Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Đảng cộng sản Trung Quốc xúc tiến chính sách "Nhà nước pháp quyền"

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc đã diễn ra từ ngày 20 đến ngày 25/10, xoay quanh chủ đề « y pháp trị quốc ». Cũng trong khoảng thời gian này, một nhóm các nhà đấu tranh và luật sư đã lên tiếng bênh vực một số người, trong đó có rất nhiều nghệ sĩ, bị bắt trong mấy tuần vừa qua do ủng hộ phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông.

Bắc Kinh chủ trương "y pháp trị quốc" : nhiều nghệ sĩ bị bắt trong thời gian qua do ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông - REUTERS
Bắc Kinh chủ trương "y pháp trị quốc" : nhiều nghệ sĩ bị bắt trong thời gian qua do ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông - REUTERS
Quảng cáo

Một số trường hợp tiêu biểu được thông tín viên của tờ Le Monde tại Bắc Kinh phản ánh trong bài : « Tại Trung Quốc, độc đảng xúc tiến chính sách « Nhà nước pháp quyền » ». Thông tín viên của Le Monde gặp luật sư của năm người bị tạm giam tại Bắc Kinh, trong đó, người thứ năm bị coi là « biến mất » từ ngày 10/10 vừa qua. Luật sư trên đã thông báo với cảnh sát rằng luật pháp quy định luật sư có thể gặp thân chủ của mình trong vòng 48 giờ sau khi bị bắt. Tuy nhiên, cảnh sát đã lảng tránh trả lời.

Trường hợp năm thân chủ của vị luật sư trên được nêu lên để chứng minh độc quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thực vậy, Đại hội lần thứ IV của Đảng đã kết thúc với lời kêu gọi « y pháp trị quốc theo màu sắc Trung Hoa » và thành lập một cơ chế, chưa hề tồn tại cho tới nay, tại Quốc hội để giám sát các hành động vi phạm pháp luật. Ngoài ra, bản công báo cũng nhắc lại rằng « yêu cầu đầu tiên của « y pháp trị quốc » xã hội chủ nghĩa là đảm bảo vai trò của nhà lãnh đạo Đảng ». Đây chính là một trở ngại lớn, vì điều này được ghi rất chung chung trong lời mở đầu của Hiến pháp. Như vậy, mọi việc có khả năng ảnh hưởng tới « vai trò của nhà lãnh đạo » sẽ kéo theo những vấn đề khác, như tự do ngôn luận hay hội họp.

Chính vì thế, cảnh sát được tự do hành động trong công cuộc « duy trì sự ổn định ». Vị luật sư trên thở dài cho biết : « Cách duy nhất để tạo nên một hệ thống gần với ý tưởng Nhà nước pháp quyền, có lẽ là phải tháo bỏ hệ thống duy trì ổn định này ». Dĩ nhiên, đây không phải là công việc trước mắt của vị luật sư 50 tuổi, một trong những nhân tố tôn trọng pháp lý và tích cực đấu tranh chống lạm dụng của cảnh sát. Ông cho biết thân chủ « mất tích » bị bắt khi đang hành hương tới Ngũ Đài Sơn mà không có lệnh bắt nào. Theo ông, chắc chắn việc bắt giữ này có liên quan tới Hồng Kông. Đôi khi, cảnh sát cũng nhắm tới những nhà đấu tranh để ngăn ngừa nguy cơ gây ảnh hưởng của họ.

Rất nhiều nghệ sĩ bị bắt trong những tuần vừa qua chỉ vì đăng ảnh lên các mạng xã hội, một hành động bị gắn với việc « kích động gây rối ». Đây cũng là tội mà một nghệ sĩ họ Vương (Wang Zang) bị bắt ngày 01/10 vừa qua. Cảnh sát tới lục lọi nhà của ông, gây ảnh hưởng để vợ và con gái một tuổi không có điện và nước. Cuối cùng, cảnh sát dọa nạt chủ nhà và trục xuất gia đình ông ngày 16/10.

