Vào nội dung chính
PHÁP

Lên tuyến đầu chống khủng bố ở Sahara, Pháp kẹt trong vùng cát lún

« Mười ba anh hùng vị quốc vong thân », « mười ba anh hùng chết cho chúng ta ». Phát biểu trên đây của nữ bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly tại tổng hành dinh lực lượng Barkhane và tuyên bố của tổng thống Macron nhằm vinh danh 13 quân nhân Pháp tử nạn trực thăng trên chiến trường Mali ngày 25/11/2019. Chiến dịch chống khủng bố Hồi giáo tại sa mạc Sahara bước vào năm thứ sáu, với 41 binh sĩ Pháp hy sinh không tránh được một câu hỏi then chốt : phải chăng Pháp đang bị sa lầy ?

Lính Pháp và Mali tuần tra chung trong chiến dịch Barkhane, tại Inaloglog, Mali. Ảnh tư liệu 17/10/2017.
Lính Pháp và Mali tuần tra chung trong chiến dịch Barkhane, tại Inaloglog, Mali. Ảnh tư liệu 17/10/2017. REUTERS/Benoit Tessier/File Photo
Quảng cáo

Trả lời phỏng vấn một đài phát thanh Pháp sau cái chết của 13 quân nhân Pháp, tướng François Lecointre, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, không che dấu khó khăn : « Chúng ta không bao giờ chiến thắng vĩnh viễn khủng bố. Không như những hình ảnh đã thấy trong thế kỷ 20, quân đội Pháp sẽ không bao giờ ca khúc chiến thắng diễn hành qua Khải hoàn môn nhưng trong cuộc chiến này, quân đội Pháp sẽ phải kiên trì vì nó hữu ích và cần thiết ».

Tuyên bố trên đây phản ảnh phần nào tinh thần hoài nghi của giới quân sự lẫn chính trị Pháp về hiệu năng của chiến lược tiêu diệt thánh chiến từ đường ranh sa mạc Sahara, phát khởi từ năm 2013.

Quân đội Pháp làm gì ở khu vực này ?

Chiến dịch Barkhane được tổng thống François Hollande loan báo vào tháng 08/2014, là hậu thân của chiến dịch Serval, cũng do vị tổng thống đảng Xã hội này quyết định 18 tháng trước đó. Lấy tên của những đồi cát cao ngất ở Mali, chiến dịch Barkhane, phối hợp với 5 nước Châu Phi còn gọi là G5, chiến đấu chống các nhóm Hồi giáo võ trang tràn xuống 5 nước trong vùng là Mali, Mauritanie, Niger, Burkina Faso và Tchad. Trong 5 nước đồng minh này, chỉ có quân đội Tchad là thiện chiến. Phần đóng góp của Pháp, ngoài ngân sách khoảng một tỷ đôla mỗi năm, còn có 4500 binh sĩ, chiếm phân nửa lực lượng viễn chinh của Pháp trong thời bình.

Khó khăn của quân đội Pháp tại một khu vực rộng như cả châu Âu là điều được dự kiến từ trước. Ở Afghanistan, diện tích chỉ bằng một phần năm vùng nam sa mạc Sahara, mà quân đội Mỹ huy động đến 100.000 người.

Về chính trị, chính quyền Mali tuy được hỗ trợ về quân sự và kinh tế, không củng cố được uy tín trên toàn quốc do những mối chia rẻ truyền thống, phân biệt bộ tộc. Nhược điểm này đã được tổ chức thánh chiến Daech địa phương, « Nhà Nước Hồi Giáo Đại Sahara », khai thác triệt để, phát triển vùng hoạt động xuống tận miền trung Mali, rồi miền nam gần các nước láng giềng.

Theo phân tích của một phóng viên chiến trường, tình hình quân sự rất phức tạp. Các nhóm võ trang, như toán khủng bố bị truy kích hôm 25/11/2019, ẩn náo trà trộn trong dân làng, trả công chỉ điểm gấp đôi tiền lương tháng. Hồi đầu tháng 11, Daech Sahara tấn công vào một thị trấn, giết hàng loạt thường dân và 50 binh sĩ Mali. Cũng nhóm này, thứ Năm tuần trước ám sát năm thủ lĩnh sắc tộc ở Niger. Chiến thuật du kích và khủng bố tinh thần được sử dụng để làm suy yếu các chế độ dám chống cự lại.

Theo tổ chức thiện nguyện Acled, từ tháng 11/2018 đến tháng 03/2019, ít nhất 4700 thường dân bị giết, tăng 46% so với thiệt hại nhân mạng do Daech Sahara gây ra một năm trước đó.

Tiến thóai lưỡng nan

Trong tình hình này, đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất ra thông báo kêu gọi một giải pháp chính trị, rút khỏi cuộc chiến tốn hao sinh mạng. Nhưng rút quân là chẳng khác nào tặng không sân sau của Pháp, tiếp theo đó là an ninh của chính nước Pháp, cho Daech. Còn đánh tiếp thì, như tướng François Lecointre phân tích bên trên, con đường chiến đấu rất dài, có thể là 10 hay 15 năm.

Nữ bộ trưởng Quân Lực Pháp khẳng định chiến dịch Barkhane « không sa lầy vì luôn thích nghi với tình thế ». Tổng thống Macron cũng nói đến « quyết định mới » sau khi gặp các đối tác Tchad, Mali và Niger cách nay hai tuần.

Thay đổi chiến lược ?

Theo những chuyên gia thông thạo tình hình được Le Monde trích dẫn, cuộc hành quân ở miền nam Mali đưa đến cái chết của 13 quân nhân phản ảnh quyết tâm của quân đội nhằm tái lập cân bằng trên chiến trường.

Tuy nhiên, tái lập an ninh ở vùng đông dân, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương mong thấy tia sáng hoà bình, nhưng cũng vừa sợ Hồi giáo cực đoan và bắt đầu chán lính Pháp, cũng là một phương trình nát óc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.