Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

Đình công chống cải tổ hưu trí tại Pháp: Cuộc trắc nghiệm đối với Macron

Phong trào đình công biểu tình chống cải tổ hưu trí là đề tài chiếm trang nhất các nhật báo Pháp hôm nay.

Ga xe lửa Paris vắng lặng trong ngày đình công toàn quốc chống cải tổ hưu trí tại Pháp 05/12/2019.
Ga xe lửa Paris vắng lặng trong ngày đình công toàn quốc chống cải tổ hưu trí tại Pháp 05/12/2019. Reuters
Quảng cáo

Đối với nhật báo thiên hữu Le Figaro, đây là một cuộc « đọ sức », còn theo nhật báo thiên tả Libération, đây là « màn đầu » của một phong trào có thể kéo dài và sẽ buộc chính phủ phải thương lượng. Nhật báo kinh tế Les Echos thì phỏng đoán đối sách của chính phủ trước phong trào tổng đình công. Báo Công giáo La Croix thì nói đến một « cuộc cải tổ triền miên », nhắc lại rằng hệ thống hưu trí ở Pháp đã được cải tổ nhiều lần trong 30 năm qua, lần nào cũng rất là « đau đớn ».

Theo Le Monde, cuộc đình công hôm nay là một cuộc trắc nghiệm đối với tổng thống Macron. Khi tranh cử tổng thống, ứng cử viên Macron đã tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc chuyển đổi sâu rộng nước Pháp. Ba năm sau, tư thế một lãnh đạo táo bạo, không lùi bước trước mọi trở ngại, vẫn là điểm mạnh chủ yếu của vị nguyên thủ quốc gia trẻ.

Le Monde cho rằng thông qua việc cải tổ hệ thống hưu trí, ông Macron chứng tỏ khả năng tiếp tục con đường canh tân mà ông đã vạch ra. Như nhận định của một bộ trưởng quan trọng trong chính phủ : « Hồ sơ hưu trí là cuộc trắc nghiệm lớn. Nếu thất bại, coi như nhiệm kỳ này là chấm dứt, chúng ta sẽ không thể làm gì khác nữa ».

Trong nội bộ phe đa số cầm quyền, không ai nghĩ là sẽ tái diễn kịch bản của năm 1995, khi thủ tướng thời đó là Alain Juppé đã phải lùi bước, từ bỏ kế hoạch cải tổ các chế độ hưu trí đặc biệt, dưới áp lực của đường phố. Vấn đề là chính phủ của thủ tướng Philippe có thể đương đầu được với một phong trào ồ ạt và kéo dài hay không.

Trong bài xã luận tựa đề « Thỏa hiệp », tờ Libération so sánh tình hình nước Pháp hiện nay với nước Pháp năm 1995. Theo Libération, vào năm 1995, cuộc đình công đã khiến mọi người bất ngờ, số người biểu tình rất đông đảo, họ rất được dân chúng ủng hộ và các hệ thống xe lửa và giao thông đô thị tê liệt hoàn toàn. Và nhất là cuộc đình công đã kéo dài suốt một tháng cho đến khi chính phủ Juppé « đầu hàng ».

Như vậy, theo tờ báo, có thể dựa trên ba yếu tố để đánh giá tình hình hiện nay: số người biểu tình, thời gian đình công và thái độ của công luận. Nhưng Libération cho rằng chính phủ có một cách để tránh đối đầu với các công đoàn, đó là tỏ ra mềm dẻo, ai cũng phải hiểu rằng thỏa hiệp bao giờ cũng hơn là « được ăn cả ngã về không ».

