Vào nội dung chính
SỨC KHOẺ - KHOA HỌC

Tổ chức Y tế Thế giới : Thịt đỏ gây ung thư

Bên cạnh các chủ đề thời sự như phe bảo thủ trở lại nắm quyền ở Ba Lan được đánh giá như thêm một thách thức đối với Châu Âu, hay thất nghiệp Pháp giảm nhẹ trong tháng 9 .... , các báo Pháp ngày 27/10/2015 tập trung trên một chủ đề « sức khỏe ». Đó là báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới OMS, công bố trên mạng hôm qua, theo đó « Thịt đỏ được liệt vào diện gây ung thư », tít lớn của Le Monde ngay trên trang nhất.

Một gian hàng bán "thịt đỏ" trong siêu thị Wal-Mart tại Arkansas - REUTERS /Rick Wilking
Một gian hàng bán "thịt đỏ" trong siêu thị Wal-Mart tại Arkansas - REUTERS /Rick Wilking
Quảng cáo

Báo Le Monde tuy nhiên cũng nêu quan điểm thận trọng của tổ chức Liên Hiệp Quốc, đã cho là « việc tiêu thụ thịt đỏ có thể gây ung thư ». Vấn đề đáng ngại hơn, là không chỉ « thịt đỏ », tất cả những sản phẩm chế biến từ thịt, các loại thịt nguội, jambon, xúc xích, thịt hộp…, đều chắc chắn gây ung thư, và tiêu thụ mỗi ngày 50g thịt chế biến kể trên làm tăng khả năng ung thư đến 18%.

Theo Le Monde, kết luận OMS đưa ra dựa trên 800 trường hợp nghiên cứu tại 10 quốc gia. Đây không phải lần đầu tiên có lời cảnh báo ăn nhiều thịt có khả năng bị ung thư tuyến đường ruột, nhưng kết luận của OMS là một lời xác nhận quan trọng. Le Monde cũng nhắc lại là ngành Y tế Pháp cũng đã từng khuyên nên bớt ăn thịt.

Nhân dịp này tờ báo xem lại người Pháp tiêu thụ thịt nhiều ít ra sao, và ghi nhận là lượng tiêu thụ đã có phần giảm bớt. Trích số liệu năm 2014, tính theo đầu người, thì người Pháp ăn 86 kg/năm, nhiều nhất là thịt heo, 38%, trước thịt bò, 29% và thịt gà, 28%. Le Monde cũng nhắc lại lượng thịt sản xuất trên thế giới, như vào năm 2013, là 309 triệu tấn.

Kết luận công bố của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư -CIRC- trực thuộc OMS - dĩ nhiên bị giới công nghiệp thực phẩm và chăn nuôi phản bác ngay lập tức.

Phải tránh những thức ăn ngon miệng ?

Le Figaro dành hai trang trong cho kết luận của OMS và nêu lên những vấn đề nảy sinh từ lời cảnh báo. Về mặt sức khỏe, tờ báo e ngại không có thịt thì sẽ khó tránh việc thiếu chất, rau quả không thể bù đắp đủ ? Theo Le Figaro phải nghĩ lại cách thức ăn uống : một bữa ăn cân đối là cách tốt nhất tránh nguy cơ ung thư !

Le Figaro cũng lo ngại hậu quả cho ngành chăn nuôi vốn đã gặp nhiều khó khăn. Tờ báo cũng lấy làm tiếc khi nghĩ đến là phải bỏ ăn thịt đỏ, thịt nguội – từng bị "tố cáo’"dẫn đến các bệnh tiểu đường, tim mạch giờ đây là ung thư, và bào chữa là các món này cũng mang lại những chất cần thiết cho chúng ta và lại " ngon miệng "nữa.

Le Figaro còn lưu ý là giờ đây các căn tin nhà trường có thay đổi gì không vì thịt đỏ thường được cho các em ăn nhiều.

Kết luận của OMS chưa đủ sức thuyết phục ?

Báo kinh tế Les Echos cũng rất chú ý đến vấn đề thịt đỏ và ung thư này, nêu thắc mắc dưới dạng hỏi đáp : phải chăng thịt đỏ dẫn đến ung thư ?

Tờ báo rất thận trọng ghi nhận là dữ liệu đưa ra còn hạn chế cho nên không hoàn toàn loại trừ sự ngẫu nhiên hay số liệu thống kê có chủ ý. Tờ báo cũng lưu ý là khả năng ung thư do ăn nhiều cá hay gà vịt không được nêu lên. Les Echos cũng nhấn mạnh là số ung thư cho là do ăn thịt đỏ chỉ độ 3%, còn thấp hơn là nguyên nhân thuốc lá (18%) và rượu (8%).

