Vào nội dung chính
CHÂU ÂU- HY LẠP

Cứu Hy Lạp để cứu Châu Âu

Các cuộc thương thảo giữa Hy Lạp và Liên Hiệp Châu đã được nối lại hôm qua tại Bruxelles. Đa số các nhà lãnh đạo Châu Âu ý thức được rằng việc Hy Lạp rút khỏi Liên Hiệp sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho khối đồng euro. Đây là chủ đề trên trang nhất của các nhật báo Pháp.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. REUTERS/Charles Platiau
Quảng cáo

Tờ Le Monde đưa ra nhiều kịch bản trong trường hợp Hy Lạp không tìm được thỏa thuận với « Bộ Ba » các nhà tài trợ -Troika từ giờ tới ngày 30/06/2015 về việc thanh toán khoản nợ 1,6 tỉ euro trên tổng số 9 tỉ euro phải trả cho IMF tiếp theo sẽ là khoản nợ 3,5 tỉ euro tới hạn ngày 20/07 cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE). Trong trường hợp xấu nhất, Hy Lạp phải rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định các bên sẽ đạt được một thỏa thuận chung vào phút trót, như thông tin trên trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos :  "Thị trường đánh cuộc, Hy Lạp thể nào cũng được cứu". Còn theo bài phân tích trên tờ Libération, "Cứu Hy Lạp chính là cứu Châu Âu". Vì nếu Hy Lạp phải từ bỏ đồng euro điều này không chỉ có hại cho Athens mà cho toàn khu vực đồng tiền chung Châu Âu.

Theo bài phân tích của Libération, cuộc khủng hoảng Châu Âu, trên thực tế, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp. Cách đây 5 năm, cựu thủ tướng Georges Papandréou buộc phải kêu gọi các đối tác giúp đỡ. Do thiếu các biện pháp cải cách cần thiết, Hy Lạp không có khả năng đi vay trên các thị trường tài chính. 

Cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp không phải là trường hợp duy nhất mà Liên Hiệp Châu Âu đã trải qua. Vào cuối năm 2010 và đầu 2011, Ai Len và Bồ Đào Nha cũng lần lượt trải qua thời kỳ này do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ. Hai nước đã chấp nhận những chính sách « thắt lưng buộc bụng », giống như những biện pháp mà « Bộ Ba » đang yêu cầu Hy Lạp thực hiện. Sau ba năm, cả Ai Len lẫn Bồ Đào Nha đã thoát khỏi vực thẳm.

Từ năm 2013, đảo quốc Chypre cũng đang trên đà phục hồi kinh tế. Ngoài ra, còn phải kể tới Tây Ban Nha, sau khủng hoảng « bong bóng bất động sản », đã tự khôi phục và áp dụng nhiều biện pháp cải cách rất cứng rắn.

Như vậy, chỉ còn mỗi trường hợp « cá biệt » Hy Lạp. Cuối năm 2000, khi chấp nhận Athens trở thành thành viên của khối đồng euro, các quốc gia thành viên cùng với Ủy ban Châu Âu và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE) không biết rằng Hy Lạp đã nói dối về số liệu và tình trạng nền kinh tế của nước này.

Hơn nữa, vào năm 2005, chính phủ bảo thủ mới của Hy Lạp chính thức công bố nợ công của nước này đã giảm xuống còn một nửa trong vòng 4 năm. Athens tiếp tục nói dối tới năm 2009, nhưng đến thời điểm này thì quá trễ để có thể phản ứng một cách hiệu quả, do cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 đã khiến tình hình thay đổi hoàn toàn.

Các nhà lãnh đạo Châu Âu buộc phải « nặng tay » hơn đối với một quốc gia mà họ biết rõ điểm yếu, như quan liêu và tham nhũng, nền kinh tế khép kín chỉ quanh quẩn trong lĩnh vực công kém hiệu quả và có rất ít doanh nghiệp nhỏ không hiện đại và không chuyên về xuất khẩu. Đối với Châu Âu, vấn đề không chỉ nhằm cải thiện một vài điểm yếu mà phải khôi phục lại cả một quốc gia dựa trên những nền tảng mới. Và công việc này cần rất nhiều thời gian. Điều này cũng giải thích tại sao các quốc gia Trung Âu phải cần tới 14 năm để đạt được các tiêu chuẩn của các nước Tây Âu và họ vẫn cần thời gian để bắt kịp những nước này.

