Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Kinh tế Brazil trong sương mù

Đăng ngày:

Viễn cảnh một nhiệm kỳ thứ hai đầy bất trắc đang mở ra với tổng thống mãn nhiệm Brazil, Dilma Rousseff. Đình trệ kinh tế toàn cầu đe dọa xua tan những thành tựu kinh tế và tiến bộ xã hội của Brazil. Nữ tổng thống đầu tiên tại quốc gia Châu Mỹ La Tinh này không dễ dàng tái đắc cử.

Dilma Rousseff (trái) và Aecio Neves, hai ứng cử viên tổng thống Brazil.
Dilma Rousseff (trái) và Aecio Neves, hai ứng cử viên tổng thống Brazil. REUTERS/Paulo Whitaker
Quảng cáo

Đúng như dự đoán bà Dilma Rousseff của đảng Lao động đã dẫn đầu với hơn 41 %, hơn ứng cử viên về nhì 8 điểm, tại vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Brazil. Ở vòng hai được tổ chức vào ngày 26/10/2014, bà sẽ đương đầu với ông Aecio Neves của đảng Xã hội Dân chủ, cánh trung hữu.

Dù về dầu ở vòng 1 nhưng tỷ lệ hơn 41 % của bà Rousseff là thành tích kém cỏi nhất của đảng Lao động cánh tả trong 3 kỳ bầu cử tổng thống vừa qua. So với thành tích của chính mình nhân cuộc tuyển cử năm 2010, Dilma Rousseff đã đánh mất 6 điểm. Tổng thống Brazil mãn nhiệm không dễ dàng giành phần thắng vào lúc mà nhiều nhà quan sát cho rằng thời kỳ « phép lạ » kinh tế của Brazil đã đi qua.

Ứng cử viên của đảng Lao động Brazil, Dilma Rousseff có chưa đầy ba tuần lễ để thuyết phục cử tri khi biết rằng, trong nửa đầu năm 2014 kinh tế Brazil đi xuống. Thậm chí là nền kinh tế đứng hàng thứ 7 của thế giới lâm vào suy thoái. Brasilia liên tục giảm dự phóng tăng trưởng để chỉ còn hy vọng GDP sẽ tăng 0,7 % trong năm nay.

Đối với một quốc gia hơn 200 triệu dân, tăng trưởng ở nhịp độ chưa đầy 1 % là quá kém cỏi. Dù vậy Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE còn tỏ ra bi quan hơn nhiều khi dự báo GDP tại quốc gia lớn nhất ở Châu Mỹ La Tinh chỉ tăng 0,3 % trong năm nay. Nhìn sang 4 đối tác còn lại trong nhóm các nền kinh tế đang trỗi dậy của nhóm BRICS thì tỷ lệ tăng trưởng của Ấn Độ dự trù là hơn 5,5 % ; của Trung Quốc là 7,5 %.

Vào mùa xuân vừa qua, cơ quan thẩm định tài chính Mỹ, Standard & Poor's hạ điểm tín nhiệm của Brazil. Trả lời ban Việt Ngữ nhà báo Cintia Cardoso, của ban tiếng Bồ Đào Nha RFI đặc trách về hồ sơ kinh tế Brazil, phác họa ra toàn cảnh kinh tế không mấy sáng sủa của quốc gia này tại Châu Mỹ La Tinh :

« Toàn cảnh kinh tế Brazil lúc này không mấy thuận lợi. Tỷ lệ lạm phát hiện là 6,5 % tức là rất cao, và cao hơn cả dự báo của chính phủ. Trong khi đó tỷ lệ tăng trưởng thì lại rất yếu kém, GDP như vậy đạt chưa đầy 1 % tức là ở mức rất tồi tệ đối với cả một nền kinh tế lớn như của Brazil. Chắc chắn là yếu tố kinh tế mang tính quyết định cho lá phiếu của cử tri lần này. Cần nhắc lại là trong hai nhiệm kỳ, tổng cộng 8 năm dưới thời đại của tổng thống Lula da Silva, kinh tế Brazil đã tăng trrưởng mạnh nhờ môi trường thuận lợi của toàn cầu. Kể từ năm 2008 toàn thế giới bị khủng hoảng tài chính, tiếp theo đó là khủng hoảng kinh tế.

