Vào nội dung chính
TÔN GIÁO-XÃ HỘI

Giáo hoàng Phanxicô trước sóng gió cải cách

Đức Giáo hoàng Phanxicô đang trong tâm bão tại hội nghị tôn giáo bàn về gia đình và hôn nhân diễn ra tại Roma. Ngài đang phải khéo léo chèo lái để làm dịu những ý kiến đối lập. Nhật báo Libération giành sáu trang đầu tiên đề cập tới bảy thách thức lớn mà ngài đưa ra, cũng như chân dung của Đức Giáo hoàng luôn « đề cao con người và lòng nhân từ ».

Giáo Hoàng Phanxicô trong chuyến tông du Hoa Kỳ 2015.
Giáo Hoàng Phanxicô trong chuyến tông du Hoa Kỳ 2015. REUTERS/Carlos Barria
Quảng cáo

Ba trăm vị Tổng Giám mục từ khắp thế giới được mời về Vatican để cùng nhau bàn về cách thích nghi mới của Giáo hội trước những thay đổi về khái niệm gia đình. Thế nhưng, đây cũng là cơ hội để một số ý kiến đối lập kịch liệt phản đối những chủ đề gây nhiều tranh cãi nhất, trong đó có quyền truy cập thông tin về người đã ly hôn dân sự, hay vấn đề người đồng tính. Ngoài ra, nhiều tiếng nói có trọng lượng trong Giáo hội đã cáo buộc Đức Giáo hoàng Phanxicô đang thay đổi quy tắc hoạt động của Hội đồng Giám mục để ngăn chặn mọi ý kiến đối lập.

Sau hai năm rưỡi đứng đầu tòa thánh, đây là lần đầu tiên Đức Giáo hoàng có đường hướng đổi mới phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt. Libération đặt câu hỏi phải chăng đây là bước đầu đánh dấu sự « thất sủng » của Giáo hoàng Phanxicô tại Vatican, trong khi ngài vẫn nổi tiếng và được giáo dân yêu mến ?

Theo bài xã luận trên nhật báo khuynh tả, không thể phủ nhận Đức Giáo hoàng Phanxicô là người đứng đầu tòa thánh Vatican « chịu khó » giao tiếp nhất. Cách sống giản dị của ngài, cũng như việc ngài đề cao lòng nhân từ và yếu tố con người, giải thích sự nổi tiếng của ngài.

Chính vì vậy, khi nói về người đồng tính, Đức Giáo hoàng Phanxicô phát biểu : « Tôi là ai mà có quyền đánh giá họ ? ». Hay chuyến công du đầu tiên với tư cách là người đứng đầu Giáo hội, ngài đã chọn tới đảo Lampedusa (Ý), nơi người nhập cư chen chúc nhau để tìm một con đường sống, một cuộc sống mới không bị chiến tranh và cái chết đe dọa. Cũng chính vì lòng nhân từ và con người mà ngài công kích những « thái quá » của chủ nghĩa tư bản, đồng thời không hề vượt qua giáo lý xã hội truyền thống mà Giáo hội ban hành vào cuối thế kỷ XIX.

Trái ngược với Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tiền nhiệm, Giáo hoàng Phanxicô biết cách để thông điệp của mình tới được người nghe. Ngài là một nhà cách mạng, như thánh Phanxicô Assise bảo vệ người nghèo và là tiểu tượng cho tình yêu đồng loại, trong quá khứ, đã từng tìm cách cải cách Giáo hội mà không xa cách với các chuẩn tắc.

Khi nhắc tới Chúa trời, người đứng đầu Vatican nói rằng đấng tối cao nhắc nhở ngài cần có « lòng dũng cảm để thay đổi những gì có thể, cần có sức mạnh để chịu đựng những gì không thay đổi được và cần nhất là trí thông minh để phân định được người này với người khác ».

Đức Giáo hoàng Phanxicô là người đứng đầu Giáo hội và dĩ nhiên là người có quyền lực tuyệt đối. Song đây cũng chính là thách thức lớn mà ngài phải đối mặt, vì để thay đổi cả cỗ máy Công giáo và giáo lý, ngoài chính sách truyền thông, cần phải có nhiều yếu tố khác nữa. Còn để đối mặt với những thách thức của một xã hội không ngừng biến đổi, nếu chỉ tái khẳng định những nguyên tắc lớn, dù rất rộng lượng, thì vẫn chưa đủ. Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đóng một vai trò tích cực trong lịch sử, còn Đức Giáo hoàng Phanxicô mới đang chỉ ở giai đoạn đầu thời kỳ lãnh đạo của mình.

