Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Cuộc đọ sức kéo dài giữa Hy Lạp và các chủ nợ

Đăng ngày:

Hy Lạp đang cần gấp khoản giải ngân hơn 7 tỷ euro từ ba nhà tài trợ quốc tế. Các chủ nợ đòi Athènes phải đưa ra một lộ trình cải tổ cụ thể và nghiêm túc. Bốn tháng kể từ khi đảng Syriza cực tả lên cầm quyền, chuyện dài nhiều tập giữa Hy Lạp và bộ ba IMF – BCE - Liên Hiệp Châu Âu vẫn chưa tới hồi kết.

Thủ tướng Hy lạp Alexis Tsipras (trái) gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker  tại Bruxelles đẻ bàn về nợ của Hy Lạp ngày 3/6/2015.
Thủ tướng Hy lạp Alexis Tsipras (trái) gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Bruxelles đẻ bàn về nợ của Hy Lạp ngày 3/6/2015. REUTERS/Francois Lenoir
Quảng cáo

Kịch bản Athènes phải từ bỏ đồng euro vẫn là một bản án treo. Nhưng liệu cuộc đọ sức kéo dài giữa các chủ nợ và Hy Lạp có làm suy yếu cả Châu Âu lẫn thành viên yếu kém nhất trong khu vực đồng euro này hay không ?

Trên nguyên tắc ngày 05/06/2015 chính quyền Athènes phải thanh toán cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF 300 triệu euro, khoản đầu tiên trên tổng số 1,6 tỷ nợ đáo hạn phải trả trước cuối tháng 6/2015. Nhưng vào giờ chót, thủ tướng Alexis Tsipras đã bất ngờ tuyên bố đợi đến ngày 30/06/2015 Athènes sẽ thanh toán « luôn một thể » cho IMF thay vì trả dần làm 4 lần.

Lập tức các nhà quan sát coi đây là thế hoãn binh vào lúc Hy Lạp không còn một xu trong công quỹ và vẫn chưa tìm đồng thuận với các chủ nợ để được giải ngân nốt khoản tín dụng 7,2 tỷ euro trong khuôn khổ gói hỗ trợ tài chính thứ nhì đã được quốc tế cho vay vào năm 2012.

Dù vậy theo kinh tế gia của ngân hàng Pháp Natixis Jesus Castillo, kế hoãn binh của Athènes không gây xáo trộn trên thị trường tài chính quốc tế.

« Hiện tại, Hy Lạp không còn khả năng thanh toán. Chính phủ không tiền trong quỹ, do đó Athènes cần quốc tế giải ngân khoản tín dụng 7,2 tỷ euro. Nếu không nhận được khoản tín dụng đó, có nhiều khả năng Hy Lạp rơi vào suy thoái. Hy Lạp không có khả năng vay tín dụng trên thị trường do phải trả lãi suất quá cao. Châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế gần như là các nguồn tài trợ duy nhất của quốc gia này. Trên thực tế, việc Hy Lạp chậm thanh toán nợ đáo hạn cho một đối tác quốc tế như IMF không quá nghiêm trọng, bởi do có một sự dàn xếp giữa một định chế tài chính đa quốc gia với một nền kinh tế đang gặp khó khăn. Ngược lại nếu như Athènes không thanh toán đúng hạn nợ cho một đối tác tư nhân, thì lập tức hy Lạp sẽ bị hạ điểm tín nhiệm và bị coi là một nền kinh tế đang mất khả năng thanh toán. Trong truờng hợp này, tác động sẽ vô cùng tai hại. Nhưng trước mắt kịch bản đó không xảy ra ».

Trong những ngày qua cả phía các nhà cầm quyền Athènes lẫn các lãnh đạo tại Bruxelles đều tỏ thái độ cứng rắn, và thậm chí hù dọa lẫn nhau. Câu hỏi cơ bản nhất là đôi bên bất đồng với nhau trên những điểm nào ? Vì sao bốn tháng qua kể từ khi lên cầm quyền, chính quyền của thủ tướng Alexis Tsipras không tìm được một ngôn ngữ chung với các chủ nợ ?

