Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Ả Rập Xê Út, vua dầu hỏa phải thắt lưng buộc bụng

Đăng ngày:

Dầu hỏa mất giá, Ả Rập Xê Út thất thu gần 100 tỷ đô la. Riyad trong thế đi dây : trong hai năm liên tiếp, vương quốc giàu có nhất vùng Vịnh bị thâm hụt ngân sách, bắt buộc phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu, ngưng chính sách trợ giá xăng dầu, nhà ở cho dân. Bằng mọi giá Ả Rập Xê Út tránh để khủng hoảng dầu hỏa đe dọa ổn định xã hội.

Tại xứ dầu hỏa, giá xăng dầu tăng 50% trong năm 2015.
Tại xứ dầu hỏa, giá xăng dầu tăng 50% trong năm 2015. REUTERS/Faisal Al Nasser
Quảng cáo

Tại hầu hết mọi nơi trên thế giới, 2015 là năm mà người tiêu dùng hài lòng khi thấy giá xăng dầu giảm mạnh. Chỉ riêng tại xứ dầu hỏa là Ả Rập Xê Út, trong năm qua, giá xăng dầu đã tăng lên gần gấp đôi – đang từ 0,50 riyal nhảy vọt lên thành 0,90 riyal – tương đương với khoảng 0,29 đô la một lít dầu diesel. Đơn giản là vì chính quyền của tân vương Salman đã buộc phải ngưng trợ cấp xăng dầu cho dân.

Không chỉ có xăng dầu, năm nay thần dân của nhà vua sẽ còn phải trả điện, nước, thuê nhà với cái giá đắt hơn, bởi vì thu nhập từ dầu hỏa của Riyad năm 2015 giảm đi mất 82 tỷ đô la. Cũng năm 2015, ngân sách trợ giá năng lượng của vương quốc vùng Vịnh này lên tới 61 tỷ đô la, trong đó gần một nửa là dành để giúp cho người dân thoải mái mua xăng, dầu.

Tiền bạc trở nên khan hiếm

Nhưng nếu như chính quyền của nhà vua Salman « hy sinh » chính sách trợ giá xăng dầu, thì ngược lại các khoản trợ cấp xã hội tại Ả Rập Xê Út trong năm qua- ước tính khoảng từ 100 đến 150 tỷ đô la- vẫn được duy trì, bởi vì Riyad không quên rằng, chính những khó khăn kinh tế đã dẫn tới các cuộc nổi dậy từ ở Tunisia tới Ai Cập, Syria, Libya hồi năm 2011.

Cuối năm 2015 chính quyền Ả Rập Xê Út thông qua dự thảo ngân sách cho tài khóa 2016 và dự trù bội chi lên tới 87 tỷ đô la, tương đương với 19 % tổng sản phẩm nội địa. Hiếm khi nào, một quốc gia giàu sụ như Ả Rập Xê Út lại phải đi vay tiền, phát hành 82 tỷ đô la công trái phiếu.

Đương nhiên vương quốc vùng Vịnh này là một « điểm đến » an toàn với tỷ lệ nợ công chỉ bằng 2 % GDP. Nhờ vậy, Riyad dễ dàng thuyết phục giới tư bản. Để so sánh, nợ công của Mỹ năm 2015 là khoảng 115 % tổng sản phẩm nội địa ; của Pháp là 97 %.

Trong lúc nguồn thu nhập sụt giảm thì các khoản chi tiêu quân sự của Riyad lại không ngừng gia tăng trong bối cảnh Trung Đông đang « dầu sôi lửa bỏng » : theo thẩm định của một số chuyên gia quân sự, kể từ khi dẫn dầu liên minh Ả Rập can thiệp tại Yemen, mỗi tháng Ả Rập Xê Út phải tốn khoảng 1,5 tỷ đô la. Ngân sách an ninh quốc phòng trong năm nay, chiếm 25,4 % các khoản chi tiêu công cộng của Ả Rập Xê Út, tăng 17 % so với tài khóa 2015.

Theo đánh giá của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm trong năm 2015 cùng với Trung Quốc và Nga Ả Rập Xê Út là một trong ba nước đã chi ra nhiều nhất để mua vũ khí và trang thiết bị quân sự.

Cái khó đặt ra với chính quyền Riyad là giá dầu trên thị trường quốc tế đang từ 110 đô la/thùng vào tháng 6/2014 đã rơi xuống còn chưa đầy 40 đô la vào những ngày cuối cùng tháng 12/2015. Cho dù vẫn còn làm chủ một khoản dự trữ ngoại tệ trên dưới 700 tỷ đô la nhưng vua dầu hỏa bắt đầu phải trả giá cho những tính toán chiến lược do chính mình vạch ra. Riyad bắt đầu mệt mỏi vì chiến lược dầu hỏa do chính mình áp đặt.

