Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Hội Chợ Nông Nghiệp Pháp : Cuộc chiến truyền thông chính trị để “lấy lòng” dân ?

Đăng ngày:

Hội Chợ Nông Nghiệp Pháp (Salon Internationale de l’Agriculture) năm nay khai mạc tại Cung triển lãm Versailles vào ngày thứ Bảy 22/02/2020. Như thường lệ, Triển lãm Nông Nghiệp năm thứ 57 thu hút rất vài trăm ngàn khách tham quan. Và trong khoảng 10 ngày diễn ra hội chợ, không khó để du khách bắt gặp các chính khách Pháp, tổng thống, thủ tướng, các bộ trưởng, quan chức cao cấp, chủ tịch, tổng thư ký các đảng phái tại Pháp, đô trưởng Paris …

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lưu lại gần 13 tiếng đồng hồ trong ngày khai mạc Hội Chợ Triển Lãm Nông Nghiệp, ngày thứ Bảy 22/02/2020.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lưu lại gần 13 tiếng đồng hồ trong ngày khai mạc Hội Chợ Triển Lãm Nông Nghiệp, ngày thứ Bảy 22/02/2020. Ludovic Marin/Pool via REUTERS
Quảng cáo

Báo chí Pháp thường gọi Hội Chợ Nông Nghiệp là « chặng dừng chân bắt buộc », « điểm đến không thể bỏ qua » của các chính khách Pháp. Nhất là vào những năm có bầu cử tổng thống, bầu cử Nghị Viện hay cấp địa phương, Salon de l’Agriculture lại trở thành nơi diễn ra « cuộc đua marathon » của các ứng viên. Không ngoa khi nói đó là triển lãm mang tính chính trị nhất nước Pháp.

Năm 2019, tổng thống Emmanuel Macron đã lập kỷ lục khi ở lại triển lãm tới 14 tiếng đồng hồ. Năm nay, mặc dù phủ tổng thống thông báo chủ nhân điện Elysée không hiện diện ở hội chợ lâu như năm ngoái, nhưng cuối cùng, ông Macron cũng lưu lại đó gần 13 tiếng. Nhưng tại sao Triển Lãm Nông Nghiệp lại thu hút giới chính trị Pháp đến như vậy ? Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ hôm 26/02/2020, ông Philippe Maarek, giáo sư Truyền thông chính trị tại Đại học Paris-Est Créteil, giải thích :

« Vâng, Triển Lãm Nông Nghiệp cũng hơi giống nhưu một trận chung kết Giải vô địch bóng đá Pháp, hoặc là như kiểu thỉnh thoảng các tổng thống Pháp đến dự một chặng đua Tour xe đạp vòng quanh nước Pháp. Những việc này là nhằm cho mọi người thấy các tổng thống gần gũi với dân chúng. Họ muốn cho thấy tổng thống gắn bó với người dân. Và từ thời tổng thống Jacques Chirac, đến thăm Hội Chợ Nông Nghiệp gần như đã trở thành điều bắt buộc đối với mọi vị tổng thống.

Nước Pháp khởi đầu là một nước nông nghiệp. Trước đây, người ta vẫn luôn gọi nước Pháp là vựa lúa của cả châu Âu. Vì thế, Hội Chợ Triển Lãm Nông Nghiệp cũng giống như dịp để gợi nhắc lại nguồn gốc lịch sử của đất nước. Trong tâm trí mọi người, nước Pháp dẫu sao cũng là một nước nông nghiệp, đây là một kiểu nhớ lại về ký ức lịch sử. Người ta cũng có thể nghĩ rằng, theo một cách nào đó, Hội Chợ gắn với tầng lớp bình dân Pháp. Vì thế, đến thăm Hội Chợ Triển Lãm Nông Nghiệp là cách để tổng thống khẳng định sự gần gũi với nhân dân, và như tôi vừa nói, là cách để cho mọi người thấy tổng thống quan tâm đến tầng lớp bình dân và nền nông nghiệp.

Tại Triển Lãm, các tổng thống cũng có các hoạt động như mọi khách tham quan khác, tức là họ đi ngắm bò sữa, dê, nếm rượu vang, thưởng thức nông sản, các sản phẩm sản xuất thủ công. Mục đích ở đây là nhằm cho công chúng thấy họ cư xử như những người Pháp bình dân, rằng tổng thống cũng giống như mọi người thôi, hay chí ít thì cũng là họ đang cố làm như vậy. Đương nhiên đây chính là truyền thông chính trị ».

