Vào nội dung chính
HY LẠP - CHÂU ÂU

Thêm một kế hoạch giúp Hy Lạp hơn 80 tỷ euro

Kịch bản « Grexit đã thuộc về quá khứ ». Bruxelles duy trì được sự toàn vẹn của khu vực đồng euro sau 17 giờ đàm phán cho đến tận sáng ngày 13/07/2015. Athens và các chủ nợ tìm được đồng thuận về một kế hoạch hỗ trợ thứ ba cho Hy Lạp. Nhưng thỏa thuận vừa đạt được còn phải được Quốc hội của 19 nước thành viên thông qua.

Angela Merkel, Alexis Tsipras,  François Hollande - Các chủ nợ đồng ý cấp cho Hy Lạp gói hỗ trợ thứ ba - Reuters
Angela Merkel, Alexis Tsipras, François Hollande - Các chủ nợ đồng ý cấp cho Hy Lạp gói hỗ trợ thứ ba - Reuters
Quảng cáo

Sau một đêm trắng, sáng nay Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker thông báo Athens và Bruxelles đã đạt được thỏa thuận vào giờ chót để « tiếp tục đàm phán về một gói hỗ trợ thứ ba ». Đồng thuận vừa đạt được rất quan trọng bởi nó cho phép Hy Lạp ở lại trong khối euro. Các bên đã phải vượt qua những « bất đồng sâu rộng » để tìm ra ngõ thoát.

Tổng thống Pháp François Hollande đã nỗ lực thuyết phục nước Đức giữ Hy Lạp lại trong khối euro. Trong lúc Berlin luôn tỏ lập trường cứng rắn, đòi Hy Lạp phải triệt để thanh toán nợ và cải tổ để tự tìm lấy con đường tăng trưởng. Thủ tướng Đức bà Angela Merkel luôn chủ trương : không giữ Athens lại trong khối euro « bằng mọi giá ». 

Thế nhưng cuối cùng, các bên đồng ý tiếp tục giúp Hy Lạp thêm khoảng từ 80 đến 83 tỷ euro nữa tránh để Athens mất khả năng thanh toán và phải bước ra khỏi khối euro. Nhưng để đổi lấy gói hỗ trợ thứ ba đó các chủ nợ gồm Liên Hiệp Châu Âu, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đòi Athens cấp bách cải tổ theo một lịch trình rất xít xao.  

Hy Lạp đã bị đẩy vào chân tường không có chọn lựa nào khác. Thông tín viên đài RFI Quentin Dickinson từ Bruxelles cho biết một cách cụ thể hơn : 

« Trước hết là hạn chót ngày 15 tháng 7, tức là chỉ còn hai ngày nữa, Athens phải thông qua luật điều chỉnh mức thuế TVA, giảm lương hưu của một số thành phần, phải nhìn nhận tính độc lập của Viện thống Kê Quốc gia. Chính vì không độc lập với nhà nước mà viện này đã công bố những thống kê sai lệch, dẫn tới thảm họa của Hy Lạp ngày hôm nay.  

Kế tới vào ngày 20/07/2015 Hy Lạp sẽ phải tiếp tục giảm nhân sự và chi phí điều hành trong các ngành dịch vụ công cộng. Thế rồi đến ngày 22/07/2015 sẽ phải điều chỉnh luật để cải tổ lại hệ thống ngân hàng, hệ thống tư pháp …

Tuy nhiên trước mắt, Athens chưa thông báo về thời điểm cụ thể để tiến hành một cuộc cải tổ sâu rộng về hệ thống lương hưu trên toàn quốc. Cũng chưa có lịch trình cụ thể về các vế liên quan đến chương trình tư hữu hóa công ty điện lực quốc gia hay việc cho phép các cửa hàng buôn bán hoạt động ngày chủ nhật … Nói tóm lại Athens sẽ có rất nhiều việc phải giải quyết trong một thời gian rất ngắn để làm vừa lòng các chủ nợ ».  

Cuối tháng 6/2013, Athens không thể thanh toán 1,6 tỷ euro cho IMF đúng thời hạn. Đến ngày 20/07/2015 Hy Lạp lại phải trả thêm hơn 7 tỷ euro cho Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu BCE. Từ hơn 10 ngày qua do thiếu tiền mặt, các ngân hàng Hy Lạp phải đóng cửa, người dân bị hạn chế rút tiền mặt. Hệ thống ngân hàng của quốc gia này còn cầm cự được nhờ BCE vẫn bơm tiền qua trung gian chương trình khẩp cấp ELA.

Sau khi đã đạt được thỏa thuận với Bruxelles và IMF, chiều nay, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trở về Athens và ông sẽ phải thuyết phục Quốc hội chấp thuận toa thuốc mà các nhà tài trợ vừa mới kê cho Athens với hy vọng được nhận thêm gói hỗ trợ thứ ba.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.