Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Liên minh kinh tế Trung Quốc- Philippines

Đăng ngày:

Với Bắc Kinh, Manila là một cửa ngõ chiến lược để tiếp cận thị trường ASEAN. Với Philippines, Trung Quốc là một trong ba đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất. Những hiềm khích tranh chấp chủ quyền biển đảo đã làm rạn nứt liên minh kinh tế của trục Manila –Bắc Kinh. Liệu rằng Trung Quốc và Philippines trên đà bắt lại những cơ hội đã bỏ lỡ ?

Tổng thống Philippines R.Duterte (trái) và thủ tướng TQ Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh ngày 21/10/2016.
Tổng thống Philippines R.Duterte (trái) và thủ tướng TQ Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh ngày 21/10/2016. Reuters
Quảng cáo

Kết thúc chuyến công du Trung Quốc trong bốn ngày, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ra về với hàng loạt hợp đồng trị giá gần 15 tỷ đô la và nhận được 9 tỷ tín dụng, trong đó có 3 tỷ đô la nhằm giúp Philippines mở rộng cơ sở hạ tầng.

Philippines và Trung Quốc ký kết 13 thỏa thuận hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực từ năng lượng đến đường sắt, từ công nghệ khai thác quặng mỏ đến hợp tác xây dựng hải cảng, từ ngành du lịch đến giao thông …

Nông gia Philippines đã phấn khởi trước tin được phép xuất khẩu trở lại vào thị trường Trung Quốc sau gần ba năm điêu đứng khi hạt điều, trà, cà phê Philippines không đến được tay người tiêu dùng tại nước đông dân nhất địa cầu.

Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez đã không khỏi hài lòng tuyên bố với báo chí : viễn cảnh tăng cường hợp tác với Trung Quốc cho phép tạo ra thêm tới 2 triệu công việc làm cho người dân Philippines trong vòng 5 năm sắp tới.

Trước khi lên đường sang Trung Quốc, tổng thống Duterte tuyên bố, trọng tâm chuyến công du của ông trên quê hương Đặng Tiểu Bình lần này là thương mại và đầu tư. Lãnh đạo Philippines đề ra mục tiêu « sưởi ấm » quan hệ kinh tế song phương, đã bị nguội lạnh từ khi Bắc Kinh kiểm soát bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và nhất là sau khi Manila đệ đơn kiện Bắc Kinh căn cứ vào bản đồ đường 9 đoạn để đòi hỏi chủ quyền với gần hết Biển Đông, một vùng biển mà hàng năm có tới 5.000 tỷ đô la hàng hóa phải được vận chuyển qua.

Trao đổi mậu dịch song phương lại càng xấu hẳn đi trong hai năm trở lại đây. Đầu tư Trung Quốc vào Philippines tuột đốc cả năm trước khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết phủ nhận cơ sở pháp lý bản đồ « đường lưỡi bò ».

Cái giá phải trả trong cuộc đọ sức bất cân xứng với Trung Quốc ở Biển Đông

Philippines đứng hạng thứ 41 trên trong số những quốc gia xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất trên thế giới. Trung bình trong thời gian 2011-2013, các hoạt động thương mại chiếm 56 % GDP tại quốc gia Đông Nam Á này. Năm 2014 tổng kim ngạch xuất khẩu của Philippines lên tới 80 tỷ đô la. Theo thứ tự, Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc là ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp Philippines.

Rau quả tươi, đồ điện,trang thiết bị điện tử, khoáng sản, dệt may … là những mặt hàng Philippines bán ra nước ngoài để đổi lấy dầu lọc, dầu thô, xe hơi, máy bay, trực thăng, …

Vào tháng 3/2016, vài tháng trước phán quyết của Tòa Án Trọng Tài La Haye về vụ kiện Biển Đông, người tiêu dùng Trung Quốc đã hủy 35 tấn chuối Philipines, với lý do phát hiện một loại hóa chất được dùng trong phân bón quá cao so với chuẩn mực của nước này.

Nông dân Philippines riêng trong vụ đó bị thiệt hại 33.000 đô la. Giới quan sát đều biết, “chuẩn mực an toàn” chỉ là cái cớ để Bắc Kinh bắt chẹt Manila, khi biết rằng Philippines là nguồn xuất khẩu chuối đứng thứ nhì trên thế giới, sau có Ấn Độ.

Tổng trao đổi mậu dịch hai chiều giữa Philippines và Trung Quốc năm 2015 đạt 17 tỷ đô la, giảm đi đáng kể so với 30 tỷ vào cuối 2011, tức là trước khi có tranh chấp ở bãi cạn Scarborough.

Cũng năm 2011, trong chuyến công du Bắc Kinh, tổng thống Philippines khi đó là ông Benigno Aquino đã kỳ vọng nâng tổng trao đổi mậu dịch hai chiều lên thành 60 tỷ đô la vào năm 2016.

Trong lĩnh vực đầu tư, Trung Quốc đứng thứ ba trong số các nước bỏ vốn vào Philippines. Sau tranh chấp năm 2012 và nhất là kể từ khi Manila khởi kiện Bắc Kinh ra trước Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye đầu năm 2013, tống số vốn đầu tư trực tiếp Trung Quốc vào các dự án xây dựng đang từ gần 8 tỷ đô la cuối năm 2011 rơi xuống còn 251 triệu đúng một năm sau đó.

