Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Nợ công Hy Lạp: Athènes đọ sức với Châu Âu

Đăng ngày:

Làm thế nào để vẫn được cộng đồng quốc tế cấp tín dụng, tránh để bị loại ra khỏi eurozone nhưng lại không phụ lòng dân đòi chấm dứt các biện pháp khắc khổ ? Đó là bài toán nan giải đối với tân Thủ tướng Tsipras.

Biểu ngữ chống lại lập trường cứng rắn của Berlin trong lúc Hy Lạp đàm phán với châu Âu về nợ công - REUTERS /Yannis Behrakis
Biểu ngữ chống lại lập trường cứng rắn của Berlin trong lúc Hy Lạp đàm phán với châu Âu về nợ công - REUTERS /Yannis Behrakis
Quảng cáo

Chính quyền mới của Thủ tướng Alexis Tsipras đang lao vào một cuộc chạy đua với thời gian để thuyết phục các nhà tài trợ cho Hy Lạp có thêm thời gian để thanh toán nợ, để cân bằng ngân sách, và nhất là chấm dứt các biện pháp khắc khổ đang tạo ra một cuộc khủng hoảng trong xã hội. 

Chính quyền mới của Athènes trong tay đảng cánh tả cấp tiến Syriza sẽ đề nghị những gì với các chủ nợ ? Châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế sẵn sàng nhượng bộ tới đâu ? Làm thế nào để giảm nhẹ gánh nợ cho Hy Lạp, giúp quốc gia với gần 12 triệu dân này quay trở lại với con đường tăng trưởng ?

Đảng Syriza của ông Alexis Tsipras lên cầm quyền nhờ vào một lời hứa với cử tri Hy Lạp : đàm phán lại về khoản nợ công 320 tỷ euro, Athènes chấm dứt áp dụng thêm các biện pháp cắt giảm chi tiêu như đòi hỏi của các chủ nợ.

Ngay sau khi nhậm chức hôm 26/01/2015, tân Thủ tướng Alexis Tsipras và Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis đã lên đường đi một vòng châu Âu, vận động các thành viên trong khối euro hỗ trợ Athènes. Để đáp lại, một trong ba chủ nợ chính của Hy Lạp là ngân hàng BCE bắn đi nhiều tín hiệu buộc tân nội các Tspiras phải nhanh chóng đưa ra một kế hoạch đàm phán cụ thể.

Ông Alexis Tsipras lên cầm quyền trong bối cảnh tổng sản phẩm nội địa của Hy Lạp vào năm 2014, sau 5 năm khủng hoảng và hai kế hoạch hỗ trợ của quốc tế, đã giảm đi 25 % so với thời điểm của 2010. Tổng nợ công của nhà nước Hy Lạp lên tới 320 tỷ euro, tương đương với 170 % GDP, 30 % dân số trong tuổi lao động không có việc làm, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 65 % đối với những người trong độ tuổi từ 20 đến 30.

Lương tháng trung bình tại của người dân, đang từ 1.500 euro trước khủng hoảng 2010, nay tuột xuống còn 700 euro. Lương của các công nhân viên chức bị giảm hơn 60 %. Sự kiện chưa từng thấy là nhân viên tình báo Hy Lạp đình công, chống chính phủ giảm lương.

Một phần ba dân số trên quê hương của Socrate không đủ ăn mỗi ngày hai bữa. Dân thành phố đổ về các vùng quê, quay lại với công việc trồng trọt để kiếm ăn qua ngày. Nhiều trường học phải đóng cửa vì không có phương tiện thanh toán hóa đơn điện, nước. Thậm chí các trận bóng đá phải đấu ban ngày vì các câu lạc bộ không đủ tiền thắp đèn soi sáng sân vận động cho cầu thủ tranh tài.

Sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008-2009, Hy Lạp nhiều lần bị đe dọa mất khả năng thanh toán. Bộ ba các nhà tài trợ quốc tế, gồm Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu BCE và Liên Hiệp Châu Âu đã phải tung ra hai gói hỗ trợ 110 tỷ euro và 142 tỷ vào năm 2010 và 2012 để cứu Hy Lạp. Gần 250 tỷ euro đó được Quỹ Ổn định Tài chính của châu Âu FESF cấp cho Athènes dưới hình thức tín dụng.

Về phần các chủ nợ tư nhân của Hy Lạp, gồm các ngân hàng, các hãng bảo hiểm, các quỹ đầu tư … vào tháng 3/2012 số này đã đồng ý xóa 70 % nợ - tức 102 tỷ euro - cho chính quyền Athènes. Như vậy, quốc tế đã giúp Hy Lạp tới hơn 340 tỷ euro.

Trả lời trên đài France Inter, chuyên gia kinh tế và cũng là phó chủ tịch cơ quan tư vấn tài chính, ngân hàng Lazard, ông Mathieu Pigasse cho rằng Hy Lạp đang trong vòng luẩn quẩn, không có lối thoát. Chính quyền mới của Thủ tướng Tspiras đang nhờ tập đoàn Lazard hỗ trợ để đàm phán với quốc tế về vấn đề nợ.

« Tình trạng thê thảm của Hy Lạp hiện nay là hậu quả của hàng loạt những nét đặc thù trong nền kinh tế nước này. Đó là một nền kinh tế mà các hoạt động ngoài luồng, hay nói nôm na là "chợ đen" chiếm từ 35 đến 40 % tổng sản phẩm nội địa, trước khi nổ ra khủng hoảng. Bên cạnh đó là hiện tượng trốn thuế tràn lan, chính phủ chi tiêu bừa bãi mà vẫn không đóng trọn vai trò bảo đảm ổn định trong xã hội.

Khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ vào những năm 2008-2009, Hy Lạp cũng như rất nhiều quốc gia khác trên thế giới đã bị lôi vào vòng xoáy. Nhưng Hy Lạp phải đương đầu với nhiều thách thức hơn, khi bị quốc tế áp đặt các biện pháp khắc khổ. Ở đây tôi cũng xin lưu ý một điều hết sức quan trọng : kể từ năm 2010 tới nay, tức là trong 4 – 5 năm liên tiếp, mức nợ của Hy Lạp đã không tăng thêm lên, mà thậm chí còn giảm.

Có điều là trong cùng thời kỳ, GDP của Hy Lạp cũng đã giảm đi, và thậm chí là bị giảm đến 25 %. Do vậy tỷ lệ nợ công so với GDP đã tăng lên, và đó là cái cớ để các nhà tài trợ quốc tế bắt Hy Lạp phải thắt lưng buộc bụng thêm nữa. Chúng ta thấy Hy Lạp sa vào cái vòng luẩn quẩn mà không có ngõ thoát ».

Đòi hỏi của Hy Lạp

Trên thực tế, lập trường của đảng Syriza đã « dịu » hơn so với thời kỳ tranh cử. Trước cuộc bầu cử ngày 25/01/2015, đảng này từng đòi «quay lưng lại với ba chủ nợ quốc tế, chấm dứt các biện pháp thắt lưng buộc bụng » « Athènes có thể xoay sang tìm các nguồn tài trợ khác » mà không cần đến bộ ba BCE, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Liên Hiệp Châu Âu.

Nhưng một khi ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng, lãnh đạo đảng Syriza tỏ thái độ chừng mực hơn. Thủ tướng Tsipras muốn « xây dựng nền tảng mới » giữa Hy Lạp và các nhà tài trợ trên cơ sở quốc tế giảm nhẹ gánh nợ cho Athènes, nới lỏng đòi hỏi về cân bằng ngân sách. Đổi lại, chính quyền Hy Lạp tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải tổ, nỗ lực chống nạn trốn thuế.

