Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Thế giới lo ngại nguyên liệu mất giá

Đăng ngày:

Phúc hay họa khi giá nguyên liệu, chủ yếu là dầu hỏa tiếp tục giảm ? Ngân Hàng Thế Giới hạ dự phóng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2015. Các nền kinh tế đang phát triển chủ yếu trông cậy vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên bị hụt hẫng.

Toàn cảnh tổ hợp hóa dầu và khí đốt Mellitah, thuộc thành phố cảng Zouara (phía tây Libya). Ảnh chụp 6/1/2015. le 6 janvier 2015.
Toàn cảnh tổ hợp hóa dầu và khí đốt Mellitah, thuộc thành phố cảng Zouara (phía tây Libya). Ảnh chụp 6/1/2015. le 6 janvier 2015. AFP PHOTO / MAHMUD TURKIA
Quảng cáo

Trong báo cáo vừa công bố tháng 5/2015, cơ quan nghiên cứu chuyên về nguyên và nhiên liệu, Cyclope trụ sở tại Paris ghi nhận : thị trường nguyên liệu thế giới trong năm 2015 vẫn ảm đạm. Giá nông phẩm, khoáng sản, dầu khí, đều có khuynh hướng giảm sụt so với năm 2014. Chu kỳ « luẩn quẩn đó » sẽ không sớm được khép lại.

Cơn sốt nguyên, nhiên liệu kéo dài trong gần một chục năm đã đi qua. 2014 là một cột mốc quan trọng : Từ thị trường nông phẩm đến khoáng sản, năng lượng đều « hạ nhiệt ». Chủ yếu do dư thừa sản xuất. Giá bông –goòng, nhựa cao-su, hay lúa mì đã giảm theo thứ tự là 8- 32 và 14 % trong năm 2014 so với cùng thời kỳ năm 2013.

Thị trường nông phẩm

Nhìn chung, trên thị trường nông phẩm chỉ số giá cả rơi xuống mức thấp trong sáu năm trở lại đây. Theo thẩm định của tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO, nếu không xảy ra hạn hán hay lũ lụt, tai họa bất thường, giá ngũ cốc trong năm 2015 có thể giảm thêm hơn 20 % để rơi xuống mức thấp bằng thời điểm của năm 2010. Các nhà sản xuất những mặt hàng được coi là cơ bản, như lúa mì, ngũ cốc, thịt, sữa và đường, không có hy vọng trông thấy thu nhập gia tăng trong năm nay. Brazil chẳng hạn trong tháng 5/2015 đã phải giảm nhịp độ sản xuất đường cát trắng nhưng vẫn không đẩy được chỉ giá mặt hàng này lên cao do các công ty đã lập tức xuất đường tồn kho để lấp vào chỗ trống.

Philippe Chalmin, sáng lập viên và cũng là giám đốc điều hành báo cáo 2015 của cơ quan nghiên cứu về thời giá nguyên, nhiên liệu Cyclope lưu ý giá nông phẩm, lương thực tùy thuộc vào thời tiết, khó có thể báo trước được thiên tai. Tuy nhiên các chính sách mà nhiều nước trên thế giới đã đề ra để bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân sau cơn sốt hồi năm 2008 đã bắt đầu đơm hoa kết trái. Nhờ vậy mà một số nước như Iran, hay Ai Cập đã bớt lệ thuộc vào nông phẩm nhập từ nước ngoài.

Yếu tố địa chính trị

Đối với các các quốc giả xuất khẩu khoáng sản, và nhất là năng lượng hóa thạch, 2014 một lần nữa đã xua tan mọi hy vọng dùng lá bài nguyên liệu làm bàn đạp để phát triển. Brazil và Nga, hai nước lớn trong khối BRICS trả giá đắt cho bài học đó.

Ngân Hàng Thế giới giảm dự phóng tăng trưởng của các nước đang phát triển đang từ 4,8 % xuống còn 4,4 % cho năm nay. Nga và Brazil có nguy cơ bị suy thoái. Tổng sản phẩm nội địa của hai quốc gia này theo dự báo của Ngân Hàng Thế Giới giảm theo thứ tự là 2,7 và 1,3 % trong năm 2015.

