Vào nội dung chính
XÃ HỘI

Người Hoa mua lại các doanh nghiệp Pháp : Rửa tiền hay trốn thuế ?

Sau khi mở nhiều cửa hàng bán thức ăn nhanh châu Á, cộng đồng nửa triệu người Hoa nhập cư vào Pháp và con cháu của họ tiếp tục tiến sang lãnh vực may mặc, cạnh tranh với khu thời trang Sentier truyền thống của người Do Thái lâu nay.

PMU bán nhiều loại vé số
PMU bán nhiều loại vé số Reuters
Quảng cáo

Bài báo trên tờ Le Figaro mang tựa đề « Các nhà buôn người Hoa đang được theo dõi » đã nêu ra sự kiện, sau khi chiếm lĩnh khu vực kinh doanh ăn uống và hàng may mặc, nay người Hoa tiếp tục mua lại các quán bar, cửa hàng thuốc lá và vé số…Cảnh sát Pháp đang theo dõi chặt chẽ hiện tượng này, nghi ngờ có việc rửa tiền hoặc trốn thuế.

Sau khi mở nhiều cửa hàng bán thức ăn nhanh châu Á, cộng đồng nửa triệu người Hoa nhập cư vào Pháp và con cháu của họ tiếp tục tiến sang lãnh vực may mặc, cạnh tranh với khu thời trang Sentier truyền thống của người Do Thái lâu nay.

Họ cũng làm chủ nhiều cửa hàng bán túi xách, giày dép, nữ trang giả, vi tính tại Paris và vùng phụ cận, và mới đây là các bar-tabac và PMU, nơi được phép bán lẻ thuốc lá, thức uống có cồn, tem, vé số…Từ những khu vực người châu Á như quận 13 hay Belleville, những ông chủ người Hoa trong mấy tháng gần đây đã xuất hiện tại các khu phố sang trọng của thủ đô nước Pháp. Có đến phân nửa các thương vụ mua lại các cửa hàng này là do cộng đồng người Hoa. Họ thích mua các cửa hàng có giá từ 300 ngàn đến 1,2 triệu euro và tỏ ra rất hào phóng. Trong bối cảnh thị trường đang ảm đạm, nhu cầu của người Trung Quốc đã đẩy giá lên đến 20%.

Nhưng kể từ tháng 11, việc mua lại các cửa hàng này đã đột ngột chấm dứt, từ khi bộ phận chuyên theo dõi về lãnh vực đua ngựa và xổ số của Cảnh sát Tư pháp lần ra được một mạng lưới người Trung Quốc sử dụng các chứng từ giả bằng tiếng quan thoại để chứng minh nguồn gốc tiền, và có 22 người đã bị điều tra.

Bài báo cho biết, cơ quan phản gián Pháp từ lâu đã có chú ý đến các hoạt động của cộng đồng người Hoa tại Paris và vùng phụ cận, đặc biệt là những người nhập cư. Rất nhiều người gốc Ôn Châu đã đến Pháp từ thập niên 80, có người hợp pháp, cũng có không ít người nhập cư lậu. Trong lãnh vực may mặc, người Hoa đã lần lượt mua lại nhiều cửa hàng tại khu vực Sédaine-Popincourt để bán sỉ quần áo, hình thành một khu vực tập trung. Sau khi cảnh sát phát hiện ra nhiều xưởng may bất hợp pháp, nơi nhiều người Hoa nhập cư lậu phải làm việc quần quật để trả món nợ vượt biên, nhiều xưởng may lén lút kiểu này đã phải tản mác khắp nơi, nhất là ngoại ô. Người Ôn Châu bèn nhắm vào các lãnh vực có vẻ ngon lành hơn như bar-tabac, vì khu vực này được nhà nước quản lý chặt chẽ, không có việc một cửa hàng cạnh tranh bất thần mọc lên.

