Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Sinh viên Pháp đòi cải thiện điều kiện sống

Đăng ngày:

Không chỉ đối đầu với phong trào đình công trong ngành giao thông công cộng và giới công chức chống cải tổ hưu trí, chính phủ của tổng thống Pháp Emmanuel Macron nay còn phải đối phó với phong trào biểu tình của các sinh viên, ngày càng bất bình về điều kiện sống và học tập của họ.

Sinh viên Pháp biểu tình tại Lyon ngày 12/11/2019 đòi cải thiện điều kiện sống và học tập.
Sinh viên Pháp biểu tình tại Lyon ngày 12/11/2019 đòi cải thiện điều kiện sống và học tập. AFP Photos/Philippe Desmazes
Quảng cáo

Sinh viên Pháp đã xuống đường biểu tình kể từ sau vụ tự tử ngày 08/11/2019 của một sinh viên 22 tuổi tại Lyon, tuyệt vọng vì những khó khăn tài chính chồng chất. (Tình trạng sức khỏe của sinh viên này hiện đã ổn định, nhưng cơ thể đã bị bỏng nặng, nguy cơ bị nhiễm độc).

Trước cuộc tổng đình công ngày 05/12, khoảng 900 sinh viên tại Lyon đã xuống đường ngày 26/11 cùng với vài trăm sinh viên tại các thành phố khác như Lille, Grenoble, theo lời kêu gọi của các hiệp hội sinh viên. Những hiệp hội này đòi Nhà nước gia tăng trợ giúp cho sinh viên, cụ thể là tăng học bổng, mở rộng diện được cấp học bổng, tăng số chỗ ở và giảm tiền thuê nhà cho sinh viên. Trước đó, ngày 12/11, các cuộc biểu tình của sinh viên tại nhiều thành phố cũng đã quy tụ hàng trăm người.

Trên báo Le Monde, 47 giáo sư tại đại học Lyon 2 đã ký chung một bài viết, yêu cầu chính phủ lập ra một nhóm làm việc và nhóm này phải đề ra những biện pháp « cấp thiết và đầy tham vọng » để chấm dứt tình trạng khó khăn của các sinh viên hiện nay.

Theo một báo cáo năm 2015 của cơ quan Tổng thanh tra các vấn đề xã hội, gần 20% sinh viên tại Pháp sống dưới ngưỡng nghèo khó. Trả lời phỏng vấn RFI ngày 12/11, cô Orlane François, chủ tịch Liên đoàn các tổng hội sinh viên (FAGE), tổ chức sinh viên lớn nhất ở Pháp, mô tả tình cảnh hiện nay các sinh viên tại Pháp :

« Có một phần hai sinh viên cho biết vào những lúc khó khăn, họ phải nhịn ăn, con số này ngày càng đông. Có nhiều bạn vất vả tìm nơi ở, vì một phần là không đủ chỗ cho sinh viên trên toàn nước Pháp, có những bạn không thể chữa bệnh được nữa, vì khả năng tài chính không cho phép họ ứng trước tiền rồi đợi hoàn trả sau.

Vào đầu năm học, tiền học bổng đã được tăng chút ít nhưng hoàn toàn không đủ để đáp ứng nhu cầu của sinh viên trên toàn nước Pháp.

Tình trạng khó khăn hoặc cực kỳ khó khăn của các sinh viên đó dĩ nhiên là có tác động đến việc học hành, vì cả thể lực và lẫn tâm lý đều không ổn. Một số sinh viên buộc phải vừa đi học vừa đi làm, cho nên không dành đủ thời gian cho việc học. »

Trước tình hình đó, Orlane François đề nghị chính phủ phải sửa đổi toàn bộ hệ thống trợ giúp sinh viên :

« Từ lâu chúng tôi vẫn yêu cầu là phải đánh giá lại mức học bổng, đã không được tăng đáng kể trong những năm gần đây, đồng thời phải sửa đổi các phương thức trợ giúp xã hội cho sinh viên. Hiện nay, nhiều sinh viên không biết là ngoài học bổng, họ có thể xin trợ cấp nhà ở hoặc xin những trợ cấp đặc biệt dành cho những trường hợp đặc biệt. Nói chung là phải thiện toàn bộ hệ thống và chúng tôi mong là cuộc thảo luận với chính phủ sẽ giúp đạt được các giải pháp. »

Về phần Mélanie Luce, thuộc một tổ chức sinh viên khác, UNEF, trả lời RFI ngày 14/11, cô cũng yêu cầu có những thay đổi :

« Phải thay đổi mọi thứ, phải lắng nghe sinh viên, phải làm sao chấm dứt tình trạng nghèo khó của sinh viên. Chính vì vậy mà chúng tôi kêu gọi phải nhanh chóng đề ra một kế hoạch khẩn cấp cải tổ các trợ cấp xã hội, lập ra một quy chế cho sinh viên, để bảo đảm cho họ được hưởng đầy đủ các dịch vụ về y tế, nhà ở và giao thông trên toàn nước Pháp ».