Les Echos : Một cuộc đình công không thể chấp nhận được

Trong bài xã luận, nhật báo Les Echos ghi nhận điều lạ lùng trong cuộc tổng đình công chống cải tổ hưu trí lần này, đó là thái độ của công luận đối với những phiền toái mà họ sẽ phải gánh chịu : xe lửa và métro ngừng chạy, trường học đóng cửa, các chuyến bay bị hủy…

Nhưng theo Les Echos, nếu chúng ta chỉ nhìn vào lý do của cuộc đình công thì thật khó mà chấp nhận được. Tờ báo viết : « Thật vậy, không thể chấp nhận việc phát động một phong trào quy mô như vậy và bắt hàng trăm ngàn dân Pháp làm con tin để chống một dự án mà chưa ai biết hình thù sẽ ra sao. Không thể chấp nhận việc phong trào lần này có mục tiêu trên hết là bảo vệ những người được quyền về hưu trước 60 tuổi, với mức lương hưu trung bình trên 2000 euro, cao hơn nhiều so với những người làm việc trong khu vực tư nhân. Không thể chấp nhận việc trong một công ty như SNCF (Công ty đường sắt quốc gia Pháp), những người đình công lấy cớ bảo vệ chế độ hưu trí để bảo vệ một quy chế với quá nhiều đặc quyền. Và cuối cùng, đây có lẽ là điều nghiêm trọng nhất : không thể chấp nhận việc các công đoàn đang mất dần thế lực mạo hiểm lao vào một cuộc đối đầu mà không ai biết là sẽ đi đến đâu. Để lấy lại uy thế, nay các công đoàn đó đang đùa với lửa khi dựa trên những thành phần cực đoan ở cơ sở, một thiểu số chỉ có mục tiêu duy nhất là đập phá mọi thứ. »

Nhật báo Công Giáo La Croix hôm nay cũng dành bài xã luận về đề tài này, với hàng tựa « Sẽ phải cần một cuộc cải tổ », bày tỏ quan điểm ủng hộ dự án cải tổ hệ thống hưu trí do chính phủ đề ra.

Tờ báo nhắc lại rằng từ một phần tư thế kỷ qua, nước Pháp đã nhiều lần cải tổ hệ thống hưu trí, kể cả các hệ thống hưu trí đặc biệt. Dù muốn dù không cũng phải tiếp tục cải tổ. Những thay đổi trong lực lượng sản xuất khiến cho số người đóng góp cho quỹ hưu trí ngày càng ít đi. Tuổi thọ tăng lên khiến cho các chi phí y tế cũng tăng theo. Nguồn tài chính cho hệ thống hưu trí không thể được giữ nguyên như vậy.

La Croix ghi nhận, trước tình hình đó, tổng thống Macron đề nghị một cải tổ quy mô : chuyển sang một hệ thống hưu trí phổ quát. Nhưng theo nhật báo này, để làm được như thế thì phải có hai yếu tố : có một bầu không khí tin cậy và chi tiêu thêm để bù đắp thiếu hụt cho một bộ phận dân Pháp sẽ bị thiệt thòi do cải tổ. Nhưng hiện nay hai yếu tố đó lại không hội đủ : Khủng hoảng Áo Vàng khiến người dân không còn tin tưởng chính quyền và tình hình tài chính hiện nay không cho phép gia tăng chi tiêu để tạo điều kiện cho việc áp dụng những quy định mới.

Nhật báo thiên hữu Le Figaro cũng cho rằng, dù phải gánh chịu một cuộc đình công kéo dài, cũng phải tiến hành một cuộc cải tổ đầy tham vọng để giải quyết dứt điểm hồ sơ hưu trí. Ai cũng thấy đây là một bài toán rất đơn giản : làm sao cho các thế hệ tương lai có đủ tiền để sống khi về già, khi mà tuổi thọ càng lúc càng tăng và số người hưu trí ngày càng nhiều ? Le Figaro ghi nhận dự án hệ thống hưu trí phổ quát do tổng thống Macron đề nghị về lý thuyết thì rất hấp dẫn, nhưng thực hiện thì phức tạp vô cùng và chắc là phải cần nhiều thời gian để cải tổ thành công.

NATO đối phó với Trung Quốc

Về thời sự quốc tế, Les Echos có bài nhận định về sự kiện hôm qua 29 quốc gia thành viên khối Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO thông qua một tuyên bố lần đầu tiên nêu lên thế lực ngày càng mạnh của Trung Quốc.

Tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg đã nhấn mạnh Trung Quốc là nước có ngân sách quân sự cao thứ hai thế giới ( khoảng 230 tỷ đô la/năm ), chỉ sau Hoa Kỳ (730 tỷ). Đối với NATO, « ảnh hưởng ngày càng lớn và các chính sách quốc tế của nước này là những cơ hội nhưng cũng là những thách thức ».

