Vào nội dung chính
ĐIỂM TUẦN BÁO

Bầu cử Đức : « Thành trì » Angela Merkel

Nữ thủ tướng Angela Merkel, niềm tự hào của dân tộc Đức. Khủng hoảng Rohingya, nguy cơ châm ngòi cho một cuộc xung đột tôn giáo tại Châu Á. Bóng ma chiến tranh Việt Nam và hồi kết của ảo vọng dân chủ Cam Bốt. Đó là những chủ đề được các tuần báo Pháp quan tâm.

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chiến dịch vận động tranh cử tại trung tâm Berlin, Đức, ngày 23/09/2017.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chiến dịch vận động tranh cử tại trung tâm Berlin, Đức, ngày 23/09/2017. REUTERS/Fabrizio Bensch
Quảng cáo

Pháp đã trải qua ba đời tổng thống, tại Đức, Angela Merkel vẫn bền bỉ giữ chiếc ghế thủ tướng với tất cả lòng ngưỡng mộ của cử tri. Bầu cử Quốc Hội Đức và Angela Merkel trước thềm một nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư : Một kỷ lục trong khối Liên Hiệp Châu Âu.

Tuần báo Anh The Economist phác họa ra toàn cảnh kinh tế tươi sáng của nước Đức kể từ khi bà Merkel lên cầm quyền năm 2005. Courrier International dành số báo đặc biệt mang màu cờ của Đức, một quốc gia nằm sát cạnh Pháp nhưng vẫn là một "Ẩn số" với một phần lớn công luận ở phía bên này bờ sông Rhin.

Các tuần san của Pháp không còn nghi ngờ gì " thắng lợi một lần nữa thuộc về Angela Merkel và đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo". Le Point nhìn xa hơn đến tương lai trục Paris - Berlin, mà ở đó tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đạt một thỏa thuận với thủ tướng Merkel : "Xây dựng một Liên Hiệp Châu Âu vững mạnh để làm đối trọng với Trung Quốc với Mỹ và cả Nga lẫn Thổ Nhĩ Kỳ".

L'Obs quả quyết  rằng ngay từ tối ngày 24/09/2017 khi kết quả bầu cử Đức được công bố, Pháp - Đức sẽ bắt tay ngay vào việc cải tổ Liên Hiệp Châu Âu, đôi bên phải tìm ra đồng thuận về thể thức vận hành của khu vực đồng euro.

Bí quyết của Angela

Nếu đi được đến cuối nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư, kết thúc 16 năm cầm quyền, Angela Merkel sẽ cùng chia sẻ với Helmut Kohl, người cha tinh thần đã nâng đỡ bà bước đầu khi tham gia chính trị, kỷ lục lãnh đạo được Đức trong thời gian dài nhất.

Le Point nhắc lại, đầu những năm 1990 Angela mới chỉ là "một con bé con - Das Madchen" đập vào mắt thủ tướng Tây Đức, Helmut Kohl. Gần ba chục năm sau, không ai có thể phủ nhận Merkel là một nhà lãnh đạo lớn của nước Đức thống nhất, của châu Âu và cả thế giới. Angela Merkel là "vị thủ thướng của thế giới tự do" như ghi nhận của tạp chí Mỹ Time trong số báo cuối 2015.

Vậy thì đâu là bí quyết của Angela Merkel ? Tại sao cựu tổng thống Mỹ Barack Obama từng tuyên bố nếu là người Đức ông sẽ bỏ phiếu cho bà Merkel ? Courrier International trích dẫn tạp chí khoa học Anh, Nature để đưa ra một phần câu trả lời : Nước Đức của thủ tướng Merkel đã trở thành một địa điểm lý tưởng trong mắt các nhà nghiên cứu. Đức là nơi hiếm có trên thế giới mà tất cả các đảng phái chính trị đều đồng ý "tăng ngân sách ngành giáo dục và nghiên cứu".

Thông tín viên của báo Le Point tại Berlin Pascale Hugues đi sâu hơn vào thực chất : Bí quyết của thủ tướng Đức nằm ở chỗ bà có được sự khéo léo và bình tĩnh để giải quyết những tranh chấp, Merkel là một nhà lãnh đạo có đầu óc thực tiễn và sự thông minh phi thường và là một nhà chiến lược tài ba. Để đạt đến đích, bà luôn thận trọng tiến từng bước trong mọi tình huống.

Chẳng thế mà nữ thủ tướng Đức vẫn đứng vững sau hàng loạt các khủng hoảng nghiêm trọng, từ đe dọa Hy Lạp phải rút khỏi khối euro dẫn đến sự đổ vỡ của khu vực đồng tiền chung châu Âu, đến làn sóng trong công luận chống đối chính sách hào phóng của bà mở cửa biên giới đón nhận hàng trăm ngàn người nhập cư hồi mùa hè 2015.