Kim Jong-un « đánh bóng » độc đảng

Không đề cập trong số ra ngày hôm qua tới cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 ngày thành lập Đảng Lao động Bắc Triều Tiên, hôm nay, Le Monde có bài viết về chính sách « đánh bóng » độc đảng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Đảng Lao động Bắc Triều Tiên được thành lập tháng 08/1946 sau khi hợp nhất với Đảng Cộng sản Bắc Triều Tiên (được thành lập vào tháng 10/1945). Đặc phái viên của Le Monde áng chừng có khoảng 3 triệu Đảng viên trên tổng số 24 triệu dân. Đảng là nền tảng của chế độ. Đảng phân chia xã hội thành những cơ sở, các ủy ban hay tổ chức. Đảng kiểm tra bộ máy Nhà nước và quyết định những ưu tiên tuân thủ theo nguyên tắc của chủ nghĩa Lênin về « tập trung dân chủ ».

Vai trò tối cao của đảng chỉ suy yếu đi dưới thời kỳ lãnh đạo của Kim Jong-il (1994-2011). Thực vậy, trong những năm cuối thập niên 1990, Bắc Triều Tiên phải đối mặt với nạn đói, nguy cơ bất ổn trong nước và bị thế giới cô lập, vì vậy nhà lãnh đạo lúc đó cần tới sự ủng hộ của quân đội.

Thế nhưng, từ năm 2010, Kim Jong-il đã tìm cách củng cố hình ảnh của đảng để đảm bảo tính chính đáng của chế độ. Quá trình khôi phục sức mạnh của đảng được người kế thừa Kim Jong-un tiếp tục thực hiện sau khi trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Kim Jong-un lần lượt giảm bớt những đặc quyền mà cha mình giành cho quân đội, đặc biệt trong lĩnh vực kiểm soát hoạt động kinh tế đầy lợi nhuận. Một số sĩ quan cao cấp bị thất sủng và « biến mất » một cách bí ẩn trên trường chính trị. Gần đây nhất là tướng Hyon Yong-chol, Bộ trưởng Lực lượng vũ trang nhân dân, có lẽ đã bị hành quyết nếu căn cứ theo những thông tin do tình báo Hàn Quốc cung cấp.

Trong vòng chưa đầy 4 năm, ba tổng Tham mưu trưởng và năm Bộ trưởng Quốc phòng lần lượt bị thay thế. Theo một chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Sejong, tại Seoul, những vụ thanh trừng trên « chỉ giúp chế độ vững mạnh hơn, chứ không làm suy yếu nó ».

Ý đồ thâu tóm quyền kiểm soát quân đội được tiến hành thông qua việc giảm bớt số lượng đại biểu của lực lượng này tại Bộ Chính trị, vì hiện nay đang thường được Kim Jong-un tham khảo ý kiến trước khi đưa ra những quyết định quan trọng. Trong khi đó, dưới thời người cha, Bộ Chính trị chỉ mang tính tượng trưng, ít khi được Kim Jong-il triệu tập.

Ngoài ra, đường lối phát triển song song hai hướng kinh tế và quân sự, chiếm vị trí quan trọng trong thập niên 1960 dưới thời cố chủ tịch Kim Nhật Thành, cũng được người cháu cùng với Đảng Lao động ưu tiên thực hiện. Nhờ đó, xã hội Triều Tiên có nhiều biến chuyển : nền kinh tế thị trường đang từng bước phát triển với nền kinh tế quốc doanh ; chế độ cũng trao nhiều quyền tự trị hơn cho các doanh nghiệp.

Khó có thể đưa ra con số tăng trưởng chính xác của quốc gia khép kín nhất hành tinh. Tuy nhiên, từ ba năm nay, thủ đô Bình Nhưỡng chuyển mình với những tòa nhà cao tầng, giao thông sầm uất hơn cùng với sự xuất hiện của xe taxi (không hề tồn tại trước đây), các cửa hiệu và nhà hàng, điện thoại di động ngày càng nhiều (hiện nay có gần 3 triệu máy) và trang phục của người dân đa sắc màu hơn. Có thể nói, Bình Nhưỡng đứng ngang hàng với một thành phố tầm trung của Trung Quốc. Mới đây, Bình Nhưỡng vừa khánh thành một không cảng quốc tế, lớn gấp sáu lần so với nhà ga cũ, dù hiện nay, số lượng các chuyến bay vẫn còn hạn chế.

