Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Nước Pháp vinh danh nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận

Đăng ngày:

Ngày 06/06/2012, tại Paris, Học viện Pháp Quốc Institut de France tổ chức lễ trao các giải thưởng lớn thường niên của mình, trong các lãnh vực y tế, khoa học, văn hóa, khảo cổ … Đặc biệt năm nay, một trong những giải này mang tên Prix mondial Cino del Duca – Giải thưởng Thế giới của Fondation Simone et Cino del Duca – lần đầu tiên được trao tặng cho một người Việt : Giáo sư vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận – Đại học Virginia Hoa Kỳ. Điểm độc đáo là Giáo sư Thuận được vinh danh trong hai tư cách nhà khoa học và nhà văn.

Giáo sư vật lý thiên văn học Trịnh Xuân Thuận (DR)
Giáo sư vật lý thiên văn học Trịnh Xuân Thuận (DR)
Quảng cáo

Trong bản thông báo của mình, Institut de France nói rõ là mục tiêu của Giải Thế giới Cino del Duca - trị giá 300.000 euro – là nhằm khen thưởng « một tác giả Pháp hoặc ngoại quốc mà công trình, dù thuộc lãnh vực văn học hay khoa học, hàm chứa một thông điệp của tinh thần nhân văn hiện đại. »

Chính trong tinh thần đó, mà Học viện Pháp Quốc đã « quyết định trao Giải Thế giới năm 2012 cho Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, một nhà vật lý thiên văn và nhà văn, về công trình phổ biến khoa học của ông bằng tiếng Pháp, một ngôn ngữ mà bản thân ông rất trân trọng ».

Được các viện sĩ hàn lâm Pháp vinh danh

Nói rằng Giáo sư Trịnh Xuân Thuận được Pháp vinh danh không ngoa chút nào vì Institut de France là biểu tượng của tinh hoa, trí tuệ nước Pháp hiện nay, nơi tập hợp tất cả những nhân vật đầu đàn trong các lãnh vực, thường được mệnh danh là « Nghị viện của các nhà bác học » Pháp.

Được hình thành từ năm 1795, Institut de France bao gồm 5 viện hàn lâm khác nhau của Pháp. Nổi tiếng nhất và lâu đời nhất là Viện Hàn lâm Pháp - Académie française - thành lập năm 1635, tập hợp các viện sĩ xuất thân từ nhiều ngành. Kế đến là các viện chuyên biệt hơn : Viện Hàn lâm Văn chương - Académie des inscriptions et belles-lettres, thành lập năm 1663, hiện chuyên trách lãnh vực ngữ văn và lịch sử ; Viện Hàn lâm Khoa học - Académie des sciences, thành lập năm 1666 ; Viện Hàn lâm Khoa học Đạo đức và Chính trị - Académie des sciences morales et politiques, thành lập năm 1795 ; và Viện Hàn lâm Mỹ thuật - Académie des beaux-arts - thành lập năm 1816.

Nhiệm vụ chính của Institut de France là góp phần một cách vô vị lợi vào việc trau giồi và phát huy văn học, nghệ thuật và khoa học. Trong tinh thần đó, về mặt hành chánh, có rất nhiều Hiệp hội (Fondation) hoạt động trong khuôn khổ của Học viện Pháp Quốc, chuyên trao tặng các phần thưởng hay cấp phát các khoản tài trợ để phục vụ cho mục tiêu kể trên.

Việc tuyển chọn những người nhận các loại giải thưởng hay trợ cấp nói trên luôn luôn được thực hiện với sự cố vấn của Institut de France, do đó đã được bảo đảm về mặt chuyên môn, và giá trị luôn luôn được công nhận.

Trong trường hợp Giải Thưởng Thế giới Cino del Duca năm nay, Học viện Pháp Quốc cho biết là ban giám khảo  gồm 14 viện sĩ hàn lâm, mà chủ tịch là bà Hélène Carrère d’Encausse, Thư ký Vĩnh viễn hiện nay của Viện Hàn lâm Pháp (Académie française). Các giám khảo còn lại gồm 7 thành viên Viện Hàn lâm Pháp, 3 thành viên Viện Hàn lâm Khoa học, 2 người thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Đạo đức và Chính trị, và 1 người của Viện Hàn lâm Văn chương.