Nền kinh tế số 1 của châu Mỹ La Tinh là một trong những nhà sản xuất và cung cấp nông phẩm, nguyên liệu hàng đầu của thế giới ; Brazil cũng là một trong những quốc gia có trọng lượng trên bàn cờ thép, sắt, nhôm, than đá, dầu hỏa , đất hiếm … Giá nguyên liệu giảm trong năm 2014 và trong 6 tháng đầu 2015 khiến thâm hụt ngân sách nhà nước của Brazil liên tục tăng. Ngân sách dành cho các khoản trợ giúp xã hội của Brazil cho năm nay đã bị thu hẹp lại 11 tỷ real – tương đương với khoảng 4 tỷ đô la Mỹ.

Tại châu Âu, tình trạng kinh tế của nước Nga không sáng sủa hơn dưới tác động kép của các biện pháp trừng phạt kinh tế do Âu-Mỹ áp đặt và hiện tượng giá dầu, khí sụt giảm. Khác với thị trường nông phẩm, giá khoáng sản và năng lượng hóa thạch mà đứng đầu là dầu khí, tùy thuộc nhiều vào yếu tố địa chính trị.

Trong năm 2014 chỉ giá trung bình nguyên liệu trên thế giới sụt 20 %. Riêng dầu hỏa thì mất giá đến 50 %. Đây là điều khó hiểu khi biết rằng xung đột tại hay sát cạnh các « giếng dầu » của thế giới liên tục diễn ra trong năm. Hiện tượng dầu thô mất giá từ nửa cuối 2014 đã khiến nhiều nhà sản xuất bất ngờ. Thậm chí Qatar cũng bị hụt hẫng. Theo dự thảo ngân sách của vương quốc vùng Vịnh này 2016 là lần đầu tiên từ 15 năm qua, ngân sách Qatar bị thâm thủng.

Dự trữ ngoại tệ của Qatar đang từ 170 tỷ riyal –tương đương với 41 tỷ euro- hồi tháng 11/2014, nhưng đến cuối tháng 2/2015, 99 tỷ đã bị « bốc hơi » để chỉ còn còn 142 tỷ riyals (34,5 tỷ euro). Dự phóng tăng trưởng của tiểu vương quốc này đang từ 10,2 % cho năm 2015 rơi xuống còn hơn 6 %.

Vì sao giá nguyên nhiên liệu lại giảm mạnh trong năm vừa qua và đâu là những tác động đối với kinh tế toàn cầu ?

Trả lời đài RFI, giáo sư Philippe Chalmin đại học Paris Dauphine, giám đốc cơ quan nghiên cứu về thị trường nguyên nhiên liệu quốc tế, và cũng là người điều hành báo cáo CYCLOPE 2015 đưa ra những yếu tố như sau để trả lời cho các câu hỏi trên :

« Yếu tố địa chính trị luôn đóng một vai trò quan trọng đối với thị trường năng lượng, nguyên và nhiên liệu, đặc biệt là trong trường hợp của dầu hỏa trong năm 2014. Có thể nói giá cả tùy thuộc vào tình hình của thế giới, nhưng địa chính trị không là nguyên nhân duy nhất và không quyết định tất cả. Tôi xin giải thích : Trong giai đoạn có thể nói là từ những năm 2005-2006 cho đến 2014, trong gần một thập niên, giá năng lượng, và nguyên, nhiên liệu không ngừng gia tăng. Thuật ngữ trong ngành gọi đó là ‘cú sốc’ nguyên và nhiên liệu. Thế rồi tới năm 2014, và trong trường hợp của dầu hỏa là từ giữa năm ngoái, chỉ giá trên các thị trường này bắt đầu giảm. Chúng tôi gọi đó là chu kỳ ‘phản sốc’. Hiện tượng ‘phản sốc’ đó do sản xuất dư thừa. Bởi vì trong thời gian giá nguyên, nhiên liệu tăng cao, các nhà sản xuất đã ồ ạt đầu tư vào các kỹ thuật mới, hiện đại hóa guồng máy sản xuất, các kỹ nghệ khai thác.