Muốn mở một cửa hàng bar-tabac bán thuốc lá, rượu…phải có quốc tịch Pháp và có số vốn tối thiểu tương đương 33% trị giá cửa hàng. Hải quan thường không hỏi đến nguồn gốc số tiền, và để hỗ trợ cho khu vực này, kể từ mùa hè vừa qua, không cần phải có vốn gốc. Còn riêng các cửa hàng PMU bán nhiều loại vé số, có tổng doanh thu đến gần 10 tỉ euro, thì trong năm qua các ông chủ mới người Trung Quốc chiếm đến 20%.

Một điều tra viên đã chú ý đến hồ sơ của hai anh em người Hoa có quốc tịch Pháp, quá trẻ để nắm trong tay số vốn 100.000 euro dùng mua lại một bar-tabac ở Levallois. Hai người này cho biết họ được thừa kế của một người bà con ở Chiết Giang, và chứng minh với giấy tờ công chứng bằng tiếng quan thoại, là tiền bán nhà ở Trung Quốc. Nhưng một căn nhà giá 100.000 euro ở vùng đó là khá hiếm, và khi xem xét kỹ hơn, các nhà điều tra phát hiện công chứng viên này cũng chứng thực cho nhiều hồ sơ mua lại các cửa hàng PMU khác. Các giấy tờ trên là giả mạo, và hơn 20 người Hoa ở Paris và vùng phụ cận đã bị câu lưu. Kể từ đó đến nay, không có người gốc Trung Quốc nào đòi mua lại các cửa hàng PMU nữa.

Các thẩm phán nghiên cứu 11 hồ sơ có chứng từ công chứng giả, và nghi ngờ đây là nạn rửa tiền và trốn thuế. Tiền được chuyển từ Ngân hàng Trung Quốc, và đôi khi các điều tra viên truy ra được một vòng luân chuyển : tiền gởi từ Pháp về Trung Quốc, và quay trở lại Pháp dưới dạng tiền biếu tặng để mua lại một hiệu buôn. Ngành tư pháp chuẩn bị điều tra quốc tế, và cho biết vẫn chưa chứng minh được có liên hệ với mafia, chỉ giả thiết đây là việc trốn thuế. Các thẩm phán cũng nghi ngờ việc chơi hụi với lãi suất rẩt cao, còn một số nhân viên của các bar-tabac này cho biết có dấu hiệu rửa tiền. Hiện nay người Hoa có thể đang hướng sang việc mua lại khách sạn, các cửa hàng hoa tươi, hoặc mua lại đất trống ở Paris và vùng phụ cận để trồng trọt.

Ai Cập vẫn chiếm lĩnh thời sự quốc tế

Hình ảnh các cuộc biểu tình ở Ai Cập tiếp tục chiếm lĩnh trang nhất của các nhật báo lớn xuất bản tại Paris hôm nay. Nhật báo công giáo La Croix nhận định « Mọi cái nhìn đều hướng về Ai Cập », trong bối cảnh một cuộc biểu tình sẽ diễn ra hôm nay tại Cairo, và quốc tế ngày càng mang tâm trạng lo âu. Tờ Le Monde ra từ chiều hôm qua, chạy tít « Chế độ Mubarak phản công », chú ý đến tình trạng bạo lực đang hoành hành tại nước này, và Pháp yêu cầu các công dân của mình rời khỏi Ai Cập. Nhật báo cánh tả Libération đặt câu hỏi : « Mubarak sẽ đi đến đâu ? », khi các cuộc biểu tình, xung đột vẫn tiếp diễn, mà Tổng thống vẫn luôn bác bỏ việc từ chức. Riêng nhật báo cộng sản L’Humanité dành hẳn một số đặc biệt với 8 trang báo cho hồ sơ Ai Cập, với dòng tựa lớn trên trang nhất : « Cùng với Ai Cập trong cuộc cách mạng ».

Ở trang trong, tờ báo cánh tả Libération phê phán « Chiến thuật tồi tệ » của ông Mubarak, cố nắm lại quyền kiểm soát đất nước qua việc kích thích chủ nghĩa dân tộc và đàn áp phong trào phản kháng. Trong bài xã luận mang tên « Kẻ phóng hỏa », Libération chỉ trích, từ chối đi tị nạn trong khi vẫn còn thời gian, và quân đội cho đến nay vẫn từ chối trấn áp người biểu tình, vị bạo chúa đang ở đường cùng đang sử dụng các vũ khí cuối cùng là sự thù hận, nỗi sợ hãi, tình trạng hỗn loạn, và nạn nhân mới nhất là các nhà báo nước ngoài. Tờ báo so sánh chế độ Cairo với Bắc Kinh : khi cần đàn áp thì các nhà độc tài không muốn có các chứng nhân.

