải biết lắng nghe ý kiến của những người khác, vừa phải biết lấy quyết định khi cần. Chỉ nghe thôi mà không làm gì hết thì thành phố không thể vận hành được. Trái lại, độc quyền quyết đoán mà không nghe những tiếng nói đối lập thì không thể có hiệu quả trong việc quản lý một thành phố.

RFI : Thưa ông, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành, thành phố có thể làm được những gì ? Hội đồng thành phố Massy có những biện pháp cụ thể nào nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ?

Nicolas Samsoen : Đây chính là một điểm tiêu biểu cho thấy phải có một sự phối hợp, không thể mạnh ai nấy làm. Để chống dịch một cách có hiệu quả, không thể nào 36.000 thành phố lớn và nhỏ trên toàn quốc đưa ra 36.000 giải pháp khác nhau. Chúng ta cần thi hành nghiêm chỉnh những chỉ thị của chính phủ, truyền tải thông tin đến từng nhà. Có nghĩa là không cho phép các cuộc tập hợp quá 1.000 người, khuyên dân chúng thường xuyên rửa tay, tránh những nơi đông người…

Thực ra tại Massy, những sự kiện quy tụ hơn 1000 người rất hiếm, ngoại trừ các trận bóng bầu dục Rugby. Để đối phó với virus corona, thành phố Massy thi hành đúng những quy định của chính phủ ban hành, và chỉ dừng lại ở đó.

RFI: Như trong phần giới thiệu mà chúng tôi vừa đề cập đến, Massy là thành phố đông người nhập cư, có đến 80 quốc tịch khác nhau chung sống. Vậy làm thế nào để thành phố tạo được một bầu không khí và không gian sống hài hoà giữa rất nhiều sắc tộc, văn hóa khác nhau ?

Nicolas Samsoen : Chưa bao giờ đây là việc dễ làm. Tôi từng sống hai năm tại Việt Nam và hiểu thế nào là tâm trạng của một người luôn cảm thấy xa lạ với nơi mình đang cư ngụ. Cho nên khi trở thành thị trưởng, tôi cố gắng vượt lên trên những khó khăn.

Đúng là tại Massy có nhiều khác biệt về nguồn gốc văn hóa. Có những người ngoại quốc họ chỉ đến đây sống một thời gian rồi lại trở về nguyên quán, ngược lại một số khác thì họ định cư lâu dài ở Massy.

Nhưng tôi tin vào đối thoại, vào việc mình tìm cách để mọi người cùng chung sống với nhau một cách hài hoà. Thành phố của chúng tôi bằng mọi giá tránh lập ra những khu giành cho người giàu, hay những khu cho người nghèo ở.

Thế rồi trong thời gian ở Việt Nam, tôi đã học được một bài học quý giá. Hồi đó có một cuộc nghiên cứu ở quy mô quốc tế cho thấy là người Việt Nam lạc quan bậc nhất trên thế giới. Ngược lại người Pháp lại rất bi quan. Tôi nghĩ rằng sự lạc quan đó cho phép chúng ta làm được nhiều việc lắm và đó là một phương tiện rất tốt để chúng ta cùng chung sống với nhau.

Trong tiểu thuyết Le Prophète – Nhà Tiên Tri của tác giả Khalil Gibran có câu : tình yêu không phải là khi hai kẻ bốn mắt nhìn nhau. Yêu có nghĩa là ta cùng nhìn về một hướng. Giữa các sắc tộc rất khác nhau cũng vậy thôi. Bất luận màu da và văn hóa, chúng ta cùng chia sẻ những dự án chung, cùng đồng hành để xây dựng một tương lai thì tất nhiên mọi việc sẽ dễ dàng hơn

RFI : Ông có thể nêu một vài thí dụ cụ thể về cách chung sống hài hòa đó ở Massy ?

Nicolas Samsoen : Có ba thí dụ cụ thể : thứ nhất là các sinh hoạt của nhiều hiệp hội từ thể thao đến văn hóa. Đó là những điểm hội ngộ để giao lưu, đối thoại. Thứ hai là thành phố khuyến khích dân cư ở các khu phố làm quen với nhau, nói chuyện với nhau, tổ chức ăn uống với nhau…, qua đó kết nối những liên hệ gần gũi với nhau hơn.

Điểm thứ ba là thành phố tuy rằng tuân thủ đúng quy định của một nhà nước thế tục nhưng điều đó không cấm cản chúng tôi khuyến khích các tôn giáo đối thoại với nhau. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng các hiệp hội đóng một vai trò hết sức quan trọng. Đó có thể là một câu lạc bộ thể thao, một hội hoạt động về văn hóa, hội của những người muốn tìm hiểu về lịch sử của thành phố Massy hay những hội của người ngoại quốc họ làm một công tác có liên hệ với quê quán của họ … Tất cả những hiệp hội này khiến đời sống văn hóa và cộng đồng trở nên phong phú rất nhiều.

RFI : Chủ Nhật này, diễn ra cuộc bầu cử địa phương ở vòng 1. Cử tri Pháp được kêu gọi bầu lại thị trưởng, xã trưởng và thậm chí đối với nhiều nơi là trưởng làng ... Sau nhiều lần giả thuyết dời lại ngày bầu cử do dịch Covid-19 đang hoành hành, cuối cùng, tránh để gián đoạn đời sống chính trị ở Pháp, tổng thống Macron đã quyết định duy trì cuộc bỏ phiếu ngày 15 tháng Ba. Một số cuộc thăm dò cho thấy có khả năng, tỷ lệ cử tri không đi bầu sẽ cao do lo ngại lây nhiễm virus corona. Thưa ông, để trấn an cử tri và bảo đảm vệ sinh cho tất cả những người đến phòng phiếu thi hành bổn phận công dân, thành phố Massy đã có những bước chuẩn bị nào ?

Nicolas Samsoen : Chúng tôi áp dụng các chỉ thị của chính phủ : Đó là chuẩn bị sẵn dung dịch rửa tay khử trùng tại các phòng phiếu, yêu cầu cử tri tôn trọng khoảng cách 1 mét khi xếp hàng để tránh truyền vi trùng cho nhau. Thành phố yêu cầu cử tri tự mang theo bút để ký tên ở phòng phiếu, chúng tôi sẽ thường xuyên khử trùng thùng phiếu. Không bắt tay khi chào hỏi nhau… Tôi nghĩ rằng vào thời điểm này chúng ta cần có thái độ nghiêm chỉnh, đề phòng rủi ro lây lan dịch, nhưng cũng cần tránh rơi vào tình trạng hoảng hốt.

Ngoài thách thức bất ngờ do virus corona gây nên, bầu cử cấp địa phương tại Pháp lần này diễn ra trong bối cảnh công luận kém tin tưởng hơn vào chính giới. Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò của viện OpionWay được công bố hôm 09/03/2020, trong số tất cả những chính trị gia do dân bầu lên, ông hay bà thị trưởng chiếm được nhiều cảm tình của người dân hơn cả, bởi họ là chiếc gạch nối giữa nền cộng hòa và những người dân bình thường, bởi họ gần gũi với dân. 68 % những người được hỏi quan niệm thị trưởng là người hiểu hoàn cảnh của dân hơn ai hết và có tới 65 % hài lòng về nhiệm kỳ sắp hết của người đứng đầu thành phố. 79 % trả lời viện thăm dò OpinionWay đánh giá cao chất lượng cuộc sống nơi họ cư ngụ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.