Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Chuyên gia Pháp : Làm ăn với Trung Quốc sẽ khó hơn

Đăng ngày:

Các nhà đầu tư và tài chính quốc tế nghĩ gì về « nhiệm kỳ vô hạn định » của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ? Tập trung quyền lực vào tay một người sẽ cho phép Bắc Kinh đẩy mạnh cải tổ ? Cải tổ theo hướng « nới ra » hay « thắt lại » ?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu bế mạc kỳ họp Quốc Hội tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, ngày 20/03/2018.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu bế mạc kỳ họp Quốc Hội tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh, ngày 20/03/2018. REUTERS/Damir Sagolj
Quảng cáo

Chuyên gia kinh tế Jean-Joseph Boillot thuộc trung tâm nghiên cứu CEPII của Pháp lần lượt trả lời các câu hỏi trên và lưu ý khi « quyền lực tuyệt đối được đặt trong tay của một người hay một nhóm người, càng khó thâm nhập thị trường Trung Quốc, càng khó đàm phán với Bắc Kinh ».

Tại Bắc Kinh, trăm người như một, gần 3.000 đại biểu Quốc Hội vừa bầu lại ông Tập Cận Bình vào chức vụ lãnh đạo tối cao và không có gì ngăn cản ông Tập giữ chức vụ này đến mãn đời. Các nhà bình luận quốc tế thất vọng khi nhận thấy rằng, « mở cửa kinh tế không nhất thiết đưa Trung Quốc trở thành một nền kinh tế thị trường và cũng không có nghĩa là quốc gia này trở thành một Nhà nước pháp quyền hay một nền dân chủ dù là không hoàn hảo » (Báo Le Figaro ấn bản 04/03/2018).

Theo quan điểm của ông Tập, để đảng Cộng Sản tiếp tục đóng vai trò « trung tâm », bắt buộc phải thành công trong việc hiện đại hóa guồng máy kinh tế, gây dựng được những đại tập đoàn có trọng lượng trên trường quốc tế, tương đương với Apple, Amazon, Ford của Mỹ …, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc số 1 thế giới ở vào thời điểm Mỹ đang thoái lui.

Lập luận này là con dao hai lưỡi.

Ý thức được điều đó, lãnh đạo Trung Quốc đã đặt những người trung thành nhất với ông vào các chức vụ then chốt của ủy ban kinh tế, trong lúc Bắc Kinh đang có quá nhiều hồ sơ cần được giải quyết cấp bách.

Những hồ sơ nóng bỏng đó gồm : về đối nội, thứ nhất cải tổ mô hình kinh tế của nước này đang từ « xưởng sản xuất của thế giới » sang mô hình « tăng trưởng có chất lượng cao hơn », giảm bớt mức độ lệ thuộc vào xuất khẩu, trông chờ nhiều hơn vào sức mua của 1,5 tỷ dân. Thứ hai là vấn đề nợ của các doanh nghiệp nhà nước và các chính quyền địa phương. Thứ ba là kiểm soát các luồng vốn đầu tư ở ngoại quốc của các tập đoàn nhà nước như đã từng làm với các tập đoàn Wanda hay Anbang. Hồ sơ thứ tư nhậy cảm không kém là hệ thống ngân hàng. Hai ngành bảo hiểm và ngân hàng của Trung Quốc hiện đang quản lý một khối tiền trên 34.000 tỷ euro, một phần lớn trong số đó là nợ khó đòi, hay chí ít cũng là mang tính rủi ro cao, theo thẩm định của Standard &Poors.

Về đối ngoại, hồ sơ nóng nhất là xua tan viễn cảnh chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, một mặt trận Nhà Trắng mới mở ra và còn đang tiếp tục chuẩn bị thêm những đòn « khá mạnh đánh vào xuất khẩu Trung Quốc ». Tổng thống Trump không chút hài lòng với thâm hụt cán cân thương mại 375 tỷ đô la chỉ riêng với bạn hàng Trung Quốc trong năm 2017.

Bên cạnh đó, từ khi lên cầm quyền vào năm 2013, ông Tập Cận Bình đã rao giảng về một « Giấc mơ Trung Hoa », triển khai dự án Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21, huy động 1.000 tỷ đô la vốn đầu tư để mở rộng cơ sở hạ tầng tại khoảng 100 quốc gia trên thế giới.

Robert Carnell, kinh tế trưởng đặc trách khu vực châu Á của ngân hàng trên mạng ING có trụ sở tại Paris, cho rằng : « Một dự án dài hơi và tốn kém như vậy có nhiều cơ hội để thành công hơn dưới một chế độ ổn định và quyền lực tập trung ».