Một nhà tranh đấu người Bắc Kinh, vừa mới được ra tù, thống kê có khoảng 15 người tại làng nghệ thuật Tống Trang (Songzhuang), ngoại ô Bắc Kinh, bị bắt giam vì đã ủng hộ phong trào đòi dân chủ tại Hồng Kông. Cùng với hai nhà tranh đấu nổi tiếng khác, ngày 20/10, họ đã cử một nghệ sĩ trẻ gây quỹ trên mạng Internet để ủng hộ các gia đình nghệ sĩ bị bắt. Thế nhưng, nghệ sĩ trẻ này bị bắt ngay tối hôm đó và được thả tự do ngày hôm sau nhờ vào ba người nổi tiếng. Tuy nhiên, khoản tiền 3000 euro quyên góp đã không được cảnh sát trả lại.

Mạng lưới Putin tại Pháp

Quay sang thời sự châu Âu, báo Libération số cuối tuần và tuần báo Le Nouvel Observateur quan tâm tới « Mạng lưới Putin tại Pháp ». Từ gần một năm nay, Ukraina bị giằng xé giữa hai phe thân Nga và thân châu Âu, và từ khoảng 8 tháng nay, nước Nga đang tận dụng cơ hội để tăng cường ảnh hưởng của mình tới quốc gia thuộc Liên Xô cũ này bằng việc sáp nhập bán đảo Crimée vào Nga và hậu thuẫn phe ly khai tại miền Đông Ukraina. Thế nhưng, một số chính trị gia vẫn ủng hộ hành động của Kremlin. Đâu là lý do giải thích cho hành động này ?

Bài xã luận trên tờ Libération cho biết tại Pháp, nhiều người thấy tình hình đang bớt căng thẳng đi tại Nga, do bị vầng hào quang quyền lực của Putin mê hoặc một cách vô thức hay có ý thức. Tác giả bài xã luận đưa ra minh chứng tuyên bố của Marine Le Pen ngày thứ 6 vừa qua rằng, mọi cảm giác ủng hộ Nga bắt nguồn từ việc chống Mỹ. Người đứng đầu Đảng Mặt trận quốc gia (Front national), đồng thời cũng là một người ngưỡng mộ Putin, công kích : « Chúng ta không phải là chó bông của nước Mỹ, hãy trở lại thành một quốc gia tự do và toàn vẹn lãnh thổ ». Bà yêu cầu chính phủ Pháp phải tôn trọng hợp đồng bán tầu Mistral cho Nga. Vụ việc này cũng phản ánh sức mạnh của mạng lưới Putin tại Paris. Cuộc điều tra của tờ Libération xếp họ thành 7 nhóm và phân tích trong mục « Hồ sơ » dưới tựa đề : « Bẩy nhóm trong tay áo của điện Kremlin ».

Đứng đầu danh sách là cánh cực hữu. Trong tất cả các đảng phái chính trị Pháp, thành viên của Đảng Mặt trận quốc gia là những người ngưỡng mộ Putin nhất. Tuần báo Le Nouvel Observateur cũng tốn khá nhiều giấy mực để phản ánh « Mạng lưới Nga của gia đình Le Pen ». Bài phóng sự cho biết khoảng gần nửa thế kỷ nay, Jean-Marie Le Pen chăm chút các mối quan hệ và giao hảo tại Nga. Con gái Marine Le Pen và cháu gái Marion của ông đã thay ông tiếp tục công việc. Đảng Mặt trận quốc gia trở thành đầu cầu của chế độ Putin tại Pháp. Tác giả bài báo đặt câu hỏi đổi lại gia đình Le Pen được gì ?

