Vào nội dung chính
THIÊN NHIÊN

1,5 triệu động vật trên đại dương chết vì rác nhựa

Chim, cá, cá voi, rùa…“Hàng năm, rác nhựa giết hại 1,5 triệu động vật”. Trên đây là tuyên bố của chuyên gia Viện nghiên cứu phát triển Pháp IRD. Các nghiên cứu mới đây của IRD báo động về mối nguy hại của “một lục địa thứ bảy”. “Lục địa thứ bảy” là tên gọi chỉ các đảo rác đã hình thành ở các đại dương.

Một nhà nghiên cứu lượm lặt các chất thải bằng nhựa từ một mẫu nước biển - RFI /Agnès Rougier
Một nhà nghiên cứu lượm lặt các chất thải bằng nhựa từ một mẫu nước biển - RFI /Agnès Rougier
Quảng cáo

Thái Bình Dương là nơi có đảo rác lớn nhất được biết cho đến nay. “Đảo” này nằm giữa bờ biển California và đảo Hawai. Kích cỡ của nó đạt 3,5 triệu km², tức 7 lần nước Pháp. Hàng năm diện tích đảo tăng lên 80.000 km². Rác nhựa khi phân hủy thành các phân tử nhỏ có thể chìm xuống tới độ sâu 1,5 km dưới mặt nước biển. 

Nhà nghiên cứu Pháp Laurence Maurice, Viện IRD, cho biết có đến 30% số lượng cá ở phía Thái Bình Dương phải ăn rác nhựa trong suốt cuộc đời chúng. 

Năm 2011, Tổ chức bảo tồn cá voi và cá heo đã báo động là rác nhựa là một nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với các động vật này. 

Do bị các dòng hải lưu chi phối, các đảo rác nhựa bị mắc kẹt trong các vòng xoáy đại dương, và như vậy chúng không có cơ hội phân hủy, dưới tác động của vi khuẩn và nấm. Theo một chuyên gia khác của IRD, 80% của tổng khối lượng rác nhựa là chất polyethylene, một hợp chất đơn giản, rẻ tiền, nổi tiếng là khó phân hủy. 

Các động vật dưới biển, kể cả chim biển thường nhầm rác nhựa với thức ăn. Đôi khi người ta tìm thấy trong bụng các sinh vật biển như cá voi hàng yến rác nhựa. 

Hy vọng Ủy ban bảo vệ Nam Cực phê chuẩn hai dự án bảo tồn biển 

Vẫn liên quan đến đại dương, hôm nay, khai mạc hội nghị thường niên của Uỷ ban bảo vệ động thực vật biển ở Nam Cực, tại bang Tasmania (Úc). Hội nghị sẽ kéo dài trong hai tuần. Úc, Pháp và Liên Hiệp Châu Âu sẽ trình ra dự án thành lập một vùng bảo tồn biển rộng 1,2 triệu km², gồm bốn khu vực khác nhau, tại vùng biển miền đông Nam Cực. Cho đến nay, đề nghị này chưa nhận được sự đồng thuận của Ủy ban bảo vệ động thực vật biển, do cản trở từ Trung Quốc và Nga. Ủy ban này hoạt động từ năm 1982, bao gồm 24 quốc gia cùng Liên Hiệp Châu Âu. 

Các vùng nước xung quanh biển Nam Cực là nơi sinh sống của hơn 10.000 giống loài không có ở bất cứ nơi nào khác. Cho đến nay, các loài này vẫn còn tương đối chưa bị các hoạt động của con người tác động nhiều. Một thành viên của Quỹ Thiên nhiên Thế giới WWF nhận xét : Nam Cực là một trong những vùng rộng lớn cuối cùng của nhân loại còn trong trạng thái hoang sơ, khu vực này rất quan trọng đối với nghiên cứu. Nhưng để nó tiếp tục vẫn là như vậy, chúng ta cần phải bảo vệ. 

Liên minh vì Nam Cực, một liên hiệp gồm 30 tổ chức phi chính phủ và nhiều nhân vật có tên tuổi, kêu gọi Uỷ ban bảo vệ thực động vật biển ở Nam Cực thông qua dự án nói trên do Úc đề xuất, và một dự án bảo tồn khác, rộng 1,25 triệu km², tại biển Ross, một vùng vịnh khổng lồ ở cũng ở bờ đông Nam Cực. Dự án do Hoa Kỳ và New Zearland tái đề nghị. Dự án từng bị bác bỏ một lần hồi năm ngoái. Biển Ross cũng được gọi là “đại dương cuối cùng”, bởi đây là một trong những nơi thuần khiết nhất cuối cùng còn lại của Trái đất.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.