Vào nội dung chính
ERICSSON - HỐI LỘ

Mỹ phạt Ericsson hơn 1 tỉ đô la vì hối lộ tại 5 nước, trong đó có Việt Nam

Hơn 17 năm đưa hối lộ ở năm nước, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Koweit và Djibouti, công ty viễn thông đa quốc gia Telefonaktiebolaget LM Ericsson, có trụ sở ở Stockholm, Thụy Điển, đã chấp nhận trả hơn 1 tỉ đô la tiền phạt để chấm dứt cuộc điều tra của Mỹ về vi phạm Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài (Foreign Corupt Practices Act, FCPA).

Trụ sở chính của Ericsson tại Stockholm, Thụy Điển. Ảnh minh họa.
Trụ sở chính của Ericsson tại Stockholm, Thụy Điển. Ảnh minh họa. REUTERS/Bob Strong
Quảng cáo

Trong thông cáo đăng trên website ngày 06/12/2019, tập đoàn Ericsson chỉ nêu ngắn gọn là đã chuẩn bị 1,2 tỉ đô la để trả khoản tiền phạt này và từ chối bình luận.

Bộ Tư Pháp Mỹ cáo buộc Ericsson tội gì ?

Theo khiếu nại của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ, ít nhất từ năm 2011 đến 2017, các công ty con của Ericsson sử dụng các bên thứ ba để hối lộ quan chức ở Ả Rập Xê Út, Trung Quốc và Djibouti đổi lại các hợp đồng béo bở. Ericsson cũng vi phạm Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài tại Việt Nam, Indonesia và Koweit.

Công tố viên New York Geoffrey S. Berman cáo buộc : « Nhờ những quỹ đen, tiền hối lộ, quà tặng và tham nhũng, Ericsson đã tiến hành hoạt động trong ngành viễn thông với một nguyên tắc duy nhất : ‘’Chỉ có tiền là trên hết !’’ »

Ericsson sẽ phải trả 540 triệu đô la cho Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (Securities and Exchange Commission, SEC). Ngoài ra, theo thỏa thuận với một thẩm phán New York, Ericsson cam kết trả 520.650.432 đô la theo thỏa thuận với Tư Pháp Mỹ trong vòng 10 ngày. Tổng tiền phạt trên đã tính cả khoản giảm 15% vì Ericsson hợp tác với bộ Tư Pháp Mỹ và lẽ ra đã có thể được giảm thêm nếu tập đoàn Thụy Điển hợp tác tới cùng, có nghĩa là tự thông báo các cáo buộc tham nhũng, cung cấp thêm một số tài liệu và có biện pháp kỷ luật thích đáng đối với một số nhân viên liên quan.

Ngoài tiền phạt, Ericsson còn chịu sự giám sát của một nhà quan sát độc lập trong vòng ba năm để chắc rằng tập đoàn tuân thủ những quy định trong thỏa thuận.

Những chiêu hối lộ của Ericsson

Thông cáo ngày 06/12/2019 trên website của bộ Tư Pháp Mỹ trích cáo buộc của ông Brian A. Benczkowski, lãnh đạo Phòng Tội phạm Hình sự : « Hành vi hối lộ nhũng của Ericsson đã mua chuộc nhiều cao chức cấp cao, trong suốt hơn 17 năm và tại ít nhất 5 nước, tất cả đều nhằm tăng lợi nhuận cho hãng ».

Vẫn theo thông cáo bộ Tư Pháp Mỹ, Ericsson đã thừa nhận thực hiện một chiến dịch hối lộ rất tinh vi từ đầu năm 2000 đến 2016 tại ít nhất năm nước : Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Djibouti và Koweit mà không để những khoản chi này thể hiện trên tài khoản chính thức.

Cụ thể, Ericsson lập quỹ đen 45 triệu đô la ở Indonesia từ năm 2012 đến 2015 thông qua một công ty tư vấn. Từ năm 2010 đến 2014, Ericsson đã hối lộ 2,1 triệu đô la cho nhiều quan chức cấp cao ở Djibouti để nhận được một hợp đồng trị giá khoảng 20,3 triệu euro. Còn tại Koweit, tập đoàn Thụy Điển hứa chi 450.000 đô la từ năm 2011 đến 2013 cho một công ty tư vấn theo yêu cầu của một đại lý để giành được hợp đồng trị giá 182 triệu đô la trong dự án hiện đại hóa mạng truy cập vô tuyến điện của công ty viễn thông Nhà nước.

Mức độ bạo chi nhất của Ericsson chính là tại Trung Quốc. Từ năm 2010 đến 2016, các công ty con của Ericsson đã chi 10 triệu đô la cho các đại lý, nhà tư vấn và nhà cung cấp dịch vụ, trong đó có cả chi phí phát sinh ở Trung Quốc như quà tặng, du lịch, giải trí cho các quan chức nước ngoài, bao gồm cả khách hàng từ các công ty viễn thông Nhà nước. Ngoài ra, từ năm 2013 đến 2016, Ericsson đã thanh toán khoảng 31,5 triệu đô la cho các bên cung cấp dịch vụ thứ ba qua những hợp đồng « ma » với mục đích là tạo quỹ đen giúp các công ty con của Ericsson có thể trả cho các bên thứ ba tại Trung Quốc, đi ngược với với chính sách và quy định chính thức của tập đoàn.

