Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - CUBA

LHCA và sự thích nghi với thể chế dân chủ độc đảng ở Cuba

Trong báo cáo nhân quyền thường niên, được công bố hôm 16/11/2017, Liên Hiệp Châu Âu gọi Cuba là một « thể chế dân chủ độc đảng » có được thông qua bầu cử cấp địa phương, cấp vùng và quốc gia.

Du khách phương Tây trên đường phố La Habana, Cuba, ngày 09/11/2017
Du khách phương Tây trên đường phố La Habana, Cuba, ngày 09/11/2017 REUTERS/Alexandre Meneghini
Quảng cáo

Trong bài viết « Liên Hiệp Châu Âu thích nghi với thể chế dân chủ độc đảng ở Cuba », báo Le Monde nhận xét khái niệm « nền dân chủ độc đảng » có lẽ đã làm hài lòng những người luôn hoài niệm về các nền dân chủ nhân dân thời trước ở Đông Âu. Các quốc gia này giờ cũng đã là thành viên của Liên Hiệp.

Nhưng tại sao hai khái niệm vốn trái ngược nhau là « dân chủ » và « độc đảng » lại được châu Âu lồng ghép vào một khái niệm chung như vậy ? Theo Le Monde, đó là vì Liên Hiệp đang nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Cuba. Vào năm 1996, châu Âu ra điều kiện chỉ hợp tác với Cuba nếu chính quyền cộng sản La Habana đạt được tiến bộ về dân chủ.

Giờ đây, việc cần làm là tạo điều kiện thúc đẩy giao thương và đầu tư song phương để cạnh tranh với Hoa Kỳ, trong bối cảnh hai kẻ thù thời chiến tranh lạnh là Washington và La Habana đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Các nhà nghiên cứu đại học và bình luận quan tâm tới « vùng nửa tối nửa sáng » giữa dân chủ và độc tài nhắc tới thể chế « dân chủ phi tự do ». Trước đây, họ nói tới « dân chủ bá quyền », « dân chủ được tuyên truyền rầm rộ » và chế độ chuyên chế mà người ta quảng bá là có được thông qua bầu cử phổ thông đầu phiếu.

Độc đảng vẫn là một dấu hiệu của chế độ toàn trị trong thế kỷ XX. Cùng với Bắc Triều Tiên, Cuba là một trong hai nước Cộng Sản vẫn tiếp tục chế độ lãnh đạo « gia đình trị ». Ngay cả khi Raul Castro hứa chuyển giao quyền lực vào tháng 02/2018, nhiều vị trí quan trọng vẫn sẽ nằm trong tay các thành viên khác thuộc gia đình Castro.

Để chuẩn bị cho kỳ bầu cử địa phương ngày 26/11/2017, cơ quan An Ninh Nhà Nước đã tìm đủ mọi cách, thậm chí là phi pháp để răn đe cử tri và ngăn cản các ứng viên độc lập.

Phó chủ tịch Miguel Diaz-Canel, người có nhiều khả năng kế nhiệm chủ tịch Raul Castro, cũng thừa nhận chính phủ đã tìm cách làm cho các ứng cử viên độc lập mất uy tín nhằm tránh hình thành một xã hội dân sự đúng nghĩa.

Người Cuba không có quyền tự do biểu đạt, tụ họp, tuần hành hay thành lập các hiệp hội, cũng không có tự do nghiệp đoàn và quyền bãi công. Viện công tố không được độc lập, các luật sư cũng không được quyền tự do bào chữa cho thân chủ.

Mới đây, chính quyền Cuba công bố danh sách 200 ngành nghề mà khu vực tư nhân có thể hoạt động, ngoại trừ nghề luật sư, kiến trúc sư, kỹ sư công nghệ thông tin, bác sĩ và nhà báo.

