Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - PHÁP

Pháp : Cải tổ chế độ hưu bổng, chính quyền có thể phải trả giá đắt

Các báo Pháp hôm nay 06/12/2019 nhất loạt dành tựa trang nhất cho phong trào đấu tranh xã hội chống cải tổ chế độ hưu bổng tại Pháp.

Đông đảo người dân xuống đường tuần hành ở Paris, Pháp, trong ngày 05/12/2019 để chống cải tổ chế độ hưu bổng.
Đông đảo người dân xuống đường tuần hành ở Paris, Pháp, trong ngày 05/12/2019 để chống cải tổ chế độ hưu bổng. Zakaria ABDELKAFI / AFP
Quảng cáo

Tờ báo thiên tả Libération chơi chữ, chạy tựa “Tiến bước” trên nền ảnh đoàn người tuần hành đông đảo trên đường phố. “Tiến bước” cũng là tên của phong trào do Emmanuel Macron sáng lập trước khi trở thành tổng thống Pháp. Và cuộc phản kháng xã hội lần này lại chính là để phản đối công cuộc cải tổ chính sách hưu bổng của chính quyền Macron. Báo kinh tế Les Echos nhận định “Hưu bổng: Cuộc đọ sức bắt đầu”. Trong khi Le Monde đặt câu hỏi “Chính quyền hy vọng kềm chế xung đột xã hội bằng cách nào?”, báo Le Figaro thiên hữu dự báo “Đối mặt với đường phố, chính quyền sẵn sàng nhượng bộ”.

Trong bài xã luận mang tiêu đề “Cái giá đắng chát”, Le Figaro viết không ai có thể dự báo cuộc đọ sức giữa chính phủ và những người phản đối cải tổ chế độ hưu bổng sẽ kéo dài bao nhiêu lâu. Nhưng ngày 05/12/2019 có giá trị như một bài trắc nghiệm trên cả ba mặt trận.

Thứ nhất là liệu các nghiệp đoàn có còn khả năng huy động quần chúng hay không, vào thời điểm các tổ chức này bị coi là “đang hấp hối”? Thực tế cho thấy tỉ lệ người tham gia đình công không hề nhỏ, nhất là trong lĩnh vực công. Điểm thứ hai là phong trào tuần hành có thể diễn ra mà không có bạo lực hay không? Đúng là một số vụ xô xát đã xảy ra, nhưng mức độ thì “không nhằm nhò gì” so với các cuộc bạo động trong những ngày biểu tình của phong trào Áo Vàng, mà Le Figaro gọi đó là “cơn sốt vàng da”, hồi mùa đông năm 2018.

Câu hỏi cuối cùng là liệu chính phủ có tiến hành cải cách đến cùng hay không? Nếu có thì cái giá phải trả sẽ là thế nào? Để hạn chế sự liên minh của các lực lượng, khiến phong trào phản kháng xã hội trở nên nghiêm trọng hơn, chính quyền ra sức vận động, trấn an lực lượng cảnh sát, giáo viên và nông dân. Le Figaro nêu ra một vài biện pháp đối phó của chính quyền trong những ngày qua và kết luận là vì quá vội vàng, chính phủ đang gỡ trái phá này và thay bằng một trái phá khác.

Mục tiêu cải tổ của tổng thống Macron là chế độ hưu bổng phải công bằng, đơn giản và hiệu quả hơn. Nhưng theo Le Figaro, kết quả rất có thể sẽ theo hướng ngược lại: chính sách mới có thể bất công, khó hiểu và không hiệu quả. Mục tiêu ngân sách được cân đối vào năm 2025 dường như sẽ không thể đạt được, thậm chí gánh nặng tài chính cho Nhà nước sẽ càng tăng lên.

Thực tế cho thấy cải cách chế độ hưu bổng luôn đẩy nước Pháp vào cảnh rối ren. Tờ báo thiên hữu Le Figaro dự báo, vì thiếu phương pháp, chính quyền của tổng thống Macron cũng không thoát khỏi quy luật nói trên. Nhưng lần này, cái giá phải trả có thể sẽ lớn chưa từng có!