Các bên đã thượng lượng với nhau những gì đã xích lại gần nhau được trên những điểm nào ? Như thuật ngữ ngoại giao thường sử dụng, Bruxelles và Athènes còn phải « đi xa hơn nữa » trên những hồ sơ nào ?

Trong bốn tháng qua, kể từ khi đảng cựu tả Syriza dành được chính quyền, đời sống của người dân Hy Lạp có thay đổi gì hay không ?

Theo phân tích của phóng viên Takis Theodoropoulos làm việc cho nhật báo Kathimerini tại Athènes, người dân Hy Lạp vẫn tiếp tục hứng chịu hậu quả của khủng hoảng kinh tế và xã hội kéo dài từ năm 2008.

« Thực ra không có gì thay đổi trong cuộc sống hàng ngày của người dân Hy Lạp. Có chăng là tình trạng bấp bênh vẫn tiếp tục kéo dài, tương lai Hy Lạp vẫn chưa biết đi về đâu. Người dân chưa thể yên tâm với cuộc sống bình thường. Làm sao có thể nghĩ đến một cuộc sống bình thường khi mà nền kinh tế tiếp tục đổ dốc, hơn ¼ dân số thất nghiệp, hệ thống y tế công cộng thì không thể bảo đảm dịch vụ tối thiểu cho tất cả mọi công dân. Điều duy nhất mà chính phủ của thủ tướng Tsipras đã làm được tới nay là đã phần nào đầu tư trở lại vào ngành giáo dục, nhưng điều đó cũng mới chỉ cho phép hệ thống giáo dục của Hy Lạp trở lại với mức độ của những năm 1980 mà thôi  ».

Dù vậy theo nhận xét của bà Thomais Papaioannou, thông tín viên đài truyền hình nhà nước Hy Lạp tại Paris, đa số công luận Hy Lạp vẫn ủng hộ đảng Syriza và chính quyền Tsipras :

« Điều đáng ghi nhận là dù không đạt được những tiến bộ cụ thể trong các lĩnh vực xã hội hay kinh tế nhưng chính phủ của đảng Syriza vẫn được lòng dân, bởi vì công luận Hy Lạp tin tưởng rằng thủ tướng Alexis Tsipras sẽ làm thay đổi vận mệnh của đất nước. Đại đa số người dân xứ này cũng ý thức được là lần đầu tiên từ 5 năm quan chính phủ Hy Lạp mới lên tiếng và thực sự đàm phán với các nhà tài trợ. Cuộc sống của người dân Hy Lạp không thể thay đổi trong một sớm một chiều, bởi vì đàm phán với quốc tế đòi hỏi phải có thời gian. Cũng cần nhắc lại là từ khi lên cầm quyền tới nay, nội các của ông Tsipras chưa nhận được một đồng lương. Tất cả tiền của mà Hy Lạp có được đều phải dồn để trả nợ cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Châu Âu, không có một xu nào được dành để đầu tư. Vậy làm sao Hy Lạp có hy vọng vực dậy kinh tế ? »

Yếu tố chính trị trong hồ sơ kinh tế

Nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc đọ sức kéo dài giữa Hy Lạp và các chủ nợ trước hết là một vấn đề thuần túy chính trị, vì về cơ bản các bên đã đồng ý với nhau đến 70 % trên những gì Athènes cần « tiến hành một cuộc cải tổ sâu rộng ». Những bất đồng chỉ liên quan đến 30 % mà thôi. Đây chính là quan điểm của Yves Bertoncini, giám đốc điều hành trung tâm nghiên cứu về châu Âu Jacques Delors trụ sở tại Paris :