Ngoài việc miêu tả quá trình thiết lập mối quan hệ thân thiết với Nga từ sự kiện tháng 5 Năm 1968 tại khu Latin, tác giả bài báo cho biết lợi ích của mối quan hệ chủ yếu là vấn đề tài chính. Một bức ảnh trong bài báo nêu việc Marine Le Pen gặp gỡ các đại diện giáo trưởng của Mát-xcơ-va để xin các ngân hàng Nga tài trợ cho Đảng của mình. Hay một ví dụ khác là mùa hè năm 2012, sứ quán Nga đã ủng hộ một kênh truyền hình ủng hộ Nga, ProRussia.tv, do các cựu cán bộ của Đảng Mặt trận quốc gia thành lập …

Đổi lại, gia đình Le Pen cũng thể hiện sự tận tâm tới chính quyền Nga. Cháu gái Marion Maréchal-Le Pen trở thành thành viên của hội hữu nghị Pháp-Nga tại Quốc hội Pháp. Ngày 16/03/2014, người ly khai Ukraina tổ chức bỏ phiếu để sáp nhập bán đảo Crimée vào Nga, cố vấn quốc tế của Marine Le Pen được « những người bạn Nga » mời tới giám sát. Tối hôm bỏ phiếu, ông khẳng định trên truyền hình Nga là cuộc bỏ phiếu đã diễn ra theo đúng luật. Sau đó, ông bay về Mát-xcơ-va và « tình cờ » tại đây ông gặp nhà tài trợ cho những người ly khai Ukraina. « Lòng trung thành » của Marine Le Pen còn được trả giá nào khác ? Bà từ chối trả lời câu hỏi liệu Mát-xcơ-va có tài trợ cho đảng của bà hay không.

Nhập cư : tâm điểm tranh luận của cánh hữu

Đầu tuần này, khi cho rằng nên siết chặt chính sách nhập cư, Nicolas Sarkozy đã đưa vấn đề này thành trung tâm tranh luận của cánh hữu. Mọi người tranh cử vị trí lãnh đạo của Đảng UMP đều đưa ra ý kiến của mình, như ý tưởng khối « Schengen mới » của Nicolas Sarkozy để đáp trả đề xuất « Schengen II » của François Fillon. Còn Alain Juppé thì cho rằng phải thay đổi khối này. Trong khi đó Xavier Bertrand tuyên bố phải xóa bỏ hoàn toàn. Le Figaro số ra cuối tuần phản ánh cuộc tranh luận này dưới tựa đề : « Vấn đề nhập cư : tâm điểm tranh luận của cánh hữu ».

Bài xã luận trên trang hai của Le Figaro nhận xét nhập cư là vấn đề nhạy cảm đối với các ứng cử viên chức chủ tịch đảng UMP. Dĩ nhiên là ngôn từ trong diễn văn tại các cuộc gặp mặt thường dễ dàng hơn là các quyết định tại một quốc gia nơi chính phủ không phải là người duy nhất quyết định.

Người ta nhận thấy sự nhất trí giữa các khuôn mặt tiêu biểu của UMP về vấn đề này. Cánh hữu tìm cách biện hộ một cuộc đấu tranh nghiêm túc chống nhập cư bất hợp pháp và hạn chế người nhập cư hợp pháp. Giờ đây, họ dám đưa ra câu hỏi mà bản thân tự cấm cho tới nay.

Đó là vấn đề về các trợ cấp xã hội, hỗ trợ y tế miễn phí của Nhà nước cho toàn bộ người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp. François Fillon, người thích nói chuyện kinh tế, xã hội và ngoại giao, tới đây sẽ đưa ra những đề xuất chi tiết, trong đó có việc người nước ngoài tới Pháp dưới dạng đoàn tụ với vợ hoặc chồng. Đây là nguồn nhập cư còn cao hơn cả diện đoàn tụ gia đình. Ngay cả Alain Juppé cũng sẽ đưa ra những đề xuất cụ thể nhằm quản lý chặt chẽ hơn.

