Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Thị trường máy bay vẫn sôi động, nhất là châu Á

Đăng ngày:

Triển lãm Hàng không và Không gian Le Bourget, vừa bế mạc ngày 25/06/2017. Trái với dự đoán, số khách tham quan, dù là giới chuyên nghiệp hay công chúng đều giảm so với triển lãm kỳ trước vào năm 2015, trong khi số đơn đặt hàng đã tăng với tổng trị giá lên tới 130 tỷ đôla, mà phần lớn dĩ nhiên là trong tay hai tập đoàn sản xuất máy bay Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ.

Chiếc A380 của Airbus bay biểu diễn trên bầu trời Le Bourget ngày 25/06/2017.
Chiếc A380 của Airbus bay biểu diễn trên bầu trời Le Bourget ngày 25/06/2017. Reuters
Quảng cáo

Lần này, Boeing chiếm thế thượng phong với tổng cộng 74,8 tỷ đôla, trong khi đối thủ Airbus chỉ được 39,7 tỷ đôla. Trong cuộc cạnh tranh giữa hai anh khổng lồ này, châu Á vẫn là thị trường hấp dẫn nhất, nhưng cũng chính từ châu Á mà Airbus và Boeing sẽ phải đối đầu với 2 đối thủ đáng gờm đó là Trung Quốc và Nga. Ấy là chưa kể đối thủ khác cũng đang nằm chờ « phục kích », đó là Nhật.

Tại triển lãm Le Bourget, tập đoàn máy bay châu Âu Airbus đã giới thiệu kiểu máy bay A380 cải tiến, gọi là A380Plus, với hy vọng sẽ thúc đẩy số bán cho kiểu máy bay đã được hãng Singapore Airlines lần đầu tiên đưa vào sử dụng cách đây gần đúng 10 năm. Chiếc máy bay khổng lồ đã bay lượn trên bầu trời Le Bourget một cách thoải mái, nhẹ nhàng, trước sự trầm trồ thán phục của khách tham quan. Thế nhưng tại triển lãm lần này, đã không có đơn đặt hàng chiếc A380 nào được thông báo.

Lần cuối cùng mà A380 được đặt mua là vào tháng 01/2016. Airbus hy vọng là đến triển lãm hàng không Dubai ( 12 đến 12/11/2017 ) sẽ có đơn đặt hàng cho những chiếc A380Plus đầu tiên. Các lãnh đạo của Airbus vẫn tin rằng máy bay cỡ lớn như A380 là giải pháp duy nhất cho tình trạng ứ đọng hiện nay tại các sân bay quốc tế, với mức tăng lưu thông hàng không sẽ tăng gấp đôi trong vòng 15 năm tới.

Trả lời RFI Việt ngữ tại triển lãm Le Bourget, ông Jean- François Laval, phó chủ tịch điều hành khu vực châu Á của Airbus, tin tưởng là thị trường máy bay sẽ lại tiếp tục tăng mạnh :

« Do số máy bay mà chúng tôi đã bán và các đối thủ cạnh tranh với chúng tôi đã bán trong những năm trước đã quá nhiều, việc thị trường tăng chậm lại là chuyện bình thường, nhưng đó là một sự củng cố hơn là sụt giảm. Tôi tin rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh do nhu cầu về hành khách sẽ tăng nhanh, nhất là tại châu Á.

Hiện giờ số máy bay là tương ứng với nhu cầu của thế giới và chúng tôi đang tiếp tục giao các máy bay đã được đặt mua. Tôi không nghĩ là đang có quá nhiều máy bay trên thị trường, vì nhu cầu và số hành khách vẫn tăng mạnh. Cho nên chúng tôi sẽ giao các máy bay một cách tương xứng với nhu cầu đó trong những tháng tới và những năm tới. »

Theo thẩm định của Boeing, từ đây đến 20 năm nữa, số máy bay trên thế giới sẽ tăng gấp đôi, với nhu cầu lên đến khoảng 41 ngàn chiếc, với tổng trị giá là khoảng 6000 tỷ đôla. Airbus cũng đưa ra thẩm định gần giống như vậy, tức là thế giới sẽ cần thêm 35 ngàn máy bay, với tổng trị giá 5.300 tỷ đôla, nhưng đó là chỉ tính những máy bay hơn 100 chỗ.

Đối với cả Airbus lẫn Boeing, châu Á vẫn là thị trường năng động nhất, với nhu cầu trong 20 năm tới là khoảng 16 ngàn máy bay mới, tức là gấp đôi nhu cầu của Bắc Mỹ và châu Âu.

Ông Laval giải thích :

« Thị trường châu Á đã và sẽ vẫn là thị trường lớn nhất thế giới, đặc biệt là đối với Airbus, trong những năm tới. Đây vẫn là thị trường rất năng động, với mức cầu vẫn rất cao, số hành khách vẫn tăng đều đặn. Nền kinh tế của các nước trong khu vực cũng đang tăng trưởng mạnh. Vẫn còn rất nhiều người tại những nước này chưa bao giờ đi máy bay, tức là sẽ có thêm rất nhiều người cần đến các dịch vụ hàng không. Các hãng hàng không châu Á sẽ phải cần có thêm máy bay trong những năm tới. Đúng hơn là thị trường hàng không châu Á chỉ mới bắt đầu tăng mạnh.

Để đáp ứng thị trường này, chúng tôi sẽ cung cấp những máy bay tốt nhất. Đặc biệt là với những chiếc đầu tiên của dòng máy bay A320, chúng tôi đã thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Á và hiện nay nắm giữ hơn 60% thị phần. Riêng A330 là máy bay bán được nhiều nhất ở châu Á cho các thị trường khu vực. Còn máy bay A350 thì đã bắt đầu được giao ở châu Á từ những năm gần đây và chúng tôi dự báo là nhu cầu về dòng máy bay này trong tương lai sẽ rất lớn.

