Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Trung Quốc bắt tay với Pháp để củng cố sự hiện diện ở Châu Phi

Ngoài những hợp đồng thương mại, chuyến công du tại Pháp của thủ tướng Lý Khắc Cường còn có hai mục đích chính : tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc tại thị trường Châu Phi và trình bày rõ ràng định hướng của quốc gia này về vấn đề khí hậu đúng 5 tháng trước khi Thượng đỉnh COP21 được khai mạc tại Paris

Thủ tướng Pháp Manuel Valls (trái) tiếp Thủ tướng TQ và phu nhân tại phi trường Toulouse.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls (trái) tiếp Thủ tướng TQ và phu nhân tại phi trường Toulouse. Reuters.
Quảng cáo

Hai điểm này đều được nhật báo Le Monde lần lượt phân tích dưới dòng tựa : « Trung Quốc bắt tay với Pháp để củng cố sự hiện diện tại Châu Phi », tờ báo nhận định Pháp muốn tăng cuờng tham gia vào chiến lược mở rộng đầu tư của Trung Quốc tại Châu Á, và đặc biệt là tại các quốc gia Châu Phi. Đây là nội dung một bản tuyên bố chung về hợp tác với các nước đang phát triển nhân chuyến viếng thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Paris ngày 30/6.

Tuyên bố cùng hợp tác tại Châu Phi chỉ có lợi cho cả hai nước. Pháp có lợi thế là duy trì được những mối quan hệ mật thiết về văn hóa, chính trị và kinh tế với lục địa đen. Paris mong muốn cùng hợp tác với Bắc Kinh tại Châu Phi, thay vì cạnh tranh trực diện với nhà đầu tư ngày càng vững mạnh tại đây.

Thực vậy, theo các con số đầu tư của Trung Quốc được công bố tại Hội nghị Hợp tác Trung-Phi (Focac) được tổ chức ba năm một lần, năm 2006, quốc gia này đầu tư trên 5 tỉ đô la (4,5 tỉ euro) vào Châu Phi ; 10 tỉ đô la vào năm 2009 ; 20 tỉ đô la vào năm 2012. Riêng năm 2013, số tiền đầu tư là 10 tỉ đô la nhân dịp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên công du châu lục này.

Một nguồn tin ngoại Pháp giao tiết lộ, « Trung Quốc có khả năng cung cấp những nguồn tài chính khổng lồ cho phép bán rẻ các cơ sở hạ tầng. Còn Pháp có lợi thế về trình độ và công nghệ tiên tiến của mình ». Ngoài mục tiêu kinh tế, Pháp đề cao vai trò điều phối cho Trung Quốc về mặt trách nhiệm xã hội để cả hai đối tác cùng có thể tìm ra nguyên tắc quản trị giúp các nước Châu Phi không bị quá tải vì nợ.

Một số tập đoàn Pháp đã sát cánh với các nhà đầu tư Trung Quốc, như Alstom, hay chính xác hơn là chi nhánh Alstom Hydro China tại Trung Quốc, sẽ trang bị các tua bin cho đập nước Karuma, tại Ouganda, do tập đoàn Sinohydro xây dựng. Hay Total đã làm việc với các nhà khai thác dầu mỏ Trung Quốc từ nhiều năm nay. Và lẽ tự nhiên là các tập đoàn Trung Quốc sẽ hợp tác với Pháp tại các quốc gia Châu Phi thuộc cộng đồng Pháp ngữ.

Trung Quốc là nước « ngốn » rất nhiều nguyên liệu. Quốc gia đông dân nhất hành tinh tiêu thụ tới một nửa tổng sản lượng xuất khẩu của Congo-Brazzaville vào năm 2013, tới 45% của Angola và 35% của Zambia. Trung Quốc là nhà cung cấp cơ sở hạ tầng với nhiều công trường lớn trong các lĩnh vực giao thông và năng lượng, ví dụ như hệ thống đường sắt trị giá 9 tỉ đô la mới được Tanzania cấp cho một tổ hợp Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng phải đối mặt với vấn đề an ninh cho công dân nước này, hiện có khoảng 1-2 triệu người, tại lục địa đen.