Công luận Pháp: Trọng tài trong cuộc đọ sức giữa chính phủ và đường phố

Một phần nước Pháp bị tê liệt do phong trào đấu tranh chống công cuộc cải cách hưu trí của chính phủ. Le Monde nhận định ý kiến công chúng sẽ giữ vai trò then chốt xác định thắng thua trong cuộc đọ sức giữa người dân trên đường phố với nhà cầm quyền. Theo nhiều thăm dò ý kiến, hiện giờ người dân Pháp ủng hộ phong trào phản kháng, nhưng cũng cho rằng một cuộc cải cách hưu trí là cần thiết.

Hiện giờ, mọi cánh cửa vẫn đang để ngỏ! Tỉ lệ dân chúng ủng hộ phong trào đình công giảm sẽ càng đẩy mạnh quyết tâm cải cách đến cùng của chính phủ. Ngược lại, nếu ngày càng có nhiều người ủng hộ phong trào phản kháng, chính quyền Macron sẽ phải chịu sức ép rất lớn giống như hồi năm 1995 khi chính phủ Alain Jupé cuối cùng đã phải “đầu hàng” trước phong trào khản kháng xã hội.

Biểu tình chống cải tổ hưu bổng : 6.000 cảnh sát hiến binh được huy động bảo vệ Paris

Vài chục ngàn cảnh sát được huy động khắp nơi trên toàn nước Pháp để bảo đảm an ninh cho 245 cuộc tuần hành biểu tình trong ngày 05/12/2019, đồng thời đối phó với các hành động đập phá bạo lực như đã từng xảy ra trong những ngày xuống đường của phong trào Áo Vàng thời gian qua. Báo Le Monde cho biết chỉ riêng tại Paris, trung tâm phong trào đấu tranh chống cải tổ hưu trí do các nghiệp đoàn và nhiều hiệp hội của giới trẻ tổ chức, có 6.000 cảnh sát và hiến binh được huy động với rất nhiều phương tiện cơ giới.

Nhà chức trách lo ngại sẽ có hàng ngàn, hàng chục ngàn người cực tả bạo lực hoặc những người cực đoan của phong trào Áo Vàng trà trộn vào các đoàn người biểu tình do các nghiệp đoàn tổ chức để gây bạo động, cản trở các cuộc tuần hành ôn hòa. Hôm qua, người biểu tình bị cấm tập trung tại những khu vực được bảo vệ như đại lộ Champs-Elysées, nhà thờ Đức Bà Paris, khu vực quanh phủ tổng thống, trụ sở Nghị Viện và nhiều Bộ quan trọng … Sở cảnh Sát Paris cũng kêu gọi chủ các cửa hàng, cửa hiệu ở những nơi nằm trên lộ trình của các cuộc tuần hành đóng cửa đề phòng nguy cơ bị cướp phá.

Tuy chính quyền huy động đông đảo lực lượng an ninh tại thủ đô, nhưng theo báo Le Monde, nhà chức trách Pháp cũng hiểu rõ nguy cơ cảnh sát phản ứng thái quá sẽ khiến các cuộc tuần hành không diễn ra bình thường và càng làm người dân tức giận. Ngoài ra, cảnh sát cũng lo ngại nếu an ninh được thắt chặt ở Paris, những kẻ cực đoan sẽ tụ tập phá rối tại tại các tỉnh thành khác.

“Não bộ” của NATO liệu vẫn đang hoạt động?

Chuyển sang thời sự quốc tế, Le Monde quan tâm đến vai trò của NATO. Trong bài xã luận “NATO tạm lắng”, tờ báo gọi cuộc họp thượng đỉnh nhân dịp NATO tròn 70 năm là một thượng đỉnh “khác lạ”. Điều tồi tệ nhất mà mọi người lo sợ đã không xảy ra. Ngược lại, những lời hứa hẹn biến thượng đỉnh thành dịp phô bày tình đoàn kết và phối hợp chặt chẽ cũng không được cụ thể hóa. Donald Trump, là một nhân vật “khó chịu” nhưng đã không đạp đổ bàn đàm phán, các đối tác của ông cũng học được cách kềm chế nguyên thủ Mỹ. Không phải mọi bất đồng với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đều được giải quyết, nhưng chính quyền Ankara cũng đã có những nhượng bộ. Và cuối cùng, nguyên thủ các nước thành viên NATO không dự kiến họp lại với nhau trước năm 2021.

