Vào nội dung chính
KHOA HỌC

Sẽ có vắc xin phòng bệnh sốt rét ?

Trong hồ sơ khoa học, báo La Croix thông báo một tin vui về khả năng sẽ chế ra loại vắcxin phòng bệnh sốt rét, một căn bệnh cũng khá phổ biến tại Việt Nam. Theo La Croix, giới nghiên cứu Mỹ vừa công bố trong tạp chí Science kết quả công trình nghiên cứu giai đoạn một trong thử nghiệm lâm sàng của vắc xin phòng chống sốt rét. Căn bệnh này hàng năm gây tử vong cho hơn 700 000 người trên thế giới.

James D. Gathany / wikimedia.org
James D. Gathany / wikimedia.org
Quảng cáo

Tổng cộng, có 40 người từ 20 đến 44 tuổi tham gia thử nghiệm giai đoạn một. Trong chín người lớn được tiêm vắc xin với liều mạnh nhất, sáu người đã được bảo vệ 100%.

Báo La Croix dẫn lời TS Anthony Fauci, Giám đốc Viện nghiên cứu quốc gia về dị ứng và bệnh truyền nhiễm (NIAID) nhận xét : « Số người tham gia thử nghiệm lâm sàng còn ít và cần phải chứng minh khả năng miễn dịch bền vững và hiệu quả đối với nhiều biến thể khác nhau của ký sinh trùng sốt rét ». Công ty dược phẩm Sanaria nghiên cứu vắc xin nêu trên với sự hợp tác của Viện nghiên cứu dị ứng và các bệnh truyền nhiễm ở Mỹ (NIAID). 

Vắc xin được điều chế từ ký sinh trùng Plasmodium falciparum và đang được nghiên cứu ở giai đoạn một. Kết quả vô cùng khả quan và trong giai đoạn tới, công trình nghiên cứu cần được đào sâu. Sắp tới, các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng ở trẻ em tại châu Phi, nơi có tỷ lệ nhiễm bệnh sốt rét cao.

Tờ báo nhận định, cho dù nghiên cứu đạt nhiều kết quả khả quan nhưng phải đợi ít nhất 10 năm nữa mới hy vọng có một vắc xin phòng bệnh sốt rét, bởi vì việc phát triển một vắc xin mới luôn là một quá trình lâu dài và phức tạp.

Tuy nhiên, nhân loại cũng không nên hy vọng khi Mỹ vừa công bố tin vui này. Bằng chứng là trong quá khứ, chúng ta đã bị thất vọng nhiều lần. Trong những năm 1980, công trình của nhà nghiên cứu người Colombia, Manuel Patarroyo đã mang lại nhiều hy vọng cho nhân loại. Thế nhưng, cuối cùng công trình đó đã không thành công. Gần đây nhất, người ta đã trông đợi nhiều vào các thử nghiệm được hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK-Anh) và Quỹ Gates hợp tác thực hiện trên diện rộng tại châu Phi. Thế nhưng, kết quả cũng không như mong đợi. Hiện nay, cần phải thừa nhận rằng chưa có loại vắcxin nào được điều chế để chống các bệnh ký sinh. 

Đối lập Cam bốt tố cáo gian lận bầu cử

Bầu cử tại Cam bốt đã diễn ra cách đây khoảng hai tuần nhưng dư âm về cuộc bầu cử vẫn chưa dứt. Thủ lĩnh đảng đối lập, ông Sam Rainsy tố cáo những gian lận trong cuộc bầu cử, mà theo lẽ ông đã giành chiến thắng trong kỳ này. Đặc phái viên báo Le Monde tại Phnom Penh đã phỏng vấn ông Sam Rainsy

Từ sau bầu cử, ông Sam Rainsy cáo buộc phe cầm quyền của thủ tướng Hun Sen là độc tài chính trị. Chính vì thế mà « chiến thắng của ông đã bị cướp mất » từ tay đảng cầm quyền. Theo kết quả không chính thức ban đầu ủy, ban bầu cử công bố Đảng Nhân dân Cam bốt (CPP) dành được khoảng 68 trong số 123 ghế Hạ viện, và Đảng Cứu nguy Dân tộc Cam bốt (CNRP) là 55. Thế nhưng, phe đối lập bác bỏ kết quả này và nói rằng có những bất thường diễn ra trên diện rộng. Phe này khẳng định giành 63 ghế tại Hạ viện trên 123 ghế dân biểu, nắm đa số tại Hạ viện.

