Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - BIỂU TÌNH - DÂN CHỦ

Lãnh đạo Hồng Kông loại trừ mọi nhân nhượng mới với phong trào đòi dân chủ

Lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông ngày 10/12/2019 khẳng định sẽ không có thêm bất cứ nhân nhượng nào, trước các đòi hỏi của phong trào đòi dân chủ, bất chấp thảm bại của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử địa phương vừa qua, và cuộc biểu tình ôn hòa với gần một triệu người tham dự hôm Chủ Nhật 08/12.

Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phát biểu sau cuộc bầu cử địa phương ở Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 26/11/2019.
Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phát biểu sau cuộc bầu cử địa phương ở Hồng Kông, Trung Quốc, ngày 26/11/2019. REUTERS/Marko Djurica
Quảng cáo

Theo AFP, trong cuộc trả lời họp báo hàng tuần hôm 10/12, lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), nhấn mạnh là ngoài việc hủy bỏ dự luật dẫn độ, một trong các yêu sách chính của người biểu tình, chính quyền đặc khu sẽ không đáp ứng bất cứ một đòi hỏi nào đi ngược lại với luật pháp. Cụ thể là, theo bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, sẽ không thể có chuyện ân xá cho hơn 6.000 người bị bắt, từ tháng 6/2019 đến nay, bởi điều này hoàn toàn phản lại nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

Theo lãnh đạo đặc khu Hồng Kông, điều kiện tiên quyết cho các đối thoại xây dựng là không khí phải bình yên trở lại. Bên cạnh đó, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng khẳng định luôn luôn sẵn sàng xem xét giải quyết các vấn đề xã hội cụ thể, nhằm giảm nhẹ những bất bình của dân chúng.

Căng thẳng tại Hồng Kông, kể từ cuộc bầu cử địa phương ngày 24/11, tạm lắng dịu, với số lượng các đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, theo giới quan sát, có rất nhiều nguy cơ bạo lực tái diễn.

Tối 09/12, cảnh sát Hồng Kông thông báo vô hiệu hóa hai trái bom tự tạo tại một trường học, và đã mở điều tra để xác định các vũ khí này có liên hệ hay không với khủng hoảng chính trị hiện tại.

Lãnh đạo Hồng Kông vào ngày thứ Bảy 14/12, sẽ tới Bắc Kinh, trong một chuyến công tác thường lệ. Bà Lâm cho biết sẽ báo cáo chi tiết với chính quyền trung ương về tình hình hiện nay tại đặc khu. Rất có thể bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga sẽ gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong dịp này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.