Riêng ngành dầu khí thì đã trải qua một cuộc cách mạng, khi Mỹ, Canada bắt đầu khai thác dầu và khí đá phiến. Hậu quả là giờ đây, cung cao hơn cầu. Hiện tượng đó khiến giá nguyên, nhiên liệu giảm sụt và sẽ còn giảm tiếp trong một thời gian dài. Điều này đã được chứng minh không chỉ đối với dầu hỏa, khí đốt, mà ta còn thấy là giá các khoáng sản cũng đã giảm mạnh, từ than đá đến đồng, sắt … giá nông sản và lương thực cũng đã giảm đi nhiều kể từ sau cơn sốt hồi năm 2008.

Vấn đề đặt ra là khi giá nguyên nhiên liệu giảm mạnh như chúng ta đã thấy, thì nhiều quốc gia chủ yếu trông vào sản xuất và xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên trở nên ‘trơ trụi’. Điều đó càng tìm giải đáp cho câu hỏi, nguyên nhiên liệu là một cơ hội để phát triển hay là một tai họa ?

Thực ra tôi nghĩ là không thể trông đợi vào dầu hỏa, vào các hoạt động xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên để đề ra một chiến lược phát triển cho một quốc gia. Không thể trông đợi vào khả năng xuất khẩu dầu hỏa, khí đốt hay đồng, thép để hy vọng mở mang kinh tế, hoặc có được một sự phát triển vững bền.

Có rất nhiều trường hợp, từ của Algéri đến Nigeria, hay Venezuela chứng minh điều đó. Có thể nói đối với các quốc gia sản xuất nguyên và nhiên liệu, họ như trên một con tàu trong cơn bão tố và khi cập được vào bờ thì con tàu này đã trơ trụi » .

Riêng đối với thị trường dầu hỏa, yếu tố địa chính trị đóng một vai trò quan trọng hơn. Bất ổn ở Trung Cận Đông nhẽ ra phải đẩy giá dầu lên cao, nhưng kịch bản đó đã không xảy ra. Tại sao ?

Chuyên gia dầu khí người Pháp Francis Perrin, tổng biên tập tạp chí Dầu hỏa và Khí đốt Ả Rập trả lời :

« Như Philippe Chalmin vừa nói, giá cả nguyên, nhiên liệu tùy thuộc ít nhiều vào yếu tố địa chính trị nhưng bên cạnh đó có nhiều yếu tố kỹ thuật và những gì liên quan đến luật cung cầu. Dầu hỏa không phải là một ngoại lệ, nhưng yếu tố địa chính trị chiếm một vị trí quan trọng hơn. Bởi lẽ cả thế giới cần dầu hỏa nhưng lại chỉ có một số ít các quốc gia sản xuất và xuất khẩu vàng đen.

Trong trường hợp các quốc gia sản xuất gặp bất ổn, do đảo chính, chiến tranh, nội chiến …. trên nguyên tắc giá dầu phải tăng lên. Hiện nay chiến sự tại nhiều nước ở khu vực Trung Cận Đông, từ Syria đến Yemen, Irak hay gần với châu Âu hơn, như ở Ukraina, trong cuộc đọ sức kéo dài với Nga … đó là những nguyên nhân có thể đẩy giá dầu hỏa lên cao.

Dù vậy kịch bản đó không xảy ra, bởi những bất ổn về an ninh không giải thích tất cả. Đúng là từ năm 2011 cho đến nửa đầu năm 2014 dầu hỏa đã liên tục tăng giá ở mức khá cao là khoảng từ 100- 110 và thậm chí có lúc lên tới gần 150 đô la một thùng dầu. Thế rồi đến mùa hè năm ngoái, các nhà môi giới trên thị trường dầu hỏa dường như không còn mấy chú ý đến yếu tố chiến tranh, để chỉ tập trung vào các chỉ số cung -cầu. Mà ở đây thì mức cầu đang thấp hơn so với khả năng cung cấp của các nhà sản xuất do dầu đá phiến của Mỹ và Canada đang được rót vào thị trường. Nhờ có nguồn cung cấp dồi dào, trăn trở về bất ổn chính trị, an ninh tạm thời được đẩy vào hàng thứ yếu. Nhưng theo tôi đó chỉ là những tính toán tạm thời.

