Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - TRUNG QUỐC

Trung Quốc tham vọng mua cả thế giới

Thời sự được nhiều báo Pháp ra hôm nay chú ý : NATO kỷ niệm 70 năm thành lập tại Luân Đôn trong bối cảnh liên minh này đang rệu rã chưa từng thấy. Hội nghị khí hậu quốc tế COP 25 báo trước bế tắc, khi các nước lớn vẫn thiếu quyết tâm chính trị chung. Tuy nhiên các báo dành khá nhiều dung lượng cho chủ đề Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng cốc chúc sức khỏe các đại diện tham dự diễn đàn Vành đai Con đường, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/04/2019
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng cốc chúc sức khỏe các đại diện tham dự diễn đàn Vành đai Con đường, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/04/2019 Nicolas Asfour/Pool via REUTERS
Quảng cáo

Nhật báo La Croix trở lại dự án Một vành đai Một con đường vẫn được báo giới quen gọi là « những con đường tơ lụa mới », một dự án đặc trưng cho tham vọng bành trướng của Trung Quốc ra thế giới. Nhật báo Công Giáo chạy tựa lớn trang nhất « Trung Quốc đang mua thế giới như thế nào ».

La Croix ghi nhận : « Từ khi được khởi xướng rầm rộ năm 2013, « những con đường tơ lụa mới » về mặt chính thức là nhằm mục đích kết nối thông thương giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, đến nay Bắc Kinh đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng kinh tế trên 5 châu lục với số tiền đầu tư hàng tỷ đô la. Tham vọng mới này của Trung Quốc ngày càng tỏ ra là mối đe dọa đối với các nước nhỏ ở châu Á, châu Phi và cả châu Âu. Các nước đó đang cảm thấy mình là con tin của chiến lược bá quyền, mà phía sau là các tham vọng quân sự ».

Trong vòng 6 năm, theo La Croix, số lượng các nước tham gia vào dự án « những con đường tơ lụa mới » đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên các tiếng nói phản bác và chỉ trích « đại dự án » này cũng bắt đầu nổi lên ở khắp nơi trên thế giới. La Croix bình luận : « Trung Quốc đã trỗi dậy, nhưng nó trỗi dậy như là một đe dọa trong một trật tự thế giới mới mà họ đang muốn làm chủ. « Giấc mơ Trung Hoa vĩ đại » của Tập Cận Bình đang biến thành cơn ác mộng đối với nhiều đối tác ».

Trọng điểm là các láng giềng Đông Nam Á

Trong dự án đầy tham vọng này, theo La Croix, Trung Quốc chú ý trước tiên vào khu vực Đông Nam Á, nhắm vào các « mắt xích yếu » như Cam Bốt, Lào, đồng thời Trung Quốc tiếp tục củng cố hiện diện tại Miến Điện, Thái Lan, Malaysia và Indonesia, những nước tập trung rất đông Hoa kiều (chiếm 80% Hoa kiều sống trên thế giới).

Tờ báo nêu ví dụ Cam Bốt, trong 5 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư vào nước này 5 tỷ đô la để xây dựng hạ tầng cơ sở, đường xá, sân bay và bất động sản. Cùng với đầu tư đó, khoản nợ Trung Quốc của Cam Bốt cũng đã chiếm tới 15% GDP. Tương tự như với Sri Lanka hay với Lào, nơi có gần « 40% đất đai nằm trong tay người Trung Quốc », một nhà ngoại giao châu Á tại Vientiane cho biết. Số nợ của Lào với Bắc Kinh còn chiếm tới 25% GDP.

La Croix cho biết, ở xa hơn là Pakistan, cảng Gwadar bên bờ biển Ả Rập, sẽ đón nhận 54 tỷ đô la đầu tư để trở thành cửa ngõ đi ra cho hàng hóa Trung Quốc. Đồng thời cảng này sẽ còn là điểm tiếp liệu cho các hạm đội tàu chiến Trung Quốc, trên đường sang phía Djibouti (82% nợ của nước này do Trung Quốc nắm). Từ năm 2017, tại căn cứ quân sự mới xây dựng ở Djibouti luôn có 10 nghìn quân Trung Quốc đồn trú. Ở Châu Phi, Trung Quốc đã cắm chân từ 10 năm qua, với những cái tên nổi bật như Angola, Ethiopia, Sudan, Kenya hay Cộng Hòa Congo.

Châu Âu đang trong thời kỳ khủng hoảng khó khăn cũng đã trở thành mục tiêu của Bắc Kinh. Trung Quốc đã mở cuộc tấn công từ 5 năm nay, với việc thôn tính từng phần hoặc toàn bộ hàng chục hải cảng lớn, chiếm 10% năng lực cảng biển của châu Âu. Trong số này, đặc biệt có cảng Piré của Hy Lạp, điểm trung chuyển quan trọng trên « các con đường tơ lụa mới » ở châu Âu, giờ đã nằm trong tay người Trung Quốc.

La Croix nhấn mạnh điểm mà Liên Hiệp Châu Âu lo ngại, không chỉ là con số 175 tỷ euro thâm hụt thương mại với Trung Quốc, mà còn là vấn đề chính trị và sự đoàn kết trong Liên Hiệp. Ví dụ cụ thể là Hy Lạp hồi đầu năm nay đã phản đối một nghị quyết của Châu Âu lên án chính sách nhân quyền của Bắc Kinh. Hungary, Ba Lan, Cộng Hòa Séc lần lượt tham gia sâu vào hệ thống « con đường tơ lụa » của Trung Quốc. Đến lúc này châu Âu đã bắt đầu thức tỉnh. Ý thức được mối nguy hiểm, mới đây Ủy Ban Châu Âu đã đánh giá Trung Quốc là đối thủ thường xuyên mang tính hệ thống.