Nhà nghiên cứu Yun Sun, chuyên gia về quan hệ giữa Trung Quốc, Châu Á và Châu Phi đánh giá, tại Châu Phi, Trung Quốc cũng phải đối mặt với hình ảnh là một quốc gia thiếu kinh nghiệm trong các lĩnh vực mà các nước phương Tây có thể giúp đỡ. Chính vì vậy, Bắc Kinh coi việc hợp tác với Pháp chỉ có lợi giúp Trung Quốc phát triển tại Châu Phi, chứ không làm họ suy yếu đi. Cách tiếp cận mới này được thực hiện từ khi đội ngũ các nhà lãnh đạo mới lên cầm quyền vào năm 2013.

Trung Quốc ấn định mức độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào khoảng năm 2030

Phát biểu của thủ tướng Lý Khắc Cường tại Paris về những cam kết khí hậu của Trung Quốc được coi là một động thái mang tính tượng trưng trước thượng đỉnh Khí hậu COP 21 tổ chức tại Paris. Báo Le Monde nhấn mạnh : « Trung Quốc ấn định mức độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào khoảng năm 2030 ».

Theo tiến trình được phái đoàn Trung Quốc công bố ngày 30/06, quốc gia này sẽ ấn định mức độ khí thải CO2 vào khoảng năm 2030, song sẽ nỗ lực hết sức để đạt được sớm hơn. Các chuyên gia thẩm định việc sử dụng nhiên liệu than đá sẽ ổn định trong vòng 5 năm tới, nhường chỗ cho việc tiêu thụ năng lượng sạch trong các lĩnh vực điện lực và công nghiệp.

Tình trạng tiêu thụ than đá là nguyên nhân của 80% lượng khí thải CO2 tại Trung Quốc. Bắc Kinh đã có những chính sách hạn chế tiêu thụ nhiệt điện, đồng thời phát triển các nguồn năng lượng sạch nhằm đạt mục tiêu các nguồn năng lượng này phải chiếm khoảng 20% tổng số năng lượng tiêu thụ tại Trung Quốc. Trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất vào các nguồn năng lượng sách từ năm 2013, Trung Quốc sẽ còn tiếp tục các chính sách khuyến khích phát triển các lĩnh vực sản xuất điện từ năng lượng mặt trời, từ sức gió hay khí ga sinh học…

Theo các chuyên gia, với những chính sách đang được thực hiện như hiện nay, Trung Quốc có thể sẽ đạt được định mức lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước năm 2025, như vậy trước cả thời hạn 2030.

Cam kết giảm lượng khí thải không chỉ là trách nhiệm của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế, mà còn đáp ứng nhu cầu của người dân nước này. Thực tiễn tại Trung Quốc cho thấy, các cam kết của nước này đưa ra xuất phát từ những vấn đề cấp bách trong nước. Theo con số thống kê được Tổ chức Y tế Thế giới công bố, chừng 2 triệu người có thể tránh được cái chết hàng năm nếu các tiêu chí về chuẩn ô nhiễm không khí được tôn trọng, đặc biệt là tại Trung Quốc và Ấn Độ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thế giới chỉ có thể duy trì định hướng nhiệt độ trái đất không được vượt quá 2°C từ thập kỷ tới, hay chính xác hơn là từ năm 2020, còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng giảm khí thải của Trung Quốc. Thế nhưng, không chỉ phụ thuộc vào một mình Trung Quốc, định mức 2°C còn phụ thuộc vào nhiều quốc gia khác, cũng như hành động của thế giới trong những thập kỷ tới.

Tsipras reo rắc bất hòa giữa Pháp và Đức

Tổng thống Pháp mong muốn khẩn cấp đạt được một thỏa hiệp với Hy Lạp, trong khi đó, thủ tướng Đức phát biểu chỉ nối lại đàm phán với Hy Lạp sau cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra vào ngày 05/07. Trang nhất của tờ Le Figaro nhận định : « Tsipras reo rắc bất hòa giữa Pháp và Đức ». Còn theo nhật báo kinh tế Les Echos, « Merkel và Hollande thể hiện bất đồng về cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng của Hy Lạp ».

Tờ Les Echos nêu lại tinh thần đoàn kết của hai nước, bỏ qua mọi bất đồng để cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraina, sau đó là vấn đề khí hậu. Thế nhưng, từ hôm qua, cặp bài trùng Pháp-Đức có những dấu hiệu bất hòa về việc giải quyết khủng hoảng Hy Lạp. Bài xã luận của Le Figaro nhận định, François Hollande đã vội vàng trong cuộc chiến cân não mà thủ tướng Tsipras áp đặt. Thực vậy, Paris nghiêng về việc nhanh chóng tìm được một lối thoát cho vấn đề này, song Berlin không có cùng quan điểm trên và phát biểu sẽ không có cuộc họp nào của Eurogroupe trước ngày chủ nhật tới.