Ngoài ra phải nói đến vai trò quyết định của Ả Rập Xê Út. Nói một cách chính xác dầu thô mất giá không do lỗi của Riyad. Có điều, từ trước tới nay, mỗi lần giá dầu trên thế giới tuột dốc, thì Ả Rập Xê Út, quốc gia có trọng lượng nhất trong khối các nhà xuất khẩu OPEP, khóa bớt van dầu. Qua luật cung cầu, giá dầu tự động được đẩy lên cao hơn. Nhưng lần này, Riyad không giảm mức sản xuất của mình. Đó là điều đáng chú ý và đó là một sự thay đổi hết sức quan trọng trong chiến lược dầu hỏa của Ả Rập Xê Út » .

Trong các cuộc họp hồi tháng 9 và 11/2014 Ả Rập Xê Út đã quyết định duy trì mức cung như không có chuyện gì xảy ra, cho dù là giá dầu đã giảm đến 40 % so với hồi đầu năm. Tại sao Riyad lại không can thiệp ?

Một là để giữ thị phần của mình trên thế giới, bởi Riyad ý thức được rằng, nếu giảm mức cung để đẩy giá dầu lên cao, thì lập tức, Mỹ, Canada tăng mức sản xuất dầu đá phiến, gặm nhấm thêm thị phần của Ả Rập Xê Út và của khối OPEP tại châu Á chẳng hạn. Riyad không chấp nhận hy sinh để cho các nhà sản xuất khác hưởng lợi. Quyết định nói trên ngoài ra cũng nhắm vào các nhà sản xuất dầu đá phiến của Bắc Mỹ.

Tính toán thứ nhì của các nhà cầm quyền ở Riyad có lẽ là yếu tố chính trị. Ả Rập Xê Út thừa sức giữ được ổn định kinh tế và xã hội với giá dầu ở mức từ 50 đến 60 đô la một thùng. Nhưng đối với Iran, đối thủ truyền thống của Riyad trong khu vực, thì đây là một bài toán nan giải. Theo thẩm định của cơ quan CYCLOPE Iran với khả năng sản xuất và công nghệ khai thác, lọc dầu hiện tại Teheran chỉ có thể cân bằng cán cân chi thu với giá dầu là 130 đô la một thùng. Thêm vào đó dầu hỏa khi đã mất giá đến 50 % so với hồi đầu năm 2014 cũng là yếu tố cắt nguồn thu nhập của nước Nga vào lúc Matxcơva đang đọ sức với phương Tây trên hồ sơ Ukraina.

Bài toán càng thêm phức tạp đối với các nhà cầm quyền ở Teheran một khi Iran đạt được thỏa thuận về hạt nhân với quốc tế. Giám đốc tạp chí Dầu hỏa và Khí đốt Ả Rập Francis Perrin phân tích thêm :

« Trường hợp của Iran hết sức tiêu biểu cho thấy dầu hỏa và địa chính trị là những yếu tố gắn liền với nhau đến mức độ nào. Nhưng đây là yếu tố góp phần làm tăng thêm khả năng cung cấp của các nhà sản xuất. Cụ thể là nếu như Iran và Hoa Kỳ đạt được đồng thuận về hồ sơ hạt nhân vào cuối tháng 6/2015, Teheran và nhóm 5+1 đạt được thỏa thuận sau cùng trên hồ sơ đã kéo dài dai dẳng đó, thì bước kế tiếp là quốc tế xóa bỏ cấm vận. Iran từng bước hội nhập vào các hoạt động của thế giới.

Teheran luôn khẳng định ý muốn đẩy mạnh các hoạt động khai thác, sản xuất và xuất khẩu dầu, khí để tìm lại vị trí truyền thống của mình trên thị trường quốc tế. Điều đó có nghĩa là trong tương lai Iran mở của đón các nhà đầu tư, cấp giấy phép cho họ vào hoạt động. Mức cung ứng có khuynh hướng tăng thêm, và đây thực sự không phải là một tin vui đối với các nhà sản xuất ».

Vào thời điểm giá dầu vượt quá ngưỡng 100 đô la một thùng, Nigeria đã qua mặt Nam Phi để trở thành nền kinh tế thịnh vượng nhất Châu Phi. 80 % thu nhập có được là nhờ xuất khẩu dầu hỏa. Nhưng kể từ khi dầu hỏa bị mất giá, rơi xuống còn chưa đầy 70 đô la một thùng, đồng naira, đơn vị tiền tệ của Nigeria cũng bị mất giá theo. Chính phủ nước này đã phải giảm đến 2/3 các khoản chi tiêu công cộng. Theo nghiên cứu của cơ quan CYCLOPE, kinh tế Nigeria lệ thuộc đến 95 % vào các nguồn xuất khẩu dầu hỏa.