Người thành công, kẻ thất bại

Hội Chợ Nông Nghiệp không chỉ là « tủ kính trưng bày » nông sản Pháp, hay nơi người dân Pháp thể hiện sự gắn bó với nền sản xuất nông nghiệp mà còn là dịp để các tổng thống, ứng viên tổng thống và các nhà chính trị tìm cách tô bóng hình ảnh, « lấy lòng » dân chúng. Nhờ triển lãm, nhiều chính khách đã có thêm được thiện cảm của công chúng.Giáo sưPhilippe Maarekkhẳng định:

« Điều đó đôi khi cũng xảy ra. Chẳng hạn, người ta biết rằng François Hollande, trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, ông ấy đã dành 12 tiếng đồng hồ thăm triển lãm, đây là chuyến thăm rất dài vào thời kỳ đó. Ngay cả Jacques Chirac cũng không đi thăm Hội Chợ lâu đến như vậy. Ông Chirac chính là vị tổng thống đã khôi phục lại truyền thống đi thăm Hội Chợ Nông Nghiệp. Và có thể nói rằng, hình ảnh của François Hollande đã được cải thiện phần nào. Dù sao đi chăng nữa, Hollande đã khiến mọi người nói đến ông như một người muốn trở về với cội nguồn ».

Nhưng không phải nhân vật nào cũng gặt hái thành công nhờ Triển Lãm Nông Nghiệp Pháp ! Gây ồn ào nhất là vụ việc của tổng thống cánh hữu Nicolas Sarkozy. Vào năm 2008, Sarkozy khi chìa tay với một khách tham quan hội chợ thì bị người này từ chối bắt tay. Du khách này nói: « Ồ không, đừng có chạm vào tôi, ông làm bẩn người tôi đấy! ». Máu nóng nổi lên, vị nguyên thủ vốn bị chỉ trích là “tổng thống của người giàu »đã nhục mạ vị khách này.

Vụ việc đã bị bàn tán, chỉ trích rất nhiều trên truyền thông và các mạng xã hội trong và ngoài nước, làm xấu đi rất nhiều hình ảnh của tổng thống Sarkozy. Giáo sư truyền thông chính trị Philippe Maarek gợi nhắc lại : « Thời điểm được nói đến nhiều nhất chắc chắn cũng là thời điểm xảy ra chuyện tiêu cực nhất. Đó là khi Nicolas Sarkozy hồi năm 2008 đã bất ngờ khi bị một khách thăm triển lãm nói câu xúc phạm. Sarkozy khi đó đã đáp trả bằng lời lẽ nhục mạ khá nặng. Ông xua đuổi vị khách kia bằng câu nói : « Biến ngay đi, đồ đần ! »

Câu chửi này thậm chí đã được nhại đi nhại lại rất nhiều và cho đến nay vẫn còn được nhắc tới. Nó càng củng cố hình ảnh một vị tổng thống « bling bling » (bling bling một từ tượng thanh chỉ tiếng kêu phát ra từ đồ trang sức đeo ở cổ, để chỉ một người thích các thú ăn chơi kiểu công tử), hình ảnh một vị tổng thống xa rời nhân dân, vị tổng thống không chú ý đến dân chúng, mà chỉ quan tâm đến những thứ xa hoa bóng bẩy và giới chủ doanh nghiệp giàu có. Đúng là câu nói của Sarkozy thô thiển. Đó chắn chắn là thời khắc nặng nề nhất, và theo lẽ thường thì đó cũng là thời khắc tiêu cực nhất, còn những gì tốt đẹp thì người ta đều không nhắc tới ».

Ngày 24/01/2016, trong chương trình Sept à huit trên kênh truyền hình TF1, cựu thổng thống Nicolas Sarkozy đã thừa nhận sai lầm trong cách cư xử ở Hội Chợ Triển Lãm Nông Nghiệp 2008. Theo cựu chủ nhân điện Elysée, khi nói như vậy, ông đã hạ thấp uy thế của tổng thống, phản ứng của ông cũng không phù hợp với một người bình thường. Sarkozy đã phải trả giá để hiểu được rằng ông không được phép làm mọi điều.

Hội Chợ Nông Nghiệp - nơi nông dân và khách tham quan trút giận

Salon de l’Agriculture cũng là dịp người dân Pháp « trút giận » lên giới lãnh đạo đất nước. Năm 2016, thu nhập của nông dân giảm sút mạnh : điều kiện thời tiết bất lợi khiến trồng trọt mất mùa, các nhà chăn nuôi bò sữa do tác động tiêu cực từ chính sách của Liên Hiệp Châu Âu … Ngay khi đến Cung triển lãm Versailles, tổng thống khi đó là ông François Hollande, đã bị la ó, lăng mạ. Nhiều nhà chăn nuôi, trong cơn giận dữ, còn định hắt phân bò vào nguyên thủ Pháp. Quầy trưng bày của bộ Nông Nghiệp Pháp cũng bị thành viên của Nghiệp đoàn nhà nông trẻ Jeunes Agriculteurs giật tung.

Nhiều nông gia không chào đón sự xuất hiện của các nguyên thủ, cũng chẳng hào hứng khi được chụp ảnh chung với các nhà lãnh đạo. Đối với nhiều nông gia, các chính trị gia, dù ở cánh tả hay cánh hữu, cũng chỉ đến Triển lãm để cho mọi người thấy sự hiện diện của họ, chụp vài tấm ảnh lưu niệm, hứa hẹn trước máy quay của các phóng viên, nhưng trên thực tế họ bỏ mặc các nông gia. Năm 2017, khi là ứng viên tổng thống, ông Macron, cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp, từng bị nông dân ném trứng sượt qua đầu.

