Vào nội dung chính
CHÂU Á - CÔNG GIÁO

Philippines : Giáo hoàng và người nghèo

Báo chí Pháp tiếp tục phân tích về dư âm trong của loạt khủng bố tại Paris dưới những góc độ khác nhau. Nhưng trước hết xin được lược qua bài báo trên La Croix về chuyến công du đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Philippines : « Đức thánh cha đứng về phía người nghèo ».

Giáo hoàng Phanxicô tại Manila, 15/01/2015.
Giáo hoàng Phanxicô tại Manila, 15/01/2015. REUTERS/Dinuka Liyanawatte/Files
Quảng cáo

Nếu như tại Sri Lanka, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khuyến khích giáo dân hãy tha thứ cho nhau và đoàn kết, thì tại Philippines, Ngài kêu gọi giáo hội Công giáo hãy « tiếp tục dấn thân vì những người nghèo khổ ».

La Croix nhắc lại Philippines là nơi có cộng đồng người Công giáo lớn nhất của châu Á, là cột trụ của Giáo hội tại châu lục này. Hơn 80 % dân số Philippines là người Công giáo. Cho dù trong bản Hiến pháp, Philippines là một nhà nước thế tục, nhưng Giáo hội vẫn chiếm một vị trí quan trọn g tại quốc gia Đông Nam Á này. Năm 1986, Giáo hội Philippines đã bày tỏ lập trường chống lại nhà độc tài Ferdinand Marcos. Từ đó đến nay, Nhà thờ luôn lên tiếng chống mọi hình thức tham ô, chống lại cảnh bần cùng tại một đất nước với cả một đại dương phân cách giàu nghèo.

Một nhà xã hội học Philippines chuyên nghiên cứu về tôn giáo giảng dậy tại đại học Manila, được báo La Croix trích dẫn nhận xét : Ở cấp địa phương, tại nhiều nơi, Giáo hội công giáo được tổ chức gọn gàng hơn hẳn nhiều chính quyền tại chỗ. Trong trường hợp xảy ra thiên tai, sự trợ giúp của Nhà thờ hiệu quả hơn, chóng đến tay các nạn nhân hơn. Điều đó một lần nữa đã được chứng minh sau trận bão Haiyan hồi tháng 11/2013.

Chính vì thế mà tới nay, ba phần tư dân số Philippines vẫn đặt nhiều niềm tin vào giáo hội Công giáo. Tỷ lệ tin tưởng vào các định chế của nhà nước thì chẳng bao nhiêu. Không chỉ ở cấp địa phương, mà ngay tại cấp quốc gia, Giáo hội cũng đóng một vai trò trọng tài hay nói đúng hơn là vai trò của một nhà hòa giải quý giá.

Trong bài phỏng vấn dành cho báo Công giáo La Croix của Pháp, Hồng y Luis Antonio Tagle, Tổng giám mục Manila, nhấn mạnh sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tạo sức mạnh cho giáo hội Công giáo phục vụ người nghèo khó ở Philippines.

Vãn hồi hòa bình ở đền Preah Vihear

Cũng tại khu vực Đông Nam Á, báo Le Monde trong phần trang văn hóa đề cập tới dự án trùng tu đền cổ Preah Vihear, sát biên giới Thái Lan- Cam Bốt và cũng là nơi ranh chấp chủ quyền giữa Phnom Penh với Bangkok trong nhiều năm qua. 

« Hòa bình trở lại Preah Vehear » khi mà dưới sự điều khiển của Tổ chức Giáo Dục, Khoa học, Văn hóa của Liên Hiệp Quốc- UNESCO, ngôi đền cổ cả ngàn năm tuổi sẽ được tu sửa lại. Tổng chi phí của dự án lên tới 15 triệu đô la.

Phóng sự của tờ báo nhắc lại : sau gần 60 năm xung đột võ trang vì Preah Vihear, hình ảnh phó thủ tướng Cam Bốt mời khoảng 30 quan chức, chuyên gia quốc tế, trong đó có cả đại diện của chính quyền Thái Lan đến cổng đền, để thông báo hai quốc gia này đang trong « tuần trăng mật ». Đó là một phép lạ.

Quần thể khu đền cổ Preah Vihear được xây dựng từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XII và là một nơi thờ phụng thiêng liêng của người Khmer. Tranh chấp bùng lên khi Thái Lan phản đối đường biên giới được vạch ra vào năm 1907, công nhận khu đền thờ này thuộc về Cam Bốt. Năm 1954 Bangkok đem quân chiếm đóng Preah Vihear. Năm 1962 Tòa án La Haye tái khẳng định chủ quyền của Phnom Penh đối với quần thể cổ kính này.

Năm 2009 khi UNESCO công nhận Preah Vihear là di sản văn hóa của thế giới. Hai năm sau đó xung đột do phía Thái Lan gây hấn làm sáu người thiệt mạng, 11 người bị thương và hàng ngàn người Cam Bốt phải di dời chỗ ở. Mãi cho tới năm 2014, Bangkok mới nhìn nhận đền thờ Preah Vihear thuộc chủ quyền của Cam Bốt. Từ đó tới nay, hòa bình được vãn hồi trên mảnh đất thiêng liêng này.

Hiện tại Preah Vihear vẫn còn là một thành trì kiên cố, quân đội hiện diện không xa nơi thờ phụng của người Khmer. Du khách vẫn chưa được tự do đi lại, nhưng Thái Lan tán đồng dự án trùng tu Preah Vihear và cho biết sẵn sàng hợp tác, cung cấp tài liệu cần thiết để góp phần bảo tồn di sản của thế giới này.