Sánh vai cùng những tên tuổi từ Sakharov, Havel cho đến Mario Vargas Llosa, Jorge Luis Borges

Về bản chất Giải thưởng Thế giới Cino del Duca là một giải văn học, vì mỗi năm Fondation Simone et Cino del Duca còn có riêng hai giải khác Giải Khoa học (Prix scientifique) và Giải Khảo cổ học (Prix d’archéologie).

Từ năm 2005 đến nay, tức là từ ngày Institut de France được Fondation Simone et Cino del Duca cho toàn quyền tuyển chọn người được trao giải Thế giới Cino del Duca, đây là lần đầu tiên mà định chế này quyết định tặng thưởng một nhà khoa học viết văn, chứ không phải là một nhà văn thuần túy.

Trong danh sách những người từng được trao Giải thưởng Thế giới Cino del Duca – từ khi giải này được thành lập năm 1970 - ngoài những tên tuổi trên văn đàn Pháp hay thế giới, còn có những nhân vật xuất chúng trong những địa hạt khác. Chẳng hạn như nhà nghiên cứu vật lý hạt nhân người Nga Andrei Sakharov - cha đẻ của quả bom khinh khí (bom H) của Liên Xô, nhưng cũng là một chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền tại nước này - được giải Cino del Duca năm 1974, và năm sau được trao tặng Nobel Hòa bình, hay là Vaclav Havel, tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Séc, một nhà biên kịch tài ba, đồng tác giả của bản Hiến chương 77, biểu tượng của cuộc đấu tranh chống lại thể chế độc tài Tiệp Khắc. Vaclav Havel đã được trao giải Cino del Duca năm 1997.

Một số tên tuổi văn học lớn cũng đã được giải Cino del Duca vinh danh như nhà văn Tiệp Khắc Milan Kundera (2009), nhà văn Albanie Ismail Kadaré (1992), nhà văn Mêhicô Jorge Luis Borges (1980). Nổi bật trong số này là văn hào người Péru, Mario Vargas Llosa, đã được giải Cino del Duca năm 2008, và hai năm sau đó thì được giải Nobel Văn học (2010).

Trong bảng vàng giải thưởng Cino del Duca, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận là người Việt đầu tiên, nhưng lại là người châu Á thứ hai. Trước ông, đã có giáo sư y khoa Trung Quốc Vương Chấn Nghị, được giải thưởng vào năm 1998.

Trịnh Xuân Thuận : tác giả Pháp ngữ

Sinh ra tại Hà Nội (Việt Nam) vào năm 1948, Giáo sư Thuận đã theo gia đình vào năm và theo học chương trình Pháp ở trường trung học Jean-Jacques Rousseau ở Sài Gòn (hiện đã đổi tên thành trường Lê Quý Đôn). Sau khi đậu bằng Tú tài (tức là tốt nghiệp phổ thông) năm 1966, ông qua Thụy Sĩ học kỹ sư ở Lausanne, nhưng chỉ một năm sau thì ông quyết định thực hiện ước mơ của mình : theo học ngành vật lý thiên văn tại Viện Công nghệ California, rồi tại đại học Princeton, bang New Jersey, cạnh New York.

Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ tại Princeton, ông bắt đầu giảng dạy ở Đại học Virginia từ năm 1976, và đã dần dần trở thành một chuyên gia nổi tiếng thế giới về ngành thiên văn học ngoài dải Ngân hà. Ông là người đã phát hiện ra thiên hà trẻ nhất được biết đến trong vũ trụ hiện nay, nhờ việc nghiên cứu các quan sát do kính viễn vọng không gian Hubble thực hiện. Đó là thiên hà I Zwicky 18.

Đối với quảng đại quần chúng, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận được biết đến qua các công trình phổ cập kiến ​​thức khoa học về vũ trụ viết bằng tiếng Pháp. Từ năm 1988 – tức là năm ra mắt quyển sách đầu tiên của ông với tựa đề La Mélodie secrète / Giai điệu bí ẩn – cho đến nay, Giáo sư Thuận đã cho ra mắt hơn một chục tác phẩm, mà quyển sau cùng là Le Cosmos et le Lotus / Vũ trụ và Hoa sen, xuất bản năm 2011, vừa được trao giải Louis Pauwels 2012.