Dùng dầu hỏa để loại các đối thủ

Điều khó hiểu là cho dù đang phải đi vay và hai năm liên tiếp bị bội chi ngân sách Ả Rập Xê Út vẫn không có ý định giảm lượng xuất khẩu dầu hỏa để đẩy giá vàng đen trên thị trường quốc tế lên cao theo luật cung cầu.

Theo phân tích của chuyên gia về địa chính trị, giám đốc văn phòng tư vấn Géopolia trong lĩnh vực năng lượng Philippe Sébille Lopez, Riyad gồng mình hứng chịu hậu quả kinh tế do chính mình đặt ra để loại bớt một số các mối cạnh tranh- Mỹ, Canada, Nga, Iran. Luận điểm này được các vương quốc trong vùng Vịnh tán đồng. Philippe Sébille Lopez cũng là tác giả cuốn Géopolitique du pétrole – Dầu hỏa và địa chính trị -Nhà xuất Bản Armand Colin.

« Với giá dầu ở mức 36 đô la một thùng, một số các nhà sản xuất phải giảm lượng cung cấp trên thị trường, thậm chí là phải đóng hẳn một số giếng dầu. Bởi vì giá thành quá cao so với giá dầu trên thị trường. Tôi muốn nói tới trường hợp của những hãng dầu Mỹ vừa mới nhập cuộc trên thị trường dầu đá phiến. Như vậy có nghĩa là về lâu dài, chỉ có khai thác dầu hỏa của các nước vùng Vịnh là còn có lãi. Bởi vì các nước trong vùng Vịnh, đứng đầu là Ả Rập Xê Út có giá thành rất thấp, chưa tới 10 đô la một thùng. Điều đó có nghĩa là, nếu như giá dầu trên thế giới chỉ còn 20 đô la/thùng, Riyad vẫn có thể sản xuất dầu và xuất khẩu dầu hỏa. Không một quốc gia nào có được giá thành thấp như Ả Rập Xê Út.

Nói cách khác, dầu của Trung Đông vẫn sẽ tràn ngập thị trường và trong tương lai, vùng Vịnh vẫn đóng một vai trò trọng yếu. Ngược lại, dầu thô khai thác từ Bắc Hải chẳng hạn sẽ trở nên quá đắt đỏ (26 đô la/thùng). Giá thành của một thùng dầu đá phiến ở Mỹ hay Canada là khoảng 65 đô la. Tựu chung, hiện tượng giá dầu giảm mạnh đang phác họa lại bản đồ của các nguồn cung cấp. Nhưng trong mọi trường hợp, dầu hỏa của Trung Đông vẫn còn áp đảo thị trường của thế giới ».

Để so sánh : trong lúc Ả Rập Xê Út phải chi ra 10 đô la để sản xuất được một thùng dầu, thì ở Hoa Kỳ giá thành dao động ở mức từ 40 đến 70 đô la. Một nhà vô địch dầu hỏa khác tại Châu Mỹ là Venezuela thì phải chi ra đến 40 đô la để có được 1 thùng dầu thô.

Tính toán của Riyad loại bớt các đối thủ không phải là không có cơ sở : khi biết rằng để có lãi, dầu đá phiến sản xuất tại Mỹ phải được bán ra với giá tối thiểu là 50 đô la/thùng. Dưới ngưỡng tối thiểu đó, các hãng dầu của Mỹ không thể đầu tư thêm để tìm kiếm hay khai thác thêm các giếng dầu mới.

Theo thẩm định của tập đoàn quản lý các dịch vụ liên quan đến ngành dầu khí Baker Hughes, trong năm 2015 đã có hơn 1000 giếng dầu ở Mỹ phải đóng cửa, sản lượng dầu đá phiến tại Hoa Kỳ trong tháng 11/2015 đã giảm đi 93.000 thùng mỗi ngay, để chỉ còn 5,12 triệu thùng mà thôi. Theo Cơ quan Thông tin về Năng lượng Hoa Kỳ, đây là mức thấp nhất kể từ khi nước Mỹ bắt đầu phát triển công nghệ khai thái dầu đá phiến.

Dầu hỏa, vũ khí lợi hại của Riyad

Giáo sư kinh tế Philippe Chalmin, giảng dậy tại đại học Paris –Dauphine, kiêm Chủ tịch Viện nghiên cứu Châu Âu về nguyên liệu Cyclope nhấn mạnh tới những tính toán của Ả Rập Xê Út trên bàn cờ năng lượng :

« Sở dĩ mức cung đã tăng lên trên thị trường, do trong suốt thời gian từ năm 2006 đến 2014, giá dầu hỏa đã tăng cao. Trong chu kỳ đó, các nước sản xuất đã thi nhau đầu tư vào hạ tầng cơ sở, vào kỹ nghệ thăm dò, khai thác, lọc dầu. Nhiều giếng mới được đưa vào hoạt động. Từ đó dẫn tới hiện tượng đầu tư ồ ạt. Mà hậu quả tiếp theo là dư thừa sản xuất trong lúc sức mua vào của những nguồn tiêu thụ dầu thô lớn trên thế giới thì đã bão hòa hay nói đúng hơn là tăng không nhanh như mong đợi, do hoạt động kinh tế tại một số nơi,- chẳng hạn như của nhóm các nền kinh tế đang trỗi dậy lại bị chựng lại.