Cũng như đồng nghiệp Le Figaro, Les Echos cho là thịt cũng có những bổ ích của nó đối với sức khỏe, và nếu có những lời khuyên giảm việc ăn thịt được y tế nhà nước (Pháp) đưa ra, thường là do ảnh hưởng đến tim mạch, bệnh tiểu đường, còn đối với ung thư thì chưa có đủ dữ liệu để đưa mức tiêu thụ tốt nhất, như những lời khuyên về rượu chẳng hạn – không quá một ly/ngày.

Les Echos cũng tỏ ra bất bình trên từ " thịt đỏ " của OMS, vì cho là gây lộn xộn. Trong từ ngữ " thịt đỏ ", Tổ chức y tế đã loại trừ thịt gia cầm nhưng lại gộp vào những loại thịt được gọi thông thường là thịt trắng : thịt heo và thịt bê.

Loại thịt mà người bình thường hay gọi là thịt đỏ, như ghi cả trong các sách dạy nấu ăn, thường là thịt bò, cừu, ngựa. Tờ báo công nhận là giới khoa học trong loại thịt đỏ này chỉ bỏ loại thịt gà vịt mà thôi, và do đó gây hoang mang nơi dân chúng bình thường.

Ấn Độ tranh thủ Châu Phi

Về Châu Á hôm nay, Le Monde và Les Echos nhìn sang Ấn Độ đang tổ chức Thượng đỉnh Ấn Phi, và ghi nhận chung như tựa của Les Echos : Ấn Độ tìm cách củng cố thế đúng ở Châu Phi và giành tài nguyên.

Tờ báo hóm hỉnh cho là Ấn Độ muốn giành phần bánh sau khi bị Trung Quốc lấn át. Les Echos còn mỉa mai cho là cuộc tập hợp cấp thượng đỉnh này là một nghi lễ diễn ra từ nhiều năm nay giữa Trung Quốc và Châu Phi, bây giờ được sao chép ở New Delhi.

Tờ báo cũng tự hỏi là kết quả hội nghị tập hợp hơn 40 lãnh đạo Châu Phi sẽ là gì. Giờ thì chưa ai có thể nói trước, nhưng có lẽ sẽ có những chủ đề mới như an ninh hàng hải hay kinh tế dựa vào biển.

Nhưng dẫu sao Ấn Độ rất được hoan nghênh đối với những nước đang chịu hậu quả của tình trạng kinh tế Trung Quốc bị yếu hơi.

Le Monde cũng chạy một tựa gần như tương tự Les Echos : Ấn Độ ve vãn Châu Phi và tài nguyên của lục địa này. Trong mắt của Le Monde thì dĩ nhiên Ấn Độ đang muốn bắt kịp Trung Quốc, xóa khoảng cách tại châu lục này.

Le Monde nhìn thấy sự khôn khéo của New Delhi, muốn tạo một hình ảnh khác trong công cuộc đối tác hai bên, nên đã nhấn mạnh đến khía cạnh " đối tác phát triển ". Thủ tướng Ấn cũng nhấn mạnh đây không phải là " một chiều " mà Ấn Độ cũng cần học hỏi nhiều, trước các " thành công của Châu Phi ".

Le Monde cũng nói đến những chủ đề mới mà Ấn Độ có vẻ thiết tha : an ninh hàng hải, kinh tế " xanh dương ", Ấn Độ Dương, theo tờ báo là một trong những ưu tiên của thủ tướng Modi và bờ biển Châu Phi trải dài trên 26.000 cây số có một vai trò chiến lược và thương mại quan trọng.

Nhật Bản : Không cách gì ngăn chặn đà tuột giảm dân số ?

Báo Le Figaro cũng quan tâm đến Châu Á vói câu hỏi : Nhật Bản có thể ngăn chặn đà giảm sụt dân số hay không ? Tờ báo lo ngại là nếu không làm gì thì quốc gia này sẽ " bị gầy đi " 1/3 từ đây đến năm 2060.

Như thế theo Le Figaro, Nhật chỉ còn khoảng 86,7 triệu dân, trong khi chính quyền Abe vừa ra chỉ tiêu là duy trì được 100 triệu. Nhưng nếu không có nỗ lực gì đáng kể thì tương lai xa hơn, vào năm 2110, Nhật sẽ "gầy " đi 2/3, lúc ấy chỉ còn 42,9 triệu dân.

Giải pháp trong mắt Le Figaro là làm thế nào khuyến khích người dân sinh con, và trung bình tỷ lệ phải trên 2, chứ không là 1,4 như hiện nay. Thứ hai theo tờ báo Nhật, phải mở cửa đón thêm người nhập cư lao động. Điều mà Tokyo luôn từ chối.

Hiện nay theo Le Figaro, một số chuyên gia đã lên tiếng cổ vũ mở cửa cho người lao động nước ngoài. Nhật Bản cần hơn 2 triệu người hầu bù vào số lao động sẽ thiếu hụt nghiêm trọng, và có đề xuất về một quota 200.000 người mỗi năm. Theo Le Figaro, giới kinh tế nhìn xa, nhưng những điều này thì không hề nghe chính quyền đề cập đến.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.