Trong cuộc trao đổi với báo Le Monde, ông Sam Rainsy nhận xét, cuộc bầu cử vừa qua bị làm hoen ố bởi nhiều điều bất thường. Nhà đối lập Sam Rainsy mỉa mai : bầu cử lần này giống như một trận đấu boxe mà chỉ có một người đấu, đó là thủ tướng Hun Sen. Trọng tài là ủy ban bầu cử và cũng bị đảng cầm quyền kiểm soát ».

Theo thủ lĩnh đảng đối lập Sam Rainsy thì gian lận có tầm cỡ đến mức đảo ngược được ý dân. Ông Rainsy cáo buộc : « Các trưởng làng, thành phần rất có uy lực tại Cam Bốt đều cấu kết với đảng cầm quyền của thủ tướng Hun Sen nên đã liệt kê những người muốn bầu cho đảng đối lập vào danh sách đen ».

Qua cuộc bầu cử vừa rồi, Đảng Nhân dân Cam bốt (CPP) của thủ tướng Hun Sen đã mất 22 ghế. Trong một đất nước mà phân nửa cử tri dưới 25 tuổi và không hề biết đến chế độ độc tài Khơme đỏ, thì thủ tướng Hun Sen không thể dựa vào hình tượng « anh hùng cứu nguy dân tộc » của mình nữa, vì ông đã từng liên minh với quân đội Việt Nam lật đổ diệt chủng Pol Pốt vào năm 1979.

Về phía Sam Rainsy, sau khi từ Pháp trở về, ông được đón chào như một nhà lãnh đạo đầy uy tín trong một bộ phận dân chúng Cam Bốt, đặc biệt là giới trẻ thành thị.

Vào giữa tuần vừa rồi, ông Sam Rainsy đã kêu gọi biểu tình rầm rộ, nếu ủy ban điều tra độc lập dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc vẫn không được thành lập để điều tra gian lận bầu cử. Đáp lại, đảng cầm quyền ra lệnh cho quân đội Cam Bốt bố trí binh sĩ và xe tăng trên các ngả đường tại thủ đô Phnom Penh vào ngày 9/8 vừa qua để ngăn ngừa bạo động trong trường hợp xảy ra biểu tình phản đối kết quả bầu cử ngày 28/7/2013. 

Kinh tế Trung Quốc khởi sắc trở lại

Báo Kinh tế Les Echos và báo Le Monde hôm nay đều quan tâm đến nền kinh tế thứ hai thế giới-Trung Quốc. Theo báo Le Monde, sản xuất công nghiệp tăng 9,7% trong vòng một năm và nhập khẩu dầu hỏa tăng 14% trong một tháng. Theo số liệu của hải quan Trung Quốc vừa được đăng vào thứ 5 vừa rồi, kim ngạch xuất khẩu tháng 7 tăng 5,1% so với năm 2012 và nhập khẩu cũng tăng 11%, khi các nhà phân tích chỉ dự báo con số 1,3%. Trung Quốc đã tận dụng tình hình đơn đặt hàng từ bên ngoài gia tăng và nhu cầu nội địa trỗi dậy.

Báo Le Monde còn nhận định, một số người lạc quan thì nhìn nhận Trung Quốc đang trỗi dậy, còn một số người bi quan thì nghĩ rằng các khoản nợ xấu và các khoản đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc không cho phép nước này khởi động lại bộ máy kinh tế. Hiện tại, đồng nhân dân tệ đang tăng so với đồng đô la, cho nên vẫn còn giữ được lòng tin đối với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, báo Les Echos còn nhận định ngoại thương Trung Quốc cũng khởi sắc trở lại. Việc lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc tăng cho thấy đơn đặt hàng của thế giới dành cho các sản phẩm Trung Quốc vẫn còn khá cao hơn dự kiến. Hơn nữa, nhập khẩu Trung Quốc cũng tăng cho thấy các hộ gia đình cũng tăng mức tiêu thụ.

Lạm phát thì ổn định ở mức 2,7% vào tháng 7. Theo một nhà kinh tế học thì Trung Quốc đã vượt qua giai đoạn khó khăn sau hai quý kinh tế trì trệ. Dường như những biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (PME) và phát triển cơ sở hạ tầng vừa được công bố tháng trước bắt đầu sinh hoa kết trái, đến nỗi các nhà kinh tế học gợi ý nên xem lại dự báo tăng trưởng cho quý ba. 