Vì chưa tìm ra được tiếng nói chung, cả tổng thống Hollande và thủ tướng Merkel đang phớt lờ Hy Lạp. Khi đã hiểu ra rằng sẽ không có lối thoát, thủ tướng Hy Lap Alexis Tsipras đã thông báo duy trì tổ chức cuộc trưng cầu dân ý, mà ông kêu gọi bỏ phiếu « chống » những đề xuất cải cách của bộ ba chủ nợ.

Thủ tướng Đức thì muốn chờ ý kiến của người dân Hy Lạp sau cuộc trưng cầu dân ý để định hướng các cuộc thương lượng dựa trên những kết quả này, và có thể không có sự tham gia của Tsipras.

Theo bài xã luận, đây không phải là sự bất đồng chiến thuật. Hai bối cảnh chính trị và hai triết lý đang đào sâu hố ngăn cách giữa Paris và Berlin. Tổng thống Pháp không muốn xa lánh cánh tả của mình, dù đảng của ông cũng đầy sóng gió. Mặc dù ông cam kết chắc chắn nền kinh tế sẽ phục hồi, nhưng ông đang lo ngại về tác động của cuộc khủng hoảng trên tới nền kinh tế Pháp. Trong khi đó, thủ tướng Đức lại thiên về đường lối cứng rắn được các đồng minh phe xã hội-dân chủ trong nước ủng hộ. Nền kinh tế nước này không có gì phải sợ. Níu kéo Hy Lạp không được ưu tiên bằng việc duy trì những nguyên tắc của khối sử dụng đồng euro mà theo họ, nếu không có những nguyên tắc trên, khối này sẽ đi đến thất bại. Bài xã luận kết thúc với lời nhận xét hồ sơ Hy Lạp đã nêu bật một loạt « sự cố » giữa Pháp và Đức.

NSA nghe lén thủ tướng Đức

Sau những phát hiện về việc Cơ quan An ninh Quốc gia NSA của Mỹ nghe lén các chính khách Pháp và bất kỳ thông tin gì liên quan tới kinh tế, thương mại Pháp, đặc biệt là những công ty có vốn trên 200 triệu đô la. Hôm nay, Libération tiếp tục thông tin thủ tướng Đức Angela Merkel cũng bị NSA nghe lén.

Theo tờ báo, những tại liệu này có thể sẽ làm nguội lạnh mối quan hệ giữa Washington và Berlin. Vì vào năm 2013, phát ngôn viên của Nhà Trắng đã « thẳng thắn » tuyên bố : « Hoa Kỳ không theo dõi và sẽ không bao giờ theo dõi các cuộc đàm thoại của thủ tướng Đức ». Ngoài ra, tờ báo còn cho biết Trụ sở Truyền thông Chính phủ Anh (Government Communications Headquarters, GCHQ) đã hợp tác chặt chẽ với cơ quan tình báo NSA, trong đó có cả việc theo dõi nhiều nước Châu Âu.

Trang nhất các báo

Bất đồng ý kiến giữa tổng thống Pháp François Hollande và thủ tướng Đức Angela Merkel về quyết định của thủ tướng Hy Lạp là tiêu đề chính trên các nhật báo Pháp trong số ra ngày hôm nay. Ngoài ra, các báo đều quan tâm tới việc Hoa Kỳ và Cuba bỏ qua 54 năm bất đồng để bình thường hóa bang giao thông qua việc mở lại lãnh sự quán bắt đầu từ ngày 20/07.

Chuyến công du của thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường với hàng loạt hợp đồng được ký kết tại Pháp vẫn tiếp tục được các báo đề cập. Ngoài đơn đặt hàng 75 máy bay A330, hai hợp đồng khác đã được ký kết hôm qua tại Marseille : một hợp đồng trị giá 900 triệu euro để xây dựng những tàu vận tải mới của tập đoàn CMA-CGM tại Trung Quốc, hợp đồng thứ hai nhằm phát triển các cảng biển trên con đường thương mại nối liền Trung Quốc và Pháp. Hôm nay, nhân vật số hai của Trung Quốc thăm cơ sở của nhà sản xuất máy bay Airbus tại Toulouse.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.