Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Mỹ-Trung : Từ chiến tranh thương mại đến hối đoái ?

Đăng ngày:

Vào lúc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ở cao trào, đồng nhân dân tệ tuột giá so với đô la, tạo thuận lợi cho xuất khẩu của Trung Quốc. Bắc Kinh phá giá đồng tiền ? Nhân dân tệ là một công cụ để đối phó với chính sách bảo hộ của Washington ?

Đô la Mỹ và Nhân dân tệ Trung Quốc
Đô la Mỹ và Nhân dân tệ Trung Quốc REUTERS
Quảng cáo

Gần nửa năm qua, xung đột mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng gay gắt. Diễn tiến mới nhất là chính quyền Trump đòi đánh thuế tới 25 % trên 200 tỉ đô la hàng Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ.

Trong những tháng qua, Bắc Kinh luôn đáp trả Washington một cách tương xứng. Ngoài việc áp đặt những rào cản thuế quan và tăng thuế nhập khẩu, Trung Quốc có những phương tiện khác để mặc cả với chính sách bảo hộ của Donald Trump.

Một trong những công cụ ấy có lẽ là phá giá đồng tiền. Ảnh hưởng của việc phá giá đó cũng chỉ có giới hạn, bởi vì tới nay, 5 % các khoản thanh toán trên thế giới được tính bằng nhân dân tệ ; vị thế của đồng đô la là 45 % và euro là 30 %.

Ngày 12/07/2018 Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc hạ giá nhân dân tệ 0,73 % so với đô la Mỹ. Vài giờ trước khi quyết định này được đưa ra, ở Washington, đại diện thương mại Mỹ nêu ý định đánh thuế nhập khẩu trên 200 tỉ đô la hàng Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ.

Về mặt chính thức, thủ tướng Lý Khắc Cường và đội ngũ cố vấn kinh tế của chủ tịch Tập Cận Bình vẫn khẳng định là không có kế hoạch phá giá để tìm lợi thế cạnh tranh. Riêng hãng tin Bloomberg từ tháng 4/2018 đã cho biết Trung Quốc đắn đo về khả năng sử dụng tỉ giá hối đoái như một công cụ để gây áp lực với chính quyền Trump trong cuộc đọ sức thương mại Mỹ-Trung.

Trên thực tế, từ cuối tháng 3/2018 đến nay, sau khi Mỹ bắt đầu đòi đánh thuế nhôm, thép rồi tăng thuế nhập khẩu nhắm vào 50 tỉ đô la hàng Trung Quốc, đồng nhân dân tệ, còn được gọi là đồng nguyên, đã mất giá 8 % so với đô la Hoa Kỳ.

« Nhà máy sản xuất » của thế giới mừng thầm, trong lúc đang phải đỡ đòn của Mỹ. Việc đồng tiền Trung Quốc bị mất giá so với đô la lại càng là một tin vui ở Bắc Kinh vào lúc tổng sản phẩm nội địa trong quý 2 tăng 6,7 %, tức là ở mức độ chậm nhất từ năm 2016. Các biện pháp chỉnh đốn ngành ngân hàng, bắt các doanh nghiệp thanh toán bớt nợ do chính quyền trung ương ban hành đè nặng lên tăng trưởng của Trung Quốc, đè nặng lên mức tiêu thụ nội địa, lên khả năng đầu tư của các doanh nghiệp và số các hãng xưởng bị vỡ nợ tăng nhanh hơn so với hồi quý 1 năm nay.

Mặc dù chính quyền Trung Quốc tuyên bố không phá giá đồng tiền và ban hành các biện pháp giới hạn tín dụng, nhưng Ngân Hàng Trung Ương nước này trong hai tháng 6 và 7/2018 đã bơm tổng cộng 1.200 tỉ nhân dân tệ – tương đương với 176 tỉ đô la, vào cỗ xe kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng.

Cần nói thêm thống đốc ngân hàng Trung Ương Trung Quốc, ông Dịch Cương, một người được cho là rất ăn ý với cố vấn kinh tế kiêm phó thủ tướng Lưu Hạc. Cặp bài trùng Lưu Hạc-Dịch Cương là những người thân tín với chủ tịch Tập Cận Bình.

Vậy phải chăng chiến tranh mậu dịch Mỹ- Trung đã tràn sang một mặt trận mới để trở thành một cuộc chiến hối đoái giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới ? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng bài toán không đơn giản như vậy. Phá giá đồng tiền là con dao hai lưỡi mà Bắc kinh cũng rất thận trọng. Về phía Hoa Kỳ, thì chính quyền Trump khai thác thái độ phân vân của đối phương để đạt được những bàn thắng quyết định.