Dòng máy bay A380 cũng có thị phần đang tăng mạnh ở châu Á, với nhiều đơn đặt hàng lớn. Đối với toàn bộ các hãng hàng không khu vực này, A380 nay là tâm điểm của thị trường, vì là máy bay lớn nhất, đáp ứng các yêu cầu giao thông giữa các trung tâm hàng không lớn của châu Á, Hoa Kỳ hay châu Âu. »

Không chỉ có Trung Quốc, mà những nước nhỏ hơn như Việt Nam hay Indonesia cũng là những thị trường đáng kể đối với Airbus, theo lời ông Laval :

« Nếu so sánh với Trung Quốc thì đó là những nước nhỏ, nhưng so với các nước châu Âu, những nước đó cũng là những thị trường lớn, chẳng hạn như Việt Nam với gần 100 triệu dân hay Indonesia có chiều dài bằng với Hoa Kỳ, nhưng gồm toàn những đảo, nên hàng không là phương tiện giao thông thích hợp nhất.

Tại những nước đó, viễn cảnh tăng trưởng trong những năm tới rất lớn, những thị trường này chỉ mới ở bước đầu trong sự phát triển.

Riêng ở Việt Nam, hiện nay đang có khoảng 100 máy bay A320, A321 đang được sử dụng. Vietnam Airlines cũng đang sử dụng máy bay A330 và A350. Nói chung hầu như toàn bộ các dòng máy bay Airbus đều có ở Việt Nam. Việt Nam là thị trường rất quan trọng, đầy hứa hẹn đối với chúng tôi và đang phát triển nhanh, với nhiều hãng hàng không khác nhau sử dụng máy bay Airbus, ngoài Vietnam Airlines còn có Jetstar, chi nhánh giá rẻ của hãng này, hay VietJetAir.

Mỗi khi giao một máy bay, chúng tôi đều cung cấp kèm theo những dịch vụ về bảo trì, đào tạo phi công, với trọng tâm là bảo đảm an toàn tối đa cho các hãng hàng không này. An toàn là một trong những nhân tố qua trọng tạo nên thành công cho các hãng hàng không cũng như cho Airbus. Chúng tôi dựa trên yếu tố đó để tiếp tục phát triển thị trường của chúng tôi cũng thị trường của các khách hàng.”

Để tiếp tục tăng trưởng hoạt động, cả Airbus và Boeing kể từ nay đều đầu tư vào thị trường bảo trì và các dịch vụ, mà theo thẩm định của Boeing, sẽ lên tới 2.600 tỷ đôla trong 10 năm tới, không chỉ ở thị trường những nước đã có ngành hàng không phát triển, mà cả ở thị trường châu Á, nơi mà số máy bay mới sẽ bùng nổ. Tập đoàn Airbus thì thẩm định chỉ riêng thị trường này sẽ lên tới 3.200 tỷ đôla.

Để giành được nhiều thị phần trong lĩnh vực này, ngay từ cuối năm ngoái, Boeing đã lập một bộ phận mới chuyên lo về các dịch vụ, bên cạnh bộ phận về máy bay thương mại và bộ phận về quốc phòng và không gian. Còn Airbus thì dự trù là kể từ năm 2019 sẽ trang bị cho các máy bay đường dài những chiếc hộp đen có thể nổi trên mặt biển, để có thể dễ tìm thấy khi máy bay mất tích trên biển. Nên nhớ rằng, nhờ tìm ra hộp đen mà người ta biết được nguyên nhân của gần 90% các vụ tai nạn hàng không.

Nhưng trong cuộc cạnh tranh, hai người khổng lồ đang phải đối đầu với những đối thủ mà trong tương lai chắc là sẽ rất lợi hại, đó là Trung Quốc, Nga và, trong một chừng mực nào đó, Nhật. Tại triển lãm Le Bourget lần này, hãng Mitsubishi Aircraft đã giới thiệu kiểu máy bay MRJ lần đầu đầu tiên tại châu Âu. Đây là kiểu máy bay dành cho các tuyến bay trong khu vực.

Trung Quốc và Nga cũng đang có dự án sản xuất các máy bay dân dụng cỡ lớn và đã lập một công ty liên doanh cho kế hoạch sản xuất này. Thị phần của ba nước Nhật, Trung Quốc và Nga được thẩm định là hiện chiếm khoảng 7 hoặc 8%, trong số 13 ngàn máy bay dân sự đang được đặt mua trên thế giới.

Riêng hãng Comac của Trung Quốc cho biết là nhận được 200 đơn đặt hàng từ 24 khách hàng cho chiếc máy bay tương lai C919, mà khách hàng đầu tiên không ai khác hơn là hãng hàng không China Eastern. Còn chiếc MS21 do tập đoàn quốc phòng Rostec của Nga thì đã được hãng Aeroflot đặt mua.

Theo hãng tin Reuters, tổng giám đốc của hãng hàng không Qatar Airways đã tuyên bố tại triển lãm Le Bourget là hãng của ông sẵn sàng đặt mua máy bay do Trung Quốc và Nga chế tạo, nếu chúng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng như Boeing và Airbus.

Ngay chính giám đốc thương mại của Airbus, John Leahy, cũng đã dự đoán là trong 20 năm nữa sẽ có ba tập đoàn sản xuất máy bay lớn, đó là Airbus, Boeing và Trung Quốc, hay đúng là tập đoàn Comac của Trung Quốc. Comac có lợi thế là họ có một thị trường nội địa khổng lồ, nhưng họ cũng có tham vọng giành thị phần ở nơi khác.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.