Vào nội dung chính
ẤN ĐỘ

Ấn Độ : Hạ Viện thông qua luật cấp quốc tịch cho dân tị nạn, loại trừ tín đồ Hồi Giáo

Trong đêm hôm qua 11/12, rạng sáng nay 12/12/2019, Hạ Viện Ấn Độ đã bỏ phiếu thông qua luật cấp quốc tịch cho công dân một số nước láng giềng sống tị nạn tại Ấn Độ, với 311 phiếu thuận, 80 phiếu chống.

Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình sau khi Quốc Hội Ấn Độ thông qua dự luật sửa đổi về việc cấp quốc tịch cho công dân một số nước láng giềng, Agartala, ngày 12/12/2019.
Cảnh sát bắt giữ một người biểu tình sau khi Quốc Hội Ấn Độ thông qua dự luật sửa đổi về việc cấp quốc tịch cho công dân một số nước láng giềng, Agartala, ngày 12/12/2019. REUTERS/Jayanta Dey
Quảng cáo

Theo luật này, thì công dân ba nước Afghanistan, Bangladesh và Pakistan - là người theo Ấn Độ Giáo, đạo Sikh, đạo Phật, đạo Thiên Chúa hay Hỏa Giáo - có thể được nhập quốc tịch Ấn Độ. Tuy nhiên, người Hồi Giáo tị nạn không được cấp quốc tịch. Ba nước láng giềng nói trên là nơi dân cư đa số theo Hồi Giáo. Luật mới về cấp quốc tịch thay thế cho luật quốc tịch năm 1955, cấm cấp quốc tịch cho dân nhập cư bất hợp pháp. Thông tín viên Sébastian Farcis tường trình từ New Delhi :

''Giấc mơ của hàng triệu người là nạn nhân và bị loại trừ giờ đây đã trở thành hiện thực. Bộ trưởng Nội Vụ Ấn Độ ca ngợi luật vừa được thông qua. Đối với chính phủ Ấn Độ, do phe dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ Giáo điều hành, luật về cấp quốc tịch sẽ cho phép nhiều người Afghanistan, Bangladesh hay Pakistan, không theo đạo Hồi, được nhận quốc tịch Ấn Độ, nếu sống tại Ấn Độ từ 6 năm trở lên. Đối với những người nước ngoài khác, thời gian đòi hỏi là 11 năm.

Phe dân tộc chủ nghĩa theo Ấn Độ Giáo cầm quyền khẳng định luật này có mục tiêu bảo vệ các cộng đồng theo tôn giáo thiểu số ở ba quốc gia nói trên. Theo đối lập Ấn Độ, đây là một biện pháp để ngăn cản những tín đồ Hồi Giáo trong khu vực được cấp quốc tịch Ấn Độ. Thậm chí còn có khả năng tạo điều kiện trục xuất cả những người đã sống tại Ấn Độ.

Luật này thậm chí có thể là bất hợp pháp, vì xâm phạm các nguyên tắc bình đẳng và thế tục, được ghi trong Hiến pháp. Đối với ông Palaniappan Chidambaram, nghị sĩ đối lập đảng Quốc Đại, dự luật này sẽ phải bị đưa ra trước Tòa Án Tối Cao. Ông nói : Người ta đã đòi hỏi các nghị sĩ phải thực thi một điều vi hiến. Dự luật này sẽ phải được đưa ra để các thẩm phán xem xét về tính hợp hiến. Tôi cho rằng chính phủ này sẽ dùng quyền lực để luật được thông qua nhằm thực thi chính sách coi người Ấn là thượng đẳng. Đây là một ngày đáng buồn !.

Tòa Án Tối Cao, vốn được coi là một định chế độc lập tại Ấn Độ, nhưng gần đây các thẩm phán của Tòa đã đứng về phía phe Ấn Độ Giáo chống lại người theo đạo Hồi. Tình hình hiện nay có lợi cho chính phủ".

Đối với nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền hay Hồi Giáo, đây là một nỗ lực mới của chính quyền của thủ tướng Narendra Modi nhằm gạt cộng đồng Hồi Giáo tại Ấn Độ sang bên lề. Đây là điều mà chính quyền Modi phủ nhận. Theo chính phủ Modi, luật mới không liên quan đến tín đồ Hồi Giáo sinh sống tại Ấn Độ. Tuy nhiên, dự luật gây lo ngại tại nhiều bang Ấn Độ miền đông bắc, những người phản đối lo ngại làn sóng tị nạn người Ấn Độ Giáo từ nước láng giềng Bangladesh tràn sang.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.