Theo Học viện Pháp Quốc, các tác phẩm của ông thể hiện « một cái nhìn phức hợp và tinh tế của một nhà khoa học và một người có đức tin về vũ trụ và vị trí của con người trong vũ trụ », nhưng thông qua một ngôn ngữ dành cho một công chúng rộng rãi.

Nhận xét về công trình phổ cập khoa học của Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, Institut de France ghi nhận là ông đã thành công xuất sắc trong việc : « Giúp quảng đại quần chúng thấy được tính chất huy hoàng gần như là siêu thực của vũ trụ bằng một ngôn ngữ đơn giản và dễ tiếp cận ».

Học viện Pháp Quốc cũng trân trọng mục tiêu mà Giáo sư Thuận đề ra là giúp người thường hiểu được những yếu tố « cao siêu và khó hiểu nhất » của thế giới quanh ta, thông qua những suy tư mang tính triết học và thần học. Theo Institut de France : « Nhờ tính độc đáo của công trình ông thực hiện, cũng như của sứ mệnh ông đề ra, Trịnh Xuân Thuận đã hướng tới những con người bình dị, ham hiểu biết nhưng không có kiến thức khoa học, sao cho lịch sử của vũ trụ trở nên dễ hiểu đối với với chúng ta, ‘hậu duệ của các vì sao’. »

Từ giải Kalinga (UNESCO) đến giải Cino del Duca (Institut de France)

Các nỗ lực phổ cập khoa học của Giáo sư Trịnh Xuân Thuận từng được thế giới tôn vinh với Giải thưởng Kalinga do tổ chức văn hóa, giáo dục Liên Hiệp Quốc UNESCO trao tặng vào năm 2009.

Một số tác phẩm của ông cũng đã được trao giải. Ngoài tác phẩm mới nhất - Le Cosmos et le lotus /Vũ trụ và Hoa sen (2011), được giải Louis Pauwels 2012, quyển Les Voies de la lumière : physique et métaphysique du Clair-Obscur / Những con đường của ánh sáng (2007) từng được Giải thưởng lớn Moron năm 2007 của Viện Hàn lâm Pháp (Grand Prix Moron de l'Académie Française).

Trước đó, công trình L’Infini dans la paume de la main : du Big Bang à l’Éveil / Cái vô hạn trong lòng bàn tay : Từ Big Bang đến giác ngộ (2000), cũng đoạt giải Văn học Châu Á 2000 (Prix Littéraire de l’Asie 2000) của Hiệp hội các Nhà văn Pháp ngữ (Association des Ecrivains de langue française).

Nhân dịp đến Pháp nhận Giải thưởng Thế giới Cino del Duca, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã dành cho ban Việt ngữ RFI một bài phỏng vấn trong đó ông nói rõ thêm về ý nghĩa quan trọng của giải Cino del Duca của Institut de France đối với ông, về động lực thúc đẩy ông lao vào công việc phổ biến khoa học. Giáo sư Thuận cũng khuyên các bạn trẻ rèn luyện ý chí, theo đuổi đến nơi đến chốn con đường mình đã chọn.

08:48

Nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận

RFI : Kính chào giáo sư Trịnh Xuân Thuận. Trước hết RFI xin cảm ơn giáo sư đã dành cho chúng tôi một bài phỏng vấn vào hôm nay. Được biết là vào ngày 6/6 tới đây thì hội Fondation Simone et Cino del Duca cùng với Institut de France, tức là Học viện Pháp quốc, sẽ trao tặng cho giáo sư một giải thưởng lớn. Đó là Prix mondial 2012, một giải trước đây từng được trao cho nhiều nhân vật tên tuổi, chẳng hạn như Milan Kundera, Andrei Sakharov hay là Vaclav Havel. Giáo sư từng nhận được rất nhiều giải thưởng, như vậy giải Cino del Duca của Institut de France mang ý nghĩa như thế nào đối với giáo sư ?