Đảng Cộng Sản Cuba độc quyền về truyền thông và báo chí, biến truyền thông và báo chí thành phương tiện tuyên truyền cho Đảng. Truyền hình, phát thanh, phim ảnh, biểu diễn và xuất bản đều bị kiểm duyệt. Chính phủ còn tìm cách kiểm soát không gian mạng và viễn thông. Cuba là nước ít kết nối mạng nhất thế giới.

Tuy nhiên, thế hệ nhà báo mới tại nước này không muốn bị báo chí Nhà nước kìm kẹp. Họ tìm mọi cách để “vượt tường lửa” của chế độ. Nhưng những con người can đảm đó đang trong tình trạng rất bấp bênh.

Các nhà báo độc lập bị quấy rầy, đe dọa bị tố cáo « vượt quá chức năng » ngay cả khi họ chỉ muốn tìm hiểu thông tin về thiệt hại do cơn bão Irma gây ra. Le Monde kết luận « ở Cuba làm gì có dân chủ ! ».

Ba Lan và Liên Hiệp Châu Âu: Hồi chuông báo động

Vẫn liên quan đến châu Âu, Le Monde giới thiệu bài viết của phóng viên Sylvie Kauffmann : Vacxava và “kế hoạch của điện Kremlin”. Hôm 09/11, trên tài khoản Twitter cá nhân, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk đã đăng tải một tin nhắn bằng tiếng Ba Lan.

Theo phóng viên Sylvie Kauffmann, đó chỉ là một tin nhắn ngắn nhưng lại là một quả tên lửa đạn đạo nhắm vào Ba Lan, quê hương của chính ông Donald Tusk.

Ông Donald Tusk lên tiếng “báo động” và đặt câu hỏi liệu mâu thuẫn của Ba Lan với Ukraina, sự xa cách với các thành viên Liên Hiệp Châu Âu, khoảng cách với Nhà nước pháp quyền và tư pháp, cuộc chiến chống các tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông độc lập là chiến lược của đảng cầm quyền dân tộc thiên hữu Luật Pháp Và Công Lý (PiS) của Ba Lan hay là kế hoạch của điện Kremlin, Nga.

Nghi vấn trên là sự tấn công nhắm vào đảng PiS và chính quyền của thủ tướng Kaczynski, kẻ trù truyền kiếp của Donald Tusk. Tác giả bài viết nói đến nguồn cội sâu xa của vấn đề. Trước khi trở thành chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Donald Tusk là thủ tướng Ba Lan, nhưng vào năm 2015 đảng Cương Lĩnh Công Dân (PO) của ông đã bị đảng PiS đánh bại.

Sau khi lên nắm quyền, đảng PiS đã hạn chế sự độc lập của tư pháp và truyền thông. Chính sách trên đương nhiên bị Ủy Ban Châu Âu và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk phản đối. Chính quyền Ba Lan đáp trả bằng việc bỏ phiếu chống ông Donald Tusk tiếp tục nắm quyền ở Liên Hiệp Châu Âu.

Nhưng theo tác giả bài viết, mọi chuyện không chỉ là do sự thù hằn chính trị trỗi dậy, mà còn là câu hỏi để ông Donald Tusk lưu ý dân chúng Ba Lan về vị trí của của nước này trong Liên Hiệp, rằng liệu Ba Lan có muốn chia sẻ các giá trị chung, sự đoàn kết và vận mệnh của châu Âu hay đơn giản Ba Lan chỉ muốn được hưởng lợi từ ngân sách và thị trường châu Âu.

Tại các cơ quan đầu não của Liên Hiệp, nhiều người cho rằng Tweet của ông Donald Tusk là một dấu hiệu vụng về cho thấy ông muốn quay lại chính trường Ba Lan để chuẩn bị cho kỳ tranh cử tổng thống 2020.