Le Point nhắc lại, 2015-2016, ở vào thời điểm mà nhiều thành viên Liên Hiệp Châu Âu – đứng đầu là Hungary, đóng cửa biên giới, xây tường chận người di tản, cả thế giới hết lời ca ngợi lòng nhân ái của lãnh đạo Đức. Có điều, cử chỉ nhân đạo của Angela Merkel đã làm dấy lên một làn sóng bài ngoại ở Đức.

Angela Merkel vững như tường thành trong mọi cơn bão tố

Chính đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo có khuynh hướng bảo thủ của bà cũng đã nặng lời cho rằng Berlin kiểm soát không xuể các làn sóng nhập cư. Nhưng rồi, từng bước Angela Merkel vượt qua được mọi thử thách. Nếu như tỷ lệ tín nhiệm là thước đo về uy tín của một nhà lãnh đạo, thì có thể nói hình ảnh của bà trong lòng người dân Đức không hề suy suyển.

Bằng chứng rõ rệt nhất là khi Angela thông báo ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ, dân chúng Đức đã thực sự thở phào nhẹ nhõm. Bởi lẽ, bà Merkel là hình ảnh của một sự "ổn định", một sự "tiếp nối" trong lúc mà thế giới đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức.

Courrier International trong bài xã luận không vòng vo : chính vì tình hình thế giới quá nhiễu nhương, Angela Merkel mới quyết định tiếp tục công việc mà bà đã khởi động cách này 12 năm "với những nguyên tắc và nhịp độ" của chính mình.

Không thiếu gì những thách thức đặt ra cho nước Đức trong thời gian 4 năm sắp tới : một bên là Vladimir Putin muốn thống trị thiên hạ, bên kia là một ông Donald Trump với tính khí bất thường. Thế rồi phải kể đến nước Anh đang tiến hành thủ tục ly dị với Liên Hiệp Châu Âu.

Nếu như thủ tướng Merkel cùng với Paris xây dựng lại được một khối châu Âu đoàn kết hơn thì đây thực sự là một thành công rất to lớn và Angela Merkel sẽ là một nhà lãnh đạo không chỉ của riêng nước Đức mà còn là một chính trị gia tầm cỡ của châu Âu.

Một thời kỳ mới cho cặp bài trùng M&M

Để thực hiện được mục tiêu đó, Angela Merkel cần đến Emmanuel Macron, như ghi nhận của tạp chí L'Obs. Bà Merkel lên cầm quyền năm 2005 khi ở Pháp, Jacques Chirac là chủ nhân điện Elysée. Thế rồi người đàn bà có đầu óc thực tiễn và thận trọng này ở đỉnh cao quyền lực tại Berlin đã phải làm quen với tính cách "ba hoa" của Nicolas Sarkozy khi điện Elysée đổi chủ năm 2007.

Tháng 5/2012 François Hollande đắc cử tổng thống Pháp. Ông gây thất vọng không ít cho bà Merkel. Trong mắt Berlin, ông Hollande không là một đối tác đủ "nặng ký" để cặp bài trùng Pháp - Đức cải tổ sâu rộng Liên Hiệp Châu Âu, đem lại một làn gió mới cho khu vực.

Với Emmanuel Macron thì khác. Một nhà quan sát tại Đức nhìn nhận Đức đang cần Pháp hơn bao giờ hết, có điều lập trường về "ngôi nhà chung" này của tổng thống Pháp không hẳn được "rập khuôn" theo ý tưởng của bà Merkel.

Emmanuel Macron đòi Berlin cũng phải thay đổi lập trường và "điều chỉnh những sai lệch" trong chính sách kinh tế của eurozone. Trong lúc mà nước Đức của thủ tướng Merkel và nhất là dưới nhãn quan của bộ trưởng Tài Chính Schauble, thắt lưng buộc bụng là con đường duy nhất để khối euro vững mạnh.

Tuần báo L'Obs chờ đợi hai tháng sắp tới sẽ là thời kỳ Angela Merkel và Emmanuel Macron sẽ bắt đầu để lộ ra những bất đồng sâu rộng về một tương lai chung, về hai mô hình kinh tế châu Âu mà họ theo đuổi.

Nước Đức,"best country in the world"

Có một điều mà chính người Đức cũng ngạc nhiên là cách nay vài tuần, một nghiên cứu của Mỹ đã bình chọn quốc gia này là "thiên đường hạnh phúc". Le Point điểm qua : từ kinh tế đến thể thao, trong lĩnh vực nào Đức cũng đứng đầu bảng. Ngay cả những cầu thủ bóng đá của Đức cũng làm mọi người phải ganh tị.