Trước ngày tổng thống Duterte lên đường sang Bắc Kinh, đại sứ Trung Quốc tại Manila đã nhắc khéo công luận Philippines rằng, trong 10 nước thành viên ASEAN, Philippines là quốc gia chỉ thu thút được có 1,6 % tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc. Tỷ lệ này kém xa so với 9 nước còn lại trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, và thua rất xa 46 % của Singapore.

Một biện pháp trừng phạt khác mà Bắc Kinh đã giáng cho Manila là đã cắt giảm hẳn các chương trình tuyển dụng người lao động Philippines sang Trung Quốc, theo như quan sát của Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Đương Đại của Trung Quốc, trụ sở tại Bắc Kinh.

Một đòn nặng khác cho kinh tế Philippines là lượng du khách Trung Quốc tham quan quốc gia Đông Nam Á này cũng đã giảm mạnh trong 5 năm gần đây.

Về số lượng du khách Trung Quốc đứng hàng thứ tư, với hơn 6,21 % thị phần, nhưng sau vụ Manila kiện Bắc Kinh ra trước Tòa Án La Haye về Biển Đông, Cục Du Lịch Trung Quốc khuyến cáo công dân nước này tránh tới Philippines.

Trên thực tế, bên cạnh những con số vừa nêu, cần lưu ý trong 5 năm trở lại đây, Philippines được xem là một trong số các nền kinh tế năng động của Đông Nam Á với tỷ lệ tăng trưởng 7,1 % năm 2013 chủ yếu nhờ tiêu thụ nội địa, và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo thẩm định của Ngân Hàng Pháp Triển Á Châu, trong hai tài khóa 2014 và 2015, GDP của Philippines vẫn tăng đều đặn ở mức 6 % một năm ; lạm phát tăng chậm lại. Dù vậy về mặt xã hội Philippines vẫn phải đối mặt với cảnh bần cùng : 1/3 dân số sống dưới ngưỡng nghèo khó ; 6,3 % dân số trong tuổi lao động không có việc làm, và khoảng cách giàu ngheo là một mối đe dọa đối với ổn định xã hội.

Đầu óc thực tiễn của Manila

Trên thực tế, dù đọ sức với Bắc Kinh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nhưng Manila luôn ý thức được tính sống còn của liên minh kinh tế với Trung Quốc.

Bằng chứng là chính quyền tổng thống Aquino vừa mãn nhiệm hồi tháng 6/2016, cuối năm 2015, Philippines vẫn hăng hái gia nhập ngân hàng AIIB và đã nỗ lực để được là thành viên sáng lập Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Á Châu, một sáng kiến của Bắc Kinh để làm đối trọng với Ngân Hàng Thế Giới hay Ngân Hàng Phát Triển Á Châu.

Là nền kinh tế lớn thứ 5 trong khối Đông Nam Á, theo thẩm định của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, Philippines cần đầu từ đến 127 tỷ đô la vào cơ sở hạ tầng trong giai đoạn từ 2010 đến 2020 và ngay từ những năm tháng còn cầm quyền, tổng thống Benigno Aquino đã kỳ vọng dễ dàng vay được vốn của ngân hàng AIIB cho các dự án xây dựng từ hệ thống xa lộ, đến mang lưới viễn thông. Đó là lý do vì sao mà Manila luôn tách bạch hai hồ sơ tranh chấp biển đảo và hợp tác kinh tế.

Trả lời đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia về Châu Á của Pháp, bà Valérie Niquet thuộc Viện nghiên cứu Chiến Lược Fondation pour la Recherche Stragégique không quên nhắc lại tổng thống Duterte đã kín đáo trên hồ sơ Biển Đông trong chuyến công du du Bắc Kinh vừa qua, chủ yếu là để thu hút đầu tư Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh sẽ chịu chi tiền cho Philippines tới mức độ nào và Manila không khi nào bỏ tất cả trứng vào một giỏ.

« Ông Duterte đã chứng minh rõ ràng là ông muốn huy động vốn của Trung Quốc. Thậm chí Manila kỳ vọng vay được của Trung Quốc 3 tỷ đô la tín dụng với lãi suất thấp. Tổng thống Duterte có đầu óc rất thực tế, ông chờ đợi xem là Bắc Kinh sẵn sàng chi ra bao nhiêu tiền, để lôi kéo Philippines và quỹ đạo của Trung Quốc, để chính sách xoay trục của Manila thuận lợi cho phía Trung Quốc. Bắc Kinh cũng chờ xem Philippines xa lánh Mỹ tới cỡ nào.

Có điều, tiền bạc không giải quyết được tất cả. Trước mắt, tranh chấp biển đảo giữa hai nước vẫn chưa ngã ngũ. Cụ thể là về quy chế bãi cạn Scarborough : cách nay vài tháng Tòa Án Trọng Tài La Haye đã ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc đòi hỏi quá đáng chủ quyền đối với vùng Biển Đông. Chưa biết được là Bắc Kinh sẽ có cho phép ngư dân Philippines quay trở lại vùng đánh bắt truyền thống này của họ hay ngược lại, Trung Quốc nhân dịp này sẽ lấn lướt thêm một bước nữa buộc Manila phải công nhận chủ quyền của Bắc Kinh đối với bãi cạn Scarborough.

Đây thực sự là một ẩn số. Thêm vào đó, cũng không ai biết được là Trung Quốc sẽ chịu chi tới mức nào để mua chuộc Philippines. Cũng đừng quên rằng, sau Bắc Kinh, tổng thống Duterte công du Nhật Bản và còn dự trù viếng thăm Matxcơva. Có nhiều khả năng là lãnh đạo Philippines sẽ tiếp tục thương lượng với các đối tác lớn về chính sách đối ngoại của Manila ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.