Dưới lăng kính của một chuyên gia thuộc ngân hàng Úc và New Zealand ANZ, Trung Quốc cần có thời gian dài để thực hiện cải tổ. Do vậy, trao quyền vô hạn định cho một người như ông Tập Cận Bình không hẳn là một sai lầm. Sau cùng, ngay cả tổ chức EIU - Economist Intelligence Unit của Anh, nổi tiếng là có đường lối tự do, tuy không bệnh vực nhưng cũng phải nhìn nhận rằng việc ông Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực là hậu quả từ hiện tượng « nguy cơ căng thẳng cả về an ninh lẫn kinh tế gia tăng trong những năm tới », cho dù là việc thâu tóm quyền lực đó, theo EIU, « báo trước là kinh tế Trung Quốc sẽ không đi theo con đường tự do ».

Lợi và hại khi làm ăn với một chế độ độc tài

Cho dù động lực dẫn tới việc Trung Quốc sửa đổi Hiến Pháp để ông Tập Cận Bình lãnh đạo đất nước suốt đời, là gì đi chăng nữa, thì câu hỏi đặt ra là các nhà đầu tư ngoại quốc đón nhận tin ấy thế nào ? Trả lời ban Việt ngữ RFI, chuyên gia kinh tế Jean Joseph Boillot thuộc Trung tâm nghiên cứu về triển vọng kinh tế và thông tin quốc tế - CEPII của Pháp phân tích :

« Có nhiều cách diễn giải việc ông Tập Cận Bình giữ chức chủ tịch vô thời hạn. Một số chuyên gia cho rằng chủ tịch Trung Quốc thâu tóm quyền lực để kiểm soát chặt chẽ hơn, từ các hoạt động trong xã hội đến nội bộ Đảng và cả vế quân sự. Một số khác thì nghĩ rằng đây là cách thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh duy trì ổn định trong 5 năm sắp tới, tránh để nổ ra mọi cuộc tranh giành quyền lực. Tùy theo cách nhìn về cùng một sự việc, thì mới có thể trả lời rằng, hệ quả kinh tế từ việc tập trung quyền lực này là tốt hay xấu.

Các thị trường trên thế giới dường như không coi đây là một tin vui. Bằng chứng là chỉ số chứng khoán sụt giảm. Nhưng thực ra, thay đổi trọng đại trên sân khấu chính trị Bắc Kinh không làm giới đầu tư và tài chính lo ngại. Chứng khoán mất giá do những yếu tố sau đây : Ngân Hàng Trung Ương Mỹ đã và còn đang tiếp tục tăng lãi suất, có thể làm phương hại tới tăng trưởng toàn cầu ; chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ dẫn tới nguy cơ chiến tranh thương mại, bất lợi cho tất cả các bên. Tăng trưởng của Trung Quốc qua đó sẽ bị ảnh hưởng.

Có lẽ còn quá sớm để khẳng định rằng, việc ông Tập làm chủ tịch mãn đời sẽ giúp cho kinh tế Trung Quốc được ổn định hơn, hay đó là một dấu hiệu cho thấy hệ thống chính trị của Trung Quốc đang bị suy yếu và vì thế Tập Cận Bình phải nhanh chóng thâu tóm quyền lực. Trong trường hợp thứ hai, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc sẽ sụt giảm ».

RFI : Nhưng đây là một bảo đảm ổn định trong ngắn hạn ?

Jean-Joseph Boillot : « Đúng là như vậy, và đó cũng chính là một nghịch lý. Bình thường ra, những ai sang Trung Quốc làm ăn hay liên minh với các đối tác Trung Quốc đều muốn nước này được ổn định. Một chế độ tập trung nhiều quyền lực trong tay có thể là dấu hiệu tốt khi mà các doanh nhân biết rằng trong một thời gian nhất định nào đó, họ sẽ phải làm việc với những ai, trong khuôn khổ nhất định nào và từ đó các doanh nhân có thể thích nghi với tình huống. Nhưng kịch bản này không được hoàn hảo như vậy. Ở Nga, ông Vladimir Putin đã cầm quyền 18 năm nay, nhưng vẫn chưa đủ sức thuyết phục giới đầu tư ồ ạt đem vốn vào nước Nga.

Thị trường không hẳn thiên về các chế độ độc tài với quyền lực tuyệt đối. Ngược lại, khi quyền lực được tập trung vào tay của 1 người hay 1 nhóm người, các đối tác kinh tế và thương mại sẽ khó mặc cả và sẽ ở trong thế yếu khi đến Trung Quốc hoạt động. Có lẽ đây là tâm trạng hiện nay của nhiều nhà đầu tư hiện diện tại Trung Quốc ».