Căng thẳng về vấn đề Hy Lạp đạt tới đỉnh điểm khi Đức và các nước Bắc Âu, muốn sửa sai lầm từ năm 2000 bằng cách để Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro, đồng thời, coi đây là bài học cho những nước có ý định không tôn trọng kỷ luật chung. Nhưng sẽ không ai dự đoán được các thị trường phản ứng ra sao trước việc khu vực đồng euro không đủ khả năng giải quyết một vấn đề chỉ chiếm có 2% GDP của khối. Sự nghi ngờ trên sẽ phá hỏng niềm tin vào đồng euro và sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Vì vậy, giải pháp hợp lý nhất là, bằng mọi giá, giữ Hy Lạp lại trong khối, dù việc này sẽ rất tốn kém. Thay vì thúc bách, các đối tác của Hy Lạp phải để cho Athènes có thời gian tái xây dựng.

Vị trí giành cho người nhập cư tại Pháp

Vẫn liên quan tới Châu Âu, song liên quan tới chủ đề nhập cư, nhật báo công giáo La Croix phản ánh tình trạng 300 người nhập cư đang dồn tại thành phố Vintimille (Ý), cửa ngõ với Pháp, với hy vọng sang được một nước khác để có được một tương lai tốt đẹp hơn. Từ đầu năm 2015, các con tàu chở đầy người nhập cư liên tục cập bờ Hy Lạp và Ý, đang trở thành một thách thức chưa từng có đối với Liên Hiệp Châu Âu và các nước thành viên.

Bài xã luận trên La Croix cho biết ưu tiên người tị nạn là nguyên tắc để đưa ra một chính sách về người nhập cư. Trong số họ, rất nhiều người trốn chạy vì chiến tranh và vì bị truy hại. Họ được quyền xin tị nạn tại Pháp hoặc tại một quốc gia khác trong Liên Hiệp Châu Âu. Ngày 25/06/2015 Hạ viện Pháp sẽ xem xét lần thứ hai một dự luật nhằm cải thiện việc tiếp nhận người xin tị nạn và đẩy nhanh quyết định của chính quyền về việc cấp giấy tờ cho người xin tị nạn.

Đây là việc làm cần thiết để có thể phân biệt, trong số những người nhập cư, những người cần được bảo vệ và những người có thể được tiếp nhận. Trong số những người vượt biển Địa Trung Hải, phần đông rời đất nước vì nghèo đói, chứ không phải do bị đàn áp. Thế nhưng, dự án để họ ở lại và làm việc tại Châu Âu gặp phải sự lo ngại và cảnh giác của người dân. Đây cũng là tâm lý chung tại Pháp. Nhiều địa phương tại nước này đang phải đối mặt với khó khăn và căng thẳng do tình trạng thất nghiệp gây nên.

Tại Milano, nhân chuyến thăm Triển lãm Hoàn Cầu, tổng thống Pháp giải thích về thái độ của nước Pháp trước cáo buộc của Ý cho rằng nước láng giềng đã không tôn trọng hiệp ước của khối Schengen vì dồn người nhập cư tại Vintimille. Giống như những phát biểu của Bộ trưởng Nội vụ Pháp, ông François Hollande biện minh Pháp không vi phạm quyền tự do đi lại trong khối, mà cảnh sát Pháp chỉ thực hiện công việc kiểm tra, căn cứ theo quy chế Dublin.

Văn bản này quy định người nhập phải được ghi tên và lưu dấu vân tay ngay khi đặt chân tới Liên Hiệp (có nghĩa là tại Hy Lạp hoặc Ý), để có thể xác định được người xin tị nạn, hay người nhập cư vì lý do kinh tế. Đây chính là điểm mà Paris và Roma bất đồng. Trong khi đó, với Paris, việc lưu danh tính người nhập cư là một điều kiện tiên quyết để chấp nhận đề xuất của Ủy ban Châu Âu về việc phân chia số người nhập cư trên toàn khối.

Đề xuất này nhằm phân chia 40.000 người nhập cư đang có mặt tại Ý và Hy Lạp tới các quốc gia khác. Trong hai ngày, thứ 5 và 6 tuần này, điều khoản trên sẽ được tranh luận tại cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu diễn ra tại Bruxelles.

Quỹ Gates quyền lực nhất thế giới

Với ngân sách gần 5 tỉ đô la, Quỹ Gates giàu gấp đôi Tổ chức Y tế Thế giới và ghi dấu ấn của mình trong việc cứu trợ nhân đạo. Tờ Le Monde tìm hiểu tổ chức này dưới dòng tựa : « Bên trong quỹ quyền lực nhất thế giới ».

Bên trong trụ sở của Quỹ Gates, nằm ngay trung tâm thành phố Seattle, 1.500 bác sĩ, nhà kinh tế, kĩ sư và nhân viên cứu trợ đang nghiên cứu các chiến lược hiệu quả nhất để đấu tranh chống bệnh tật và tình trạng nghèo đói. Các phương tiện được họ sử dụng gần như không có giới hạn. Hai nhà tỷ phú Bill Gates và Warren Buffet đã « rót » một phần lớn tài sản của họ vào quỹ này. Vì vậy, Quỹ Gates là tổ chức giàu có nhất và ảnh hưởng nhất thế giới.