Tuy nhiên, theo Les Echos, không một nước thành viên nào của NATO xem Bắc Kinh là kẻ thù, mà theo lời tổng thống Pháp Macron, « khủng bố mới là kẻ thù của chúng ta ».

Cũng về Trung Quốc, Libération ghi nhận việc Bắc Kinh nay để cho các nhà ngoại giao của nước này phát biểu mạnh mẽ và công khai hơn. Trong những ngày qua, một số nhà ngoại giao Trung Quốc đã liên tục chỉ trích và đe dọa các chính phủ nước ngoài. Hôm 3/12, sau khi Hạ Viện Mỹ thông qua luật đòi trừng phạt Bắc Kinh về việc giam giữ cả triệu người Duy Ngô Nhĩ ở tân Cương, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Xuân Oánh đã cảnh cáo là Trung Quốc « sẽ đáp trả tùy theo diễn tiến tình hình ».

Theo Libération, những tuyên bố như trên cho thấy Trung Quốc can thiệp ngày càng nhiều vào chuyện nội bộ của các nền dân chủ và thể hiện một chiến lược truyền thông mang tính đe dọa, vào lúc có ngày càng nhiều xung khắc giữa Trung Quốc với thế giới : tập đoàn viễn thông Hoa Vi, số phận người Duy Ngô Nghĩ, phong trào dân chủ ở Hồng Kông, tranh chấp Biển Đông, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Lbération nêu ví dụ về một đòn tấn công ngoại giao của Bắc Kinh vào Liên Hiệp Châu Âu : Sau khi Thượng Viện Ý tổ chức một hội nghị qua màn ảnh video với lãnh đạo phong trào dân chủ Hồng Kông Hoàng Chi Phong ( Joshua Wong ) hôm 29/11/2019, đại sứ quán Trung Quốc đã cực lực chỉ trích các chính khách Ý, xem đây là « một sai lầm nghiêm trọng và một hành vi vô trách nhiệm ». Khi chính phủ Ý phản đối « một sự can thiệp không thể chấp nhận được » của Bắc Kinh, đại sứ Trung Quốc tại Roma hôm Chủ nhật vừa qua đã cho đăng một bài báo trên tờ Republica để làm rõ vấn đề : « Chuyện Hồng Kông là chính sách nội bộ của Trung Quốc. Sự can thiệp của các thế lực bên ngoài là không thể chấp nhận được.»

Tư pháp Nga : Cổ máy kết án không thương tiếc

Như các phiên xử những người biểu tình chống chính phủ đã cho thấy, hệ thống tư pháp ở Nga được kiến tạo để làm sao tránh mọi khả năng tha bổng. Đó là ghi nhận của tờ Libération.

Tờ báo nêu lên trường hợp những thanh niên Matxcơva bị kết án nhiều năm tù chỉ vì đã ném thùng rác hoặc chai nhựa rỗng về phía cảnh sát, hoặc trường hợp của Egor Joukov, 21 tuổi, hôm 4/12 vừa qua đã bị tòa kêu án 4 năm cải tạo chỉ vì trên mạng Youtube đã hô hào biểu tình chống chính quyền.

Chỉ cần đưa ra một con số là đủ để tóm tắt cách vận hành của hệ thống tư pháp Nga : 99,8% các phiên tòa đều kết thúc bằng một bản án. Theo lời luật sư Serguei Davidis, thuộc hiệp hội Memorial, được tờ Libération trích dẫn, đây là tập quán có từ thời Liên Xô. Thời đó, các thẩm phán, nhà điều tra, công tố viên có chung mục tiêu là chống tội phạm. Bây giờ, họ cũng tự xem mình đều là những người phục vụ Nhà nước, phải phối hợp với nhau và không bao giờ đối chọi với nhau.