« Liên Hiệp Châu Âu là một gia đình với 28 thành viên với các thành phần lãnh đạo thuộc những đảng phái chính trị khác nhau. Có điều không có một chính phủ nào trong Liên Hiệp xuất thân từ cánh cực tả như là trường hợp của Alexis Tsipras. Do vậy, trên bàn cờ chính trị châu Âu, thủ tướng Hy Lạp không có điểm tựa và điều đó khiến ông càng khó thuyết phục châu Âu. Trong khi đó nếu nhìn kỹ vào các đòi hỏi của phía bộ ba nhà tài trợ cho Hy Lạp, thì giữa Athènes và các chủ nợ chỉ có 30 % các điểm bất đồng. Đó là một nhược điểm của đảng Syriza và điều này giải thích vì sao cuộc đọ sức giữa Hy Lạp với các nhà tài trợ đã kéo dài

Lập trường của châu Âu là Hy Lạp phải cân bằng ngân sách. Nếu Athènes muốn chi tiêu thêm thì phải tăng các khoản thu nhập. Một khi đáp ứng được đòi hỏi đó, chính quyền Hy Lạp muốn tăng bao nhiêu khoản chi tiêu cũng được và sử dụng các khoản tiền đó theo ý muốn. Một cách cụ thể : nếu Athènes xuất ra 200 triệu euro để khắc phục hậu quả khủng hoảng trong xã hội thì hoặc là phải tiết kiệm được 200 triệu ở những khâu khác, hoặc, phải tăng thuế để ngân sách không bị thâm hụt. Chính quyền của thủ tướng Tsipras đã tuyển dụng lại một số nhân viên nhà nước, cho đài truyền hình nhà nước hoạt động trở lại... Bên cạnh đó không ai có thể phủ nhận là Hy Lạp cần có một bộ máy điều hành hiệu quả hơn, mà ở đó không có tham nhũng, và nhà nước phải được quyền đánh thuế trên tất cả các doanh nghiệp, các hộ gia đình có thu nhập … Ngoài ra Athènes và các chủ nợ hiện còn phải thảo luận thêm trên một số hồ sơ như là nhịp độ tư hữu hóa các tập đoàn nhà nước, hay mức độ cởi trói cho thị trường lao động … »

Một cách cụ thể hơn, trong khoảng 30 % bất đồng mà ông Yves Bertoncini, vừa nói đến bao gồm ít nhất 3 hồ sơ gai góc.

Bất đồng thứ nhất liên quan đến mức thâm hụt ngân sách nhà nước của Hy Lạp. Cụ thể là IMF và Châu Âu đòi Athènes phải tiếp tục giảm bội chi ngân sách, tiết kiệm thêm 3 tỷ đô la trong năm nay. Khoản tiền này tương đượng với 0,5 % GDP. Cho năm tới, Athènes sẽ phải tiết cắt giảm chi tiêu thêm nữa khoảng 6 tỷ.

Vấn đề đặt ra là GDP của quốc gia vùng Địa Trung Hải này đã liên tục giảm mạnh trong 6 năm vừa qua, 65 % người lao động dưới 30 tuổi không có việc làm, ngành công nghiệp không sản xuất hay xuất khẩu được thứ gì khác ngoài dầu ô liu và nguồn thu nhập ngoại tệ duy nhất là du lịch thì liệu rằng Athènes làm thế nào để tiết kiệm thêm 9 tỷ đô la trong 18 tháng sắp tới ?

Cái gai thứ nhì trong quan hệ giữa các chủ nợ và chính quyền của ông Tsipras liên quan đến hệ thống hưu bổng của quốc gia này : cả IMF lẫn Bruxelles đòi Athènes bãi bỏ khoản trợ cấp tối thiểu cho những người có lương hưu dưới ngưỡng 700 euro. Đây là điều không thể chấp nhận được đối với đảng Syriza. Đảng này đã giành được thắng lợi trong cuộc tuyển cử ngày 25/01/2015 nhờ lời hứa không bắt người dân và phải hy sinh thêm nữa. Tính từ năm 2008 đến 2013, trung bình mãi lực của người dân Hy Lạp bị giảm đi mất 40 %.