Trong khi chờ đến thượng đỉnh tiếp theo, một nhóm chuyên gia của NATO, dưới dự dẫn dắt của chủ tịch Jens Stoltenberg, sẽ khởi động chương trình suy ngẫm về tương lai của Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương, nhằm mục đích củng cố tầm vóc chính trị của định chế này. Đây là biện pháp đáp trả việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định NATO “đang trong tình trạng chết não”. Hôm thứ Ba 03/12 khai mạc thượng đỉnh, nguyên thủ Mỹ đã coi đây là một sự lăng nhục.

NATO sẽ phải chứng minh là định chế này có “não bộ” và bộ não của vẫn “đang hoạt động”. Nhóm công tác này có thời hạn từ nay đến hết quý 1/2020 để hoàn thành nhiệm vụ. Nguyên thủ Pháp hy vọng “giai đoạn tạm lắng” này sẽ cho phép xác định lại các mục tiêu chiến lược của Liên Minh, trong bối cảnh thế giới đã có nhiều đổi thay kể từ khi được thành lập vào năm 1949.

Le Monde nhận định như vậy có nghĩa là tổng thống Pháp đã thành công trong việc chuyển nội dung thảo luận tại thượng đỉnh NATO từ ngân sách thuần túy và vấn đề về số lượng sang lĩnh vực chính trị. Không có điều gì cho phép khẳng định nhóm công tác của NATO sẽ tìm ra những giải pháp mang tính cách mạng, nhưng ít nhất thì thượng đỉnh ngắn ngủi lần này cũng là dịp để đặt ra những câu hỏi thực thụ.

Việc xem xét lại lợi ích của NATO đã dẫn đến việc lãnh đạo Hoa Kỳ Donald Trump tái khẳng định lòng tin vào NATO và nhất là về việc kích hoạt điều khoản số 5 huy động lực lượng Liên Minh nếu một nước thành viên NATO bị tấn công quân sự. Điều này có tác dụng trấn an một số nước châu Âu.

Trong tuyên bố cuối cuộc họp, NATO vẫn coi Nga là mối đe dọa hàng đầu mà Liên Minh phải đối phó, trên cả nguy cơ khủng bố. Đối với NATO, khả năng đối thoại với Nga vẫn còn, với điều kiện Nga phải thể hiện thiện chí qua hành động. Tổng thống Pháp cũng đã tranh thủ thượng đỉnh để trấn an các đối tác châu Âu về việc châu Âu có thể tự phòng vệ với NATO mà vẫn có thể xích lại gần nước Nga theo như ý tưởng của ông.

Và cuối cùng, tại thượng đỉnh NATO năm nay, lần đầu tiên Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương nhắc đến việc các nước cần cùng chung sức đối phó với những thách thức từ sự lớn mạnh của Trung Quốc. Le Monde kết luận ý tưởng trên vẫn còn mơ hồ nhưng đó là một cách cho thấy sự tồn tại của NATO là có ý nghĩa, cho dù Liên Minh đang trong cảnh “rối loạn”.

Hồng Kông : « Nếu tôi có vấn đề gì, thì không phải là do tôi tự tử »

Chuyển sang lĩnh vực xã hội, nhìn sang châu Á, báo Libération vẫn quan tâm đến phong trào đấu tranh đòi dân chủ ở Hồng Kông.