Có một điều nghịch lý là chỉ trong những trường hợp đặc biệt mới thật sự có sự can thiệp của chính quyền vào hệ thống tư pháp ở Nga, đó là khi vụ việc gây tổn hại nặng nề cho bộ mặt chế độ đến mức chính quyền phải ngăn chận cỗ máy tư pháp. Như vụ nhà báo Ivan Golounov, bị bắt trong một vụ buôn ma túy được dàn dựng từ đầu đến cuối. Nếu không có sự vận động của các đồng nghiệp, nếu không có sự yểm trợ của các phương tiện truyền thông ở Nga, buộc chính quyền phải can thiệp vào hệ thống tư pháp, thì nhà báo Golounov đã ngồi tù rồi.

Những nô lệ thời hiện đại ở Anh

Về xã hội, tờ Le Monde hôm nay đưa chúng ta đến với một đất nước mà con người rẻ hơn cả máy móc, đó là Anh Quốc, nơi mà những máy rửa xe tự động đã biến mất từ lâu, thay vào đó là những người rửa xe bằng tay, mà một số làm việc như là những nô lệ thời hiện đại.

Theo thống kê, tại Anh Quốc hiện nay, chỉ còn khoảng 4 ngàn trạm rửa xe tự động, trong khi con số các trạm rửa xe bằng tay là từ 10 ngàn đến 20 ngàn. Hai giáo sư đại học đã tiến hành nghiên cứu các trạm rửa xe ở hai thành phố Nottingham và Leicester. Họ đã phỏng vấn 24 người lao động và được biết là những người này lãnh lương ít hơn 14% so với mức lương tối thiểu theo luật định. Lý do của tình trạng này là các trạm rửa xe ở Anh Quốc hiện nay không còn tuân thủ các quy định hiện hành, mà những cơ quan chuyên trách thì hoàn toàn vô hiệu quả, vì biên chế của các cơ quan đó đã bị cắt giảm rất nhiều sau 10 năm chính phủ Luân Đôn thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng.

Theo lời kể của một giám mục Anh Giáo, đây là một mạng lưới rất tinh vi. Họ dụ dỗ người nhập cư là sẽ được lãnh lương rất cao, nhưng khi họ đến nơi thì người chủ tịch thu ngay hộ chiếu, cảnh cáo họ là không được báo cảnh sát, khủng bố tinh thần họ. Đôi khi người ta lấy tên của họ để mở tài khoản ngân hàng và bảo họ ký những giấy tờ mà họ chẳng biết là cái gì, thậm chí người ta lấy tên họ để vay tiền mà họ không hề hay biết.

Nguy cơ tiềm tàng của sản phẩm nhựa

Những sử dụng hiện nay các sản phẩm nhựa là « một vấn đề lớn về y tế công cộng » và các quy định luật lệ hiện hành không đủ để giúp đối phó với nguy cơ này. Đó là báo động của các nghị sĩ Quốc Hội Pháp trong một báo cáo công bố ngày 04/12/2019. Theo lời một nghị sĩ trong nhóm này, mỗi tuần mỗi người trong chúng ta hấp thụ vào người 5 gram hạt nhựa, tương đương với một thẻ tín dụng.

Sau khoảng 60 cuộc điều trần, chủ yếu là với các nhà công nghiệp, nhà nghiên cứu, bác sĩ và lãnh đạo các cơ quan y tế, các nghị sĩ Pháp báo động về « tính chất rất đáng quan ngại của việc người dân bị tiếp xúc một cách toàn diện với những chất gây rối loạn nội tiết và những hậu quả của việc này đối với sức khỏe ». Cụ thể, những chất gây rối loạn nội tiết có trong nhựa bị nghi là gây các căn bệnh như rối loạn tâm thần và hành vi, béo phì, tiểu đường type 2, ung thư, vô sinh, các bệnh về tuyến giáp. Các nghị sĩ nêu vài con số đáng ngại : chất lượng tinh dịch đã suy giảm phân nửa trong 50 năm, và cứ sáu cặp vợ chồng thì có một cặp gặp khó khăn trong việc sinh đẻ theo cách tự nhiên.

Các tác giả báo cáo đưa ra một loạt khuyến nghị để ngăn ngừa những thành phần dễ bị tổn thương (phụ nữ có thai, trẻ em, thiếu niên, bệnh nhân) với những chất nhựa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.