GS Trịnh Xuân Thuận: Một ý nghĩa rất lớn ! Trước hết tôi muốn cám ơn Học viện Pháp quốc đã cho tôi một giải thưởng uy tín như vậy ; vì như anh đã nói, những người mà tôi ngưỡng mộ như Luis Borges hoặc là Mario Vargas Llosa, Milan Kundera hay là Andrei Sakharov, đều đã được giải thưởng đó.

Nhưng điều làm tôi thú vị là tất cả các công trình phổ biến khoa học của tôi đã được Hàn lâm viện Pháp nhìn nhận. Tôi rất hãnh diện về việc đó, vì tôi đã bỏ ra rất nhiều thời gian của tôi. Ngoài việc dạy học ở đại học Virginia và làm khảo cứu trong vật lý thiên văn, tôi dành rất nhiều thời giờ để viết sách, để phổ biến những tin tức khoa học cho quảng đại quần chúng.

RFI : Như giáo sư vừa nói, là giáo sư đã bỏ rất nhiều thì giờ để làm công việc phổ cập khoa học, và giáo sư được quần chúng biết đến nhiều qua các công trình đó. Từ quyển đầu tiên là Mélodie secrète (Giai điệu bí ẩn) xuất bản năm 1988, cho đến quyển mới đây là Le cosmos et le lotus, tạm dịch là Vũ trụ và hoa sen phát hành vào năm ngoái. Xin hỏi giáo sư là động lực nào đã thúc đẩy giáo sư viết nhiều như vậy ?

Tôi muốn viết như vậy để không những bày tỏ với mọi người cái sắc đẹp và cái hài hòa của vũ trụ, của thiên nhiên, và cái sáng tạo của thiên nhiên, mà có rất nhiều chuyện hay. Như lý thuyết Big Bang chẳng hạn, hay lý thuyết về các lỗ đen, là khi các ngôi sao chết đi, các thiên hà…Nhưng tôi còn để ý đến những ý nghĩa triết lý và tôn giáo mà khoa học có thể mang đến nữa.

Tại vì đối với tôi vật lý thiên văn không phải chỉ để nhìn vũ trụ không thôi, nhưng nó còn làm cho chúng ta thay đổi cách nhìn của mình trong vũ trụ. Như từ năm 1543 ông Nicolas Copernic đã bảo là, con người không phải là trung tâm của vũ trụ nữa. Chính ra trái đất chỉ là một hành tinh xung quanh mặt trời. Mặt trời của mình cũng không có gì là đặc biệt, mà chỉ một trong cả trăm tỉ ngôi sao trong thiên hà. Và thiên hà của mình cũng không có gì đặc biệt, chỉ là một trong cả trăm tỉ thiên hà trong vũ trụ.

Thành ra con người ngày càng nhỏ bé đi, cả trong thời gian và không gian. Nhưng lại có một chuyện rất hay là, khoa học đã tìm ra được là con người rất có liên hệ với vũ trụ. Tức là tất cả những gì như thiên hà, ngôi sao… đều liên hệ đến mình, vì mình là con cháu của ngôi sao. Nếu mà không có các ngôi sao thì mình không có ở đây, vì tất cả những sinh tố mà con người mình tạo ra - đời sống và trí tuệ - đều là làm trong lòng của các vì sao. Mình có cái liên hệ rất đặc biệt.

Tất cả những ý nghĩa triết lý và tôn giáo đó tôi cũng muốn bày tỏ cho quảng đại quần chúng luôn. Vì những câu hỏi mà một người làm khoa học, nhất là một nhà khoa học về vật lý thiên văn hiện giờ đặt ra, rất giống những câu hỏi của các nhà triết lý hoặc nhà tôn giáo.

Đó là tại sao vũ trụ lại sinh ra, mình ở đâu tới, và mình đi tới đâu… Những câu rất là sâu sắc mà nhà khoa học hỏi hiện giờ, thành ra tôi muốn chia sẻ với quần chúng những câu hỏi đó, và những câu trả lời mà tôi nghĩ có thể đưa ra.

