Vào nội dung chính
THIÊN VĂN HỌC

SKA : Dự án kính thiên văn khổng lồ Nam Phi – Úc

Ngày 25/05/2012, dự án xây dựng kính thiên văn vô tuyến khổng lồ SKA giữa Nam Phi và Úc đã chính thức được thông qua. Đây là dự án kính thiên văn lớn nhất hiện nay. Vào năm 2024, khi đi vào hoạt động, kính này có khả năng cho phép tăng mức độ quan sát lên gấp 50 lần so với các kính hiện có.

Mô hình KAT-7 của Nam Phi, gồm bảy ăng ten chảo, dự kiến sẽ được hoàn thiện để sử dụng vào năm 2016.
Mô hình KAT-7 của Nam Phi, gồm bảy ăng ten chảo, dự kiến sẽ được hoàn thiện để sử dụng vào năm 2016. REUTERS/Mike Hutchings
Quảng cáo

SKA là chữ viết tắt của Square Kilometer Array, là dự án kính thiên văn rất lớn, với chi phí ước tính khoảng 2 tỷ đô la, bắt đầu được khởi công vào năm 2016. Tổng diện tích bề mặt của toàn bộ các kính được lắp đặt là 1km², do đó mà có tên Square Kilometer Array.

Sau phiên họp tại Amsterdam, chủ tịch hội đồng sáng lập SKA, ông Womersley, đã tuyên bố Nam Phi và Úc là hai quốc gia được chọn lựa vào dự án này, là vì họ đã có những đầu tư quan trọng trong lĩnh vực thiên văn, đặc biệt với hai dự án lớn là MeerKAT (Nam Phi) và Askap (Úc).

Để dành được quyền tham gia dự án này, Nam Phi đã phải xây dựng một mô hình thử nghiệm mang tên KAT-7, gồm 7 ăng ten chảo, theo công nghệ mới. Bên cạnh đó là các trắc nghiệm liên quan đến việc triệt tiêu tạp sóng tại vùng Karoo, là địa điểm lắp đặt các thiết bị chính trong tương lai.

Bộ trưởng Khoa học Nam Phi, mặc dù không dấu nổi vẻ thất vọng, vì Nam Phi đã không giành được toàn bộ dự án kính thiên văn SKA, khẳng định, đây là "chiến thắng của Châu Phi".

Dự án xây kính thiên văn tại hai địa điểm cách nhau đến gần 9.000 km, được tiến hành theo hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, phần lớn các ăng ten chảo sẽ được lắp đặt tại Nam Phi. Giai đoạn thứ hai, sẽ được tiến hành tại Úc, đối với các ăng ten bước sóng thấp và tại Nam Phi, đối với các ăng ten tần số trung bình.

Trong khuôn khổ của dự án SKA, khoảng 3.000 ăng ten chảo và các thiết bị có liên quan sẽ được lắp đặt tại 8 nước Châu Phi. Một nhà khoa học phụ trách dự án phía Nam Phi, cho biết, đây là một bước ngoặt quan trọng đối với Châu Phi, châu lục này sẽ trở thành một điểm đến của khoa học và công nghệ.

Một hệ kính thiên văn khổng lồ được xây dựng tại hai châu lục, cách nhau đến gần 10 ngàn km như vậy dựa trên nguyên tắc nào và dự án này mang lại những gì mới, sau đây là một vài nhận xét của giáo sư Nguyễn Quang Riệu, nguyên giám đốc nghiên cứu Đài Thiên văn Paris.

02:35

Nhà vật lý thiên văn Nguyễn Quang Riệu (Paris)

Đảng Đại hội Dân tộc Phi cầm quyền ở Nam Phi thì tuyên bố, chính phủ Nam Phi đã giành được phần nhiều trong dự án khoa học lớn nhất thế kỷ, và nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra ở Nam Phi và Châu Phi nói chung trong thời gian tới.

Các nhà khoa học hy vọng rằng, hệ thống kính thiên văn khổng lồ này sẽ cho phép quan sát tốt hơn vũ trụ, để có thể trả lời được các câu hỏi như, vũ trụ được tạo ra như thế nào và tại sao vụ trụ lại nở ra. Dự án này có sự tham gia của các nhà khoa học và kỹ sư của 70 tổ chức, thuộc 20 quốc gia.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.