Sau thảm họa Dacca, người lao động vẫn chịu thiệt thòi

Báo Libération hôm nay trở lại hồ sơ về vụ sập tòa nhà Rana Plaza tại Dacca, Bangladesh. Theo Viện nghiên cứu chính sách CPD (Centre for Policy Dialogue), một tổ chức độc lập (theo mô hình think tank) chủ trương mở đối thọai giữa một bên là chính phủ và giới chủ và một bên là các công đoàn và người lao động, thì 750 công nhân vẫn chưa nhận được bồi thường, sau hơn 100 ngày kể từ khi có tai nạn sập nhà, đã cướp đi sinh mạng của 1 131 người ngày 24/04/2013.

Một thành viên của tổ chức này nhận định : « Họ không còn việc làm, không tiền bạc. Họ đang sống trong một hoàn cảnh vô cùng khốn khổ ». Tệ hơn nữa là nghiệp đoàn giới chủ nhân ngành may mặc, BGMEA, không thể xác định được những công nhân đã có mặt, vào ngày xảy ra tai nạn.

Một số công nhân bị thương không có tiền để trả chi phí điều trị y tế. Nhiều gia đình rơi vào cảnh không có thu nhập vì không tìm được việc làm. Các chủ doanh nghiệp không thanh toán hoàn toàn tiền lương, giờ làm thêm (60 giờ làm/tuần và được trả 30-80 euro/tháng), không trả tiền bồi thường khi bị sa thải hay bảo hiểm nhân mạng (1000 euro/người chết). Mọi công nhân đều không được hưởng bảo hiểm.

Một vấn đề bất cập khác tại đất nước này là hễ xảy ra sự cố, đất nước thông báo các biện pháp mà sẽ chẳng bao giờ được thi hành do thiếu kiểm tra, giám sát. Làm sao quản lý được hết các công ty khi số lượng thanh tra còn quá ít ? 51 thanh tra dành cho 6000 công ty (200 thanh tra cần được tuyển thêm từ nay đến cuối năm). Tổ chức CPD đòi hỏi phải có phương hướng hành động cụ thể, xác định rõ ràng trách nhiệm, đòi hỏi tính minh bạch, luật lệ rõ ràng và các tổ chức độc lập để giám sát. Thế nhưng, theo Libération, tất cả những đòi hỏi này còn lâu mới thực hiện được trong một đất nước bị tham nhũng nặng nề.

Theo chủ tịch tổ chức CPD thì tại Bangladesh, chính phủ khó thể nào mà giải quyết tình hình, vì ngành may mặc Bangladesh chỉ tuân theo luật thị trường, « sau khi xảy ra thảm họa sập nhà, áp lực dồn lên công nhân nào từ chối đi làm. Nếu họ không tiếp tục vào làm việc thì họ sẽ bị mất việc và không có tiền nuôi sống gia đình ». Thảm họa sập nhà tại Dacca cho thấy vẫn còn thiếu các công đoàn để bảo vệ quyền lợi cho người lao động Bangladesh.

Một cuộc nội chiến mới phủ bóng Irak

Báo Libération hôm nay cũng quan tâm đến tình hình tại Irak. Tờ báo cho biết, các cuộc tấn công mới nổ ra vào thứ bảy vừa rồi đã làm thiệt mạng hơn 60 người và hàng trăm người bị thương. Các vụ tấn công đặc biệt nhắm vào các quán cà phê và chợ búa tại Bagdad, trong khi người dân đang ăn mừng kết thúc tháng chay ramadan.

Báo Libération nhận định, đây là tháng ramadan đầy chết chóc nhất từ 5 năm nay. Bạo lực diễn ra hàng ngày gia tăng và gây lo ngại nổ ra một cuộc nội chiến mới trong khi đó hàng trăm tù nhân, trong đó có các thủ lãnh của tổ chức khủng bố Al-Qaida đã được giải thoát vào tháng 7.

Hoa Kỳ nhắc lại sẽ trao giải thưởng với giá 10 triệu đô la (gần 7,5 triệu euro) cho người nào cấp thông tin giúp chính quyền giết hoặc bắt sống thủ lĩnh Al-Qaeda tại Irak. Theo Liên Hiệp Quốc thì hơn 1000 người đã bị chết vào tháng 7, con số cao nhất tại đất nước này từ 5 năm nay.

Chính quyền Irak thì cho là bạo lực có gia tăng là do ảnh hưởng chiến tranh từ nước láng giềng Syria và thường cáo buộc các nước ngoại quốc kích thích bạo động. Thế nhưng còn có các nguyên nhân về khủng hoảng chính trị, giữa hai hệ phái Hồi giáo si-ai và su nít. Ngoài ra, chính phủ thể hiện sự bất lực trước việc cung cấp các dịch vụ cơ bản nhất, đặc biệt là cung ứng điện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.