Vào nội dung chính
ĐIỂM BÁO

Irak : IS tiếp tục phá hủy di sản văn hóa nhân loại

Thành phố cổ Nimroud, một kho báu có từ thời văn minh Lưỡng Hà, nằm cách bảo tàng Mossoul khoảng 30 km về phía nam và nằm trong tầm kiểm soát của tổ chức « Nhà nước Hồi giáo » từ 8 tháng nay. Sau một tuần ngang nhiên phá phách bảo tàng Mossoul, IS quay sang phá hủy thành phố cổ này.

Hình ảnh quân IS đập phá bảo tàng Mossoul được tung lên mạng hôm 26/2/2015 đã gây phẫn nộ cả thế giới.
Hình ảnh quân IS đập phá bảo tàng Mossoul được tung lên mạng hôm 26/2/2015 đã gây phẫn nộ cả thế giới. REUTERS/Social media Web site via Reuters TV
Quảng cáo

Trong bài « Daech san bằng thành cổ Nimroud », phóng viên của Le Figaro cho biết chúng tiến hành chiến dịch tàn phá từ thứ 5 vừa qua. Rất nhiều xe ủi đã được huy động để sang bằng các bức tường và tượng tại Nimroud. Dù phần lớn các di sản đã được đưa ra khỏi Irak hay chuyển về thủ đô Bagdad trong những thập kỉ gần đây, nhưng tại đây vẫn còn rất nhiều khối trạm trổ, phù điêu có kích thước lớn, như những bức tượng « bò mộng có cánh ».

May mắn là ngay từ giữa thế kỷ XIX, một số bức nặng vài tấn đã được đưa sang châu Âu và Bắc Mỹ. Quân thánh chiến Daech loại bỏ mọi lăng tẩm, đền điện hay bất kì hình thức tôn thờ tôn giáo nào khác, mà bắt đầu là từ dòng Shiite Hồi giáo. Sau hai khu vực bị tàn phá, công luận thế giới lo ngại cho thành phố Hatra, một khu di sản khác cũng được UNESCO xếp trong  Di sản Văn hóa Thế giới.

Chiến lợi phẩm thu được sẽ được giao bán tại chợ đen tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ hay nơi khác. Đây là một nguồn thu quan trọng cho tổ chức này từ khi doanh thu có được từ việc bán dầu mỏ bị giảm đi trong những tháng gần đây do liên quân phương Tây liên tiếp oanh tạc các nhà máy lọc dầu của tổ chức khủng bố này. Chính phủ Irak kết tội « những kẻ khủng bố Daech tiếp tục thách thức thế giới và nhân loại ». Tổ chức UNESCO cho rằng đây là « tội ác chiến tranh » và lên tiếng kêu gọi « cộng đồng quốc tế nỗ lực đoàn kết để ngăn thảm họa này ».

Báo Libéation dẫn ý kiến của  Thứ trưởng Irak phụ trách về thời Cổ Đại e ngại đây mới chỉ là bước đầu và điều tồi tệ nhất còn chưa tới. Ông đánh giá quân khủng bố đã thay đổi cách hành động. Năm 2003, 15 000 mẫu vật trưng bày tại bảo tàng Bagdad bị cướp, song 1/3 trong số này đã được tìm lại. Thế nhưng, tại Mossoul thì nguy ngại hơn vì không chỉ cướp bóc, Daech còn phá hủy rất nhiều đồ cổ. Hiện tại, tổ chức khủng bố này còn đang triển khai một mạng lưới buôn lậu đồ cổ. Nếu như các tội ác trên không bị trừng phạt, chắc chắn thế giới còn phải tiếp nhận những tin tức kinh hoàng hơn.

Điện thoại thông minh Tiểu Mễ (Xiaomi)   của Trung Quốc nhắm tới thị trường quốc tế 

Trên thị trường điện thoại di động, Tiểu Mễ , nhà sản xuất lớn thứ ba trên thế giới chỉ riêng với lượng điện thoại bán tại châu Á, đang phát triển chiến lược vươn tới thị trường phương Tây. Thành công của “con rồng mới” trong hành tinh di động là chủ đề được Libération phân tích dưới dòng tựa : « Xiaomi “gặm” iPhone ».