Thường thì các lãnh đạo châu Âu không can thiệp vào công việc nội bộ các nước. Và người ta nói rằng ông Donald Tusk đang lơ đãng, thờ ơ hơn với công việc của Liên Hiệp. Nhưng một dân biểu châu Âu người Ba Lan cho rằng, đó là tiếng kêu đầy lo ngại của ông Donald Tusk về tình hình đất nước.

Thực vậy, ngày 15/11, khi đang tham dự diễn đàn Á-Âu ASEM tại Miến Điện, ông Donald Tusk cũng đã đăng Tweet bày tỏ lo ngại rằng cuộc tuần hành của 60.000 người cực đoan với những khẩu hiệu kỳ thị ở Vacxava làm xấu hình ảnh của đất nước Ba Lan.

Sau Hoa Kỳ, Anh Quốc và Tây Ban Nha cũng đã nói tới sự can thiệp của Nga vào bầu cử. Người Ba Lan chắc chắn cũng sẽ lo ngại về nghi vấn Matxcơva nhúng tay vào công việc nội bộ của mình. Nhưng theo tác giả Sylvie Kauffmann, chính phủ Ba Lan đã không khoanh tay.

Ngay hôm Chủ Nhật, thủ tướng Ba Lan, bà Beata Szyclo, đã phẫn nộ coi Tweet của ông Donald Tusk là một vụ tấn công nhắm vào đất nước và chỉ trích là ông Donald Tusk không làm được gì cho đất nước từ khi nắm quyền ở Liên Hiệp.

Hôm nay 23/11 thủ tướng Ba Lan tới Paris và có buổi làm việc với tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Quan hệ giữa hai nước đang xấu do hồ sơ lao động biệt phái ở châu Âu, nhưng quan hệ giữa Ba Lan với Đức cũng chẳng tốt đẹp gì. Liên Hiệp Châu Âu không thể để hố sâu ngăn cách Đông Âu và Tây Âu thêm lớn.

“Lời qua tiếng lại” giữa ông Donald Tusk và giới lãnh đạo Ba Lan là biểu hiện của một sự bất hòa sâu sắc. Và đó chính là một lời báo động. Giờ đã đến lúc hai bên tìm ra một con đường chung. Tổng thống Pháp Macron có thể góp phần làm được điều đó. Và Ủy Ban Châu Âu cũng như Hội Đồng Châu Âu phải coi đó là một ưu tiên.

Zimbabwe : tổng thống Mugabe ra đi, Trung Quốc mất một người bạn lâu năm

Nhờ nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, Zimbabwe đã luôn được Trung Quốc ủng hộ, giúp đỡ. Nhưng giờ đây, khi « tổng thống Mugabe ra đi, Trung Quốc mất một người bạn lâu năm ». Đó là nhận xét của báo kinh tế Les Echos.

Khi vị tổng thống cao tuổi nhất hành tinh từ chức, Bắc Kinh đã ngay lập tức ca ngợi sự lãnh đạo của ông Mugabe trong suốt 37 năm qua. Ngoại trưởng Trung Quốc coi ông Mugabe vẫn « là một người bạn tốt của nhân dân Trung Quốc ».

Khi Trung Quốc bắt đầu đầu tư vào Zimbabwe, Bắc Kinh đã dựa vào ông Mugabe đồng thời ủng hộ nhà lãnh đạo này vô điều kiện. Kể cả khi ông bị quốc tế trừng phạt vì vi phạm nhân quyền, Bắc Kinh vẫn đứng về phía ông Mugabe. Lý do ? Đơn giản là vì Zimbabwe giàu khoáng sản (platine, vàng, kim cương, niken) và đất đai phì nhiêu, thuận lợi cho trồng trọt (ngô, cây thuốc lá, bông).

Còn Zimbabwe, quốc gia này hướng về Bắc Kinh để tìm nguồn đầu tư. Và kể từ năm 2005, sự phụ thuộc của Zimbabwe vào Trung Quốc ngày càng tăng, sau khi đồng nhân dân tệ trở thành một tiền tệ đơn vị của Zimbabwe.