Một dấu hiệu cho thấy tình trạng khó khăn của các sinh viên tại Pháp : ngày càng có nhiều sinh viên đứng xếp hàng trước các quán ăn tình thương Restos du cœur, hôm 26/11 vừa mới phát động chiến dịch mùa đông phân phát các bữa ăn miễn phí cho người nghèo. Trong năm 2018, các quán ăn Restos du cœur đã tiếp đón tổng cộng 30 ngàn sinh viên. Theo lời chủ tịch hiệp hội, Patrice Blanc, đó là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn : bố mẹ không có khả năng tài chính, hoặc cắt đứt liên lạc với gia đình, tiền học bổng không đủ xài… Ông Blanc nhấn mạnh phân nửa số thanh niên mà Restos du cœur tiếp đón gặp khó khăn về nơi ở, vì tiền học bổng không đủ để họ có một chốn ở đàng hoàng.

Bên cạnh Restos du cœur, tại Pháp hiện nay còn có những cửa hàng dành riêng cho các sinh viên gặp khó khăn, với giá cực rẻ, của hiệp hội mang tên Agoraé. Sau đây là phóng sự của thông tín viên RFI Marie Casadebaig tại một cửa hàng Agoraé ở ngoại ô phía đông nam Paris:

« Mỗi tuần, Baptiste đến mua đồ tại cửa hàng Agoraé, nằm gần trường kiến trúc của anh. Cửa hàng nhỏ này chỉ có vài kệ, một tủ lạnh lớn, và khoảng hai chục túi đựng đầy rau quả. Một trong những túi đó là dành cho Baptiste. Anh cho biết : « Trong này có khoai tây, củ cải, táo, với giá chỉ tổng cộng có 1 euro. Đây quả là một sáng kiến tuyệt vời ».

Giá của túi rau quả này chỉ là 1 euro, thay vì 10 euro, đó là nhờ một hiệp hội chuyên phân phối các hàng tồn kho từ một cửa hàng rau quả hữu cơ (bio). Cửa hàng này cũng được sự trợ giúp của Ngân hàng lương thực và thực phẩm do các nhân viên thiện nguyện quyên góp.

Một gói nui giá chỉ 10 xu euro, yaourt còn rẻ hơn. Sở dĩ Baptiste được mua hàng với giá rẻ như vậy là vì anh đáp ứng một số tiêu chuẩn. Roxanne Grignon, phó chủ tịch mạng lưới Agoraé, bao gồm 18 cửa hàng trên toàn nước Pháp, giải thích :

« Chúng tôi bảo họ lập một bảng có hai cột : một bên là tiền thu vào, bên kia là tiền chi ra, trừ hai cột với nhau, rồi lấy số dư chia ra 30 ngày. Nếu mỗi ngày chỉ còn từ 1 euro 20 đến 7 euro 60 để sống, sinh viên đó được quyền mua thức ăn tại cửa hàng của chúng tôi và các túi rau quả sẽ được phân phát cho họ với giá được tính theo số tiền còn để sống mỗi ngày. »

Đến từ Bordeaux, Baptiste còn được bố mẹ hỗ trợ tài chính, nhưng Ahmed lại không được may mắn như thế. Cũng như phân nửa số sinh viên phải rời nguyên quán để theo học đại học, anh phải tự xoay sở. Ahmed nói : « Tôi không được bố mẹ giúp đỡ. Bản thân họ đã rất khó khăn rồi, cho nên tôi không dám xin tiền bố mẹ. »

Ahmed được cấp một khoản học bổng 400 euro và được ở trong ký túc xá dành cho sinh viên, và mỗi tháng anh chỉ còn 50 euro để mua thức ăn. Cũng như gần 20% sinh viên ở Pháp, Ahmed sống dưới ngưỡng nghèo khó. Anh cho biết : « Trước khi biết cửa hàng Agoraé, tôi ăn nui không, còn bây giờ ở cửa hàng này tôi có thể mua những thứ mà trước đây khả năng tài chính của tôi không cho phép. »