Cứ mỗi cuối tuần, những chuyến bay từ Berlin trở về các thành phố lớn của châu Âu, đầy ắp những thanh niên rạng rỡ vì đã có hai ngày nghỉ đầy ý nghĩa trên quê hương của bà Merkel. Thế rồi lãnh đạo của nước Đức không chỉ là một phụ nữ, Angela Merkel còn là người "đàn bà thế lực nhất, được kính trọng nhất" thế giới.

Nhưng thực sự người dân Đức có hạnh phúc hay không ? Với Le point, câu trả lời là có và đó là một điều mới lạ đối với một dân tộc trải qua hai cuộc Đại Chiến và khác với người Pháp, dân Đức thường quan niệm là “họ sống là để làm việc”.

Châu Á trước đe dọa xung đột tôn giáo

Bầu cử Đức không làm quên đi hồ sơ nóng tại Đông Nam Á là khủng hoảng người Rohingya. Bức hí họa trên tuần báo L’Express cho thấy hình ảnh bà Aung San Suu Kyi có đến 5 cánh tay, tự bịt mắt mình. Bằng khen thành tình Giải Thưởng Nobel bị chính Aung San Suu Kyi dẫm lên như một tấm thảm chùi chân. Trước mặt biểu tượng của sự đấu tranh bất bạo động Miến Điện là một người Hồi giáo bị dao đâm vào lưng.

Trong bài nhận định mang tựa đề "Châu Á bị tôn giáo làm khuynh đảo", Christain Makarian đưa ra hai ý chính. Thứ nhất thế lưỡng nan của bà Aung San Suu Kyi và thứ hai là châu Á đang trở thành một mặt trận mới, nơi có "xung đột với đạo Hồi".

Không phủ nhận những sai lầm bà Aung San Suu Kyi, biểu tượng dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên tác giả nhắc lại một yếu tố quan trọng : Chính nhờ áp lực của công luận Miến Điện, của các Phật tử mà bà Aung San Suu Kyi đã được tập đoàn quân sự trả tự do để rồi từng bước đem lại một bộ mặt mới cho đất nước.ngặt một điều, những nhà tu khoác áo cà sa và Phật tử tại Miến Điện đã có ý đồ phát huy tư tưởng Phật giáo quá khích, cho dù phải loại trừ các thiểu số khác.

Tình hình nghiêm trọng đến nỗi mà tất cả những gương mặt tiêu biểu nhất cho các tôn giáo trên thế giới, từ đức Đạt Lai Lạt Ma, đến tổng giám mục người Nam Phi, Desmond Tutu, hay đức Giáo Hoàng Phanxicô đều phải lên tiếng kêu gọi chấm dứt truy bức người Hồi giáo Rohingya.

Nhưng nguy hiểm hơn cả theo nhà báo Makarian là hồ sơ Rohingya Miến Điện đang khơi dậy những hiềm khích tôn giáo tại châu Á. Có nguy cơ những thành phần dân tộc chủ nghĩa theo Ấn Độ Giáo noi gương Miến Điện, xua đuổi người theo đạo Hồi. Đó là chưa kể đe dọa thánh chiến Hồi giáo bắt rễ vào một số nước ở Đông Nam Á từ Malaysia, Indonesia đến Philippines.

Không hẹn mà phóng viên của tuần báo L'Obs, François Reynaert đưa ra một quan điểm tương tự qua nhận định :. Khủng hoảng Rohingya bùng lên vào lúc "bản sắc tôn giáo" chia rẽ Nam Á và Đông Nam Á.

Không phải tình cờ mà thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tuyên bố đứng về phía chính quyền Miến Điện. Ngược lại tại Indonesia, nước đông dân Hồi giáo nhất thế giới thì người ta lại đốt cờ của Miến Điện. Reynaert châm biếm : Đó là chưa kể đến những quốc gia yêu chuộng dân chủ như Thổ Nhĩ Kỳ hay Tchetchenia lên tiếng tỏ tình "liên đới với những người anh em Hồi giáo" trong vùng vịnh Bengale. Tiếc là dù biến khủng hoảng Rohingya thành một công cụ chính trị như vậy, chẳng cải thiện được gì cho những con người khốn khổ đang sống trong tuyệt vọng.

Cam Bốt : Hồi kết của ảo vọng dân chủ

Phần trang châu Á của Courrier International thu hút độc giả với một bức hí họa với nội dung một bàn chân to dẫm đạp xuống những mạng người nhỏ như kiến, số bỏ chạy tứ tung. Ở bên trên là hàng tựa : "Hồi kết của ảo vọng dân chủ Cam Bốt".