Trên nguyên tắc trong trường hợp này, Ả Rập Xê Út và các nước vùng Vịnh cần điều chỉnh lượng sản xuất để giữ giá dầu trên thị trường quốc tế. Nhưng Riyad đã không giảm mức sản xuất mà ngược lại còn cứ tiếp tục mở vòi dầu hỏa. Khi giá dầu xuống quá thấp, dầu của Mỹ hay Canada, của một số các nước Châu Phi không đủ sức cạnh tranh với dầu của Ả Rập Xê Út ».

Dù vậy theo giáo sư kinh tế Philippe Chalmin chiến lược của Riyad cũng đầy rẫy rủi ro.

« Hễ đô la tăng cao thì giá năng lượng giảm là. Đơn giản là chúng ta mua dầu khí, hay nguyên, nhiên liệu bằng đô la. Khi đồng đô la tăng giá, tức là mặt hàng mua vào trở nên đắt đỏ hơn, thành thử ta phải giới hạn nhập khẩu nguyên nhiên liệu. Với luật cung cầu, giá nguyên nhiên liệu sẽ giảm. Đương nhiên là một quốc gia như Ả Rập Xê Út khi cột chặt đơn vị tiền tệ vào đồng tiền Mỹ, thì khi đô la tăng giá, không có lợi cho Riyad. Mà như chúng ta biết, trong năm 2016, giá đồng đô la có khuynh hướng còn tiếp tục tăng lên – đặc biệt là sau khi Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ tăng lãi suất. Điều đó có nghĩa là năm nay, giá dầu hỏa sẽ còn giảm tiếp ».

Trong báo cáo gần đây, ngân hàng Mỹ Goldman Sachs chờ đợi giá dầu sẽ đụng đáy ở mức khoảng 18 đô la/thùng. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự phóng nếu giá dầu tiếp tục giảm với nhịp độ như hiện tại thì từ nay tới năm 2020 gối dự trữ ngoại tệ của Ả Rập Xê Út sẽ tiên tan. Chuyên gia dầu khí và chiến lược Trung Đông, Philippe Sébille Lopez cho biết thêm :

« Tình huống này chẳng có lợi cho bất kỳ một ai. Ả Rập Xê Út đã thất thu 100 tỷ đô la, Kowait mất hơn 30 tỷ. Nếu như hai vương quốc này đủ sức chịu đựng thì ngược lại những nước như Venezuela, Nigeria, Angola và rất nhiều các nước Châu Phi khác thực sự điêu đứng. Bởi vì những nước đó không có nhiều dự trữ ngoại tệ, và không có nguồn thu nhập nào khác ngoài dầu hỏa. Về phía các nước tiêu thụ dầu hỏa, như Châu Âu chẳng hạn nếu giá dầu cứ tiếp tục giảm thì họ có lợi trong ngắn hạn, nhưng về lâu về dài, giá dầu sẽ tăng lại. Chừng đó các nước này phải tính sao đây » ?

Không có lợi cho bất kỳ một ai như chuyên gia về địa chính trị và dầu khí Sébille Lopez vừa nói. Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền Riyad có thể giữ được chiến lược dầu hoa đó tới khi nào. Ả Rập Xê Út vừa thông báo, tăng 70 % giá điện nước, trong năm 2016. Đây thực sự là một gánh nặng đối với một phần lớn dân chúng vốn có thói quen trông chờ vào các khoản trợ giúp của nhà vua. Lại cũng Riyad đang chuẩn bị đánh thuế trị giá gia tăng TVA … để lấp đầy công quỹ.

Trong bốn chục năm qua, các thế hệ lãnh đạo ở Riyad liên tiếp đã dùng lá bài dầu hỏa để đổi lấy ổn định trong xã hội, bảo vệ ngai vàng của gia đình al Saoud. Giờ đây vương quốc này lại dùng dầu hỏa để triệt hạ bớt các mối đe dọa tiềm tàng.

Giới phân tích cho rằng, Ả Rập Xê Út đang đi dây và nếu không khéo, tính toán loại các đối thủ trên thị trường sản xuất dầu hỏa – mà đứng đầu là Iran, các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Hoa Kỳ và kể cả các đại gia dầu khí của Nga, lại có nguy cơ dẫn tới bất ổn xã hội ngay trên vương quốc vùng Vịnh này. Cách nay gần một năm, quốc vương Salman lên ngôi. Năm đầu của thời đại Salman đầy rẫy những thách thức, từ an ninh, quân sự đến ngoại giao, kinh tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.