Nguyễn Xuân Nghĩa : Chúng ta có ba tầng phân tích chuyện này. Thứ nhất là về ấn tượng, tổng thống Donald Trump than rằng Trung Quốc và cả khối Liên Âu đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để có đồng nhân dân tệ và đồng euro rẻ hơn đồng Mỹ kim cho dễ bán hàng hơn. Sự thật nó không đơn giản như vậy và bộ trưởng Ngân Khố Hoa Kỳ Steven Mnuchin cũng chỉ nói rằng Hoa Kỳ đang theo dõi chuyện ấy chứ không kết án như vậy.

Thứ hai là về lập trường thì đầu năm 2017, ông Trump tuyên bố Hoa Kỳ không nghĩ rằng Bắc Kinh có ý lũng đoạn ngoại tệ để có đồng bạc rẻ nhằm cạnh tranh bất chính, ông đả kích Trung Quốc về tội khác.

Thứ ba, trên thực tế, sau vụ tổng suy trầm 2008-2009, khối Âu-Mỹ-Nhật cùng hạ lãi suất gần tới số không và ào ạt bơm tiền kích thích kinh tế làm đồng bạc của họ mất giá nặng, khi ấy chẳng ai nói các nước này đã phá giá đồng bạc. Sau đấy, khi kinh tế Hoa Kỳ tạm phục hồi thì chấm dứt dần việc hạ lãi suất và còn hút lại tiền nên Mỹ kim lên giá mạnh. Bây giờ Bắc Kinh mới chết kẹt vì đà tăng trưởng giảm sút nên Ngân Hàng Trung Ương mới có biện pháp nới lỏng tiền tệ làm đồng tiền quốc gia sụt giá, từ gần 6 đồng rưỡi ăn một Mỹ kim thì nay phải sáu đồng tám mới được một đô la Mỹ. Bảo rằng Bắc Kinh phá giá thì không sai nhưng vẫn chưa đúng.

Một bài toán nan giải

Nguyễn Xuân Nghĩa : Bắc Kinh có giàng giá đồng bạc của họ vào một rổ gồm có nhiều ngoại tệ mạnh mà thực chất thì vẫn có cái neo là tiền Mỹ. Khi Mỹ kim lên giá từ hai năm trước thì họ không nới lỏng dây neo, ngày nay mới cho điều chỉnh. Nhưng tôi nghĩ lý do chính không là tìm ưu thế mậu dịch nhằm bán hàng cho rẻ mà vì họ bơm tiền kích thích kinh tế. Bắc Kinh thừa biết rằng biện pháp phá giá là con dao hai lưỡi vì xuất cảng rẻ hơn nhưng lại nhập cảng đắt hơn và khi đồng nhân dân tệ mất giá thì họ gặp nạn tẩu tán tư bản, làm khối dự trữ ngoại tệ lại hao hụt như đã từng thấy năm 2015.

Chúng ta nên lưu ý tới hai quan điểm khác biệt của bộ Tài Chính và Ngân Hàng Trung Ương Bắc Kinh về việc nên cải cách cơ chế quản lý gánh nợ quá lớn của các chính quyền địa phương hay là nên ưu tiên bơm tiền kích thích kinh tế.

Đã vậy, cố vấn Kinh Tế Quốc Gia của tổng thống Donald Trump là Larry Kudlow lại nói rằng tổng bí thư Tập Cận Bình đã bác bỏ ý kiến của các cố vấn kinh tế là nên hưu chiến với Hoa Kỳ. Phải chăng Mỹ cũng thấy ra sự bất nhất đó nên cố gây phân hóa trong hàng ngũ đối phương ?

Trận chiến ngoại hối lồng vào mậu dịch

Nguyễn Xuân Nghĩa : Ông Trump cứ tuyên bố lung tung chứ nội các của ông lại rất biết việc. Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng mạnh nên Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ đã và sẽ còn nâng lãi suất, cùng phân lời trên thị trường trái phiếu gia tăng thì làm Mỹ kim lên giá so với các ngoại tệ khác. Vì vậy, ông Trump đả kích Ngân Hàng Trung Ương Mỹ là gây bất lợi cho ngoại thương.

Nhưng đấy chỉ là màn kịch cho thành phần cử tri của ông, chứ trọng tâm xử lý của Trump vẫn là Trung Quốc.

Khi thấy lãnh đạo Bắc Kinh phân vân giữa nhiều ưu tiên mâu thuẫn thì phía Hoa Kỳ đổ dầu vào lửa nhằm làm suy yếu tư thế của Tập Cận Bình khiến Bắc Kinh phải nhượng bộ. Chứ nếu phá giá đồng nhân dân tệ thì lợi bất cập hại và càng mang tội là chưa thả nổi đồng bạc như đã cam kết từ hai năm trước. Ngược lại, phía Bắc Kinh cũng mong rằng trận chiến mậu dịch sẽ gây thiệt hại cho dân Mỹ khiến đảng Cộng Hòa có thể mất đa số hiện nay trong lưỡng viện Quốc Hội.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.