Triển Lãm Nông Nghiệp cũng là nơi để các đối thủ chính trị công kích nhau, nhằm giành thiện cảm của công chúng. Nhưng không phải ai cũng có được kết quả như mong đợi. François Hollande, trong chuyến thăm hội chợ lần đầu tiên trên cương vị tổng thống Pháp hồi năm 2013, khi một bé gái hỏi ông là Nicolas Sarkozy đang ở đâu, Hollande mỉm cười đáp lời: « Cháu sẽ không còn nhìn thấy ông ấy nữa đâu! »Sự hóm hỉnh của Hollande lần này dường như lại không được công chúng đánh giá cao.

Truyền thông chính trị hay niềm đam mê ?

Trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp, vị tổng thống duy nhất không tỏ ra mặn mà với Hội Chợ Nông Nghiệp là tổng thống cánh tả François Mitterand. Trong suốt hai nhiệm kỳ tổng thống 14 năm, ông chưa bao giờ đến thăm Salon de l’Agriculture. Liệu có phải do tổng thống Mitterand không quan tâm đến nền nông nghiệp Pháp?Theo giáo sư truyền thông chính trị Philippe Maarek thì không hẳn là như vậy : « Ông ấy cho rằng Hội Chợ Nông Nghiệp là lĩnh vực của bộ trưởng Nông Nghiệp, vì thế ông ấy cử bộ trưởng Nông Nghiệp đến đó. Đối với tổng thống, bộ trưởng Nông Nghiệp là người được ông ấy ủy nhiệm. François Mitterand, khác với những tổng thống khác, trong công việc, ông ủy nhiệm cho rất nhiều người ».

Còn gắn bó nhất với Salon de l’Agriculture có lẽ là tổng thống Pháp Jacques Chirac. Trong suốt 39 năm, từ năm 1972 đến năm 2011, bất kể ở vị thế đô trưởng Paris, bộ trưởng, thủ tướng (2 nhiệm kỳ) hay tổng thống (2 nhiệm kỳ), ông Chirac đều đến thăm Triển lãm. Năm duy nhất ông vắng mặt là vào năm 1979, do lý do sức khỏe : ông bị tai nạn xe hơi. Đài France Info ngày 22/02/2020 trích dẫn ông Philippe Vasseur, bộ trưởng Nông Nghiệp dưới thời tổng thống Jacques Chirac, theo đó Triển Lãm Nông Nghiệp thực sự mang lại niềm vui cho chính trị gia kỳ cựu của Pháp. Về nét khác biệt giữa tổng thống Chirac và tổng thống đương nhiệm Pháp Emmanuel Macron, giáo sư truyền thông chính trị của đại học Paris-Est Créteil, nhấn mạnh:

« Sự khác biệt, tôi nghĩ là đó là về cách đi thăm Triển lãm. Chúng ta thấy là tổng thống Emmanuel Macron đã ở thăm hội chợ lâu hơn rất nhiều so với những người khác, và hôm thứ Bảy vừa rồi (22/02) ông ấy đã ở lại đó rất lâu. Jacques Chirac đi thăm Triển Lãm Nông Nghiệp thực sự là để thưởng thức, để ăn, để uống, để chụp ảnh với những con vật xinh xắn, những con bò sữa dự thi. Ông ấy yêu thích nông sản theo kiểu rất tự nhiên, dân dã. Trong khi đó, khi người ta chứng kiến cảnh tổng thống Macron đến thăm Hội chợ hôm thứ Bảy, người ta có cảm giác là ông ấy ở đó trước hết và quan trọng nhất là để thảo luận với mọi người. Đôi khi ông ấy bị la ó, nhưng đúng là tổng thống Macron đã tận dụng Hội chợ để thảo luận, trao đổi với người dân. Vì thế, ở một chừng mực nào đó, có thể nói đó là một chuyến thăm tốn nhiều trí lực hơn ».

Nếu như vị tổng thống trẻ Macron thiên về công việc, thì nhà lãnh đạo Chirac vốn rất được lòng dân chúng, dường như không bỏ lỡ cơ hội để tận hưởng các sản vật. Năm 2019, khi ông Chirac, qua đời, những hình ảnh ông với gương mặt rạng ngời, háo hức phấn khởi tại các kỳ Triển Lãm Nông Nghiệp, ăn trái táo, uống cốc bia, nếm các món ăn đặc trưng Pháp, âu yếm xoa đầu, xoa lưng những con bò sữa, trò chuyện cởi mở, tự nhiên, « tay mắt mặt mừng » với nông gia lại xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện truyền thông Pháp. Không phải vô cớ mà Jacques Chirac được coi là một trong những nguyên thủ được dân Pháp quý trọng nhất !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.