Năm ngoái, Ahmed đã thử vừa học, vừa đi làm kiếm tiền. Do anh làm việc đến 15 tiếng mỗi tuần, không đủ thời giờ để học, để ngủ, cho nên kết quả học tập đã sút giảm thấy rõ. Cuối cùng, Ahmed đành ngưng làm thêm. Từ đó đến nay, anh biết rành mọi cách để đủ ăn, đủ mặc mà không tốn kém nhiều, nhờ vậy có thể tập trung đầu óc cho việc học ở đại học kinh tế. »

Nhưng trước những yêu sách của giới sinh viên, chính phủ Pháp cho tới nay vẫn từ chối tăng tiền trợ cấp nhà ở cho sinh viên. Khi đến thăm một cơ sở của hiệp hội Restos du cœur hôm 26/11, bộ trưởng Y Tế Angès Buzyn nhắc lại là trên thực tế, coi như sinh viên đã được tăng trợ cấp, bởi vì kể từ nay họ không phải đóng mỗi năm 217 euros cho quỹ an sinh xã hội sinh viên (quỹ này đã được sáp nhập vào quỹ an sinh xã hội chung).

Bà Buzyn còn cho biết là chính phủ đang có kế hoạch thành lập các trung tâm y tế miễn phí cho sinh viên tại các đại học. Về phần bộ trưởng bộ Đại học Frédérique Vidal, trả lời đài phát thanh RTL ngày 19/11, ông thông báo là trước cuối năm 2019 sẽ lập ra một số điện thoại dành cho những sinh viên đang cần trợ giúp khẩn cấp để tránh tái diễn vụ tự thiêu như ở Lyon.

Còn theo Đài quan sát đời sống sinh viên, khoảng 5% sinh viên, tức là 125 ngàn người, sống trong điều kiện rất khó khăn, nhưng chỉ có khoảng 50 ngàn sinh viên là xin trợ giúp khẩn cấp, cho nên mỗi năm vẫn còn khoảng hơn 15 triệu euro tiền trợ giúp khẩn cấp không được sử dụng.

Hiện nay, nhà nước dành ra tổng cộng đến 5,7 tỷ euro tiền trợ cấp xã hội cho sinh viên ở Pháp, cao hơn cả ngân sách của bộ Ngoại Giao, theo lời bộ trưởng Đại Học. Có đến 40% sinh viên bậc đại học được cấp học bổng xã hội, dành cho những người gặp khó khăn đến mức không thể theo học đại học hoặc tiếp tục học đại học. Những người thuộc diện học bổng này còn được miễn tiền học phí và được nhiều khoản trợ cấp bổ sung, trong có có trợ cấp về nhà ở. Một khi trừ hết các khoản trợ cấp này thì, nếu thuê một phòng, sinh viên chỉ còn trả 80 euro/tháng, còn thuê một studio 18m2 chỉ còn trả từ 150 đến 200 euro.

Về trợ cấp nhà ở cho sinh viên, Pháp nằm trong số các nước đi đầu ở châu Âu, nhưng về học bổng thì vẫn còn thua xa các nước Bắc Âu. Tuy vậy, theo tuần báo L’Express, trích một nghiên cứu của cơ quan Eurostudent, hiện chỉ có 23% sinh viên Pháp cảm thấy gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng, dưới mức trung bình của châu Âu 26%. Tỷ lệ này ở Đức là 40%, ở Ba Lan là 38%, trong khi ở Hà Lan, chỉ có 14% sinh viên xem mình là thuộc diện nghèo.

Như vậy, khó khăn của một bộ phận sinh viên Pháp hiện nay có lẻ xuất phát từ khó khăn của một bộ phận dân Pháp, vào lúc mà tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn rất cao. Trong bối cảnh phong trào Áo Vàng khuấy động nước Pháp trong cả năm 2019, nay đến phong trào đình công chống cải tổ hưu trí, giới sinh viên nay cũng nhân cơ hội đòi chính phủ thỏa mãn các yêu sách của họ. Nhưng dường như không ai thấy rằng, nguồn tài lực của nhà nước Pháp nay rất giới hạn, trong khi mà chính phủ của tổng thống Macron còn phải tuân thủ mức giới hạn thâm thủng ngân sách 3% theo quy định của Liên Hiệp Châu Âu, cho nên nhà nước Pháp khó có thể ban phát mọi thứ cho mọi người.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.