Trong hai năm đầu tức là từ 2008-2010, Brazil vẫn được bình yên. Nhưng kể từ khi bà Dilma Rousseff lên kế vị ông Lula thì Brazil bắt đầu chịu tác động dây chuyền của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Về mặt đối nội, sức tiêu thụ của người dân trong 4 năm vừa qua đã giảm mạnh. Trong khi đó tiêu thụ nội địa là một trong những động cơ chính của cỗ xe kinh tế Brazil. Hiện tại thì mức nợ của tư nhân đang tăng lên và đây chính là một mối lo ngại đối với viễn cảnh tăng trưởng của nền kinh tế nước này ».

Xuất khẩu và tiêu thụ: hai đầu máy cùng « bị hỏng »

Câu hỏi kế tiếp là do đâu mà nền kinh tế số 1 của Châu Mỹ La Tinh, vừa giàu tài nguyên thiên nhiên, vừa có nhiều lợi thế lại lâm vào cảnh khó khăn. Juan Carlos Ronaldo kinh tế gia của ngân hàng Natixis cho rằng Brazil đang đứng trước một cuộc khủng hoảng về niềm tin của tư nhân và nhất là của các hộ gia đình.

Thêm một yếu tố khác nữa giải thích cho sự đình trệ kinh tế của Brazil đó là dưới tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhập khẩu từ những đối tác thương mại chính quốc gia này, như là Trung Quốc hay Achentina, đã giảm đi đáng kể. Nói cách khác, trong 4 năm trở lại đây, cùng một lúc hai đầu máy kinh tế của Brazil bị chựng lại : xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Thêm một yếu tố thứ ba thường được nêu lên là khả năng cạnh tranh của Brazil bị sụt giảm do thiếu đầu tư.

Riêng đối với người dân, những người dùng lá phiếu để bầu ra lãnh đạo Brazil thì phải chăng đời sống đắt đỏ là mối trăn trở hàng ngày ? Nhà báo Cintia Cardoso ban tiếng Bồ Đào Nha RFI trả lời :

« Đúng như vậy. Đời sống đắt đỏ chính là tì vết trong bảng tổng kết về kinh tế của tổng thống mãn nhiệm Dilma Rousseff. Vật giá leo thang, nhất là đối với giá nhu yếu phẩm, tiền thuê nhà, giá xé xe đò, xe buýt …. Đây thực sự là cơn ác mộng của hàng chục triệu người. Nhiều người lo ngại những khó khăn hiện nay xóa tan những tiến bộ xã hội mà Brazil đã giành được dưới hai nhiệm kỳ của tổng thống Lula và trong bốn năm qua, dưới thời của bà Rousseff ».

Tiến bộ xã hội

Lạm phát tại Brazil hiện nay giao động từ 6 đến 6,5 % một năm tác động mạnh đến mãi lực của hàng trăm triệu dân. Tác động đó càng mạnh hơn đối với những thành phần vừa thoát khỏi cảnh nghèo khó nhờ những biện pháp hỗ trợ xã hội trong 12 năm liên tiếp vừa qua dưới 2 nhiệm kỳ tổng thống Lula da Silva và trong 4 năm bà Dilma Rousseff cầm quyền.

Ngồi vào chiếc ghế tổng thống năm 2010, thay thế ông Lula da Silva, bà Rousseff đã tiếp tục các chương trình trợ cấp xã hội được người tiền nhiệm từng bước đắp xây. Trong số đó phải kể đến chương trình « Bolsa familia » trợ cấp trực tiếp cho các gia đình nghèo với điều kiện họ phải cho con em đi học.

Thế rồi đảng Lao động cũng đã đặc biệt chú ý đến việc nâng mức lương tối thiểu cho giới làm công ăn lương nhưng không để ảnh hưởng đến thị trường lao động. Nhờ vậy mà tỷ lệ thất nghiệp ở Brazil hiện nay được coi là ở vào mức thấp kỷ lục. Đây được coi là một điểm son sáng chói trong bốn năm nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của bà Rousseff. Nhà báo Cintia Cardoso của đài RFI phân tích thêm :

« May mắn thay là thất nghiệp không gia tăng, cho dù là kinh tế bị tăng trưởng chậm lại và lạm phát gia tăng. Đây chính là điểm son trong nhiệm kỳ đầu của nữ tổng thống Dilma Rousseff. Tỷ lệ thất nghiệp tại Brazil tương đối ổn định, chỉ ở mức 5 hay 6 % tức là thấp chỉ bằng phân nửa so với tại Châu Âu. Đây là một thành quả quan trọng của bà.