Mặc dù sự ra đi của tổng thống Mugabe khiến Trung Quốc mất một đồng minh, nhưng theo báo Les Echos, cựu phó tổng thống Emmerson Mnangagwa, người kế nhiệm ông Mugabe, về cơ bản, sẽ không thay đổi chính sách với Bắc Kinh. Bởi vì ông Emmerson Mnangagwa cũng đã được đào tạo quân sự tại Trung Quốc, rồi sau đó tham gia cuộc đấu tranh để giải phóng Zimbabwe khỏi Anh Quốc năm 1980.

Hạn hán ở Bồ Đào Nha

Trên lĩnh vực xã hội, báo công giáo la Croix cho biết « Trước nạn hạn hán, Bồ Đào Nha tìm kiếm giải pháp khắc phục ». « Đại hạn hán » xảy ra trên 94% lãnh thổ Bồ Đào Nha. Lượng nước mưa năm 2017 thấp kỷ lục tính từ năm 1931. Thêm vào đó, nạn cháy rừng đã khiến chính quyền phải tốn rất nhiều nước cho công tác chữa cháy.

Hạn hán diện rộng ảnh hưởng trước tiên tới nông dân và khiến toàn thể dân chúng lo ngại. Ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nề, chính quyền địa phương phải khẩn cấp can thiệp và yêu cầu hạn chế sử dụng nước.

Hàng ngàn thành phố, làng mạc, kể cả thủ đô Lisboa cũng phải hạn chế sử dụng nước. Các đài phun nước ngưng hoạt động, hoạt động tưới cây nơi công cộng, phun nước rửa đường đều bị hạn chế. Người dân được tuyên truyền tiết kiệm nước sinh hoạt.

Ở nhiều địa phương, nước bị cắt vào ban đêm. Nhưng theo một quan chức, biện pháp này không hiệu quả, mà chỉ khiến người dân đổ xô tích trữ nước, khiến việc cung cấp nước sạch này càng khó khăn.

Cách duy nhất là cầu cho trời mưa ! Và trời phải mưa liên tục trong hai tháng mới khắc phục được tình trạng khan hiếm nước ở Bồ Đào Nha. Mà theo dự báo thời tiết, còn lâu trời mới mưa !

Bạo hành phụ nữ : những con số đáng lo ngại

Trong lĩnh vực xã hội, báo Le Figaro đề cập tới « Bạo hành phụ nữ : những con số đáng lo ngại ». Theo một báo cáo thường niên của một ủy ban liên bộ của Pháp, « trong năm 2016, cứ ba ngày lại có một phụ nữ bị người đàn ông đang sống chung hoặc đã từng sống chung giết hại » và nhóm đàn ông này cũng là thủ phạm gây ra 1/3 số các vụ cưỡng hiếp phụ nữ.

Lý do chủ yếu là cãi cọ, ghen tuông và không thống nhất trong việc chia tay. Tuy nhiên, chỉ có 20% nạn nhân trình báo cảnh sát và khởi kiện. Và 2/3 số vụ sau đó không bị xử lý. Thêm vào đó, số bản án về tội hiếp dâm lại có chiều hướng giảm.

Trái Đất quay chậm gây ra động đất cường độ mạnh ?

Trong lĩnh vực khoa học, báo Le Figaro đặt câu hỏi : « Trái Đất quay chậm gây ra nhiều trận động đất cường độ mạnh hơn ? ». Liệu năm 2018 sẽ là năm đen tối về động đất ? Không ai có thể dự đoán vì động đất thường khó đoán định.

Nhưng hai nhà địa chấn học của Mỹ cho rằng đã tìm thấy mối liên hệ giữa tốc độ xoay của Trái Đất và tần xuất các trận động đất cường độ cao hơn 7 độ trên thang Richter : Tốc độ quay của Trái Đất càng giảm thì nguy cơ động đất cường độ mạnh càng cao.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.