Trong lộ trình đàm phán với các đối tác châu Âu và IMF, Athènes đề nghị : tuân thủ đến 70 % những cam kết cải tổ mà các chính quyền trước đã thông qua để nhận được hai gói hỗ trợ 110 và 142 tỷ euro. 30 % các biện pháp còn lại, bị chính quyền mới của ông Alexis Tsipras coi là « độc hại » đối với nền kinh tế Hy Lạp.

Đổi lại, nội các Tsipras đòi quốc tế giảm bớt gánh nặng nợ nần cho Athènes. Cụ thể là Athènes bằng lòng giảm bội chi ngân sách như quốc tế yêu cầu, nhưng cũng phải có phương tiện để khắc phục hậu quả tai hại về mặt xã hội mà các biện pháp khắc khổ đã gây ra trong 5 năm vừa qua.

Điều kiện thứ ba Hy Lạp đặt ra với các nước trong khối euro là vẫn được ngân hàng BCE cấp tiền mặt để không bị mất khả năng thanh toán các khoản nợ đáo hạn. Athènes cũng đòi được quyền phát hành công trái phiếu tối đa là 11 tỷ euro thay vì 8 tỷ như quy định hiện tại. Nhưng quan trọng hơn cả là chính quyền của ông Alexis Tsipras muốn được quốc tế xóa bớt một phần khoản nợ 320 tỷ euro, tương đương với trên 170 % GDP Hy Lạp.

Cuộc đàm phán đầu tiên giữa Bộ trưởng Tài chính Varoufakis với 18 đồng nhiệm châu Âu, không mang lại kết quả cụ thể. Châu Âu đòi Hy Lạp tiếp tục giảm tỷ lệ nợ công so với GDP. Vấn đề đặt ra theo như ghi nhận của ông Mathieu Pigasse, phó chủ tịch cơ quan tư vấn trong ngành tài chính, ngân hàng Lazard, trong 5 năm vừa qua, nợ công của Hy Lạp đã không tăng, và thậm chí còn giảm.

Nhưng cùng lúc tổng sản phẩm nội địa của quốc gia này đã giảm một cách nghiêm trọng, chì còn tương đương với 75 % của hồi năm 2010, đương nhiên tỷ lệ nợ so với GDP phải tăng lên. Do vậy, theo thẩm định của chuyên gia tài chính Mathieu Pigasse giải pháp tốt nhất, là các định chế đa quốc gia nên xóa bớt một phần nợ cho Hy Lạp. Xóa được bao nhiêu, điều đó tùy thuộc vào khả năng thương lượng của Athènes.

« Vai trò của ngân hàng Lazard là cố vấn cho chính phủ mới tại Hy Lạp để đưa quốc gia này trở lại với con đường tăng trưởng. Để đạt được mục tiêu đó, Hy Lạp bắt buộc phải đàm phán với các nhà tài trợ để được giảm nợ, giảm bớt các chi phí tài chính mà tới nay Athènes vẫn phải rót vài túi các chủ nợ. Bởi vì hiện nay, kinh tế Hy Lạp đang bị ngạt thở vì các khoản nợ đáo hạn, cho dù các nhà đầu tư tư nhân, năm 2012 đã xóa bớt 100 tỷ euro nợ cho quốc gia này.

Câu hỏi đặt ra là quốc tế cần giảm bao nhiêu nợ cho Hy Lạp để giúp quốc gia này có điều kiện phát triển ? Câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào các vòng đàm phán sắp tới giữa chính quyền của thủ tướng Tsipras với bộ ba nhà tài trợ là Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu và Liên Hiệp Châu Âu. Cá nhân tôi, tôi nghĩ là quốc tế cần xóa 100 tỷ euro nợ cho Hy Lạp. Vì sao tôi lại đưa ra con số 100 tỷ euro đó ?

