Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

Pháp : Chống cải cách hưu bổng hay khủng hoảng niềm tin vào chính quyền ?

Gần 250 cuộc tuần hành diễn ra trên toàn nước Pháp ngày 05/12/2019 để chống lại chương trình cải tổ chế độ hưu bổng của chính phủ. Đợt biểu tình lần này có hai đặc điểm mới : đó là "đình công phủ đầu" tức là xuống đường phản đối trước khi chính phủ chính thức công bố dự luật và nghịch lý đa số dân Pháp (70 %) cho rằng phải cải tổ hệ thống hưu bổng, nhưng đồng thời có tới 58 % tán đồng cuộc bãi công, biểu tình hôm nay.

Nhân viên cứu hỏa tại Marseille, Pháp biểu tình phản đối chương trình cải cách hưu bổng, ngày 05/12/2019.
Nhân viên cứu hỏa tại Marseille, Pháp biểu tình phản đối chương trình cải cách hưu bổng, ngày 05/12/2019. REUTERS/Jean-Paul Pelissier
Quảng cáo

Hiện tại kế hoạch cải tổ chế độ hưu bổng mới chỉ là một bản dự thảo với những đường nét rất chung chung và chính phủ còn đang tiếp tục đàm phán với các công đoàn để chi tiết hóa một số điểm quan trọng nhất là ấn định tuổi về hưu, thời gian làm việc cần thiết để được hưởng chế độ hưu bổng toàn phần...

Trên nguyên tắc, người đặc trách chương trình cải tổ này sẽ chỉ đưa ra một số những đề xuất vào ngày 09/12/2019. Rồi những đề nghị này lại còn tiếp tục được chính phủ đàm phán thêm với đại diện của người lao động trước khi soạn thành dự luật để thông qua và đưa ra Quốc Hội.

Vì sao phải cải tổ ? Có hai nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất là hiện nay, tại Pháp, có đến 42 chế độ hưu bổng tùy theo một số ngành nghề với những khác biệt khá lớn, gây ra một sự bất bình đẳng giữa những người về hưu. Thứ nhì là dân số già đi, tuổi thọ dân Pháp tăng lên, số người làm việc giảm, hệ quả là quỹ lương hưu của Pháp trong tình trạng thâm hụt kinh niên.

Với nhịp độ tăng trưởng như hiện nay, tức chưa đầy 1,5 % một năm, theo thẩm định của COR, cơ quan đặc trách về chế độ hưu bổng, mức thâm hụt đó sẽ dao động từ 8 đến 17,2 tỷ euro vào năm 2025. Tức là trung bình mỗi năm thâm hụt đó tương tương với từ 0,3 đến 0,7 % GDP của Pháp.

Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi có tới 76 % người được hỏi đồng ý là "cần phải thay đổi hệ thống lương hưu" tại Pháp, theo như kết quả một cuộc thăm dò do viện IFOP thực hiện hôm 01/12/2019 cho báo Le Journal du Dimanche : 64 % tán đồng việc chính phủ muốn thống nhất các chế độ hưu bổng để xóa bớt những bất công. Hiềm nỗi, cũng trong cuộc thăm dò này, lại có đến 64 % cho biết là họ "không tin tưởng" vào tổng thống Macron và thủ tướng Philippe trong sứ mệnh trọng đại này.

Đáng nói hơn nữa là cách nay một tuần (ngày 27 và 28/11/2019) 46 % dân Pháp ủng hộ cuộc đình công hôm nay. Nhưng theo thăm dò mới nhất do viện Odoxa Dentsu Consulting thực hiện trong hai ngày 03 và 04/12/2019 thì lại có tới hơn 60 % coi đợt bãi công này là "chính đáng". Bởi 89 % cho rằng kế hoạch cải tổ "còn quá mơ hồ", 85 % lo phải làm việc nhiều hơn và 80 % tin là sẽ bị chính phủ bắt chẹt hay lừa dối.

Các thăm dò nói trên cho thấy, rõ ràng, cuộc đình công lần này không đơn thuần chỉ vì vấn đề hưu bổng. Bất bình trong xã hội đang chồng chất, từ giới cảnh sát, cho đến giáo viên và cả sinh viên học sinh, từ nhân viên trong các tòa án, đến giới bác sĩ, y tá, hộ lý trong các bệnh viện công ... đều lần lượt xuống đường. Đó là chưa kể phong trào Áo Vàng bùng phát vào mùa thu năm ngoái vẫn còn âm ỉ cho dù chính quyền đã rót hơn một chục tỉ euro để xoa dịu công luận, hay mở các cuộc đối thoại, tham khảo ý kiến người dân, để cho mỗi công dân có cơ hội nói lên tiếng nói của mình và tham gia vào đời sống chung trên đất Pháp

Trước ngần ấy những nỗ lực, điểm tín nhiệm của tổng thống Macron và thủ tướng Philippe vẫn ở mức thấp vào bậc nhất trong nền đệ Ngũ Cộng Hòa.

Theo đánh giá của nhà báo Thomas Legrand chuyên phân tích về chính trị Pháp, không thể chối cãi là "đa số" người dân không còn tin tưởng vào Emmanuel Macron nữa, nên nhất cử nhất động của bên hành pháp đều bị hoài nghi.

Xin nhắc lại là ông Macron đắc cử tổng thống vì đã đưa ra một chương trình cải tổ táo bạo nhằm đem lại một làn gió mới cho nước Pháp. Ông từng gay gắt phê phán những đời tổng thống tiền nhiệm đã "bỏ quên một số hồ sơ trong suốt 30 năm". Đối với Emmanuel Macron, hồ sơ cải cách hưu bổng lần này là một trắc nghiệm cho hai năm rưỡi còn lại của nhiệm kỳ.

Cũng chính vì muốn vượt qua được thách thức to lớn này mà từ nhiều tuần lễ qua, tổng thống Macron và thủ tướng Philippe đã huy động toàn thể nội các tham gia giải thích, trấn an trên hồ sơ nhậy cảm này.

Bộ trưởng Y Tế cách nay hai tuần thông báo kế hoạch 12 tỷ euro cho hệ thống bệnh viện công. Bộ trưởng Giáo Dục liên tục trấn an các giáo chức rằng với kế hoạch cải tổ hưu bổng, giáo viên không hề bị thiệt thòi. Bộ trưởng Kinh Tế đã nhanh chóng xoa dịu phẫn nộ trong ngành xây dựng, tránh để bất mãn lây lan.

Chiến thuật đó của tổng thống Macron có đem lại hiệu quả như ông mong đợi hay không ? Tình hình ngày hôm nay và trong những ngày tới sẽ trả lời câu hỏi này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.