Tư Pháp Mỹ phát hiện các vụ hối lộ của Ericsson ở Việt Nam từ năm 2012 đến 2015. Các công ty con của tập đoàn viễn thông đã chuyển khoảng 4,8 triệu đô la cho một công ty tư vấn để lập quỹ đen. Số tiền này sau đó được chuyển cho những nhân vật mà trên nguyên tắc không có tư cách nhận vì không liên quan đến các dự án. Ericsson đã cố tình làm sai lệch các khoản chi này và ghi không đúng vào sổ sách của công ty.

Ericsson ở Việt Nam

Trong thông cáo ngày 12/07/2017, Ericsson khẳng định « là công ty hàng đầu tại Việt Nam cung cấp đa dạng các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin, cho phép truyền thông phong phú hơn. Ericsson đã đi tiên phong trong các mạng di động đầu tiên tại Việt Nam, phát triển mạng lưới 2G, 3G và 4G và hiện đã hoàn thành cuộc trình diễn 5G đầu tiên kết hợp với Cục Tần số vô tuyến điện Việt Nam (ARFM) », thuộc bộ Thông tin-Truyền thông.

Trong dự án phát triển mạng 5G tại Việt Nam, tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel hợp tác với Ericsson và đã thử nghiệm thành công cuộc gọi đầu tiên qua mạng 5G tại Hà Nội ngày 10/05/2019.

Ngày 09/05/2019, trang Kinh tế Đô thị từng đặt nghi vấn « Bất thường nhà thầu Ericsson AB trúng thầu tại các dự án của VNPT Net ? ». Từ năm 2016 đến 2018, nhà thầu nước ngoài Ericsson AB đã trúng ít nhất 9 gói thầu quan trọng của Tổng Công ty Hạ tầng mạng (VNPT Net - thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) theo hình thức chỉ định thầu quốc tế và một gói thầu mua sắm trực tiếp, với tổng giá trị lên tới hơn 414 tỉ đồng và gần 71 triệu đô la. Điều đáng nói, theo bài báo, là « những gói thầu này đều vượt hạn mức để chỉ định thầu và đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước hoặc quốc tế ».

Ngoài ra, Ericsson là một công ty nước ngoài, không liên danh với một công ty trong nước theo luật Đấu thầu, nhưng vẫn được VNPT, chủ đầu tư, phê chuẩn trúng thầu gói thầu « Mua sắm vật tư dự phòng cho hệ thống vô tuyến VNPT Net sử dụng thiết bị Ericsson năm 2017 » và gói « Mua sắm vật tư dự phòng cho hệ thống vô tuyến VNPT Net sử dụng thiết bị Ericsson năm 2018 ». Một khúc mắc khác được bài viết của Kinh tế Đô thị nêu lên : Cũng ngay trong tên gọi của hai gói thầu trên, tại sao VNPT Net nêu thẳng tên nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa vào hồ sơ yêu cầu, với tên gói thầu là « thiết bị Ericsson » ?

Những cáo buộc của tư pháp Mỹ đối với Ericsson hiện chỉ dừng trong ba năm 2012 đến 2015 tại Việt Nam. Liệu những « bất thường » được trang Kinh tế Đô thị nêu lên có liên quan đến hoạt động quỹ đen của Ericsson tại Việt Nam không ? Trong thời gian tới, nếu tiếp tục hợp tác với tư pháp Mỹ, liệu những thông tin mà Ericsson cung cấp thêm có giúp tư pháp Mỹ lần ra những cá nhân, đơn vị nhận hối lộ từ nhà khổng lồ viễn thông ?

Tại sao Mỹ được phép trừng phạt một công ty nước ngoài ?

Vụ việc bắt đầu từ khiếu nại của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ cáo buộc Ericsson vi phạm Các điều khoản Chống hối lộ, Hồ sơ và Sổ sách, và các quy định kiểm soát nội bộ của luật chứng khoán liên bang. Cuộc điều tra do Wendy E. Pearson và Carol Kim, thuộc Văn phòng khu vực Los Angeles, tiến hành dưới sự giám sát của Finola H. Manvelian.

Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ có thể làm được việc này vì luật pháp của Mỹ áp dụng nguyên tắc « ngoài lãnh thổ » để buộc các nước khác tuân thủ luật pháp của Hoa Kỳ và bảo vệ quyền lợi của Mỹ. Như vậy, mọi doanh nghiệp trên thế giới, bất kể là của Mỹ hay ngoại quốc, nếu có các hành vi hối lộ các quan chức nhà nước ngoại quốc, đều có thể bị truy tố. Dĩ nhiên, các hành vi nói trên đều liên quan đến « yếu tố Hoa Kỳ », ví dụ sử dụng đồng đô la Mỹ, thông qua ngân hàng Mỹ, thậm chí trao đổi thư điện tử có nội dung hối lộ qua một máy chủ đặt tại Hoa Kỳ…

Thường thì các công ty nước ngoài tìm cách dàn xếp và nộp phạt (các ngân hàng BNP Parisbas, Société Générale của Pháp, Deutsche Bank của Đức…), bởi vì nếu bị cấm vào thị trường Mỹ, bị cấm giao dịch với các ngân hàng Mỹ hoặc dùng đô la Mỹ…, các doanh nghiệp này khó có thể tồn tại.

Ngoài ra, chính quyền Mỹ thẳng tay bắt giam các lãnh đạo những công ty bị cáo buộc vi phạm luật lệ Hoa Kỳ. Trường hợp đã xảy ra với Frédéric Pierucci, giám đốc phụ trách bán hàng và marketing của chi nhánh nồi hơi của tập đoàn Pháp Alstom, bị bắt năm 2013 ngay khi đặt chân đến sân bay New York.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.