Vào nội dung chính
KINH TẾ

Chứng khoán khởi sắc đôi chút sau khi Bắc Kinh can thiệp

Các thị trường chứng khoán châu Âu hôm nay 25/08/2015 có nhích lên chút ít sau khi Trung Quốc hạ lãi suất chỉ đạo và bơm thêm nhiều tiền qua việc giảm dự trữ bắt buộc của các ngân hàng. Thị trường châu Á vẫn còn bị áp lực sau  "ngày thứ Hai đen  - Black Monday ».

Thị trường chứng khoán Frankfurt, Đức ngày 25/08/2015
Thị trường chứng khoán Frankfurt, Đức ngày 25/08/2015 REUTERS
Quảng cáo

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm nay quyết định hạ lãi suất chỉ đạo xuống còn 4,60% ; đồng thời giảm mức dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, để có thể cho vay rộng rãi hơn. Biện pháp này tương đương với việc bơm một lượng lớn tiền mặt vào nền kinh tế. Trước khi hạ lãi suất, ngân hàng nhà nước còn đưa vào thị trường tài chính 150 tỉ nhân dân tệ (20,3 tỉ euro) để giúp giảm bớt áp lực.

Sau loan báo trên đây, thị trường chứng khoán Paris và Milano vào buổi trưa đã tăng trên 4%, Frankfurt, Luân Đôn và Madrid tăng trên 3%. Mọi chú ý hiện hướng về thị trường Wall Street, sau cú sụt giảm nặng nề hôm qua.

Trước khi có quyết định của Bắc Kinh, thị trường chứng khoán Thượng Hải lại sụt tiếp 7,63% sau khi đã mất đến 8,49% hôm thứ Hai, còn thị trường Thâm Quyến giảm 7,09%. Huaxi Securities nhận định : « Các nhà đầu tư Trung Quốc hoảng loạn và bán ra tất cả. Họ đã hoàn toàn mất lòng tin, và thị trường còn có thể suy sụp tiếp ».

Các thị trường chứng khoán lớn khác của châu Á như Tokyo, Hồng Kông có khởi sắc đôi chút nhưng rồi lại sụt giảm tiếp. Giá các loại nguyên vật liệu và dầu lửa hôm nay có nhích lên một ít.

Theo công ty chứng khoán Aurel BGC, các chỉ số Âu, Mỹ có thể tăng lên trong ngắn hạn, và « nếu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại là điều không còn phải bàn cãi, thì kịch bản ‘‘hard landing’’ (hạ cánh thô bạo) cũng không chắc chắn ».

Các thị trường cố gắng xoa dịu những quan ngại về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Cơ quan tư vấn Capital Economics cho rằng : « Các nhà đầu tư có những phản ứng quá trớn trước rủi ro kinh tế Trung Quốc », khi thị trường chứng khoán chỉ thu hút một phần rất nhỏ tiền nhàn rỗi của người dân nước này. Một chuyên gia của tập đoàn Axa nhận định làn gió hoảng loạn được lan rộng còn do khối lượng cổ phiếu giao dịch quá ít vào mùa hè.

Các nhà phân tích rất lo ngại trước tình trạng tăng trưởng Trung Quốc chậm lại, nhưng cho rằng chỉ tác động tương đối lên quá trình hồi phục của Hoa Kỳ và châu Âu. Theo ông Gilles Moec, kinh tế gia trưởng Bank of America – Merrill Lynch thì tình trạng này « không hề vô hại nhưng cũng không phải là thảm họa », vì chỉ gặm nhấm mất 0,4% tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa của hai châu lục này.

Một nhà phân tích của Shenwan Hongyuan nhận định : « Thị trường tài chính bước vào một cái vòng lẩn quẩn », khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ Trung Quốc luôn chờ đợi các biện pháp hỗ trợ của nhà nước. Chuyên gia Zhang Qi của công ty chứng khoán Hailong nhấn mạnh, từ nay Bắc Kinh buộc lòng phải ra tay can thiệp để ít nhất là trấn an các thị trường, ngăn chận các đợt bán ra ồ ạt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.