Chỉ trong vòng hơn một thập niên, « Gates Foundation » trở thành đối tác quan trọng của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế lớn như Tổ chức Y tế Thế giới hay các quốc gia. Thay vì trực tiếp can thiệp tại chỗ, Quỹ Gates định hướng chiến lược của các tổ chức trên thông qua các dự án do Quỹ tài trợ và không ngần ngại đưa ra các bài học, ví dụ trước tình trạng lây nhiễm nạn dịch Ebola tại Châu Phi.

« Gates Foundation » cũng tự định hướng hoạt : « Ở đây, chúng tôi không quyết định vì tình cảm, mà bằng hành động. Mỗi một đồng đô la chi ra là một cơ hội : trước khi đầu tư, chúng tôi nghiên cứu mọi dữ liệu mình có để tăng cường tác động một cách tối ưu nhất ». Viện Dữ liệu và Đánh giá Y tế (Institute for Health Metrics and Evaluation), thuộc đại học Washington, do Quỹ Gates tài trợ, cung cấp những dữ liệu này. Vì ngày nay, các tính toán cung cấp những số liệu hoàn toàn chính xác và cho phép dự đoán được kết quả đầu tư. Nhờ vậy, hành động đầu tiên của Quỹ Gates là đầu tư 750 triệu đô la để thành lập GAVI, một tổ chức tài trợ việc mua vắcxin cho các nước nghèo nhất thế giới. Hành động này đã thu hút nhiều quốc gia tham gia, trong đó có Anh, Pháp, Hoa Kỳ và Na Uy, với số tiền đầu tư lên tới 10,2 tỉ đô la, giúp 500 triệu trẻ em được tiêm vắcxin phòng bệnh và cứu sống được 8 triệu người.

Ngoài ra, Quỹ Gates còn đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập PATH, (Program for Appropriate Technology in Health), một chương trình áp dụng công nghệ vào y tế. Với ngân sách hàng năm khoảng 300 triệu đô la, tổ chức này tài trợ việc phát triển các loại vắcxin, thuốc điều trị và công nghệ nhằm cải thiện sức khỏe của người nghèo.

Vào năm 2012, trong cuộc gặp gỡ « CEO Roundtable » quy tụ tổng giám đốc trong lĩnh vực dược phẩm, Bill Gates đã thuyết phục được họ đầu tư chống 10 bệnh phổ biến song ít được quan tâm và giảm giá thuốc của các công ty này. Đổi lại, nhà tỉ phú cam đoan mở cửa thị trường đầy lợi nhuận này cho các tập đoàn dược phẩm bằng việc cam kết mua sản phẩm với số lượng lớn.

Để thúc đẩy phát triển những công nghệ mới, Quỹ Gates không ngần ngại đầu tư cho các « start-up » và khuyến khích các nhà nghiên cứu tham gia vào « Grand Challenges », được tài trợ nhằm phát triển những hướng nghiên cứu đầy hứa hẹn cho lĩnh vực y tế. Trong vòng 10 năm, 1 tỉ đô la đã được đầu tư cho các cuộc thi « Grand Challenges », dù chưa có một công nghệ đáng kể nào được phát hiện, trừ một nghiên cứu thành công về loài muỗi được biến đổi gen để phòng ngừa bệnh sốt rét.

Phát hiện hành tinh nhỏ hơn Sao Hỏa

Báo Libération cho biết, lần đầu tiên, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một hành tinh còn nhỏ hơn Sao Hỏa. Những tiến bộ khoa học liên tục gần đây đã giúp phát hiện những hệ mặt trời khác và mở ra những triển vọng mới về việc thăm dò một cuộc sống ở đâu đó trong vũ trụ.

Hành tinh này là một trong ba hành tinh thuộc hệ Kepler-138. Phát hiện này cho thấy các nhà thiên văn học đang xây dựng được những công cụ và phương pháp cho phép tìm hiểu liệu có sự sống tại một trong ba hành tinh mới được phát hiện hay không. Trong khi đó, cho tới hiện nay, những thám hiểm trong hệ mặt trời của chúng ta cho thấy chỉ có sự sống trên trái đất.

Hành tinh Kepler-138 là một hành tinh nhỏ màu đỏ, nhỏ hơn và không nóng bằng mặt trời. Cách trái đất khoảng 200 năm ánh sáng, nằm trong chòm sao Thiên Cầm (Lyre), ngôi sao này đã được biết đến vì có ba hành tinh quay xung quanh. Hai hành tinh trong số này, Kepler-138b và Kepler-138c có kích thước lớn hơn trái đất một chút, còn hành tinh thứ ba Kepler-138d thì nhỏ hơn.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.