Thật ra bà Dilma Rousseff đã tiếp nối chính sách kinh tế và nhất là xã hội của người tiền nhiệm là tổng thống Lula da Silva. Dilma Rousseff đã đầu tư nhiều vào các chương trình xây dựng nhà ở cho dân nghèo tại các thành phố. Nhờ vậy mà nhiều hộ gia đình nghèo có được một chỗ ở.

Đó là một điểm tích cực trong những năm tháng Rousseff. Người Brazil khi đi bỏ phiếu chắc hẳn là không quên công lao của bà trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó bà đã duy trì các chính sách trợ cấp xã hội cho những người sống dưới ngưỡng nghèo khó. Theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, chính sách xã hội của cựu tổng thống Lula và của bà Rousseff đã giúp hàng chục triệu dân Brazil thoát khỏi cảnh bần cùng. Đây là một điểm son cần phải nhấn mạnh tới ».

Biểu tình chống Cúp bóng đá thế giới đắt đỏ. Tháng 6/2014.
Biểu tình chống Cúp bóng đá thế giới đắt đỏ. Tháng 6/2014. REUTERS/Ricardo Moraes

Brazil, ông khổng lồ có đôi chân đất sét ?

Không thể phủ nhận những thành tựu về phương diện xã hội mà bà Dilma Rousseff đã tiếp tục gây dựng trong 4 qua thế nhưng, đợt xuống đường hồi mùa hè năm 2013 đã để lại nhiều tì vết. Cintia Cardoso giải thích về những đòi hỏi của một phần trong xã hội Brazil ngày nay :

« Đúng như vậy. Không thể phủ nhận là Brazil đã đạt được nhiều tiến bộ về phương diện xã hội. Nhưng một phần công luận còn muốn là Brazil phải đi nhanh hơn nữa, phải đi xa hơn nữa trong lĩnh vực này. Đây là nguyên nhân dẫn tới nhiều cuộc xuống đường vào mùa hè năm 2013. Đành rằng 10 năm vừa qua, hàng chục triệu dân Brazil gia nhập tầng lớp trung lưu. Đổi lại họ bắt đầu phải đóng thuế, phải chia sẻ gánh nặng xã hội. Nhưng khi đóng góp như vậy thì họ đòi hỏi phải được bảo đảm một số quyền lợi lớn hơn, đòi Nhà nước phải đài thọ nhiều hơn cho các dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, giao thông … Phải công nhận là 4 năm qua cơ sở hạ tầng Brazil không được cải thiện nhiều ».

Uy tín của nữ ứng cử viên Dilma Rousseff còn rất lớn trong công luận nhưng đại đa số các doanh nhân Brazil thì tỏ ra rất thận trọng trước chính sách kinh tế của tổng thống mãn nhiệm. Trong 6 tháng trở lại đây mỗi lần các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ tái đắc cử của bà Rousseff tăng cao thì chứng khoán ở Sao Paulo lại mất giá. Chính sách can thiệp vào các hoạt động kinh tế của đảng Lao động cánh tả không hấp dẫn chút nào trong mắt các doanh nhân Brazil. Các biện pháp từ trợ giá năng lượng đến thuế khóa của bà Dilma Rousseff đã bị chỉ trích nặng nề và bị coi như là những trở ngại cho đà phát triển của Brazil.

Một thành tích không hay khác đối với bà Rousseff được nhiều doanh nhân Brazil và quốc tế nêu lên đó là trong 4 năm qua, về cơ cấu, ngành công nghiệp của Brazil ngày càng bị co cụm lại. Một trong những lý do giải thích cho điều đó là Brazil kém đầu tư.

Để so sánh, trong lúc Trung Quốc dành ra đến 40 % GDP để đầu tư thì tỷ lệ đó của Brazil chỉ là 18 %. Một trong những hệ quả trực tiếp là sự yếu kém nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ công cộng - từ y tế đến giáo dục, an ninh … bị xuống cấp thê thảm.

Sau cùng, nhiều vụ tai tiếng tham nhũng cũng làm hoen ố thanh danh của tổng thống mãn nhiệm.
Ở vòng hai cuộc bầu cử tổng thống đối thủ của bà Dilma là ông Aecio Neves hứa hẹn đem lại tăng trưởng cho nền kinh tế thứ 7 của thế giới, đẩy lui lạm phát xuống còn dưới 5 % và nhất là chinh phục lại cảm tình của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Dù bàn thắng nghiêng về phía đảng Lao động của bà Dilma Rousseff hay về phía đảng Xã hội Dân chủ cánh trung hữu của ông Aecio Neves, Brazil cũng như một con tàu đang tiến về một vùng biển mù sương. 

 

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.