Thứ nhất, nếu như các nhà tài trợ tư nhân, tức là các tập đoàn, các ngân hàng, các hãng bảo hiểm hay quỹ đầu tư đã xóa được 100 tỷ euro nợ cho Hy Lạp, thì cũng đến lúc các định chế tài chính quốc tế, từ IMF đến Ngân hàng BCE cần có một cử chỉ tương tự.

Lý do thứ hai khiến tôi nêu lên khả năng xóa 100 tỷ euro nợ cho Hy Lạp, đó là nếu như chúng ta xóa được khoản nợ đó, thì tỷ lệ nợ so với GDP của Hy Lạp sẽ rơi xuống còn 120 % thay vì 170 % như hiện nay. Và 120 % là mục tiêu mà bộ ba nhà tài trợ quốc tế đã đặt ra cho Athènes để đổi lấy hai gói hỗ trợ tài chính liên tiếp, trên dưới 340 tỷ euro ».

Cần biết rằng vào lúc kinh tế Hy Lạp vẫn tuột dốc không phanh, Athènes phải dành ra một khoản tiền tương đương với 4% GDP một năm để trả nợ cho các định chế quốc tế như Liên Hiệp Châu Âu hay IMF. Vấn đề giảm nợ hay ít ra là giảm bớt gánh nặng nợ nần cho quốc gia này trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Nhưng câu hỏi đặt ra là giảm nợ cho Hy Lạp bằng cách nào. Phó chủ tịch tập đoàn cố vấn tài chính, ngân hàng Lazard, Mathieu Pigasse trả lời :

« Có hai cách để giảm nợ cho Hy Lạp. Giải pháp thứ nhất, gọi là ‘haircut’, tức là ‘xuống tóc’ hay nói cách khác là xóa nợ. Với phương pháp này, thí dụ như tôi mắc nợ 200 đồng, nhưng rồi được xóa hẳn một phần nợ, thí dụ như chủ nợ đồng ý coi như tôi chỉ còn nợ có 100 mà thôi. Chủ nợ mất hẳn một khoản tiền đã cho tôi vay, nhưng đổi lại thì cầm chắc là tôi sẽ trả được 100 đồng còn lại. Đó là một hình thức xóa nợ khá ‘thô bạo’ mà vào năm 2012 các chủ nợ tư nhân đã đồng ý xóa cho Hy Lạp đến 100 tỷ euro như chúng ta vừa nói.

Giải pháp thứ hai là nhằm giảm bớt gánh nặng nợ nần cho chính quyền Athènes. Ta có thể giảm gánh nợ bằng nhiều cách : Hoặc là gia hạn cho con nợ có thời gian thanh toán. Nếu như tôi mang nợ 200 đồng và phải trả trong 10 năm, thì chủ nợ có thể cho tôi trả 200 đồng đó trong thời hạn là 50 năm chẳng hạn. Và như vậy thay vì phải dành ra 20 đồng hàng năm để trả nợ, tôi chỉ cần dành ra 4 đồng một năm mà thôi. Nhưng ở đây tôi vẫn trả nợ, chứ không ngửa tay xin tiền của ai.

Cách thứ nhì để giảm gánh nặng cho con nợ là giảm lãi suất cho vay. Tôi đã vay của anh với lãi suất 5 % nhưng anh chấp nhận giảm lãi suất đó cuống còn 2 % chẳng hạn để cho tôi có thể thanh toán. Đó cũng là một khả năng các bên có thể đạt được đồng thuận. Tuy nhiên bộ ba nhà tài trợ quốc tế hiện nay đã cho Hy Lạp vay với lãi suất rất thấp – tối đa là 1,5 %- so với trên thị trường, thành thử tôi không nghĩ đây sẽ là biện pháp thích hợp.