Bài xã luận kết luận chắc chắn cánh tả sẽ quy kết cuộc tranh luận này là « cực đoan hóa » và đi theo Le Pen. Nhưng các cuộc điều tra đều chứng minh rằng đây là ý kiến chung, không chỉ về vấn đề mạnh tay hơn mà còn phải có một diễn văn công nhận rõ ràng hơn những lắt léo về vấn đề bản sắc Pháp.

Thu nhập thật của bác sĩ

Một chủ đề xã hội khác, khá phức tạp và nhạy cảm, liên quan tới nước Pháp được tuần báo L’Express phản ánh, đó là « Thu nhập thật của bác sĩ ». Theo số liệu tờ báo đưa ra, giữa một bác sĩ đa khoa ăn lương và một bác sĩ chụp phim tự do, chênh lệch thu nhập lên tới khoảng 6 lần.

Tờ L’Express trích đăng nội dung cuốn sách « Thu nhập của những người làm ngành y tế ». Cuốn sách chỉ ra rằng tồn tại niên kim trong lĩnh vực này. Ngoài ra, thay đổi thu nhập không hề phụ thuộc vào chất lượng chăm sóc, hay giá khám chữa bệnh, vì Nhà nước không kiểm tra được khối lượng công việc.

Một trong những lưu ý trong cuốn sách là số lượng bác sĩ đa khoa nam vẫn nhiều hơn lượng bác sĩ nữ dù ngày càng có nhiều nữ bác sĩ hơn. Về vấn đề chuyên khoa, điều tra của cuốn sách nêu khoảng 30 chuyên khoa khác nhau và lượng bác sĩ nữ trong lĩnh vực này ngày càng tăng.

Ngoài những chi tiết về thu nhập từng chuyên khoa, bài báo kết luận không tính tới thời gian làm việc của người này hay người khác, thu nhập của họ cao hơn thu nhập của các cán bộ hay các ngành trí tuệ cao cấp. Cuối cùng, thu nhập của họ không tăng nhiều lắm và chịu ảnh hưởng của sức mua từ một thập niên nay.

Bảo tàng Picasso mở cửa trở lại

Sau 5 năm trùng tu, bảo tàng Picasso được mở cửa trở lại ngày hôm nay 25/10 và giới thiệu bộ sưu tập lớn nhất thế giới của nghệ sĩ. Đa số các báo Pháp phản ánh sự kiện này trong mục « Văn hóa ». Trả lời phỏng vấn tờ Le Figaro, Giám đốc bảo tàng Picasso cho biết với khoảng 3000 m2 và 37 phòng trưng bày, bảo tàng có không gian để giới thiệu tốt hơn bộ sưu tập đặc biệt này.

Thế nhưng, L’Express lại đánh giá nếu như bình yên quay trở lại bảo tàng sau nhiều năm tranh chấp, dường như tương lai của bảo tàng vẫn chưa được đảm bảo. Quả thực, bộ Văn hóa yêu cầu bảo tàng phải tự chủ về tài chính khoảng 65% ngân sách.

Đây là thách thức của ban lãnh đạo bảo tàng vì con số này lớn hơn cả tự chủ ngân sách của hai bảo tàng lớn là Louvre hay Centre Pompidou, chỉ lần lượt là 50% và 30%. Dù bảo tàng Picasso đã tăng gấp đôi diện tích, như vậy có thể đón được 800 000 lượt khách hàng năm, thì thách thức vẫn còn trước mặt. Chính vì thế, bảo tàng sẽ ưu tiên tổ chức các triển lãm ngắn hạn để thu hút khách trong vùng (chiếm khoảng 35% lượng khách).

Ngoài các tiêu điểm trên, cuộc bầu cử tổng thống tại Brasil, hai ca nhiễm virus Ebola đầu tiên tại New York và Mali là những chủ đề quốc tế chính được đề cập trên các trang báo số cuối tuần. Về phần thời sự Pháp và châu Âu, các báo quan tâm tới chủ đề ngân sách Pháp và thỏa hiệp về khí hậu.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.