Dù xa lạ tại Mỹ và châu Âu, nhưng người châu Á tranh nhau điện thoại của hãng này. Sau 5 năm hoạt động, Xiaomi trở thành hãng lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Samsung và Apple, với 61,1 triệu máy bán ra thị trường năm 2014.
Bài báo cho rằng bí quyết thành công của Xiaomi rất đơn giản : Mẫu mã trau chuốt và rất giống với điện thoại iPhone phiên bản low-cost, song giá bán chỉ bằng 1/3 loại iPhone này. Để đảm bảo giá rẻ như vậy, công ty tiết kiệm chi phí phân phối bằng việc bán điện thoại trên trang web của mình. Xiaomi nhắm tới loại hình khách hàng trẻ hợp thời trang và không ngừng chăm chút mạng lưới fan của hãng.

Ngoài điện thoại thông minh, Xiaomi còn lấn sang các lĩnh vực điện tử khác như màn hình tivi, máy lọc không khí hay máy đo huyết áp… Tập đoàn này đã thực hiện được thách thức lớn nhất của mình, đó là chinh phục công chúng Trung Quốc. Giờ họ nghĩ tới việc lấn sang phần còn lại của thế giới. Ưu tiên hàng đầu là các nước đang phát triển và đông dân như Ấn Độ, Indonesia, Brazil và Nga. Hiện giờ, Châu Âu và Mỹ không nằm trong chương trình hành động, vì chắc chắn, hãng này sẽ gặp trở ngại về vấn đề bản quyền trí tuệ và cách “lấy cảm hứng” từ nhiều hãng phương Tây khác.
Libération kết luận, dù nhà sáng lập Xiaomi đã có những tuyên bố hùng hồn, song hãng này khó có thể áp dụng thành công của mình tại phương Tây. Ngoài 1,1 tỉ đô là mà tập đoàn này vừa huy động được từ những nhà đầu tư, nâng tổng số vốn lên tới 45 tỉ đô la, Xiaomi còn phải vượt chặng đường dài để có thể vươn tới được mức 735 tỉ đô la như của Apple.

Bắc Kinh muốn mang cà phê “made in China” tới mọi ly cà phê

Ngoài điện thoại thông minh, Trung Quốc quyết định trở thành nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Trong mục “Chuyện mỗi ngày”, báo Le Figaro số cuối tuần tiên đoán hương vị cà phê arabica của Colombia và Brazil sắp phải cạnh tranh với một đối thủ nặng kí.

Loại cà phê arabica, có nguồn gốc từ Yémen, hiện đang được trồng trên diện rộng tại tỉnh Vân Nam. Được một nhà truyền giáo Pháp đưa vào từ cuối thế kỷ XIX, việc trồng cà phê vẫn hạn chế do thiếu đầu ra vì người Trung Quốc vẫn ưa chuộng trà hơn.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đang phải xem xét lại chiến lược phát triển loại cây này vì số lượng người dùng cà phê tại đây đã tăng thêm 12,8% mỗi năm và tới năm 2020, sẽ tiêu thụ khoảng 2,8 triệu túi cà phê nặng 60 kg. Ngoài ra, còn phải kể tới nhu cầu trên thế giới, luôn luôn tăng mạnh, tới mức năm nay thị trường cà phê sẽ bị thiếu hụt. Cuối cùng, giá cà phê là yếu tố quan trọng để khuyến khích nông dân Trung Quốc chuyển sang loại cây trồng, vừa nhàn vừa có lãi này.

Hiện nay, sản lượng cà phê của Trung Quốc ở mức tương đương với Costa Rica, khoảng 1,5 triệu túi 60 kg. Tuy nhiên, nước này muốn tăng gấp đôi sản lượng trong vòng 5 năm tới và không ngừng làm việc với các tập đoàn trong lĩnh vực này như Nestlé hay Volcafé để cải thiện hương vị cà phê arabica của mình.

Chuyến bay MH370 : Nỗi thất vọng của các gia đình nạn nhân Trung Quốc

Bóng đen và nghi ngờ vẫn bao trùm lên tai nạn chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines. Các báo tiếp tục phản ánh những giả thuyết mà các chuyên gia đưa ra cũng như cách xử lý thông tin của chính phủ nước này. Còn Le Figaro phản ánh sự thất vọng của các gia đình nạn nhân Trung Quốc.