RFI : Thưa giáo sư, như thế nếu phải chọn một tác phẩm tâm đắc nhất, thì phải chọn quyển nào ? Vì lúc nãy giáo sư nói, từ quyển sách phổ cập khoa học đầu tiên là Giai điệu bí ẩn xuất bản năm 1988, cho tới quyển sau cùng là Le Cosmos et le Lotus (Vũ trụ và Hoa sen) thì có rất nhiều tác phẩm khác ?

Tôi thì…thật ra những cuốn sách cũng như những người con của tôi, khó mà chọn được người nào mình thích hơn, đúng không ? Nhưng nếu tôi chỉ có một hay hai cuốn phải nói, thì cuốn đầu tiên bao giờ tôi cũng rất yêu. Tại vì cuốn đó làm cho tôi được công chúng trên thế giới biết đến, đó là cuốn Giai điệu bí ẩn.

Còn cuốn thứ nhì mà tôi cũng rất thích là cuốn mà tôi viết cùng với nhà sư Phật giáo Matthieu Ricard người Pháp, nói về các liên hệ giữa khoa học hiện đại và đạo Phật. Cuốn sau cùng của tôi nói về tất cả những cái mà tôi đã phải đi qua, tức là con đường - không chỉ về con đường khoa học ,mà còn là con đường về trí tuệ của tôi. Nếu mà phải nêu ra một hai cuốn, thì đó là những cuốn trên.

RFI : Có thể nói giáo sư là một tấm gương trong học tập, nghiên cứu và phổ cập khoa học. Giáo sư có lời khuyên gì đối với các bạn trẻ, đặc biệt là bạn trẻ Việt Nam ở trong nước và ở ngoại quốc ?

Tôi nghĩ, lời khuyên của tôi là phải sống một cuộc đời hữu ích cho xã hội và thế giới. Tức là không chỉ nghĩ đến mình, nhưng như đức Phật nói, mình có liên hệ với mọi người ; và khoa học nói, là liên hệ với cả vũ trụ. Thành ra mình phải sống một cuộc đời hữu ích, tức là phải ráng đạt một mục đích rõ ràng ngay từ đầu.

Lúc tôi 18 tuổi, tôi đã biết là tôi muốn thành nhà khoa học rồi. Và phải có ý chí – ý chí đi đến cùng. Vì con đường bao giờ cũng nhiều khó khăn trở ngại, nhưng nếu mình có ý chí, thì mình sẽ vượt qua được những khó khăn và đạt được mục đích của mình. Lúc đó, nếu mình làm một cái gì trong đời mình mà hữu ích, cái gì mà mình thật sự thích vì mình đã chọn lựa, thì mình mới leo lên tột đỉnh được. Chứ nếu làm cái gì mà mình không thích, phải ép vào mà làm, thì không thể leo lên đỉnh núi được.

Tháng chạp vừa qua tôi đi Việt Nam, ở một tháng tại đó. Tôi cũng gặp nhiều sinh viên, mà mỗi hai ngày lại có một bài diễn thuyết ở các đại học từ Bắc xuống Nam, từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi thấy là các học sinh sinh viên rất là ham mê vật lý thiên văn, thành ra tôi cũng mong là một ngày kia ngành vật lý thiên văn sẽ được phát triển.

Ở Việt Nam hiện giờ, nước ta không có những cái đó vì không có những dụng cụ như những kính thiên văn lớn, hoặc những kính thiên văn trên không gian như là Hubble, nên khó mà làm việc đến mức tột độ được như ở ngoại quốc.

Nhưng tôi mong là các lãnh đạo sẽ chăm chú vào việc phát triển nền giáo dục ở nước ta và cấp phương tiện cho những nhà khảo cứu để làm việc. Tức là để tư duy thôi, chứ không phải lo đi làm những việc khác ngoài việc khảo cứu để kiếm tiền nữa.

Giáo dục rất là cần thiết. Tôi mong là rồi một ngày kia ngành vật lý thiên văn cũng sẽ bành trướng ở trong nước ta.

RFI : RFI Việt ngữ xin thành thật cảm ơn giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã dành cho chúng tôi bài phỏng vấn hôm nay.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.