Cách thứ ba để giảm gánh nặng nợ cho Hy Lạp và cũng là hướng đã được Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis đề nghị, đó là chính phủ Athènes được quyền phát hành công trái phiếu mà lãi suất sẽ được ấn định tùy theo tỷ lệ tăng trưởng. Một cách cụ thể là Athènes muốn được BCE bảo lãnh khi phát hành công trái phiếu nhưng sẽ chỉ thanh toán cho các chủ nợ một khi Hy Lạp đủ khả năng, một khi kinh tế nước này tăng trưởng trở lại ».

Trước mắt đòi hỏi của Athènes đã không được các đối tác châu Âu chấp thuận bởi nhiều lý do. Một là khối euro không muốn tạo tiền lệ để cho các quốc gia thành viên trong khối tiêu xài bất cẩn và tin rằng, thể nào cũng được các anh chị em cùng một nhà cứu vớt.

Thứ hai là nếu như châu Âu dễ dãi với Athènes, thì những thành viên khác đang gặp khó khăn và cũng đang được quốc tế hỗ trợ tài chính, như Ai Len, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha cũng sẽ đòi được hưởng những điều kiện ưu đãi tương tự.

Điểm thứ ba là không một quốc gia nào trong khối euro muốn phải chia sẻ thêm gánh nặng của Hy Lạp sau khi bộ ba các nhà tài trợ quốc tế đã tung ra hai gói hỗ trợ trên 240 tỷ euro trong 5 năm vừa qua và tư nhân xóa hơn 100 tỷ euro nợ cho Hy Lạp.

Nhưng bên cạnh đó các nhà lãnh đạo tại Bruxelles cũng như ở Frankfurt – trụ sở của ngân hàng BCE- ý thức được rằng, trường hợp của Hy Lạp cũng khá đặc biệt. Bỏ rơi Hy Lạp cũng có nhiều bất lợi cho toàn khối. Nếu như quốc gia ở vùng Địa Trung Hải này khánh tận để phải chia tay với đồng euro thì hậu quả tài chính, kinh tế và cả chính trị sẽ tai hại hơn nhiều so với khoản vài trăm tỷ euro, tương đương với khoản tiền mà mà Athènes đang đòi được xóa nợ.

Vấn đề còn lại là tương quan lực lượng giữa nội các mới của ông Alexis Tsipras với bộ ba « troika » các nhà tài trợ quốc tế. Nhìn vào gói dự trữ ngoại tệ của Athènes, liên minh cầm quyền của đảng Syriza hiện có trong tay tối đa là 10 tỷ euro, tức là chỉ đủ sức trang trải các khoản chi tiêu cho tới cuối tháng 5, đầu tháng 6/2015. Trong khi đó đến cuối tháng 3/2015 thì Athènes phải thanh toán 3 tỷ cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, trả hơn 6 tỷ euro cho ngân hàng BCE vào tháng 7/2015.

Nói cách khác, Thủ tướng Alexis Tsipras không có nhiều thời gian để kéo dài các cuộc thương lượng. Nhưng ông đang được cả một dân tộc ủng hộ phía sau. Đối với dư luận Hy Lạp, đảng Syriza khó có thể nhượng bộ các đối tác quốc tế. Cả Athènes lẫn Bruxelles cùng ý thức được rằng, không một ai có lợi nếu như Hy Lạp phải bước ra khỏi khối euro. Hy Lạp không còn khả năng để chống chọi, nếu như phải từ bỏ đồng euro để quay trở lại với đồng drachme.

Còn khối euro, hiện đang nắm giữ đến hơn 50 % nợ của Hy Lạp, việc để Athènes quay lưng lại với Châu Âu, coi như mất trắng khoản nợ đó. Nhưng nghiêm trọng hơn cả là khi đã có một thành viên phá rào, thì sẽ không có gì ngăn cản các thành viên khác noi theo. Đối với phần còn lại của thế giới, thì việc Hy Lạp chia tay với eurozone sẽ là hồi chuông báo tử của tiến trình hội nhập kinh tế châu Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.