Với khả năng sản xuất 2 triệu thùng một ngày, Nigeria là nguồn sản xuất và xuất khẩu dầu số 1 của Lục địa Đen. Dù vậy, một phần lớn dân số quốc gia này sống với thu nhập chưa tới 1 đô la một ngày và đa số người dân Nigeria vẫn chưa có điện.

Cơ quan Cyclope dành cho báo cáo về tình hình thị trường nguyên nhiên liệu 2015 hàng tiểu tựa « Chuông nguyện hồn ai » như tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của văn hào người Mỹ Ernest Hemingway. Trả lời trên đài RFI giáo sư Philippe Chalmin giải thích : đó là hồi chuông báo tử cho những ai tin vào phép lạ kinh tế từ tiến trình toàn cầu hóa đem lại. Trông cậy vào ngành khai thác tài nguyên để hoặch định một chiến lược phát triển lâu bền là một tính toán đầy bất trắc.

« Đối với hồ sơ nguyên, nhiên liệu, bao giờ cũng có cảnh gọi là ‘họa người phúc ta’. Đối với những quốc gia đang phát triển mà lại không có tài nguyên, như trong trường hợp các nước ở phía Bắc Phi, như Senegal chẳng hạn, thì đây là một cơ hội tốt, với điều kiện các nhà cầm quyền phải ý thức được điều đó để tận dụng cơ hội đầu tư vào những lĩnh vực cho phép nâng cao khả năng cạnh tranh.

Ngược lại đối với Anglola thì đây là một tai họa. Theo thẩm định của cơ quan Cyclope chúng tôi, trung bình Iran có thể cân bằng ngân sách với giá dầu khoảng 130 đô la một thùng ; đối với Venezuela thì phải là 160 đô la. Còn đối với Algeri, thì quốc gia này phải bán được dầu hỏa với giá 170 đô la mới đủ sức trang trải các khoản chi tiêu. Bài toán càng trở nên nan giải hơn đối với một số quốc gia, khi biết rằng Venezuela không có ngoại tệ dự trữ.

Ngược lại Ả Rập Xê Út vẫn ung dung, cho dù là dầu hỏa chỉ còn có 50 đô la một thùng. Đành rằng, nếu tình trạng kéo dài, thì Riyad cũng gặp khó khăn. Một quốc gia khác đang phải đương đầu với hiện tượng giá nguyên nhiên liệu đổ dốc, đó là Nga. Cầm chắc rằng, việc Riyad không giảm mức cung, đã phải có sự đồng thuận của Mỹ trong hậu trường ».

Chuyên gia về dầu khí ông Francis Perrin không hoàn toàn đồng ý với giáo sư Chalmin, ông cho rằng thay đổi chiến lược của Riyad còn có nhiều động lực khác :

« Theo tôi thái độ của chính quyền Riyad trên hồ sơ dầu hỏa, xuất phát từ những tính toán kinh tế. Vương quốc này trước hết muốn bảo vệ quyền lợi và thị phần của mình đặc biệt là với các khách hàng châu Á. Điều chỉnh mức cung, có nghĩa là nhường sân chơi cho các nhà sản xuất dầu đá phiến. Thêm vào đó, khi quyết định đi nước cờ này, Riyad biết trước là đang gây khó khăn cho Iran và Nga. Iran là một quốc gia Hồi giáo theo hệ phái Shia, kẻ thù không đội trời chung của vương quốc Ả Rập Xê Út theo hệ phái Sunni. Teheran và Mỹ lại đang xích lại gần nhau. Iran là điểm tựa quý giá của chính quyền Bachar al Assad ở Syria, lại cũng Iran yếm trợ cho phe Hồi giáo Houthi ở Yemen … Iran thực sự muốn trở thành một siêu cường khu vực. Nga cũng là một đồng minh quan trọng của Damas. Tựu chung, đánh vào dầu hỏa, trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của cả Iran lẫn Nga, nhưng tôi nghĩ yếu tố chính trị chỉ là tác động kèm theo ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.