Ông Mubarak trước hết đã cố gắng cắt internet, rồi cấm kênh truyền hình Al-Jezira, và nay ra lệnh dùng dùi cui tấn công vào các phóng viên ngoại quốc. Nhưng các thông tin vẫn lan truyền trên internet, Al-Jezira thay đổi kênh phát sóng, và các nhà báo nước ngoài vẫn cố thực hiện được nhiệm vụ dù khó khăn. Theo Libération, những bằng cớ đang chồng chất để một ngày nào đó có thể đưa « kẻ phóng hỏa » Mubarak ra xét xử.

Nhật báo cộng sản L’Humanité tỏ ra bức xúc, vì đặc phái viên của tờ báo đã bị bắt hai lần khi đang làm nhiệm vụ ở quảng trường Tahrir. Nhiều nhà báo Pháp khác của France-24, I-Télé, France 2, BFM TV, Arte bị bắt, bị hăm dọa, lăng mạ…có người còn bị đánh đập. Trong bài xã luận mang tên « Những gì chúng ta có thể làm được cho Ai Cập », tờ báo cho rằng các dân tộc trên thế giới có thể bày tỏ tình đoàn kết, và gây áp lực lên chính phủ nước mình, góp phần làm cho chế độ Mubarak phải lùi bước .

Các báo cũng đề cập đến sự kiện bà Michèle Alliot-Marie, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, bị dư luận phê phán về việc bà đi nghỉ cuối năm ở Tunisia bằng máy bay riêng của một doanh nhân thân cận với cựu Tổng thống Ben Ali. Nhật báo La Croix nhận xét, ngay cả khi không sai phạm về mặt luật pháp, trách nhiệm về mặt đạo đức của các chính khách vẫn rất nặng nề, và vượt ra khỏi biên giới. Những người quản lý dù ở cấp bậc nào cũng phải tỏ ra gương mẫu, để không làm hoen ố hình ảnh của đất nước.

Khó thể bảo mật thông tin cá nhân trên các mạng xã hội

Trên lãnh vực tin học, bài điều tra của nhật báo Le Monde với tựa đề « Bạn của ta cũng là bạn của họ », nêu bật sự kiện một thanh niên Pháp tên John Jean, 26 tuổi, đã làm ra một phần mềm giúp đánh cắp được tất cả các dữ liệu cá nhân trên Facebook. Mục đích của anh nhằm chỉ ra rằng, tính bảo mật không thể được bảo đảm trên các mạng xã hội.

Tháng 8 năm ngoái, John Jean đã phát hiện được một lỗ hổng trong chương trình giúp truy cập Facebook bằng điện thoại di động. Anh bèn làm ra một phần mềm giúp xâm nhập vào tài khoản của người sử dụng, và virus này có thể lây lan sang các tài khoản bạn của người này trên Facebook, cho dù đây là tài khoản an toàn, chỉ chấp nhận kết bạn đối với những người mình biết rất rõ. John Jean đã xử sự rất đẹp khi báo cho bộ phận an ninh của Facebook.

Một thời gian sau, lỗ hổng đã được trám lại, nhưng anh chỉ nhận được một lời cám ơn qua loa. Hai tháng sau, anh lại phát hiện một lỗ hổng khác trong các phần mềm giúp Facebook quản lý được các truy cập qua màn hình cảm ứng. Anh bèn thiết kế những chiếc bẫy khác nguy hiểm hơn, và đang định thử nghiệm tương tự trên Twitter. John Jean chỉ muốn nhấn mạnh, các mạng xã hội như Facebook do chú trọng việc khai thác các dữ liệu cá nhân vào mục đích thương mại, nên khó thể cải thiện được hệ thống bảo vệ các bí mật đời tư của người sử dụng.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.