Những người này cảm giác bị chính phủ bỏ rơi, thậm chí bị bức hại. Ngay những ngày đầu tiên sau vụ tai nạn, cảnh sát mặc thường phục đã theo dõi họ xung quanh khách sạn Lido tại Bắc Kinh. Một gia đình lên tiếng rằng : « Chúng tôi không sợ. Chúng tôi chẳng làm gì bất hợp pháp cả ». Thời gian sau đó, họ hối thúc để có được thông tin hay lời giải thích, song họ lại bị chế độ Trung Quốc nghi ngờ và dè chừng. Họ cho biết rằng thường bị chính quyền quấy rầy, thậm chí bị đánh vì dám công khai đòi giải thích.

Các gia đình bị cấm  tiếp xúc báo chí hay tụ tập thành nhóm nếu không sẽ bị bắt giam. Người thân của một nạn nhân nói : « Đáng lẽ ra chính phủ phải bảo vệ lợi ích của công dân nước mình. Thay vì làm điều đó, họ đưa ra những biện pháp để ngăn chặn chúng tôi thể hiện sự phẫn nộ. Nhưng chúng tôi sẽ không buông tay ».

Vẫn theo Le Figaro, sau tai nạn trên, « Nhiều biện pháp mới được triển khai để cải thiện việc theo dõi các chuyến bay ». Trên thực tế, hàng ngày có tới 80 000 chuyến bay trên trời, song 30% không gian không được kiểm soát dù có rất nhiều ra đa và vệ tinh theo dõi. Những “hố đen” này sắp biến mất nhờ vào những hệ thống truyền dữ liệu cho phép gửi tín hiệu mà vệ tinh có thể tiếp nhận được.

Những thiết bị này cho phép liên tục định vị một phi cơ đang bay nhờ vào tín hiệu được gửi 15 phút một lần. Trong trường hợp bất thường, mỗi phút máy bay sẽ gửi báo cáo tình hình, cho phép kịp thời ứng cứu máy bay gặp nạn trong phạm vi 11 km. Kế hoạch này sẽ được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) chính thức thông qua vào cuối năm 2015 và bắt buộc áp dụng từ tháng 11/2016. Tuy nhiên, hiện giờ đã có nhiều quốc gia và các nhà sản xuất máy bay cũng như các hãng hàng không áp dụng thiết bị này.

Ngoài ra, ICAO còn ủng hộ việc lắp đặt các hộp đen có thể bật khỏi máy bay trong trường hợp va chạm và có thể nổi trên mặt nước. Từ năm 2021, các hộp đen như trên sẽ bắt buộc cho dù các hãng hàng không sẽ phải trả chi phí đắt hơn. Cuối cùng, ICAO nhấn mạnh việc lập cơ sở dữ liệu quốc tế những khu vực rủi ro (xung đột, điều kiện thời tiết…) cho các máy bay dân dụng.

13 lý do không nên ăn thịt

Đây là lời khuyên của Libération trong số cuối tuần. Tờ báo dành 9 trang của chuyên mục “Sự kiện” để đưa ra những phân tích khoa học. Bài báo lấy dẫn chứng bản báo cáo của Phòng Thống kê và Dự báo của Bộ Nông nghiệp Pháp. Theo đó, trong suốt đời mình, một người Pháp ăn trung bình khoảng 7 con bò, 33 con heo, 9 con cừu và dê, 1300 gia cầm. Thế nhưng, chỉ lấy ví dụ riêng tại Pháp, 95% số lượng heo được nuôi theo chế độ tăng trọng. 70% trong số 50 tỉ con gà bị giết thịt trên thế giới là gà nuôi theo kiểu công nghiệp.

Tờ báo khuyến cáo người tiêu thụ nên học ăn uống một cách khác và tốt hơn để bảo vệ sức khỏe của chính mình và sự đa dạng sinh thái. Trong số 13 lý do, bài báo nhấn mạnh nhưng lý do sinh thái như : chăn nuôi công nghiệp gây ra hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng lên, làm giảm diện tích rừng, gây khan hiếm nguồn nước…
Về lý do sức khỏe, bài báo nhấn mạnh việc tiêu thụ lượng lớn thịt sẽ gây ra một số bệnh mãn tính như béo phì, tim mạnh, tiểu đường… Ngoài ra, đôi khi người tiêu dùng không biết nguồn gốc xuất xứ các loại thịt mà họ tiêu thụ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.