Không chỉ còn mỗi tầng lớp tinh hoa Triều Tiên mới được hưởng những cải thiện về điều kiện sống nêu trên. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu thốn lương thực, dù không thường xuyên và 2/3 dân số không được đảm bảo an toàn lương thực, theo thông tin của Chương trình Lương thực Thế giới (PAM).

Sức chống chọi của thị trường sách giấy trong kỉ nguyên điện tử

Hội chợ Sách quốc tế Frankfurt sẽ khai mạc ngày mai, 14/10/15. Nhân dịp này, báo Le Monde giành nguyên chuyên mục « Hồ sơ » để phân tích sức chống chọi của thị trường sách trước nhiều bất lợi, trong đó phải kể tới những trò giải trí hấp dẫn khác và việc người dân bớt hứng thú đọc sách.

Lượng độc giả ngày càng giảm là thách thức đầu tiên mà thị trường sách giấy phải đối mặt. Theo kết quả một cuộc điều tra của Bộ Văn hóa Pháp tiến hành vào năm 2008, trong khoảng thời gian từ 1973 đến 2008, số lượng người đọc trên 20 cuốn sách/năm trong độ tuổi trên 15 tuổi đã giảm từ 28% xuống còn 16% dân số. Khoảng 53% người Pháp cho biết là « không đọc hoặc rất ít đọc sách ». Doanh thu của các nhà xuất bản nhờ việc chuyển nhượng quyền tác giả tăng 5,5% vào năm 2014, trong khi đó doanh thu từ bán sách lại giảm bớt 1,7%.

Ngoài lý do người đọc bớt hứng thú và thiếu thời gian đọc sách, còn phải kể tới những trò giải trí khác tinh xảo và hấp dẫn hơn, hay sách điện tử, thuận tiện và bớt cồng kềnh hơn.

Thách thức thứ ba nằm ở ngay tâm lý của tác giả. Quả thực, mục tiêu chính của rất nhiều tác giả là tác phẩm của họ được chuyển thể thành phim màn ảnh rộng. Nhờ đó, họ sẽ thu được nhiều hơn là từ khoản tiền nhuận bút hay tiền bản quyền từ việc bán sách.

Cuối cùng, các nhà sách truyền thống còn phải đối mặt với cỗ máy Amazon, trang bán hàng trực tuyến của Mỹ. Chỉ tính riêng các đầu sách bằng tiếng Pháp đã có tới hơn 400.000 tác phẩm. Với chính sách khách hàng thân thiện, giá bán sách trên trang này còn rẻ hơn mua tại hiệu sách truyền thống. Điều này giải thích doanh thu hàng năm của tập đoàn này luôn tăng thêm 15% và có thể trở thành « hiệu sách » hàng đầu nước Pháp vào năm 2016 hoặc muộn nhất là năm 2017, theo thông tin do Nghiệp đoàn Sách quốc gia Pháp cung cấp.

Gần 9% người Pháp có nguồn gốc nhập cư

Đây là kết quả điều tra của Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Pháp (Insee), được hai nhật báo Le Figaro và La Croix đề cập hôm nay.

Tờ Le Figaro cho biết có gần 6 triệu người nhập cư đang sống trên lãnh thổ Pháp. Hàng năm có khoảng hơn 60.000 trẻ sinh ra có bố mẹ là người nước ngoài. Vẫn theo kết quả của viện Insee, số lượng người nhập cư vào Pháp vẫn nhiều hơn là số lượng người nhập cư hồi hương. Ví dụ, năm 2013, có 235.000 người vào Pháp thuộc diện nhập cư, chiếm tới 70% trên tổng số 332.000 người vào Pháp (trong đó có cả người Pháp sinh tại nước ngoài). Hiện nay, dân số Pháp là 65,8 triệu người, trong đó 5,9 triệu người là người nhập cư, chiếm 8,9% dân số.

Theo La Croix, trong khoảng thời gian từ 2006-2013, có khoảng một triệu người nước ngoài đã được nhập quốc tịch Pháp. Tuy nhiên, số lượng này giảm dần theo từng năm trong giai đoạn trên, ví dụ năm 2006 có 147.000 người được cấp quốc tịch, thì con số này giảm xuống còn 97.000 người vào năm 2013.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.