Vào nội dung chính
MÔI TRƯỜNG

Công bố bản đồ khí thải CO2 toàn cầu

Trong lúc Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu lần thứ 19 đang diễn ra tại Varsava, Ba Lan, hôm qua, 20/11/2013, AFP loan tin một bản đồ toàn cầu về CO2 - tác nhân ô nhiễm không khí chủ yếu – vừa được công bố. Kết quả nghiên cứu của khoảng 30 phòng thí nghiệm trên toàn thế giới đã được sử dụng để lập ra một tấm át-lát cho phép công chúng phổ thông có thể quan sát được lượng khí phát thải của từng quốc gia với diễn biến theo thời gian.

Trang mạng www.globalcarbonatlas.org
Trang mạng www.globalcarbonatlas.org
Quảng cáo

Trả lời AFP, ông Philippe Ciais (thuộc phòng thí nghiệm khoa học về khí hậu và môi trường của LSCE - Institut Pierre Simon Laplace), điều phối viên của dự án « Global carbon atlas », cho biết : Tấm bản đồ này phục vụ cùng một lúc công chúng phổ thông và giới khoa học. Các nhà khoa học có thể sử dụng các thông tin từ át-lát này để xây dựng các mô hình về chu kỳ biến chuyển của khí CO2 có mặt trong các nguồn khác nhau, từ các nguồn năng lượng hóa thạch, đại dương, hệ sinh thái trên đất liền và trong bầu khí quyển.

Người điều phối dự án nhắc lại rằng, CO2 là nguyên nhân đầu tiên của việc khí hậu trở nên bất thường, và nhịp độ tăng khí thải CO2 đang vọt lên không ngừng, 1% vào thập niên 1990 và 3% trung bình trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI.

Bản đồ CO2 toàn cầu cũng tập hợp rất nhiều thông tin liên quan đến lượng khí CO2 phát ra theo thời gian, cũng như các dữ liệu mới nhất liên quan đến lượng khí thải của từng quốc gia và tính theo đầu người.

Trong năm 2012, năm nước và khu vực phát khí thải nhiều nhất là Trung Quốc (27%), Hoa Kỳ (14%), Châu Âu (10%), Ấn Độ (6%) và Nga (5%).

Theo điều phối viên dự án, trong tổng số lượng khí thải CO2 của Trung Quốc, thì 20% lượng khí này là do việc sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Điều phối viên của Global carbon atlas cũng ghi nhận, hiện đã có một số dấu hiệu cho thấy có sự chuyển dịch sang năng lượng xanh tại Trung Quốc, với việc đầu tư vào các năng lượng tái tạo và cam kết giảm hàm lượng các bon của nền kinh tế (hay nói cách khác, lượng các bon tiêu thụ cho tăng trưởng kinh tế).
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.