Sri Lanka sập bẫy nợ Trung Quốc

Để thêm bằng chứng về chiến lược bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc, La Croix còn có bài phóng sự mang tiêu đề : « Sri Lanka rơi vào bẫy tín dụng Trung Quốc ».

Bài phóng sự cho thấy sự hào phóng của Trung Quốc đã giúp Sri Lanka có được nhiều công trình hạ tầng cơ sở. Nhưng mặt trái của nó là giờ đây Colombo đang rơi vào cảnh nợ nần chồng chất buộc phải nhượng dần cảng biển, đất đai cho người Trung Quốc. Cách đây hơn một thập kỷ, Sri Lanka sau một thời gian dài nội chiến triền miên, muốn có nguồn tiền để phát triển. Ngay lập tức Trung Quốc đã tỏ ra hào phóng giang tay giúp đỡ và giờ đây người Sri Lanka mới sực tỉnh ra rằng đất nước của họ đang dần nằm trong sự kiểm soát của người Trung Quốc qua các cảng biển, các đặc khu kinh tế cho thuê đất 99 năm. Sri Lanka trở thành một công trường lớn trong chiến lược « chuỗi ngọc trai » nhằm phong tỏa Ấn Độ. Sự hiện diện của Trung Quốc đang gây lo lắng thực sự cho người dân, cũng như một số chính giới của Sri Lanka.

NATO 70 tuổi: Liên minh trước nguy cơ tan rã ?

Chuyển qua với thời sự chính trong ngày với tiêu đề lớn của Le Figaro : « NATO : Thượng đỉnh trên nền khủng hoảng và chia rẽ ».

Hôm nay nguyên thủ các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Nato gặp nhau tại Luân Đôn trong lễ kỷ niệm 70 ký hiệp ước Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương, bảo đảm an ninh cho các nước châu Âu giữa thời kỳ chiến tranh lạnh. 70 năm sau, những đe dọa thời kỳ chiến tranh lạnh không những còn đó mà còn phức tạp hơn. Nhưng liên minh quân sự phương Tây đang đứng trước nhiều thách thức mới.

Một ngày trước, tổng thống Pháp đã tuyên bố rằng NATO đã « chết não ». Paris thừa nhận các thành viên NATO giờ đây không cùng nhìn theo một hướng. Trong đó đặc biệt có thành viên Thổ Nhĩ Kỳ đang một mình một ngựa đi theo hướng riêng, không tuân theo khuôn khổ hay quy định nào của liên minh. Bên cạnh đó là quan điểm bất thường không biết đâu mà lường của tổng thống Mỹ Donald Trump về mối quan hệ liên minh đã có lịch sử phát triển 70 năm này.

Trong loạt bài về sự kiện này, le Figaro có bài : « Trump muốn lôi kéo các đối tác vào cuộc đọ sức với Trung Quốc ». Bài báo ghi nhận, kỷ niệm ngày ra đời NATO tại Luân Đôn sẽ có có thể lại xảy ra những lời qua tiếng lại căng thẳng giữa Hoa Kỳ và các đồng minh. Trong những cuộc gặp thượng đỉnh NATO trước, ông Trump từng nhiều lần có những lời chỉ trích thô thiển về mối liên minh do chính Mỹ từng đóng góp nhiều công sức nhất cho sự ra đời và phát triển.

Trước khi lên đường sang Luân Đôn, tổng thống Mỹ đã hứa hẹn « sẽ đấu tranh vì nhân dân Mỹ » và ông tiếp tục phàn nàn nước Mỹ đóng góp quá nhiều cho liên minh. Ông Trump muốn cắt giảm đóng góp tài chính của Hoa Kỳ cho tổ chức. Hiện tại đóng góp của Mỹ chiếm 22%, ông Trump muốn giảm xuống 16%, tức là bớt đi khoảng 150 triệu đô la, khoản tiền không thấm vào đâu so với khả năng của Mỹ.

Theo Le Figaro, ngoài vấn đề tài chính, Hoa Kỳ còn muốn đề cập với các đồng minh về sự trỗi dậy thành cường quốc của Trung Quốc. Một quan chức Nhà Trắng đã nhận xét : « Trung Quốc đang tích cực tìm cách mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng trên khắp thế giới, kể cả trong các thành viên NATO…. Trung Quốc đề nghị các khoản vay ưu đãi, các khoản đầu tư và xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở, trong đó đặc biệt là các công trình cảng và mạng lưới điện. Họ tìm cách đưa các nước vào bẫy nợ, để rồi đổi lại bằng sự nhượng bộ về ngoại giao. Trung Quốc tìm cách phá hoại trật tự quốc tế dựa trên các quy định chung ».

Về sự chia rẽ của NATO, xã luận Le Figaro bình luận : « hãy lưu ý đến liều thuốc độc bất hòa. Ukraina, Syria, chống khủng bố, phòng thủ không gian mạng …. Không thiếu gì những thách thức mang tính tập thể. Trái lại, cứ phơi bày các bất đồng ra, cuối cùng sẽ là tai họa với Nato, như vậy thì Vladimir Putin sẽ không cần phải đánh cũng thắng ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.