Courrier International trích lại một bài báo trên The Nation của Thái Lan : "Sau 30 năm cầm quyền, tưởng chừng thủ tướng Cam Bốt Hun Sen an tâm. Tiếc rằng thực tế không hẳn là như vậy. Chuẩn bị cho bầu cử vào năm tới chính ông Hun Sen đã quyết định tấn một đòn mạnh vào các đối thủ chính trị và những tiếng nói bất đồng".

Nhật báo Cambodia Daily đã phải đóng cửa hôm đầu tháng sau đăng bài xã luận với nội dung tố cáo Cam Bốt lại rơi vào vòng luẩn quẩn của một chế độ độc tài. Cũng chính quyền Phnom Penh đã ra lệnh bắt giam lãnh đạo đảng đối lập, nghị sĩ Quốc Hội Kem Sokha vì tội "phản quốc", dọa giải tán đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt mà ông Kem Sokha là một trong hai đồng chủ tịch.

Bài báo kết thúc như một lời khuyên với lãnh đạo Cam Bốt :" Có lẽ thủ tướng Hun Sen nên chăm chút cho hình ảnh của ông, để được lịch sử nhớ đến như người đã đưa xứ Chùa Tháp ra khỏi "vùng tăm tối" sau những năm tháng Khemer Đỏ, hơn là gia tăng đàn áp đối lập để lộ hình ảnh của một nhà độc tài chấm dứt ảo vọng dân chủ, đẩy Cam Bốt vào một tương lai tối tăm".

Vera, người tình của Nabokov

Trong lĩnh vực văn hóa, chúng ta biết rất nhiều về Vladimir Nabokov tác giả cuốn tiểu thuyết từng gây tranh cãi một thời Lolita, nhưng có mấy ai biết được rằng, ông là một người chồng chung thủy ngoại hạng. Trong hơn nửa thế kỷ chỉ yêu có mỗi nàng Vera.

L'Obs giới thiệu tập thư Nabokov gửi đến người vợ yêu trong một tuyển tập 850 trang với cái tên đơn giản Thư gửi Vera nhà xuất bản Fayard vừa cho ra mắt độc giả Pháp.

Tiểu thuyết Lolita mang tính "nổi loạn" bao nhiêu, thì ngược lại ngoài đời, cha đẻ ra nhân vật này lại là một người chồng "hiền lãnh" bấy nhiêu. Các bạn văn của ông và sau này hậu thế đều biết Nabokov nổi tiếng là "một nhà cầm bút có cuộc hôn nhân dài nhất của thế kỷ 20".

Qua những lá thư tình lãng mạn đó, chúng ta biết được rằng, Vladimir và Vera đã gặp nhau lần đầu năm 1923 giữa lòng Berlin trước khi kết nghĩa trăm năm. Cả hai đã cùng chạy trốn khỏi gọng kềm Bolchevik. Vera yếu đuối về thể chất. Vladimir có sức khỏe vô thường, ông thích chu du thiên hạ. Đã không ít lần Nabokov van xin người đẹp Vera cùng ông đến Luân Đôn, Paris hay đến bên bờ biển biếc miền nam nước Pháp.

Ngay cả khi họ sống chung dưới một mái nhà, Nabokov vẫn có thói quen viết thư cho vợ. Lettres à Vera bao gồm những bức thư rất riêng tư của tác giả tiểu thuyết Lolita gửi đến người vợ yêu trong suốt thời gian từ năm 1923 đến 1976, tức một năm trước khi Vladimir Nabokov qua đời. Tiếc là về phía Vera bà đã hủy toàn bộ thư bà viết cho chồng. Theo giải thích của chính bà, bút sách là "thuộc phạm trù của riêng" Vladimir Nabokov.

Bóng ma chiến tranh Việt Nam

Sẽ là một thiếu sót nếu không điểm qua khung báo nhỏ trên L’Obs dành cho cuốn tiểu thuyết Cảm Tình Viên của nhà văn Mỹ gốc Việt, Nguyễn Thanh Việt. Tiểu thuyết từng đoạt giải Pulitzer này vừa được dich sang tiếng Pháp. Nhà báo Đoan Bùi trên L’Obs ghi nhận : Người Việt sống với những hồn ma, trong tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Việt không thiếu những bóng ma đó. Những bóng ma đó không chỉ là những người chết trong chiến tranh, mà còn có cả những người di tản và kể cả số mà đồng hồ tâm lý đã dừng lại ở múi giờ của Sài Gòn. Như chính Nguyễn Thanh Việt đã viết : "Chiến tranh luôn diễn ra hai lần, một trên trận địa và một trong ký ức".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.