Vào nội dung chính
THÁM HIỂM

Vượt 5 tỷ km, tàu New Horizons tới được Diêm Vương

Tàu thăm dò New Horizons, được phóng vào vũ trụ năm 2006, đã viết lên một trang sử mới vào hôm qua, 14/07/2015, khi bay quanh sao Diêm Vương (Pluton). Chuyến bay vượt hơn… 5 tỉ km đã diễn ra suôn sẻ.

Ngày 13/07/2015. Ảnh sao Diêm Vương, gửi về từ New Horizons.
Ngày 13/07/2015. Ảnh sao Diêm Vương, gửi về từ New Horizons. REUTERS/NASA/APL/SwRI/Handout
Quảng cáo

Thành công của chương trình với kinh phí khoảng 700 triệu đô la đã cho phép cơ quan NASA của Mỹ thu thập được tối đa thông tin về hành tinh nhỏ bé, nằm rất xa Trái đất và cho tới hiện nay, có rất ít thông tin.

Với vận tốc hơn 49.300 km/giờ, tàu thăm dò New Horizons đã bay cách sao Diêm Vương khoảng 12.400 km vào lúc 11h48, giờ GMT, vào hôm qua. Đây là con tàu nhanh nhất được con người đưa vào không gian, với tốc độ cao tới mức chỉ cần một va chạm với một chướng ngại vật nhỏ bằng hạt gạo cũng có thể gây nguy hiểm.

Trong suốt hành trình bay gần sao Diêm Vương, New Horizons đã thu thập được nhiều hình ảnh và thông tin về hành tinh này. Con tàu này hoàn toàn được thiết kế để thu thập dữ liệu nên không thể trao đổi cùng lúc với các kỹ thuật viên tại Trái đất. Nó chỉ tạm ngừng vài phút, vào khoảng lúc 16h30 (20h30 GMT) để gửi 15 phút dữ liệu.

Bắt đầu từ hôm nay, tàu thăm dò New Horizons sẽ gửi những hình ảnh và dữ liệu mới cho phép giải đáp hàng loạt câu hỏi về sao Diêm Vương. Con tàu cần tới 16 tháng để truyền toàn bộ những dữ liệu mà nó thu thập được trong hành trình bay quanh hành tinh nhỏ bé này.

Có kích thước tương đương với một chiếc đàn piano, New Horizons được trang bị 7 dụng cụ đo lường cho phép phân tích cấu tạo của bầu khí quyển, địa chất học của sao Diêm Dương, cũng như dữ liệu về nhiệt độ bề mặt và chụp ảnh.

Nhờ những dữ liệu do New Horizons gửi về những ngày gần đây, các nhà nghiên cứu đã có thể khẳng định có băng trên hai cực, đồng thời, họ cũng đã chỉnh sửa được kích cỡ chính xác của hành tinh này. Ngoài ra, họ cũng đã quan sát được một vệt sáng lớn có hình tim trên bề mặt sao Diêm Vương.

Sau thành công của tàu Voyager 2 bay xung quanh sao Hải Vương vào năm 1989, tàu New Horizons viết thêm một trang sử mới cho loài người. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.