Hồ sơ thứ ba gây tranh cãi liên quan đến chính sách đánh thuế trị giá gia tăng TVA. Bản thân Hy Lạp ý thức được rằng đây là nguồn thu nhập quan trọng để lắp đầy công quỹ, thu hẹp bội chi ngân sách. Nội các của thủ tướng Alexis Tsipras đề nghị ba nấc thuế TVA khác nhau : 6 % đánh vào các dược phẩm và sách vở, 11 % đáng vào lương thực và nhu yếu phẩm, điện nước. Tất cả các mặt hàng còn lại sẽ bị đánh thuế 23 %.

Các chủ nợ của Hy Lạp coi những hy sinh đó là chưa đủ. Bruxelles và IMF muốn Athènes chỉ có hai nấc thuế TVA là 11 và 23 %. Sau 5 năm liền phải hứng chịu những hậu quả do khủng hoảng kinh tế gây nên, liệu rằng người dân Hy Lạp có thể chấp được hay không khi thấy hóa đơn tiền điện, nước của họ đột nhiên tăng lên thêm 10 % trong một sớm một chiều ?

Bên cạnh ba hồ sơ vừa nêu, quốc tế còn đòi Hy lạp phải đẩy mạnh công cuộc tư hữu hóa, tiếp tục cở trói thị trường lao động tạo điều kiện cho giới chủ dễ sa thải nhân viên. Danh sách những bất đồng đã khá đủ dài để thủ tướng Alexis Tsipras trước mắt tránh đề cập đến vế xin xóa bớt một phần của khoảng 320 tỷ euro nợ công, nhưng ông đòi đây phải là một chủ đề được thảo luận trong tương lai. Châu Âu, mà đứng đầu là nước Đức dứt khoát không chấp nhận đòi hỏi này.

Hiện tại nợ công của Hy Lạp lên tới 320 tỷ euro, tương đương với 170 % GDP của quốc gia này. Trong khi đó quy định của khối euro là phải giữ tỷ lệ nói trên dưới ngưỡng 60 %.

Về những đồng thuận, chẳng hạn như đánh thuế các « đại gia », không có chuyện nội các Tsipras muốn bao che hay chậm tiến hành cải tổ. Vấn đề cơ bản của Hy Lạp là từ hơn 40 năm nay, quốc gia này vẫn có một đường lối vận hành khá đặc biệt, mà ở đó các đảng phái chính trị lớn đã gài rất nhiều các thành viên vào các cơ chế quan trọng để bảo vệ quyền lợi của lẫn nhau. Từ khi lên cầm quyền đảng Syriza đã thay đổi được tình huống đó hay chưa ? Thông tín viên đài truyền hình nhà nước Hy Lạp tại Paris, bà Thomais Papaioannou trả lời :

« Câu trả lời là chưa. Vì đúng là đảng này đã giành được chính quyền, nhưng ‘nhà nước Hy Lạp’ thì vẫn trong tay hai đảng Dân Chủ Mới và đảng Xã hội Pasok. Cả hai đã liên tục cầm quyền trong hơn 40 năm qua. Hai đảng này đã cài rất đông người vào guồng máy hành chính của Hy lạp, trong tất cả mọi cơ quan, bộ phận của chính quyền. 80 % nhân viên nhà nước ít nhiều phụ thuộc vào hai đảng này. Đó là điều mà cả thủ tướng Tipras lẫn đảng Syriza không thể thay đổi một sớm một chiều. Câu hỏi đặt ra là làm sao Hy Lạp cải tổ được cả guồng máy hành chính cồng kềnh đó. Và vế này không liên quan gì đến cuộc đọ sức giữa Athènes với các nhà tài trợ châu Âu cả ».