Từ nhiều tháng nay, người dân Hồng Kông không còn niềm tin vào cảnh sát, nhất là từ sau vụ Christie, một thiếu nữ 15 tuổi ủng hộ phong trào đòi dân chủ, mất tích hôm 21/09/2019, rồi sau đó cảnh sát kết luận là cô gái tự tử. Thi thể của cô được tìm thấy trên biển. Vấn đề là công chúng chỉ được biết thông tin về cái chết của cô gái 3 tuần sau khi thi thể Christie được tìm thấy, và 1 ngày sau khi thi thể cô được hỏa thiêu. Trường học của Christie cũng đợi nhiều giờ sau mới công bố băng ghi hình không đầy đủ có liên quan đến nạn nhân. Nhiều người đặt câu hỏi về lý do thực sự khiến Christie mất mạng. Họ không tin là cô gái đã tự sát như cảnh sát thông báo.

Mối ngờ vực ngày càng lan rộng.Trong giai đoạn tháng 06 đến tháng 09/2019, số vụ tự tử và số thi thể được tìm thấy tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018 càng khiến công chúng nghi ngờ. Hiện nay, để đề phòng chuyện tương tự của Christie, một số người, trước khi đi biểu tình, để lại di ngôn : « Tôi không muốn tự sát. Nếu có chuyện gì đó xảy ra với tôi, thì đó cũng không phải là một vụ tự tử ».

Xã hội Ấn Độ đối mặt với nạn cưỡng hiếp

Vẫn về châu Á, Le Figaro lưu ý « Xã hội Ấn Độ đối mặt với nạn cưỡng hiếp ». Một lần nữa đất nước này lại bàng hoàng về vụ một phụ nữ 27 tuổi bị cưỡng hiếp tập thể, bị sát hại và thi thể bị đốt cháy hôm 27/11. Vụ việc thương tâm làm công luận nhớ lại một vụ tương tự từng làm rung chuyển Ấn Độ hồi tháng 12/2012.

Các vụ cưỡng hiếp xảy ra thường xuyên ở đất nước châu Á này. Theo số liệu chính thức, trong năm 2017 xảy ra 32.500 vụ cưỡng bức. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở các thành phố lớn từ ngày 30/11, biểu ngữ nổi bật nhất là « Những kẻ cưỡng hiếp nhẫn tâm, phải treo cổ chúng ».

Một luật sư cho biết việc tăng án phạt hình sự cũng không thay đổi được gì. Bà phê phán cảnh sát vô cảm, coi những vụ cưỡng hiếp không có gì nghiêm trọng và không muốn điều tra. Họ thường đỗ lỗi cho nạn nhân. Theo một luật sư khác, một nhà bảo vệ nhân quyền, phụ nữ ở Ấn Độ bị coi là ở đẳng cấp thấp, thậm chí chỉ để thỏa mãn nhu cầu của đàn ông.

Khí hậu nóng lên, các loài chim nhỏ đi

Sau 40 năm thu gom và quan sát 70.000 xác con chim thuộc 50 loài chim Bắc Mỹ, một nhóm nhà nghiên cứu Mỹ kết luận khi khí hậu ấm dần lên, các loài chim có kích cỡ nhỏ dần đi. Theo kết quả công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí Ecology Letters, ngày 04/12/2019, kích thước cơ thể trung bình của những con chim này nhỏ dần theo thời gian, tính từ năm 1978, còn sải cánh của chúng tăng dần lên.

Trọng lượng cơ thể trung bình của các loài chim giảm khoảng 2,6%, chiều dài xương chân cũng giảm khoảng 2,4%. Ngược lại, sải cánh lại tăng 1,3%. Theo các nhà nghiên cứu, do cơ thể chim nhỏ đi nên sải cánh tăng để giúp chúng có thể hoàn thành chặng đường di trú dài.

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc đại học Michigan một lần nữa khẳng định quy luật Bergmann, theo đó những con chim có khuynh nhướng nhỏ đi ở các vùng có khí hậu ấm áp hơn và to lên ở vùng lạnh hơn. Và khuynh hướng trên có thể thay đổi theo từng năm: những năm nhiệt độ trung bình thấp đi thì kích thước các loài chim cũng lớn hơn, và ngược lại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.