Djihad âm thầm reo rắc kinh hoàng tại Nigeria

Trở lại với hồ sơ khủng bố của quân thánh chiến Hồi giáo : vào lúc cả thế giới rúng động vì loạt khủng bố ở Paris, làm 17 người thiệt mạng, thì tại Nigeria, quân khủng bố Boko Haram tiến hành một cuộc thảm sát mà số nạn nhân có thể lên tới 2000 người : một sự kiện ít được báo chí quốc tế quan tâm.

Le Monde trong bài xã luận ở ngay trang nhất, ghi nhận : « Cộng đồng quốc tế khoanh tay nhìn. Đúng vào lúc hai anh em nhà Kaouchi nổ súng tàn sát ban biên tập của tờ Charlie Hebdo ở Paris, thì một chiếc xe vận tải đã phát nổ ở Sanaa, thủ đô Yemen, 37 người chết  (...).

Châu Phi, trong tuần qua cũng đã trải qua những giờ phút đen tối khi mà tổ chức khủng bố Boko Haram tiến hành một cuộc thảm sát, cướp đi mạng sống của hàng trăm thậm chí là hàng ngàn người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Nhưng không có một cuộc tuần hành nào cho các nạn nhân Nigeria. (…)

Khoảng 60 nước trên thế giới tham gia liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo để cứu Irak ra khỏi nanh vuốt của những kẻ cuồng tín, reo rắc kinh hoàng nhân danh đạo Hồi. Không một quốc gia nào động lòng trước thảm cảnh của Nigeria. 180 triệu dân lâm nạn. Chính quyền Abuja vừa bất tài, vừa bất lực và không thể đơn phương mở chiến dịch quân sự đương đầu với Boko Haram. Không thấy một ai nói tới tình liên đới giữa các nước châu Phi. Cũng không thấy ai nhắc tới sự đoàn kết giữa các nền kinh tế đang lên như Ấn Độ, Trung Quốc hay Brazil với Nigeria.

Tới giờ, Abuja vẫn chưa có chiến lược để đương đầu với tổ chức khủng bố Boko Haram, để đến nỗi 4 quốc gia ở châu lục này bị đe dọa (Cameroun, Tchad, Niger, Benin). Tình hình nguy ngập đến nỗi Nigeria phải cầu viện quốc tế. Mỗi một ngày trôi qua là lại có thêm người chết ».

Báo Libération nhắc lại nạn nhân của các phần tử Hồi giáo cực đoan Boko Haram trước hết là thường dân. Họ phải trả giá vì bị nghi ngờ hợp tác với các lực lượng an ninh của chính phủ. Phụ nữ và trẻ em bị bắt cóc rồi bán làm nô lệ.Tờ báo trích lời một nhân viên của Ân xá Quốc tế, theo đó, có những thành phố, những ngôi làng đã bị xóa sổ trong những ngày qua.

Pháp mở rộng chiến dịch theo dõi trên mạng

Trở lại với thời sự nước Pháp, loạt khủng bố hồi tuần trước vẫn là đề tài chiếm rất nhiều trang báo trong ngày.

Báo kinh tế Les Echos tiết lộ chính phủ đã sẵn sàng để mở rộng hoạt động theo dõi các đối tượng nguy hiểm trên mạng. Những thư từ, trao đổi trên mạng có liên quan đến những chủ đề như là kỳ thị chủng tộc, có nội dung bài Do Thái, có tính khơi dậy lòng hận thù, khuyến khích các hành vi khủng bố… đều sẽ trong tầm ngắm của ngành an ninh, tình báo Pháp.

Các ứng dụng trao đổi trên mạng như Skype, WhatsApp hay Vibber đều có liên quan. Ở đây cần cân nhắc giữa một bên là nhu cầu bảo đảm « an ninh và các quyền tự do », như cho thấy trong bài xã luận trên tờ La Croix.

Trong khi đó, hai tờ Libération và L'Humanité cùng trở lại với một vài nguyên tắc cơ bản của quyền tự do ngôn luận.

L'Humanité khẳng định : « Tranh biếm họa không phải là một hình thức thóa mạ. Báng bổ không sát hại một ai ». Trả câu hỏi phải chăng là tuần báo Charlie Hebdo đã đi quá đà, Libération trả lời là không, bởi vì ở Pháp không có luật cấm báng bổ, hay chế diễu tôn giáo, (…) chỉ có những lời kích động hận thù, hay ủng hộ các hành vi kỳ thị, nhắm vào những cá nhân (…) mới đáng lên án, mới là những điều đi quá trớn ».

Ngoại giáo Pháp trước thách thức

Le Figaro mổ xẻ tác động loạt khủng bố vừa qua tại Paris đối với chính sách ngoại giao của nước Pháp. Tác giả bài viết khẳng định hãy còn quá sớm để khẳng định là những biến cố tuần qua có làm thay đổi chính sách đối ngoại và chiến lược của Pháp hay không. Trước mắt, không có gì thay đổi trong chính sách quân sự của Pháp đối với các vùng ở Châu Phi và Trung Đông.

Paris, vẫn duy trì mục tiêu bài trừ khủng bố - từ ở bắc Phi cho tới tận Lybia bởi vì, như theo lời Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, quân khủng bố không còn ở xa biên giới của nước Pháp và không phải vì chúng ta co cụm lại, tăng cường an ninh nội bộ mà sẽ xua tan được hiểm họa khủng bố.

Có điều như Le Figaro ghi nhận, một mình nước Pháp không đủ sức để xua tan mối đe dọa khủng bố. Paris cần được các nước phương Tây khác tiếp tay. Đồng thời để đương đầu với các tổ chức Hồi giáo cực đoan, quốc tế cần đến sự tham gia của hai đối tác then chốt là Nga và Iran.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.