Mô hình bất cập của Hy Lạp

Theo nhận xét của nhà báo Takis Theodoropoulos vấn đề của Hy Lạp là do quốc gia này không thực sự có được một cơ cấu kinh tế vững vàng. Chưa giải quyết được vấn đề đó thì chưa có phép lại cho quốc gia này

« Hy Lạp không có một mạng lưới công nghiệp như Ý hay Tây Ban Nha. Ngoài ngành du lịch và dầu ô liu, Hy Lạp không có nguồn thu nhập ngoại tệ nào cả. yếu tố khiến cử tri bỏ phiếu cho đảng Syriza vì họ đã chán ngấy chế độ cũ, họ cũng đã quá mệt mỏi vì khủng hoảng kinh tế kéo dài. Ngày 25/01/2015 khi bỏ phiếu tín nhiệm đảng cực tả, cử tri Hy Lạp không làm một cuộc cách mạng, mà họ chỉ mong có một sự thay đổi để đời sống đỡ cơ cực hơn. Nhưng khi nhìn vào thực tế thì ông Alexis Tsipras không thể đem lại phép là khi biết rằng trên toàn quốc, có từ 1,5 đến hai triệu người đi làm, trong khi đó lại có 3 triệu người ngồi lãnh hưu trí. Syriza thực sự bó tay với bài toán nan giải đó. Đảng cầm quyền cũng không có phép lạ để đem lại công việc làm cho người dân ».

Nói cách vai trò yếu kém của nhà nước cũng là một yếu tố gây ra khủng hoảng tại Hy Lạp. Ngày nào mà Athènes không khắc phục được nhược điểm đó thì chưa thể tính tới một cuộc cải tổ thấu đáo. Mặt khác, trong mắt người dân Hy Lạp hiện nay, đời sống chật vật của họ một phần do khủng hoảng từ những năm 2008-2019 gây nên nhưng bên cạnh đó, bộ ba IMF – BCE và Liên Hiệp Châu Âu cũng có trách nhiệm với hàng loạt những kế hoạch khắc khổ liên tiếp. Thủ tướng Alexis Tsipras trong thế trên đe dưới búa : một bên ông chịu áp lực của các chủ nợ, và bên kia là của cử chi đã kỳ vọng quá nhiều vào phép lạ mà Syriza có thể đem lại. Nhưng về cơ bản, người dân Hy Lạp không muốn bị gạt ra ngoài khu vực đồng euro để quay trở lại với đồng drachm. Giám đốc Viện nghiên cứu châu Âu Jacques Delors Yves Bertoncini giải thích thêm.

« Trước hết, đối với người dân Hy Lạp, không ai muốn ra khỏi Châu Âu. Nhưng để có một chỗ đứng trong khu vực đồng euro, đòi hỏi một số những hy sinh. Từ bỏ đồng euro để quay trở lại với đơn vị tiền tệ cũ sẽ khiến đồng bạc của Hy Lạp bị mất giá, đồng tiền sẽ bị chao đảo, và trở thành mục tiêu tấn công của giới đầu cơ. Nhưng ở lại trong khối euro thì Athènes bắt buộc phải tôn trọng một số luật chơi chung : phải giới hạn chi tiêu, và không để nợ công tăng vọt quá ngưỡng quy định. Thêm vào đó, sẽ là bất công nếu nói rằng châu Âu không trợ giúp Hy Lạp trong cơn hoạn nạn. Hy Lạp cũng như nhiều thành viên trong khối euro khác đang từng bước làm quen với luật chơi mới đó ».

Ngay cả trên hồ sơ nợ công và khủng hoảng Hy Lạp, bên cạnh những yếu tố tài chính, kinh tế vừa nêu, rõ ràng mấu chốt của vấn đề là yếu tố chính trị. Có điều, trò chơi mèo vờn chuột này có lợi cho ai ?

Bruxelles và IMF mà càng cứng rắn với Athènes thì như lại càng đẩy Hy Lạp vào vòng tay của đảng dân túy cựu hữu bài châu Âu. Mặt khác, khủng hoảng kinh tế và xã hội tại quốc gia này mà càng kéo dài, Hy Lạp lại càng là gánh nặng chung cho cả khối 28 nước thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu và uy tín của đồng euro càng dễ bị sứt mẻ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.