RFI : Chính sách cải tổ của Trung Quốc đi về đâu ?

Jean-Joseph Boillot : « Có thể hiểu chuyện này là dấu hiệu ban lãnh đạo muốn đẩy mạnh cải tổ, hòng giải quyết vấn đề nợ nần chồng chất, nợ của các chính quyền địa phương, của các tập đoàn nhà nước, đe dọa tới cả guồng máy kinh tế Trung Quốc. Nhưng thực ra, cho tới giờ phút này, chúng ta cũng chưa biết rõ thực hư về chính sách kinh tế của ông Tập Cận Bình ra sao.

Bên cạnh đó, đừng quên rằng, Bắc Kinh rất sợ kinh tế nước nhà bị sa sút vì cuộc đọ sức giữa Mỹ với Trung Quốc cả về mặt địa chính trị, lẫn thương mại. Thành thử ra nếu mà đẩy mạnh cải tố thì lại có nguy cơ làm yếu đi đà tăng trưởng của Trung Quốc, mà đó là điều tối kỵ đối với ông Tập Cận Bình cũng như là đối với dàn cố vấn của ông ta. Bắc Kinh sẽ không vội vã cải tổ. Hay có cải tổ thì lại không như mọi người chờ đợi, tức là theo hướng bảo hộ ».

RFI :Các nước láng giềng và đối thủ thương mại của Trung Quốc nghĩ gì ?

Jean-Joseph Boillot : Qua những bài phân tích mà tôi đọc được, tôi thấy tâm trạng lo âu từ Nhật Bản đến Ấn Độ. New Delhi lo ngại cho thế cân bằng giữa Ấn Độ với Trung Quốc, khi ông Tập Cận Bình nắm trọn tất cả quyền lực trong tay. Với quyền lực tuyệt đối đó, chính sách đối ngoại và cả chiến lược của Bắc Kinh sẽ càng thô bạo. Khi hai vế chiến lược và ngoại giao thô bạo, chính sách kinh tế của Bắc Kinh với các nước láng giềng chung quanh cũng vậy thôi. Trung Quốc càng ỷ vào sức mạnh, lấn át các nước bé mà cũng chẳng khoan nhượng với các nước lớn.

Nhìn từ góc độ của các doanh nhân hay các nhà đầu tư, tương quan lực lượng giữa các quốc gia lớn trong khu vực đang được xếp đặt lại, theo hướng căng thẳng sẽ leo thang. Điều đó không có lợi chút nào cho các hoạt động làm ăn ».

Vương Kỳ Sơn - Lưu Hà, hai cánh tay đắc lực

Khi muốn củng cố quyền lực bằng những thành quả kinh tế, ông Tập Cận Bình dựa trên hai nhân vật thân tín là cựu lãnh đạo Ủy Ban Kỷ Luật Trung Ương Vương Kỳ Sơn và nguyên cố vấn kinh tế Lưu Hà.

Trước khi thi hành chính sách « đả hổ diệt ruồi » do ông Tập Cận Bình đề xướng, trở thành vị hung thần của khoảng 100 đảng viên cao cấp và hàng ngàn cán bộ « tép riu », họ Vương đã có nhiều kinh nghiệm cả trên vế đối ngoại lẫn kinh tế khi ông còn là phó thủ tướng đặc trách về Kinh Tế. Kinh nghiệm tích lũy được từ các cuộc đối thoại thường niên giữa Bắc Kinh với Washington trước đây có thể là một lá chủ bài quyết định.

Nhưng vị kiến trúc sư vẽ ra bức tranh kinh tế cho Trung Quốc trong những năm tới đây có lẽ là ông Lưu Hà, 66 tuổi, từng tốt nghiệp ở Harvard, Hoa Kỳ. Ông này vừa được chỉ định vào chức vụ phó thủ tướng. Theo nhật báo tài chính Mỹ, The Wall Street Journal, năm 2013 trong một cuộc tiếp xúc với nhiều quan chức cao cấp Mỹ, ông Tập đã từng giới thiệu họ Lưu như « một người vô cùng quan trọng đối với tôi ».

Tới nay, dù ít được công chúng biết đến, nhưng ở hậu trường, từ năm 2016 ông Lưu Hà đã là người đã từng bước làm lu mờ vai trò lãnh đạo kinh tế của thủ tướng Lý Khắc Cường. Cầm chắc rằng ông này mới là người bước lên tuyến đầu trong các vòng đàm phán với chính quyền Trump trong nay mai.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.